Kiếp là gì? Kiếp theo quan niệm của Phật giáo
Pháp Giới 5 tháng trước

Kiếp là gì? Kiếp theo quan niệm của Phật giáo

Kiếp, dịch âm kiếp ba từ chữ Phạn Kalpa, là tên gọi chung một đơn vị thời gian của Ấn Độ cổ đại, để tính những khoảng thời gian dài.

1. Kiếp là gì?

Kiếp, dịch âm kiếp ba từ chữ Phạn Kalpa. Danh từ Kalpa không phải do Phật giáo sáng tạo, mà là tên gọi chung một đơn vị thời gian của Ấn Độ cổ đại, để tính những khoảng thời gian dài, cũng như từ sát-na (ktana) cũng là một đơn vị thời gian chỉ khoảng thời gian ngắn. Nói dài thì có thể dài vô hạn, mà nói ngắn thì cực ngắn như một sát na.

Nhưng, thông thường, từ “kiếp” được dùng để chỉ khoảng thời gian dài của thế giới ta bà, nơi chúng ta ở, kinh Phật nói kiếp có 3 cấp:

Thứ nhất là kiếp nhỏ (tiểu kiếp) được tính theo thọ mệnh của loài người trên địa cầu này. Từ mức thọ mệnh dài nhất là 84.000 tuổi, cứ quá 100 năm, giảm một tuổi, giảm tới khi thọ mệnh người chỉ còn 10 tuổi, giai đoạn này gọi chung là giảm kiếp. Rồi, từ thọ mệnh 10 tuổi, qua 100 năm, tăng thêm một tuổi, cho đến khi đạt mức thọ mệnh 84.000 tuổi, gọi chung là tăng kiếp. Quá trình thời gian một lần giảm một lần tăng như vậy gọi là một kiếp nhỏ (tiểu kiếp).

Cấp thứ hai là kiếp trung bình (trung kiếp). Hai mươi tiểu kiếp gộp lại thành một trung kiếp. Theo sách Phật, địa cầu nơi chúng ta ở, diễn biến qua bốn giai đoạn lớn: Thành (hình thành), Trụ (tồn tại), Hoại (hủy hoại), Không (thành hư không). Mỗi giai đoạn lớn như vậy, dài bằng 200 tiểu kiếp.

Trong bốn giai đoạn nói trên, chỉ có giai đoạn trụ là có người ở. Trong giai đoạn sơ Thành địa cầu có thể lỏng và thể khí, và từ thể lỏng khô cứng dần dần. Vì vậy mà người không thể ở được. Đến giai đoạn “Hoại”, trái đất bị phá hoại kịch liệt, dữ dội, người cũng không thể ở được. Theo sách nói, trong giai đoạn này, trái đất phải trải qua 49 lần hỏa tai lớn, 7 lần thủy tai lớn, một lần gió bão lớn (phong tai), sau đó đất bị băng hoại. Sau khi “Hoại kiếp” kết thúc thì bắt đầu “Không kiếp”, là kiếp không có vật gì tồn tại, kéo dài 20 tiểu kiếp nữa. Rồi một địa cầu mới lại dần dần hình thành. Một giai đoạn “Thành” khác lại bắt đầu. Như vậy, bốn giai đoạn “thành, trụ, hoại, không” của trái đất là bốn trung kiếp, gọi là thành kiếp, trụ kiếp, hoại kiếp, không kiếp.

Xem Thêm:   Đừng chỉ lo làm phước mà quên tu Đức

Cấp thứ ba là kiếp lớn. Bốn trung kiếp gộp lại thành một đại kiếp. Nói cách khác, một lần sinh diệt của địa cầu là một đại kiếp (kiếp lớn). Thế nhưng, trong giai đoạn hoại kiếp, mỗi lần xảy ra hỏa tai lớn, thì thiêu cháy từ địa ngục vô gián đến cõi trời sơ thiền của sắc giới. Mỗi lần xảy ra thủy tai lớn, nước tràn ngập từ địa ngục vô gián đến cõi trời nhị thiền của sắc giới. Và cuối cùng, một trận bão lớn, gió thổi mạnh suốt từ địa ngục vô gián đến cõi trời tam thiền của Sắc giới. Có thể nói, trong một đại kiếp, vào giai đoạn hoại kiếp, cả thế giới này từ địa ngục vô gián cho tới cõi trời tam thiền của sắc giới, đều nằm trong phạm vi ảnh hưởng của kiếp nạn, hỏa, thủy và phong tai. Chỉ có cõi trời thiền thứ 4 của sắc giới và 4 cõi trời thiền của Vô sắc giới mới tránh khỏi được kiếp nạn. Thế nhưng, có điều may là đến giai đoạn hoại kiếp, các chúng sinh ở thế giới này đều là chuyển sinh sang các thế giới khác, hoặc là siêu thăng lên cõi trời thiền thứ 4 của Sắc giới. Có thể nói, không có chúng sinh nào là không có nơi an thân.

Sách Phật nói kiếp, nếu không nói rõ thì thường chỉ cho đại kiếp. Trong chúng sinh ở ba giới này, dục giới, sắc giới và vô sắc giới, thọ mệnh chúng sinh ngắn nhất là sinh ra chết liền. Thọ mệnh chúng sinh dài nhất là ở 4 cõi Trời thiền của vô sắc giới. Thọ mệnh dài nhất là ở cõi trời hữu tưởng vô tưởng, tám vạn 4 nghìn đại kiếp! Thọ mệnh của họ bằng 8 vạn 4 nghìn lần sinh diệt của trái đất này, vì vậy có chúng sinh ở cõi Trời này nhằm tự cho mình là bất tử. Kỳ thực, qua 8 vạn 4 nghìn đại kiếp, chúng sinh ở cõi Trời đó vẫn trở lại vòng sống chết luân hồi. Với con mắt của Phật, chỉ 8 vạn 4 nghìn đại kiếp cũng chỉ như khoảnh khắc một sát na mà thôi. Chỉ có tu đạo giải thoát, phá ngã chấp, mới vào được cảnh giới Niết Bàn bất tử. Và tiến thêm một bước nữa, phá cả pháp chấp, thì trở thành Bồ Tát, bậc Thánh tuy đã thoát sinh tử nhưng vẫn không trụ ở Niết Bàn, tùy theo loại mà hóa độ chúng sinh, và tiến dần tới quả Phật.

Xem Thêm:   Thiên Ma trong đạo Phật: Loại ma có thực, quyền năng cực lớn

Kiếp là gì? Kiếp theo quan niệm của Phật giáo

2. Đầu thai chuyển kiếp là gì?

Đầu thai chuyển kiếp là sự chuyển sinh của một linh hồn, từ thể xác này sang một thể xác khác. Bắt đầu khi một người vừa nằm xuống và chuyển giao sang một thân xác mới lọt lòng. Đầu thai chuyển kiếp sẽ “hấp thụ” những quả và nghiệp từ kiếp trước để lại, đây là một vòng luân hồi mà nhà Phật luôn tìm cách hướng chúng sinh thoát ra. Bởi không phải nghiệp nào từ kiếp trước cũng là nghiệp thiện, và nếu không thể thoát ra thì không thể đạt với cấp độ cao nhất là Niết bàn.

Nhưng đầu thai không phải là một chiều hướng tiêu cực. Bởi lẽ cứ qua một kiếp mới, con người ta sẽ dần có sự chiêm nghiệm và sâu sắc dần. Tích tụ những nghiệp thiện để hóa giải những vấn đề vướng mắc từ kiếp trước.

Hiểu được điều này, cũng chính là hiểu được nhận thức rằng những điều không mà mình nhận ở kiếp này. Là do kiếp trước hành ác mà thành, nhưng nếu vẫn tiếp tục hành ác trong kiếp này thì kiếp sau sẽ lại tiếp tục khổ đau. Cứ như thế mà không có ngày chấm dứt sự khổ đau gặp phải.

Phật giáo đã nói rõ về sự tương quan giữa quá khứ, hiện tại và tương lai trên một trục thời gian vô tận (vô thủy vô chung) theo quy luật Nhân Quả – Luân hồi (luân là quay, hồi là trở lại). Hiện tượng đầu thai chuyển kiếp cũng chỉ là một trong các hiện tượng nằm trong quy luật của Luân hồi mà thôi.

Xem Thêm:   Được làm thân người khó hơn rùa mù tìm bộng cây

Trong giáo lý của Đạo Phật, sự đầu thai chuyển kiếp sẽ được xoay vòng trong 6 nẻo là: Trời, A Tu La, Địa ngục, Ngạ Quỷ, Súc sinh, Con người. Tùy theo sự “gieo nhân tạo nghiệp” của kiếp trước mà quyết định điểm đến trong kiếp sau, sẽ là một trong 6 nẻo này.

Nếu kiếp này làm người, kiếp sau có thể làm người được không?

Sự đầu thai chuyển kiếp trong kiếp này là do nhân quả và nghiệp từ kiếp trước tạo ra. Nên nếu kiếp này là người, sống hành thiện tích đức, tích cực hóa giải những nghiệp do kiếp trước tạo ra thì sẽ có cơ hội lên một cõi mới, cõi cao hơn.

Và điều này cũng có nghĩ nếu ta không tích cực tu tập, ham nghĩ cho bản thân mà làm điều sai trái. Thì không chỉ là súc sinh, mà còn là ngạ quỷ hay tệ hơn là địa ngục ở kiếp sau.

Để thoát khỏi vòng luẩn quẩn của kiếp luân hồi, thì trong kiếp này mỗi người phải tích cực tu tập, hành thiện mỗi ngày để kìm hãm những nghiệp xấu, và phát triển những nghiệp tốt cho chính mình và những người xung quanh.

Yếu tố quan trọng hàng đầu quyết định một người sẽ đầu thai chuyển kiếp ở nơi nào (nhưng không phải duy nhất), là nghiệp lực. Đấy là những hành động quá khứ, và cả trong hiện tại ảnh hưởng trực tiếp tương tự.

Bởi thế, khi một người thiện lành mất đi, người ta nói rằng người ấy sẽ sớm lên cõi trời. Còn khi một người làm điều ác đức, người ta nguyền rủa rằng kiếp sau là súc sinh.

Bản chất của Phật giáo là giải phóng tâm trí và phát triển thiện lương trong mỗi con người. Nên khi ta trì trệ, thờ ơ với việc tu tập thì đồng nghĩa với việc kiến tạo nên những sự xấu xa, độc hại trong bản thân phát triển. Và mỗi cá nhân cũng cần hiểu rằng nếu muốn kiếp sau có một cuộc sống tốt đẹp hơn, thì ngay trong kiếp này cần phải tích cực sống thiện lương, lành mạnh thì mọi điều tốt đẹp mới tới. Như thế mới có thể hóa giải bớt những điều không hay cho chính mình khi đầu thai chuyển kiếp.

Nguồn: Phatgiao.org.vn!

Nguồn: Tâm Hướng Phật ( https://tamhuongphat.com/ )

79 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog