Pháp Giới 11 tháng trước

Không truyền rộng điều ác, thường tán dương điều thiện

Những điều xấu ác tinh tế nhỏ nhặt tất nhiên không được truyền rộng, mà điều xấu ác trong việc lớn lao lại càng không được truyền rộng.

Kẻ gian hiểm luôn đem hết sức lực của mình ra mà ngày đêm cố làm việc ác, đó là thực chất của cái ác. Làm việc ác rồi thì phải tìm mọi cách giấu giếm che đậy, chỉ sợ người khác biết được, đó là tiếng tăm của cái ác. Những việc xấu ác nếu như không ẩn giấu đi thì thế gian này ắt sẽ nối nhau truyền rộng, nhiều đến mức không còn chỗ để dung chứa.

Các bậc hiền triết ngày xưa dạy rằng: “Nghe nói đến lỗi lầm của người khác như nghe tên họ cha mẹ mình, chỉ có thể nghe nhưng miệng không được lặp lại.” Thật vĩ đại thay! Quả đúng là luận thuyết của bậc quân tử nhân hậu.

Những kẻ tầm thường nhỏ nhen thường rất thích nghe nói lỗi của người khác, lại quen thói rêu rao truyền rộng đến nhiều người khác nữa, luôn nói rằng đó là những điều hết sức chắc chắn, xác thực, thậm chí còn tô điểm vẽ vời thêm, khiến cho người khác phải tán hoại thanh danh. Những kẻ ấy nếu như không gặp tai họa ngay trước mắt do người trừng phạt hoặc bị luật trời tru diệt trong chốn âm ty thì quả là hiếm thấy!

Những điều xấu ác tinh tế nhỏ nhặt tất nhiên không được truyền rộng, mà điều xấu ác trong việc lớn lao lại càng không được truyền rộng. Những điều xấu ác ở nam giới cũng không được truyền rộng, mà những xấu ác nơi người phụ nữ lại càng không được truyền rộng.

Những điều xấu ác của tự thân mình thì tất nhiên không thể truyền rộng, mà những xấu ác của tổ tiên dòng họ lại càng không thể truyền rộng.

Nói chung, tiếng tăm lan truyền của những điều xấu ác càng lớn lao, thì công đức của việc không truyền rộng lại càng lớn lao. Những kẻ không lưu tâm đến việc gìn giữ không truyền rộng việc xấu ác, thảy đều không có được cái phúc của sự không truyền rộng việc ác.

Khổng Tử khi luận về những lợi ích của niềm vui có dạy: “Vui nói đến việc thiện của người khác.” “Nói đến” có nghĩa là truyền rộng cho người khác biết, tức là tán dương việc thiện ấy. Con người thật khó nói ra được điều thiện, khó làm được việc thiện. Nếu thấy được một điều hiền thiện đức hạnh, ta nên ngợi khen truyền rộng ra, ắt là người làm được việc thiện ấy sẽ càng tinh tấn hơn trong việc làm thiện, như vậy tức là ta đã cùng làm việc thiện với người.

Cho nên, việc thiện ở bậc thánh hiền ắt có thể thúc đẩy, phát triển phong tục tốt đẹp; việc thiện ở trong xóm làng ắt có thể cảnh tỉnh cải hóa kẻ ương ngạnh ngu si. Chỗ cốt yếu để có thể đạt được kết quả như vậy chính là nhờ có sự ngợi khen xưng tán, không để tâm thiện của người khác bị che lấp quên lãng không ai biết đến.

Xem Thêm:   Tha lực, tự lực là gì? Khái niệm tự lực và tha lực trong Phật giáo

“Điều thiện” trong lời dạy của Đế Quân có ý nghĩa rất rộng, bao gồm từ lời nói đến việc làm, dù nhỏ nhặt hay lớn lao, cho đến hết thảy những điều mắt thấy tai nghe khắp chốn xa gần, từ xưa đến nay.

Việc “tán dương” cũng mang ý nghĩa rất rộng, bao gồm cả việc dùng lời nói hay giấy bút để ngợi khen tán thán điều thiện; hoặc khuyến khích người khác ngợi khen tán thán điều thiện; hoặc tự mình làm, hoặc dạy bảo người khác làm việc ngợi khen tán thán điều thiện.

Trích: An Sĩ Toàn Thư – Khuyên người tin sâu nhân quả!

Nguồn: Tâm Hướng Phật ( https://tamhuongphat.com/ )

5 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog