Điểm khó khăn nhất khi hành trì phương pháp niệm Phật là dễ bị xen lẫn những vọng tưởng. Vậy niệm Phật bị vọng tưởng có tội hay không?
1. Niệm Phật là gì?
Chữ Niệm có nghĩa là nhớ, suy nghĩ, chữ Phật lại có nghĩa là giác. Như vậy, niệm Phật tức là chúng ta luôn luôn nhớ, nghĩ đến Phật hay nói rộng hơn là chúng ta luôn sống trong tỉnh thức và có chánh niệm trong mọi hành động.
Khi tâm ta bị chi phối bởi những tạp niệm thì ta sẽ dùng tiếng niệm Phật để lấn áp đi những dòng suy nghĩ tạp niệm ở trong lòng và có thể đặt tâm mình vào trong xâu chuỗi mà khi ta đang hành trì.
Lúc này, tiếng niệm Phật sẽ dần dần đi vào nội tâm ta và bản thân mình cần phải xóa bỏ đi những uế trược, phiền não trong lòng, từ đó ta có thể gạn lọc và chuyển đổi tâm của ta từ cái ác trở thành thiện, từ tạp niệm chi phối đưa đến sự thanh tịnh và giống với cảnh giới của chư Phật.
2. Niệm Phật bị vọng tưởng có tội hay không?
Niệm Phật là pháp môn tu Tịnh độ, đây là cách tu tập dễ nhất trong các pháp môn và phù hợp với cuộc sống hiện đại đầy bận rộn. Tuy nhiên, điểm khó khăn nhất khi hành trì phương pháp niệm Phật là dễ bị xen lẫn những vọng niệm mất đi sự tập trung. Vậy niệm Phật bị vọng niệm có tội không?
Niệm Phật vọng tưởng không có tội. Chẳng qua điều không đạt được hiệu quả như niệm Phật có chánh niệm mà thôi.!
Bước đầu cầm chuỗi niệm Phật rất khó để tập trung vào hồng danh niệm Phật. Tuy nhiên, nhờ chúng ta niệm kiên trì như vậy mà bớt dần vọng tưởng. Cho nên khi chúng ta chí tâm niệm Phật sẽ cảm nhận được tâm mình được an tịnh, những lo lắng, những sân si những thù hận những bực tức, những giao động của tâm chúng ta tự lắng dịu dần. Và khi chúng ta niệm Phật và càng khắc kỹ câu niệm Phật trong lòng sâu chừng nào thì những thái độ về trạng thái tâm lý lo sợ giận dữ buồn vui, nó tự lắng dần, lắng dần trong tâm chừng ấy.
Sự thật ra con người chúng ta vốn vọng tưởng, bản chất con người vốn dao động, bản chất con người chúng ta vốn sân si, vốn thù hận nhưng mà khi chuyên tâm niệm Phật những cái đó bớt dần trong tâm. Nhưng một người thành tâm niệm Phật không thể vừa thành tâm niệm Phật mà vừa nghĩ cách giết người hay là nghĩ cách hại người, nghĩ cách trả thù được.
Cho nên ở đây khi chúng ta niệm Phật thì tất cả tâm niệm của chúng sinh, của phàm phu, của tà niệm bắt đầu trổi dậy. Vì thế một người nhiều đau khổ, một người ghen tức, một người nhiều phiền lụy thì quý thầy hay khuyên con cố về niệm Phật đi, cái người đó về niệm Phật thời gian cái nó tự nhiên hết hoặc là nó bớt đi thì người này nghĩ rằng nhờ niệm Phật nên Phật ban phước để cho mình hết đi cái này, không phải.
Đây là một quy trình ứng dụng mà chúng ta nhận được thành quả rõ ràng nhất nếu kiên trì công phu tu tập. Cũng ví như có một chậu nước đục, vô tình chúng ta lấy cục phèn và thẩy vô nhưng không cố ý. Sau một thời gian nước vẫn trong.
Như vậy thì một câu niệm Phật dù không có ý niệm giải thoát nhưng đã niệm một câu niệm Phật trong lòng thì khả năng giác ngộ hay khả năng để thành Phật, khả năng làm an dịu tâm hồn chúng ta nó có trong lòng chúng ta rồi.
Cho nên kinh Pháp Hoa mới có câu:
Nhược nhơn tán loạn tâm
Nhập ư tháp miếu trung
Nhất xưng nam mô Phật
Giai dĩ thành Phật đạo
Nghĩa là: Một người trong lòng tán loạn nhưng khi vào tháp miếu của Phật chỉ cần xưng câu nam mô Phật thôi thì người đó đã có nhân tố để thành Phật.
Tóm lại niệm Phật bị vọng niệm có tội không? Hoàn toàn là không. Đừng nên suy nghĩ quá bi quan để tạo cho mình sự khó khăn trên bước đường tu tập.
3. Niệm Phật tiêu tội chướng, phước tuệ sanh
Chúng ta hàng ngày dụng công niệm Phật, tội chướng sẽ được tiêu diệt, thiện căn phước đức trí tuệ cũng từ nơi đó mà tăng trưởng; và bao nhiêu phiền não tri chướng cũng sẽ từ đó mà đứt sạch.
Khi niệm Phật chúng ta tập trung toàn bộ tinh thần vào câu niệm Phật, không phân biệt có người niệm và danh hiệu Phật đang niệm; được như vậy thì mới đạt được tối an lạc của sự niệm Phật.
Tâm chuyên chú vào danh hiệu A Di Đà Phật, thì phiền não nhiễm tình vọng động mới dứt, tâm thanh tịnh mới hiển bày, tội chướng nghiệp lực từ vô thủy dần dần tiêu diệt, trí tuệ phát sanh.
Tâm chúng sanh xưa nay vốn đầy đủ các đức tướng đại từ đại bi, đại nguyện, đại hạnh, đại trí, đại lực… nhưng vì mê theo trần cảnh, nên không thường hay chiếu diện. Các vị Bồ Tát đã nhiều đời tu lục độ vạn hạnh, phá trừ nhiều phần vô minh phiền não nên thường hay hiển bày các đức tướng diệu dụng ấy, mà, độ thoát chúng sanh ra ngoài vòng sanh tử. Ngài Văn Thù Bồ Tát là đại diện cho đại trí, Quán Thế Âm Bồ Tát là đại bi, Địa Tạng Bồ Tát là đại nguyện, Phổ Hiền Bồ Tát là đại hạnh, Di Lặc Bồ Tát là đại hỷ… chúng ta hiện thời vì vô mình dày đặc nên không có khả năng hiển bày các đức tướng như các ngài; nên ngày ngày chúng ta phải nương nhờ công đức năng lực của sáu chữ: “Nam Mô A Di Đà Phật” mà hiển bày các đức tướng vi diệu nơi tâm.
Do vì chúng ta là kẻ phàm phu tội chướng sâu dày không có một chút công đức khả dĩ để tự bố thí cho chính mình, cũng như giúp đỡ cho mọi người chung quanh đang cần các vị Bồ Tát đã và đang làm; nên ta nương nhờ nơi câu thánh hiệu của Phật A Đi Đà đầy đủ công đức trí tuệ vô lượng vô biện, mà, làm người chủ nhân mang phước đức trí tuệ ấy đến với mọi người. Giống như ta vốn không có một đồng xu, nhưng cha mẹ ta là người giàu có nhất vùng; do đó mà ta có thể nương nhờ nơi tài sản của cha mẹ, để làm việc bố thí cơm gạo cho những người khốn cùng.
Công đức của Thánh hiệu Di Đà không lường như hư không, tuy không có hình dạng nhưng tất cả những núi sông, rừng biền, mặt trời, mặt trăng… không một vật nào mà không nằm trong hư không. Cũng vậy, niệm danh hiệu Di Đà là niệm vô lượng hằng sa công đức của lục độ vạn hạnh. Vì sao? Bởi vì Di Đà Như Lai đã từ vô lượng hằng hà sa số kiếp tu hành lục độ vạn hạnh, chứa đầy công đức vô lậu như hư không, trang nghiêm Phật quốc Tịnh Độ.
Hài nhi sanh ra đời bú sữa mẹ để lớn, trong lúc bú sữa mẹ để lớn, trong lúc bú sữa mẹ, hài nhi không biết rằng thân thể mình lớn khôn là do nơi sữa của người mẹ; cũng không biết khi bú như vậy khiến cho thân thể người mẹ bị tổn giảm nên không nhận thức được công khổ khó nhọc của người mẹ nuôi con. Hài nhi phải cần bú sữa mỗi ngày thì thân mới khỏe mạnh và lớn nhanh, không có bệnh hoạn; nếu bú sữa không đủ thì hài nhi sẽ bị bệnh và ốm yếu. Cũng thế, sáu chữ Di Đà Thánh hiệu có năng lực nuôi dưỡng Pháp thân tuệ mạng của ta trưởng thành từng giờ từng ngày, nếu chúng ta niệm Phật thường xuyên không gián đoạn; bằng ngược lại chẳng những trí tuệ không phát sinh mà phiền não tội chướng lại tăng trưởng, như em bé bú sữa không đều sanh ra bệnh hoạn.
Do công đức vô lượng của sự niệm Phật như vậy: thỉnh chư vị cùng niệm Phật để tội chướng từ nhiều đời nhiều kiếp được tiêu diệt và, phước huệ cũng từ nơi đây mà sanh trưởng. Nam Mô A Di Đà Phật! –“Thượng tọa Thích Phước Nhơn”.
Tamhuongphat.com/TH!