Lục đạo luân hồi hay sáu cõi luân hồi là một mô tả về sự tồn tại có điều kiện dẫn đến nơi mà chúng sinh được tái sinh, bao gồm cõi Trời, Atula, Người, Súc Sanh, Ngạ Quỷ, Địa Ngục.
Lục đạo luân hồi hay sáu cõi luân hồi là một mô tả về sự tồn tại có điều kiện dẫn đến nơi mà chúng sinh được tái sinh. Đôi khi chúng được biết đến như những cảnh giới “thực”, nhưng ngày nay, 6 cõi thường được xem như một “phương tiện” giảng dạy thông qua các câu chuyện ngụ ngôn.
Trạng thái tồn tại của một người được xác định bởi nghiệp lực. Một số cõi dường như dễ chịu hơn những nơi khác – cõi trời tốt hơn địa ngục – nhưng tất cả đều là tạm thời và không hoàn hảo. Sáu cảnh giới tái sinh thường được minh họa bởi Bánh Xe Sự Sống hay Vòng Luân Hồi.
Lục đạo luân hồi này thuộc cõi Dục giới. Trong vũ trụ Phật giáo cổ đại, Tam giới bao gồm 3 giới như: Vô sắc giới – thế giới vô tướng; Sắc giới – thế giới của hình thức; và Dục giới – thế giới của ham muốn. Ngoài ra, trong Tam giới còn phân chia ra thành 31 cõi khác nhau.
Xin lưu ý rằng ở một số tông phái Phật giáo, cõi Trời và cõi Atula được kết hợp lại nên chỉ còn 5 thay vì 6 cảnh giới tái sinh.
Trong Phật giáo Đại thừa, các vị Bồ tát hiện thân ở nhiều cảnh giới khác nhau để giúp chúng sinh thoát khỏi đau khổ. Đó có thể là Quán Thế Âm, Bồ Tát từ bi trong cõi Ta-bà. Hoặc có thể là Bồ Tát Địa Tạng, người đã thực hiện một lời thề nguyện nhằm cứu tất cả chúng sinh trong cõi địa ngục.
1. Lục đạo luân hồi trong phật giáo
Cõi Trời
Trong truyền thống Phật giáo, cõi trời là nơi những người tích lũy nhiều phước báu từ nhiều kiếp được tái sinh. Họ sống trong sự giàu có, hạnh phúc với cuộc sống lâu dài. Tuy nhiên, những người ở cõi trời cũng già đi và chết.
Họ được xem như những vị tiên có quyền năng, ban phước hoặc trừng phạt những chúng sinh ở các cõi thấp hơn. Điều này cũng tương tự như chúng ta, con người có quyền cung cấp thức ăn cho con gà hoặc giết chết nó. Hiểu theo cách này, nhiều chúng sinh ở cõi người thường xuyên cúng bái và cầu xin những vị thần tiên này.
Do hưởng được nhiều phước báu và vị thế cao quý từ nhiều kiếp, một trong số họ chìm đắm vào cuộc sống ở cõi trời, khiến họ dần quên đi những việc thiện mà họ đã làm trước đây, họ không tiếp tục nuôi dưỡng và phát triển tâm từ bi và trí tuệ. Những cám giỗ này có thể khiến họ tái sinh vào các cảnh giới thấp hơn sau khi hưởng hết phước báu và không thể thoát ra khỏi vòng luân hồi sinh tử.
Cõi A-tu-la
A-tu-la là những sinh vật mạnh mẽ, đầy tài năng và đôi khi được mô tả như là kẻ thù của cư dân trên cõi trời. A-tu-la biểu trưng cho sự phẫn nộ, thù hận và “ghen ăn tức ở” những người tài giỏi hơn mình.
Những người luôn mong muốn vượt trội hơn người khác, không có sự kiên nhẫn, công bằng đối với những người thấp kém hơn, họ thích được sùng bái như các vị thần. Nhưng phúc đức kém hơn người cõi trời nên dẫn đến thù hận và ganh ghét, điều này đã khiến họ tái sinh trong cảnh giới A-tu-la.
Cõi Ngạ Quỷ
Ngạ quỷ hay những con ma đói được mô tả như những sinh vật có bụng to, trống rỗng nhưng họ có miệng và cổ nhỏ đến mức không thể nuốt được. Ngạ quỷ tượng trưng cho những người luôn khao khát tìm kiếm cái gì đó bên ngoài để thỏa mãn sự thèm muốn bên trong. Những người tham lam vô độ, thèm khát, vơ vét mọi thứ về cho mình nhưng không bao giờ cảm thấy thỏa mãn sẽ tái sinh vào cảnh giới ngạ quỷ.
Cõi Địa Ngục
Như tên gọi, địa ngục là nơi khủng khiếp nhất trong sáu cảnh giới tái sinh. Cũng giống như nhiều tôn giáo khác, đó là nơi mà những người tàn ác bị đày xuống để trải nghiệm sự đau khổ mà họ đã gây ra.
Những người nhận thức được cái nào tốt, cái nào xấu nhưng lại không tin vào nhân quả, làm vô số việc ác chỉ để thỏa mãn bản thân mình… sẽ bị nghiệp lực dẫn dắt tái sinh vào địa ngục. Khác với một số tôn giáo khác, theo Phật giáo thì những người bị đày xuống địa ngục vẫn có thể tái sinh vào các cảnh giới cao hơn khi đã trả hết nghiệp.
Địa ngục trong Phật giáo phân chia thành nhiều tầng khác nhau phụ thuộc vào mức độ và hành vi mà chúng sinh đã gây ra. Theo một số văn bản ghi lại, những người bị đày xuống địa ngục phải trải qua nhiều mức độ đọa đày đau khổ, sau đó được “tịnh dưỡng” để chuẩn bị cho lần đọa đày tiếp theo.
Cõi Súc Sinh
Cõi súc sinh bao gồm các loài động vật, côn trùng hay vi sinh vật… được đánh dấu bằng sự thiếu hiểu biết, thành kiến và tự mãn. Họ sống theo bản năng, không nhận thức được tốt-xấu, thiện-ác và cố tránh khỏi sự khó chịu hoặc bất cứ điều gì không quen thuộc.
Cõi Người
Cõi người là cõi lý tưởng mà từ đó chúng sinh có thể thoát khỏi lục đạo luân hồi. Cảnh giới này được xem là có nhiều điều thuận lợi để tu tập giải thoát, từ việc có ý thức cho đến các thử thách và lợi lạc trong cuộc sống giúp con người nhận ra đâu là hạnh phúc đích thực và nỗ lực hết mình để đạt giác ngộ.
Tuy nhiên, vì sự phức tạp trong cảnh giới này nên nhiều người dành hầu hết thời gian để trốn tránh đau khổ và trải nghiệm thú vui của cuộc sống, đôi lúc có hành động và ý nghĩ không tốt tạo nên nghiệp bất thiện khiến họ vẫn tái sinh ở cõi người hoặc các cảnh giới thấp hơn.
Cõi người tượng trưng cho niềm đam mê, hoài nghi và ham muốn. Giác ngộ đang ở trong tầm tay của loài người, nhưng chỉ một số ít nhận ra và quyết tâm khai mở nó.
2. 31 cõi trong Tam Giới
Con người được coi như một tiểu thiên địa, một vũ trụ thu nhỏ. Vũ trụ bao la có vô số hệ mặt trời có sự sống giống như trái đất. Một hệ mặt trời mà có 1 hành tinh có sự sống có thể tạm gọi là Tam Giới.
Trong Abhidhamma chương 10 có nói về Tam Giới và nó có 31 cõi được phân loại như sau: 11 cõi dục giới, 16 cõi sắc giới, 4 cõi vô sắc giới. Mỗi cõi có cấu tạo vật chất hoàn toàn khác nhau. Tiểu Thế Giới gồm 1.000 cái Tam Giới, Trung Thế Giới gồm 1.000 Tiểu Thế Giới, Đại Thế Giới gồm 1.000 Trung Thế Giới. Còn Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới là vô tận.
Tam giới phát triển qua 4 giai đoạn: Thành, Trụ, Hoại, Không. Một chu kỳ Thành, Trụ, Hoại, Không của Tam Giới gọi là Trụ Kiếp, 4 Trụ Kiếp được gọi là Đại Kiếp. Các dạng sống trên Tam Giới thường khởi đầu bằng sự Hóa Sanh khi hội đủ Duyên hay điều kiện. Sau đó mới có Thai Sanh, Noãn Sanh. Một năm thế gian tính tương đối là 365 ngày.
Dục giới gồm có 11 cõi : 4 cõi khổ và 7 cõi thiện dục giới như sau:
1. Ðịa Ngục (Niraya): Cõi này chỉ có mọi sự thống khổ chứ không có sự an vui, nơi mà các chúng sinh Tự Trừng Phạt do các Ác Nghiệp đã tạo. Cõi khổ có tuổi thọ không nhất định.
2. Ngạ Quỷ (Pettivisaya): Chúng không phải là ma quỷ vô hình, chúng có sắc thân nhưng mắt người không thể thấy được. Chúng không có cảnh giới riêng và luôn luôn bị đói khát. Chúng sống ở nhiều nơi khác nhau, nhà dân, rừng núi, hang động hay các chỗ nhớp nhúa. . . Cõi khổ có tuổi thọ không nhất định.
3. Súc Sanh (Tiricchānayoni): Các sinh vật đi ngang, bò đi, không đi thẳng như người, còn gọi là Bàng sanh, gần như là tất cả sinh vật bình thường trừ con người. Cõi khổ có tuổi thọ không nhất định.
4. A-Tu-La (Asurakāya): Asura nghĩa là những vị không có hoan lạc hay không chói sáng. Những chúng sanh này rất hung dữ, hay gây gổ. Loại A-Tu-La sanh ở đây không giống với loại A-Tu-La chư thiên chuyên gây chiến với chư thiên và sống ở cõi Tam Thập Tam Thiên. Cõi khổ có tuổi thọ không nhất định.
5. Cõi người (Manussa): những người có tâm cao thượng, do đó phải hiểu rằng được làm người là rất khó, tất cả mọi đứa trẻ bình thường được sinh ra đều là những thiên thần, chính cuộc sống và những người xung quanh biến chúng thành quái dị, con người là cái gì đó rất thiêng liêng và cao quý.
6. Tứ Thiên Vương (Cātummahārājika): đây là cõi thấp nhất trong các cõi chư thiên. Tuổi thọ 9.000.000 tuổi người. Dưới nó còn có các chư thần thấp hơn như sơn thần, thổ địa, thánh mẫu … (thường 1 ngày của họ bằng 1 tháng, 1 năm hoặc hơn tùy theo tầng cao hay thấp)
7. Tam Thập Tam Thiên (Tāvatimsa): Ðế Thích (Magha) cư ngụ ở đây. Sở dĩ gọi như vậy vì theo tích truyện có 33 vị dưới sự hướng dẩn của Ðế Thích đã làm những việc thiện và được tục sinh tại đây. Tuổi thọ 36.000.000 tuổi người.
8. Dạ Ma Thiên (Yāma): Yam nghĩa là tàn phá, diệt trừ. Nơi đây mọi đau khổ đều được trừ diệt. Tuổi thọ 144.000.000 tuổi người.
9. Ðâu Suất Ðà Thiên (Tusita): những vị sống sung sướng. Theo tục truyền, vị Bồ Tác tương lai (Di Lặc) đang sống tại đây và chờ cơ hội thuận tiện để tái sinh làm người và thành Phật. Tuổi thọ 576.000.000 tuổi người.
10. Hóa Lạc Thiên (Nimmānarati): những vị sống hoan lạc trong những lâu đài tự tạo ra. Tuổi thọ 2.304.000.000 tuổi người.
11. Tha Hóa Tự Tại Thiên (Paranimmitavasavatti): những vị đem dưới quyền của mình các vật do các vị khác đã hóa hiện. Tuổi thọ 9.216.000.000 tuổi người.
Sắc Giới gồm 16 cõi:
Cõi Sơ Thiền Sắc Giới có:
Phạm Chúng Thiên (Brahmapārisajjā): đây là cảnh giới thấp nhất. Những vị sanh ra ở đây là đồ chúng của Ðại Phạm Thiên (Mahābrahmā). Tuổi thọ 1/3 Trụ Kiếp.
Phạm Phụ Thiên (Brahmapurohitā): những vị sanh ra ở đây sẽ là phụ tá cho Ðại Phạm Thiên. Tuổi thọ 1/2 Trụ Kiếp.
Ðại Phạm Thiên (Mahābrahmā): các vị sanh ở đây có hình thái đẹp, hưởng nhiều hạnh phúc và sông lâu hơn các vị sinh trong 2 cảnh trời trên. Tuổi thọ 1 Trụ Kiếp.
Cõi Nhị Thiền Sắc Giới có:
Thiểu Quang Thiên (Parittābhā). Tuổi thọ 2 Đại Kiếp.
Vô Lượng Quang Thiên (Appamānābhā). Tuổi thọ 4 Đại Kiếp.
Quang Âm Thiên (Ābhassarā). Tuổi thọ 8 Đại Kiếp.
Cõi Tam Thiền Sắc Giới:
Thiểu Tịnh Thiên (Parittasubhā). Tuổi thọ 16 Đại Kiếp.
Vô Lượng Tịnh Thiên(Appamanāsubhā). Tuổi thọ 32 Đại Kiếp.
Biến Tịnh Thiên (Subhakinhā). Tuổi thọ 64 Đại Kiếp.
Cõi Tứ Thiền Sắc Giới có:
Quảng Quả Thiên (Vehapphalā). Tuổi thọ 500 đại kiếp.
Vô Tưởng Thiên (Asaññasattā). Tuổi thọ 500 đại kiếp.
Vô Phiền Thiên (Avihā). Tuổi thọ 1.000 đại kiếp, nhóm cõi Phước Sanh Thiên.
Vô Nhiệt Thiên (Atappā). Tuổi thọ 2.000 đại kiếp, nhóm cõi Phước Sanh Thiên.
Thiện Hiện Thiên (Sudassā). Tuổi thọ 4.000 đại kiếp, nhóm cõi Phước Sanh Thiên.
Thiện Kiến Thiên (Sudassì). Tuổi thọ 8.000 đại kiếp, nhóm cõi Phước Sanh Thiên.
Sắc Cứu Kính Thiên (Akaniṭṭhā). Tuổi thọ 16.000 đại kiếp, nhóm cõi Phước Sanh Thiên.
Vô Sắc Giới gồm 4 cõi:
Không Vô Biên Xứ Thiên (Ākāsānañcāyatanabhūmi). Tuổi thọ 20.000 đại kiếp.
Thức Vô Biên Xứ Thiên (Viññānancāyatanabhūmi). Tuổi thọ 40.000 đại kiếp.
Vô Hữu Xứ Thiên (Ākiñcāññāyatanabhūmi). Tuổi thọ 60.000 đại kiếp.
Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ Thiên. (Nevasaññānāsaññāyatanabhūmi). Tuổi thọ 84.000 đại kiếp.
Theo lời của Đức Phật Thích Ca thì có thể Thiền Tuệ đạt đến Diệt Thọ Tưởng Định, lúc đó sẽ là Vô Sinh – Vô Diệt, thoát khỏi sinh tử luân hồi.
Tâm Hướng Phật/Tổng hợp!