Pháp Giới 9 tháng trước

Địa ngục là gì, có thật hay không? Lúc nào thì chúng ta bị đọa địa ngục?

Địa ngục là gì, có thật hay không? Cõi “địa ngục” nằm ở đâu? Nằm sâu trong lòng trái đất này hay giữa những hòn núi to lớn trong vũ trụ? Hay địa ngục chỉ là trạng thái của tâm thức?

1. Địa ngục là gì, ở đâu, có thật không?

Trước hết cần khẳng định, Địa ngục sau khi chết luôn là cõi dữ mà đạo Phật và các tôn giáo khác đều đề cập tới trong các giáo lý của mình. Và mỗi tôn giáo cũng nói về địa ngục theo cách riêng của tôn giáo đó. Ngay cả những người không tín ngưỡng một tôn giáo nào cũng luôn bị ám ảnh phải… đọa địa ngục, sau khi chết! Như vậy Địa ngục quả là đáng sợ. Vậy địa ngục có hay không?

Trả lời câu hỏi này thật không dễ, bởi là người phàm nên không ai có thể thấy được địa ngục sau khi chết cả – chỉ trừ đức Phật và các vị Thánh La Hán. Mặc dù vậy, chúng ta vẫn có được cái “thấy” bằng trí, bằng tuệ quán, căn cứ và Kinh điển Phật giáo.

Ta thấy, cả Phật giáo Nam tông và Bắc tông đều ghi nhận là có địa ngục sau khi người ta qua đời, và Địa ngục chỉ là một trong sáu cảnh giới ở cõi dục mà con người sẽ thác sinh vào.

Kinh Trường A hàm còn nói rõ vị trí Địa ngục nằm giữa núi Đại Kim cương thứ nhất và núi Đại Kim cương thứ hai, xung quanh là biển lớn bao bọc.

Luận lập thế A Tỳ Đàm chỉ rõ địa ngục ở ngoài núi Thiết Vĩ, đại địa ngục thì ở phía Nam thiệm Bộ châu. Luận Đại tỳ bà sa nêu rõ, có Cô địa ngục và Biên địa ngục nằm ở khắp nơi, trong bài thơ Khai hồng chung của Hòa thượng Thích Trí Quảng có nói đến “Địa ngục A tỳ thăm thẳm sâu”… Và những chúng sinh trong địa ngục đều có hình tướng xấu xí, kỳ dị, tâm thức luôn bị đau khổ bởi sự hành hạ, luôn đói khát và sợ hãi.

Kinh Vu Lan kể về bà Thanh Đề, mẹ Đại thánh Mục Kiền Liên đọa địa ngục do thời quá khứ vì sự sân hận mà phát lời nguyền tà ác, lại có hành vi phá hoại sự thanh tịnh của tăng chúng – trong địa ngục, khi bưng bát cơm ăn thì “cơm chưa vào miệng đã hóa than hồng” (Kinh Vu Lan). Rồi khi quả Địa ngục của bà Thanh Đề đã trả xong, do thời quá khứ lại từng cúng dường Chư tăng lon gạo nên bà liền được thác sinh vào cõi Trời.

Con người ta sau khi chết cứ phải Thọ sinh qua 6 cảnh giới như vậy, nên gọi là Lục đạo luân hồi. Ấy là sự thật của nhân quả nghiệp báo, là nét đặc sắc về giáo lý Nghiệp chỉ có ở đạo Phật – là tích cực, công bằng, khoa học bởi nó tôn vinh trách nhiệm và giá trị tự thân con người; thúc đẩy sự hướng thiện, sống đạo đức, theo lẽ phải.

Con người có thể khôn ngoan trốn tránh sự kết tội của pháp luật nhưng không thể chạy trốn sự trừng phạt của nghiệp báo nhân quả. Vì thế địa ngục là một cảnh giới, một cõi sống cụ thể, không phải là biểu tượng hay ẩn dụ.

Đức Phật khi thuyết minh về cảnh giới luôn bao gồm “Lý” và “Sự” rất rõ ràng, như đứng trên lập trường Duyên khởi thì, địa ngục hay vạn pháp đều không thật có, là không (vì nó duyên sinh, vô ngã); hay qua lăng kính “Tam giới duy tâm” thì Cực lạc hay địa ngục là tùy theo trạng thái tâm mình hạnh phúc hay đau khổ – nhưng điều ấy chỉ đúng về mặt “Lý”, trong quan niệm về cảnh giới mà thôi. Nếu thiên về “Lý” mà bỏ quên “Sự” sẽ dẫn đến những ngộ nhận đáng tiếc, nhất là sự (tức những việc làm, hành động cụ thể) phá kiến, không tin nhân quả, phủ nhận tội phước…

Do vậy, nếu thành tựu tuệ giác Bát Nhã như Phật hoặc các Thánh Tăng, La Hán thì vạn pháp đều không; còn đối với chúng sinh, phàm nhân do nghiệp lực nặng nề, vô minh che lấp thì vạn pháp đều có mà địa ngục là một cõi sống cụ thể.

2. Ai sẽ phải đọa vào địa ngục?

Địa ngục là một trong 6 cảnh giời ở cõi Dục mà con người sau khi chết sẽ thác sinh vào; còn vào cõi nào là tùy theo nghiệp đã tạo của người ấy khi còn sống. Sáu cảnh giới đó là: Trời – Atula – Người – Súc sinh – Ngạ quỷ và Địa ngục mà địa ngục là cảnh giới tồi tệ nhất trong 6 cảnh giới. Vì thế, sau khi chết phải “đọa địa ngục” thì không gì sợ hơn.

Sự kiến giải, ai sẽ phải đọa địa ngục sau khi chết dưới đây hẳn còn cạn hẹp nhưng căn bản đều được y cứ vào cái nhìn chính kiến trong kho tàng giáo lý nhà Phật.

Xem Thêm:   Chuyện vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc

Như ta biết, khi sự sống của con người chấm dứt thì việc có hay không phải đọa vào địa ngục mới xảy ra. Trong khoảng thời gian đã chết và thời gian chưa tái sinh vào một trong 6 cảnh giới nào ở cõi Dục, trải qua 49 ngày người chết có một cái “thân” mới gọi là Thân trung ấm, ngoại trừ các nhà tu hành đắc đạo hay có tâm thuần thiện thì tái sinh liền lên cõi Trời hoặc về Tịnh độ của Chư Phật. Những người cực ác cũng vậy: vừa tắc thở thì họ đọa ngay vào 3 đường ác: Súc sinh – Ngạ quỷ hay Địa ngục, không trải qua Thân trung ấm.

Có thuyết lại cho rằng hết thảy đều phải qua – chỉ khác là thời gian ngắn hay dài khi thọ Thân trung ấm. Riêng tôi cho rằng thuyết này có tính thuyết phục hơn. Thân trung ấm còn có tên gọi khác như: Thần thức, Hương ấm, A lại da tàng thức và cũng thường được gọi là Linh hồn nữa.

Thân trung ấm hay Linh hồn là trạng thái vi tế, khó thấy… mặc dù không có mắt, tai, mũi… như thân tứ đại lúc còn sống nhưng nó vẫn có khả năng thấy, nghe, hay biết, đi lại… dẫu đó chỉ là nghiệp thức biến hiện mà thôi. Và Thân trung ấm hay linh hồn cũng sẽ đi thọ sinh (đầu thai) vào loài nào trong 6 cảnh giới là tùy theo nghiệp lực mà họ đã tạo lúc còn sống.

Sự liên quan giữa Thân Ngũ ấm (sắc – thọ – tưởng – hành – thức) của người còn sống với Thân trung ấm (hay linh hồn) của người vừa qua đời được Kinh Đại Niết bàn nêu rõ: “Thân ngũ ấm hiện tại diệt, thì Thân trung ấm sinh. Thân ngũ ấm hiện tại chung cuộc chẳng thành Thân trung ấm. Thân trung ấm cũng không phải tự sinh, cũng chẳng phải tự nơi khác đến, nhưng do thân hiện tại mà có Thân trung ấm”. Và tiến trình sinh – diệt của Thân trung ấm chính là Duyên khởi bởi nó không có tự tính riêng biệt nên nó vô ngã vì thế Phật giáo đã bác bỏ quan điểm khi cho rằng có một “linh hồn bất tử”. Cái “thân” này là cái “thân” đã lìa khỏi xác vật chất mà thành. Và quan niệm về một cái “thân” trong Thân trung ấm ấy là… khó hiểu, là trừu tượng; vì thế nó từng là tâm điểm của nhiều cuộc tranh luận giữa các bộ phái Phật giáo trong lịch sử, cũng như ngay trong thời đại văn minh thế kỷ 21 bây giờ. Cũng bởi con người, bằng mắt phàm sao có thể… thấy linh hồn được! Vì thế, cho tới bây giờ, một số quan điểm vẫn cho rằng, Thân trung ấm hay Linh hồn là không có thật. Điều phủ định này giống như quan điểm của các nhà vật lý thời kỳ đầu đói với các cấu trúc vật chất mới, được phát hiện trong ngành vật lý lượng tử ngày nay.

Thật vậy, hết “hoài nghi” thì không còn khoa học. Chính vì có sự …. hoài nghi, khoa học mới có bước phát triển như ngày nay, với những thành quả vượt trội. Và Phật giáo luôn coi trọng sự hoài nghi, còn cho rằng, có Đại nghi mới dẫn đến Đại ngộ – như sự tìm đạo và thành đạo của đức Phật Thích Ca Mâu Ni là một minh chứng sinh động về chân lý đó.

Còn theo Đại trí độ luận, quyển 90 thì khẳng định: “Thân trung ấm chính là Thức”. Thực ra đây cũng là tên gọi khác của Thân trung ấm, như phần đầu bài viết đã đề cập. Bởi Thức, chính là một trong 5 uẩn (gọi là ngũ uẩn hay ngũ ấm) của người đang sống. Khi người ta qua đời thì 4 uẩn là: sắc – thọ – tưởng – hành, mất theo. Chỉ còn lại uẩn thức. Thức lưu giữ hết thảy các nghiệp thiện – ác của người đó; vì thế Thức này còn được gọi Nghiệp thức, tàng thức. Rồi cũng từ nghiệp thức được lưu giữ ấy, thì việc trả nghiệp mới được xẩy ra. Bởi, địa ngục không từ đâu tới, mà từ nghiệp tội hay phước của mỗi con người, sinh ra; và cũng không có một “đấng tối cao” nào đẩy con người đọa địa ngục cả. Còn việc “ai” sẽ phải đọa địa ngục hẳn cũng sẽ rất công bằng!

3. Lúc nào thì chúng ta bị đọa địa ngục?

Không phải đợi đến sau khi ta mất thân tứ đại nầy thì chúng ta mới bị đọa địa ngục, mà ngay trong lúc nầy và bất cứ lúc nào ta cũng có thể bị đọa địa ngục được.

Những lúc ta sân hận, tâm ta như thế nào? Thấy ai cũng muốn gây, thấy ai cũng muốn kiếm chuyện, như vậy ta không bị đọa địa ngục chứ là gì?

Cái trở ngại của ta là vô tình hay cố ý, ta thích bị đọa địa ngục hơn. Thói thường lúc nào ta cũng hay có khuynh hướng tìm những cái xấu của người, chứ không thường hay thấy cái hay, cái đẹp của người. Cái gì của người cũng dở, cái gì của ta cũng hay. Ta là trung tâm của vũ trụ. Dưới mắt ta thiên hạ chỉ là đồ bỏ. Chính cái trục trặc nầy của ta mà ta tự đọa ta vào địa ngục. Hãy ráng mà thấy cho được cái hay, cái đẹp của người thì cả người và ta sẽ thấy vui hơn, hạnh phúc hơn. Làm được như vậy là ta đang tránh xa địa ngục vậy. Nếu ta cứ chú tâm vào vũng bùn lầy thì cho đến bao giờ ta mới thấy những đóa sen. Khi cầu Phật trụ thế ở mình, xin hãy cầu Phật trụ thế ở người. Làm như vậy là ta đã tạo duyên lành cho rất nhiều vị Phật ở tương lai. Nếu chúng ta cứ mãi mê đi tìm toàn là những điều xấu nơi người thì một lúc nào đó ta sẽ thấy rằng cả thế giới nầy toàn là những người xấu không thôi. Tất cả những gì quanh ta chỉ là những xấu xa, chán chường. Nếu ai cũng đi bới móc những cái xấu của người thì cả cái thế giới nầy là cái địa ngục không hơn.

Xem Thêm:   Cấu dấu hiệu cảnh báo hết phước, nguyên nhân phước báu hết

Thỉnh Phật trụ thế ở mình và ở người liên quan với nhau. Tại sao vậy? Vì sự thông cảm không thể nào một chiều, mà phải từ hai phía. Cái thông cảm nầy phải đến từ người cho lẫn người nhận. Sự thông cảm giữa con người nó quan trọng cho xã hội giống như là ánh sáng mặt trời không thể nào thiếu được cho sự sống vậy. Nên nhớ rằng một người, cho dù hung ác, tàn bạo đến mức nào, thì trong cái chiều sâu tâm hồn họ cũng có một chút gì từ bi. Vấn đề đặt ra ở đây là chúng ta chịu đào sâu đến mức nào, thế thôi. Người tu theo đạo Phật, muốn tránh cảnh bị đọa địa ngục, chẳng những nhìn thấy cái phô bày ra, mà còn phải tìm hiểu cho được cái không phô bày ra. Phải hiểu cho được những cái nói và những cái không nói. Đó là cái thấy của trí tuệ, đó là cái thấy mà mọi Phật tử đều nên thấy.

Trong tương quan hằng ngày chúng ta nên nói ra sự thật. Nói ra sự thật để mà cùng nhau cải đổi, để cùng tiến bộ, chứ không nên để trong lòng mà oán hận nhau và gây đau khổ cho nhau. Là Phật tử, hãy luôn tâm niệm rằng địa ngục và giác ngộ không cách nhau xa lắm đâu. Hễ một lần mà vọng niệm khởi lên với những vui, buồn, thương, ghét, tham sân si, ấy là địa ngục. Hễ niệm đến, rồi niệm đi mà ta không mắc kẹt, ấy là là định tâm, ấy là giác ngộ.

Tu cho giải thoát khỏi cảnh địa ngục nên nhớ là ta phải ráng làm sao như bóng nhạn bay qua hồ. Bóng nhạn dưới đáy hồ tự nó đến rồi đi. Nhạn không cố tình để bóng dưới hồ, mà hồ cũng không cố tình giữ bóng nhạn. Trong cuộc sống hằng ngày, hãy ráng mà nhận diện cho ra được những gì trong tâm ta, biết ta đang nghĩ gì và đang làm gì. Sống được như vậy là ta đã sống trong tỉnh thức và an lạc. Cái niệm tự nó nó không sai, mà cái vội vã phán quyết của ta mới là phiền toái. Giống như cái niệm chim nhạn bay qua hồ tâm vậy. Ta biết ngay đấy, nhưng hồ không giữ bóng, thì nhạn cũng đâu cần lưu bóng lại hồ. Vọng niệm, nó tự đến rồi tự đi, nếu ta không giữ nó thì làm sao nó ngự trị được trong ta.

Tóm lại muốn tránh cảnh đọa địa ngục thì ta phải sống an trú trong hiện tại.

“Đừng tìm về quá khứ
Đừng nghĩ tới tương lai
Quá khứ đã không còn
Tương lai thì chưa đến
Hãy an trụ hôm nay.”

Hãy sống an trụ trong hiện tại. Chúng ta không thể nào kiểm soát được tất cả các niệm đâu. Hãy để cho nó khởi rồi tự nó tan biến thế thôi. Đừng chạy theo nó, đừng cố gắng đè nén nó; chúng ta không làm nổi chuyện đó đâu. Tâm chúng ta giống như một cái túi chứa niệm vậy. Nếu chúng ta cứ bỏ hết vào túi thì ô hô cái túi ấy làm sao mà chịu nổi. Thôi thì cứ để cho mọi niệm tự đến rồi tự đi để cho cuộc sống của ta được an nhiên tự tại.

Tóm lại, phút phút ta hãy ráng mà giữ cho được chánh niệm; phút phút hãy ráng mà giữ cho được những niệm lành trong ta; đừng để bị sa vào cõi địa ngục vô minh, si mê và hắc ám để rồi phải chịu những hình phạt khổ đau. Hễ đau ít là địa ngục nhỏ, mà đau khổ nhiều là địa ngục lớn. Còn nếu ta cứ mãi tạo ác thì chắc chắn đời nầy đã chịu đau khổ không ngừng rồi, mà khi chết đi lại phải sa vào Vô Gián địa ngục để ngày đêm nhận chịu đau khổ triền miên.

4. Người Phật tử tu thế nào để không bị đọa địa ngục?

Trong kinh Phật nói có ba đường ác, đó là địa ngục, quỷ đói và súc sinh, vậy chúng ta phải tu như thế nào để không bị đọa vào ba đường dữ đó?

Xem Thêm:   Ngày vía đức Bồ Tát Quán Thế Âm xuất gia 19/09 âm lịch

Trước tiên phải quy y Tam bảo để làm người phật tử chân chính và sau đó phát nguyện giữ gìn năm điều đạo đức: Không giết hại, không gian tham trộm cướp, không tà dâm, không nói dối hại người và dùng các chất kích thích độc hại như rượu bia, xì ke ma túy… Nếu ai giữ được những giới này thì chắc chắn không bị đọa vào ba đường dữ đó là địa ngục, quỷ đói và súc sinh.

Người Phật tử hãy nên nhớ, bước đầu tu theo Phật là quy y Tam bảo, tức chúng ta tạo ba chánh nhân thiện lành, tốt đẹp.

Nhân thứ nhất là không giết người, nặng hơn nữa là giết cha mẹ, giết người tu hành chân chính và không giết hại các loài vật. Nhờ vậy tâm trí ta sáng suốt, nên không bị u mê, tối tăm che mờ, do đó không bị đọa vào địa ngục bởi nhân giết hại quá tàn nhẫn.

Nhân thứ hai là nhờ có lòng từ bi, thương yêu nhân loại bình đẳng bằng trái tim có hiểu biết, nên không bao giờ bị đọa vào chỗ ngạ quỷ, tức quỷ đói bởi do lòng tham lam ích kỷ quá mức.

Nhân thứ ba là nhờ quán chiếu, chiêm nghiệm, xem xét, nên ta phát sinh trí tuệ, mà không bị đọa vào chỗ súc sinh bởi ngu si.

Ba chánh nhân này giống như cái đỉnh ba chân giúp chúng ta tiến bước vững vàng trên con đường tu học, đó tâm sáng suốt, lòng từ bi thương xót và trí tuệ hiện tiền nên chuyển hóa soi sáng muôn loài vật. Muốn không đọa địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh thì ta phải giữ giới không giết người, hại vật, không trộm cướp, không tà dâm, không nói dối, lường gạt và không uống rượu say sưa, hay dùng các chất độc hại như là xì ke, ma túy, thì chúng ta tránh khỏi bị người thù hằn oán giận, tránh khỏi nhân giết hại lẫn nhau, tránh khỏi nhân si mê và tù tội.

Giữ được đầy đủ những giới pháp như vậy thì hiện tại chúng ta không bị người thù oán, rình rập giết lại, không phải bị tù tội vì vi phạm pháp luật, không bị ai phá hoại hạnh phúc gia đình, không bị ai lường gạt, hãm hại và không si mê, tối tăm nên sống đời bình yên, hạnh phúc. Thế cho nên, khi chúng ta đến với đạo Phật, nếu biết tu thì được hưởng nhân nào quả nấy tốt đẹp, còn không biết tu thì phải chuốc lấy khổ đau. Ai muốn đi tới chỗ tốt, hưởng điều tốt, thì phải dứt ác làm lành. Từ nhân đi đến quả chứ không có cái ngẫu nhiên, cũng không có ai ban phước, giáng họa cho ta hết.

Người làm phước nhiều mà không quy hướng Tam bảo và không giữ giới trong sạch, thì được hưởng quả vị giàu có, quyền cao chức trọng, lãnh đạo nhiều người, nhưng lại tham lam ích kỷ cho gia đình mình, đất nước mình, nên có khi lại muốn xâm lược nước khác để chiếm đoạt tài nguyên thiên nhiên và bắt con người làm nô lệ.

Chúng ta gieo tạo nghiệp báo không đồng, con người càng giỏi thì càng độc tài, chỉ có người biết tu nhân tích đức, tin sâu nhân quả mới giàu lòng vị tha, còn tất cả chỉ vì lợi ích cá nhân, lợi ích gia đình và cao hơn nữa là lợi ích đất nước, nên thế giới lúc nào cũng tranh giành, giết hại lẫn nhau là vậy đó!

Đức Phật vì lòng từ bi rộng lớn, thương xót mọi người nên khuyên chúng ta tin sâu nhân quả, kính tin Tam bảo và giữ giới trong sạch, thì tránh được tai nạn binh đao, tàn sát giết hại lẫn nhau vì quyền lợi riêng tư. Đó là một sự thật mà thế giới con người ít ai quan tâm đến, nên chiến tranh cứ xảy ra mà không có ngày thôi dứt. Nhân giết hại dẫn đến chiến tranh hận thù vay trả, chiến tranh tiếp diễn dẫn đến con người oán giận thù hằn, tàn sát giết hại lẫn nhau không thương tiếc.

Là người Phật tử chân chính, chúng ta cần phải chiêm nghiệm kỹ chỗ này để không còn bị quả báo si mê lầm lạc và sẽ sống thương yêu nhau bằng trái tim hiểu biết, với lòng vô ngã, vị tha. Một người biết giữ gìn năm giới trong sạch như không giết hại, trộm cướp, tà dâm, nói dối hại người và dùng những độc tố có hại cho chính mình như rượu, xì ke ma túy thì chắc chắn sẽ sống bình yên, hạnh phúc ngay trong giờ phút hiện tại.

Và tiến tới xa hơn nữa, gia đình nào, đất nước nào biết giữ gìn năm giới trọn vẹn và có lòng tín kinh đối với Tam bảo, thì chúng ta sẽ sống an lạc thái bình ngay nơi cõi đời này mà không cần tìm cầu đâu xa. Chúng ta sẽ không bao giờ bị chiến tranh, binh đao, sóng thần, động đất, lũ lụt, tai nạn bất ngờ và dịch bệnh nan y làm tổn hại vì nhân quả rất công bằng, thì ngay nơi đây là Cực lạc hiện tiền.

Tâm Hướng Phật tổng hợp!

Nguồn: Tâm Hướng Phật ( https://tamhuongphat.com/ )

4 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog