Pháp Giới 12 tháng trước

Khẩu nghiệp là gì? Khẩu nghiệp là nghiệp nặng nhất đời người

Khẩu nghiệp là nghiệp quả thiện ác phải gánh chịu do gây nhân từ lời nói tốt xấu gây ra. Các ác nghiệp do nói dối, nói ác khẩu, nói lời thêu dệt… đều chịu quả báo nặng nề.

1. Khẩu nghiệp là gì?

Khẩu nghiệp là nghiệp quả thiện ác phải gánh chịu do gây nhân từ lời nói tốt xấu gây ra. Các ác nghiệp do nói dối, nói ác khẩu, nói lời thêu dệt… đều chịu quả báo nặng nề và thế gian thì gần như không ai không mắc lỗi này!

Miệng là cửa ngõ vào ra của thân. Thức ăn đưa vào miệng, nhờ đó nuôi dưỡng thân xác. Lời nói phát ra từ miệng, nhờ đó biểu đạt những gì nuôi dưỡng trong tâm ý. Lời nói ra phải phù hợp với những gì suy nghĩ trong lòng, thì mới có thể khiến cho người khác phân biệt đúng sai, phải trái. Nếu không được như vậy, ắt chỉ là hạng xảo trá, gian ngụy khó lường. Kẻ chuyên dùng cơ mưu xảo trá với người, lời nói còn chưa lập được chút công đức gì thì trước đó đã tạo ra biết bao lầm lỗi.

Người đời thất bại do lời nói quả thật không ít. Miệng không thể suy xét, chỉ tâm mới có khả năng suy xét. Miệng do tâm sai khiến, nên nói ra lời dối trá là miệng, nhưng chủ ý nói ra lời dối trá để lừa gạt người khác lại chính là tâm. Con người khi giao tiếp mà trong lòng ngoài miệng chẳng được như nhau thì không phải lỗi của miệng, mà chính tại tâm. Chỉ cần giữ tâm trong sáng minh bạch thì lời nói tự nhiên sẽ không còn gian xảo trí trá.

2. Lời Phật dạy về khẩu nghiệp

Đức Phật dạy: “Người bình thường nếu nói ra điều chi thì nên nói lời tốt lành, không nên nói lời tệ hại. Nói lời tốt lành là thân thiện, nói lời tệ hại thì tự sanh ra phiền muộn bực bội”. Lại trong Thành Thật Luận nói: “Nếu người ác khẩu mắng nhiếc bới móc đủ loại, thì tùy theo lời nói mà nhận chịu báo ứng”.

Người thế gian, gặp thời uế trược này, dễ tạo nhất là khẩu nghiệp. Như trước mọi người dối trá mê hoặc, khiến người ta nhận thức sai lạc, làm cho muôn vàn khổ đau tranh nhau trói buộc, trăm mối ưu sầu thảy đều tụ tập. Gieo trồng nhân tố hư vọng, cảm lấy quả báo hèn hạ. Địa ngục khổ đau vô cùng lại thêm nước sôi đỏ. Mê mờ pháp tắc làm loạn chân lý thật sự đều do vọng ngữ mà ra. Kinh Chánh Pháp Niệm có bài kệ:

“Cam lộ cùng với những thuốc độc
Đều ở trong lưỡi của con người
Cam lộ là lời nói chân thật
Vọng ngữ thì trở thành thuốc độc
Nếu như người cần vị cam lộ
Thì người ấy nói lời chân thật
Nếu như người cần đến thuốc độc
Thì người ấy nói lời vọng ngữ
Thuốc độc không quyết định cái chết
Vọng ngữ thì quyết định không sai
Nếu như người nói lời vọng ngữ
Thì họ phải nói là người chết
Vọng ngữ không lợi ích cho mình
Cũng không lợi ích cho người khác
Nếu như mình và người không vui
Tại sao phải nói lời vọng ngữ
Nếu như người xấu xa phân biệt
Vui thích những lời vọng ngữ
Chết rơi vào trong lửa và dao
Phải chịu những khổ não như thế
Thuốc độc làm hại tuy rất dữ
Nhưng chỉ có thể giết một thân
Quả báo của ác nghiệp vọng ngữ
Làm cho trăm ngàn thân bị hoại”.

3. Nhân quả báo ứng khẩu nghiệp

Các bậc hiền triết ngày xưa dạy rằng: “Nghe nói đến lỗi lầm của người khác như nghe tên họ cha mẹ mình, chỉ có thể nghe nhưng miệng không được lặp lại.” Thật vĩ đại thay! Quả đúng là luận thuyết của bậc quân tử nhân hậu.

Những kẻ tầm thường nhỏ nhen thường rất thích nghe nói lỗi của người khác, lại quen thói rêu rao truyền rộng đến nhiều người khác nữa, luôn nói rằng đó là những điều hết sức chắc chắn, xác thực, thậm chí còn tô điểm vẽ vời thêm, khiến cho người khác phải tán hoại thanh danh. Những kẻ ấy nếu như không gặp tai họa ngay trước mắt do người trừng phạt hoặc bị luật trời tru diệt trong chốn âm ty thì quả là hiếm thấy!

Những điều xấu ác tinh tế nhỏ nhặt tất nhiên không được truyền rộng, mà điều xấu ác trong việc lớn lao lại càng không được truyền rộng. Những điều xấu ác ở nam giới cũng không được truyền rộng, mà những xấu ác nơi người phụ nữ lại càng không được truyền rộng. Những điều xấu ác của tự thân mình thì tất nhiên không thể truyền rộng, mà những xấu ác của tổ tiên dòng họ lại càng không thể truyền rộng. Nói chung, tiếng tăm lan truyền của những điều xấu ác càng lớn lao, thì công đức của việc không truyền rộng lại càng lớn lao. Những kẻ không lưu tâm đến việc gìn giữ không truyền rộng việc xấu ác, thảy đều không có được cái phúc của sự không truyền rộng việc ác.

Xem Thêm:   Bố thí quý ở tâm chứ không phải ở lượng

Khổng tử khi luận về những lợi ích của niềm vui có dạy: “Vui nói đến việc thiện của người khác.” “Nói đến” có nghĩa là truyền rộng cho người khác biết, tức là tán dương việc thiện ấy. Con người thật khó nói ra được điều thiện, khó làm được việc thiện. Nếu thấy được một điều hiền thiện đức hạnh, ta nên ngợi khen truyền rộng ra, ắt là người làm được việc thiện ấy sẽ càng tinh tấn hơn trong việc làm thiện, như vậy tức là ta đã cùng làm việc thiện với người.

Cho nên, việc thiện ở bậc thánh hiền ắt có thể thúc đẩy, phát triển phong tục tốt đẹp; việc thiện ở trong xóm làng ắt có thể cảnh tỉnh cải hóa kẻ ương ngạnh ngu si. Chỗ cốt yếu để có thể đạt được kết quả như vậy chính là nhờ có sự ngợi khen xưng tán, không để tâm thiện của người khác bị che lấp quên lãng không ai biết đến.

Các tội lỗi như hủy báng Tam Bảo, bác bỏ nhân quả, giết cha, giết mẹ, giết A-la-hán, đều thuộc về tội nặng nhất, đó là vì những tội này làm dứt mất căn lành, che lấp trí tuệ của người khác. Người thế tục khi thấy kẻ khác thiết trai cúng dường chư Tăng Ni, nói ra những lời ngăn cản, thường là có hai nguyên do: Một là bẩm tính cay nghiệt, chỉ biết lấy việc chê trách chế nhạo người khác mà cho là giỏi giang, tài cán; hai là mê muội không biết có chuyện kiếp trước đời sau, nên không biết rằng ngôi Tam Bảo là ruộng phước lớn của thế gian.

4. Khẩu nghiệp là nghiệp nặng nhất đời người

Phật dạy làm người trí tuệ là người biết cách tu miệng, tu tâm, vừa để tránh khỏi họa thị phi, vừa tránh khỏi việc làm mất đi phúc báo. Đây chính là triết lý quan trọng để làm người.

Con cái đang phải chịu “ác nghiệp” vì sự “ác khẩu” của chúng ta thế nào?

Nhiều bậc cha mẹ không biết rằng mình có thể “phù phép” con mình bằng những chính lời nói hàng ngày của mình. Lời nói của cha mẹ có sức mạnh xây dựng hoặc hủy hoại rất lớn đến sự phát triển và tương lai con trẻ, mà câu chuyện dưới đây là một ví dụ.

Có một người phụ nữ thông minh và hiền lành. Bà có một đứa con gái mà bà luôn rất yêu thương và cưng chiều. Một tối nọ, đi làm về sau một ngày tồi tệ, vừa mệt mỏi, vừa căng thẳng, bà ấy chỉ muốn được nghỉ ngơi yên tĩnh và nhẹ nhàng, nhưng con gái thì lại đang rất vui vẻ nhảy nhót, ca múa. Cô bé không hề biết mẹ mình đang trong tâm trạng như thế nào, cô chỉ đang sống trong thế giới, trong giấc mơ của bản thân mình.

Cô bé càng lúc càng hào hứng, càng nhảy múa, ca hát càng lớn, thể hiện sự vui vẻ của mình cho mẹ thấy. Cô bé hát lớn đến mức làm cho mẹ mình càng đau đầu hơn và ngay lúc đó, bà mất kiểm soát. Nổi giận, bà nhìn cô con gái xinh đẹp của mình mà nói: “Câm đi! Con hát dở quá. Con im đi giúp mẹ!”.

Thực tế thì lúc đó bà mẹ đã không còn khả năng chịu đựng bất kì tiếng ồn nào nữa rồi; chứ không phải là vì con gái bà ấy hát không hay. Nhưng cô bé khi đó lại tin tưởng lời của mẹ mình và từ đó cô bé hình thành một thoả ước với bản thân. Mọi thứ từ đó đã thay đổi hoàn toàn với cô bé vì thoả ước đó.

Cô bé tin rằng mình phải kiềm chế cảm xúc của mình lại để được chấp nhận và yêu thương. Cô bé không còn ca hát nữa, bởi vì cô tin rằng giọng mình nghe rất tệ và làm người nghe thấy phiền. Cô bé dần dần trở nên rụt rè khi đến trường, nếu như được mời hát thì cô bé cũng từ chối. Thậm chí cả nói chuyện với người khác cũng dần trở nên khó khăn với cô.

Khi cô bé lớn lên, mặc dù bản thân có giọng hát rất tốt, nhưng lại không bao giờ cô hát nữa. Một lời “phù phép” vô hình đã biến thành gông kiềm vô hình với cô bé. Và cái “bùa phép” này lại còn là do chính bà mẹ – người yêu thương cô bé nhất áp đặt lên.

Chính mẹ của cô bé còn không nhận ra mình đã gây hậu quả gì cho con với những lời vô ý của bản thân. Bà ấy không nhận ra mình đã sử dụng “phép thuật hắc ám” yểm bùa lên con gái của mình. Bà ấy không nhận ra sức mạnh lời nói của bà.

Xem Thêm:   Chết là cái thân thể nó chết chứ chính mình không chết

Tương tự như câu chuyện trên, hàng ngày, bất kì khi nào chúng ta nghe ý kiến từ người khác và tiếp nhận nó, nếu chúng ta đều đồng tình với nó trong lòng, khiến nó trở thành một phần “niềm tin” của chúng ta. Và không phải lúc nào “niềm tin” đó cũng cho ta sức mạnh, thậm chí ngược lại, nó có thể giết chết mọi hy vọng trong ta.

Đừng ngụy biện “Tôi rất thẳng thắn, có sao nói vậy” để làm đau người khác

Lời ăn tiếng nói là điều vô cùng quan trọng trong cuộc sống. Nó là điều kiện, là yếu tố đầu tiên để đánh giá một con người. Ở Việt Nam, từ thời xa xưa, vấn đề này luôn được đề cao, đặt lên hàng đầu. Chẳng thế mà tục ngữ có câu: “Lời nói chẳng mất tiền mua/ Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”, dù rằng rất nhiều người khi dùng lời lẽ không hay làm tổn thương người khác đều biện lý do là vì ngay thẳng: “Tôi rất thẳng thắn, có sao nói vậy”.

Ở góc độ Phật pháp, Phật dạy trong mười cái nghiệp của con người thì trong đó cái miệng đã chiếm bốn gần một nửa. Của cải dù to lớn như núi, nhưng cái miệng ăn lâu ngày cũng hết. Phước đức dù cực khổ gieo tạo nhiều đời, nhưng do cái miệng tạo nghiệp, phê bình, chỉ trích, nói lời ác… thì trong giây phút cũng có thể tiêu tan.

Trong giáo lý nhà Phật lưu truyền câu chuyện kể về thành phố Shravasti có một người giàu có rất tôn thờ Phật giáo tên là Shizhi. Một hôm, ông ta chuẩn bị thật nhiều món ăn ngon, thành kính cúng bái đức Phật và các tăng nhân.

Sau khi nhận lễ, đức Phật dẫn dắt chúng tăng quay trở về tịnh xá. Đi được nửa đường, khi Phật và chúng tăng dừng chân nghỉ ngơi dưới một tán cây to ven hồ, bỗng một con khỉ từ trên cây nhảy xuống, xin mượn chiếc bát trong tay Phật.

Sau khi đón nhận chiếc bát từ Phật rồi nhanh chóng rời đi, chỉ một chốc đã thấy nó quay lại. Nó cung kính dâng chiếc bát chứa đầy mật ong lên cho Phật. Phật nhận bát mật ong, chia đều cho các tăng nhân để khỉ có thể nhận được càng nhiều phúc báo hơn. Khỉ ta thấy vậy, thích thú nhảy múa xung quanh.

Một thời gian sau, khỉ chết được chuyển kiếp thành người, sinh ra trong gia đình Shizhi. Khi đứa trẻ này được sinh ra, mọi bát đĩa nồi niêu trong nhà đều đựng đầy mật ong. Vợ Shizhi lấy làm lạ, bèn đặt tên cho đứa trẻ là Mật Thăng.

Thời gian thấm thoắt trôi đi, chẳng mấy chốc Mật Thăng đã trưởng thành. Anh chán ghét hồng trần thế tục nên xin cha mẹ cho phép anh xuất gia. Sau khi được cha mẹ cho phép, Mật Thăng đã đến tịnh xá quy y cửa Phật. Do thiện duyên từ kiếp trước, anh rất nhanh đã tu thành chính quả.

Một lần, trên đường ra ngoài đi hóa duyên cùng các Hoà thượng khác, mọi người khi đó đều cảm thấy khát khô cổ họng, ai cũng muốn có một cốc đồ uống. Lúc này Hoà thượng Mật Thăng liền tung chiếc bát không của mình lên trời, khi hai tay giơ ra đón lại, chiếc bát đã chứa đầy nước mật tươi ngon, Mật Thăng liền đưa cho các hoà thượng khác để giải khát.

Khi trở về tịnh xá, một Hoà thượng đã hỏi Đức Phật: “Trước kia Mật Thăng đã tu được phúc gì? Tại sao mọi lúc mọi chỗ đều có thể dễ dàng cầu xin được mật ong?” Đức Phật đáp: “Các ngươi có nhớ cách đây rất lâu, có một con khỉ đã mượn chiếc bát đi lấy đầy mật để dâng lên Phật và chúng tăng hay không? Vì thiện tâm đó, nên khi chết nó đã được chuyển kiếp làm người, và vì người đó thành tâm, tiến cúng nước mật, nên bây giờ bất cứ lúc nào cũng có thể có được mật”.

Nghe Phật nói xong, chúng tăng lại hỏi: “Thưa Phật, vậy kiếp trước của Mật Thăng vì lí do gì lại bị đày làm khỉ ạ?”.

Lúc này có rất nhiều đệ tử đều vây quanh Phật, Phật nhìn một lượt các hoà thượng, chậm rãi nói: “Mật Thăng bị đày thành kiếp khỉ, là việc của 500 năm trước. Khi đó có một vị hoà thượng trẻ tuổi, tình cờ trông thấy một hoà thượng khác nhảy qua một con suối nhỏ, liền cười nói trông bộ dạng hoà thượng kia cứ như con khỉ, do đó đã phạm vào tội ác khẩu và bị đày làm kiếp khỉ.

Sau đó hoà thượng đó đã nhận ra tội lỗi của mình, đã sám hối với vị hoà thượng kia để không bị đày xuống địa ngục chịu tội. Cũng vì cái kết duyên đó, con khỉ mới có thể gặp được Phật, kiếp này mới nhanh chóng thành chính quả như vậy”.

Xem Thêm:   16 kiếp luân hồi của Alan Lee: Kiếp người như một hành trình vô định

Nghe Phật nói xong, chư vị hoà thượng đều đã hiểu ra rằng chỉ một câu nói ác khẩu, cũng có thể gây nên nghiệp chướng quả báo sau này.

Khi giảng về đạo lý nhà Phật, chư vị tăng ni thường nhắc đến 18 lời khuyên của Phật về cách ứng xử hằng ngày trong cuộc sống để cùng suy ngẫm, mang lại nhiều điều tốt đẹp cho mình, cho người.

Đó là: Việc nhỏ thì nói hài hước để cho người nghe không cảm thấy cứng nhắc, nặng nề và chấp nhận lời nhắc nhở của bạn một cách vui vẻ; Việc chưa hiểu rõ, hãy nói một cách cẩn thận; Việc chưa xảy ra, không nên nói linh tinh; Không nên nói những chuyện làm tổn thương người khác; Đối với những việc đau lòng, không nên gặp ai cũng nói; Những việc của người khác thì nên cẩn thận trong lời nói; Việc của bản thân, lắng nghe người khác nói như thế nào; Chuyện của con cái, cần nói rõ ràng; Không nói những lời chán nản, thối chí; Không nói những lời tức giận; Không nói những lời oán trách; Không nói những lời tổn thương; Không nói những lời bí mật; Không nói những lời riêng tư; Không nói những lời dối trá.

Cuộc sống sẽ vui vẻ, ý nghĩa hơn nếu như mỗi người biết bao dung, biết kiềm chế những cảm xúc, lời nói tiêu cực của bản thân. Để mỗi sớm mai thức dậy, lòng thư thái, mỉm cười và trao những lời yêu thương, chân thành đến với mọi người…

5. Quả báo khẩu nghiệp

“Kinh Hộ Khẩu” ghi: “Có một ngạ quỷ thân hình xấu ác, nhìn là nổi ốc, ai cũng kinh sợ. Thân phát lửa dữ. Miệng đầy sâu dòi lúc nhúc, cả thân đầy máu mủ tanh hôi, mùi thối bay nồng, không ai dám đến gần. Miệng khạc ra lửa, thân bị lửa đốt, cất tiếng kêu khóc, rảo chạy cùng khắp.

Lúc đó ngài Mãn Túc La hán hỏi Ngạ quỷ:

Xưa kia ngươi tạo tội gì mà nay phải chịu khổ như thế?

Ngạ quỷ đáp:

– Kiếp xưa tôi từng làm sa môn, chẳng giữ oai nghi, nói năng thô ác, sống tham lam, keo xan không biết cho ra.

Hễ thấy người giữ giới tinh tấn thì mắng nhiếc, mạ nhục, ác kiến liếc nguýt, còn ỷ mình giàu mạnh, cho là sống lâu không chết nên tạo ra vô lượng tội ác. Bây giờ nhớ lại, có hối cũng chẳng thể cứu chuộc lỗi lầm xưa. Vì vậy, thà là cam tâm chịu khổ tự cầm dao bén cắt lưỡi mình kiếp này sang kiếp khác, chứ tuyệt đối không nên thốt lời phỉ báng việc lành của người!

Mong ngài trở về cõi Ta bà, kể lại quả báo và tình trạng ghê khiếp của tôi để răn dạy chư tu sĩ và các Phật tử, cảnh báo họ phải cẩn thận giữ khẩu đức, chớ tùy tiện buông lời nói ác. Dù thấy người giữ giới hay không cũng chỉ nên nói đức tốt của người. Tôi làm quỷ đói đã mấy ngàn kiếp, ngày đêm chịu đủ đau khổ. Thọ hết quả báo này thì phải vào địa ngục.

Ngạ quỷ nói xong thì bật khóc to, ngã nhào xuống đất như Thái Sơn đổ.

Ngày nay đại chúng nghe kinh dạy như vậy, rất là đáng sợ.

Chỉ vì lỗi của miệng mà mang tội nhiều kiếp, huống chi là còn bao nhiêu tội ác khác nữa? Xả thân thọ thân không ngừng chịu khổ, đều do nghiệp ác của mình đã tạo. Nếu không gây nhân thì đâu phải chịu quả. Đã gieo nhân quyết định phải gặt quả. Chưa từng thấy ai tu hành buông lung, lười biếng mà được giải thoát. Trái lại, người hay tinh tấn cẩn trọng tu hành, được phước đức vô lượng.

Đại chúng nên biết hổ thẹn, tịnh hóa thân tâm, sám hối lỗi cũ. Tội xưa hết rồi, không gây thêm tội mới nữa thì được chư Phật khen ngợi.

Từ nay trở đi, nếu thấy người làm thiện, chớ bàn tán phê bình thành bại, lâu mau. Dầu họ chỉ làm lành trong một niệm, một giờ, một khắc, một ngày, một tháng, nửa năm hay một năm thì vẫn tốt hơn là không làm.

Vì vậy kinh Pháp Hoa dạy: “Nếu có người tâm tán loạn vào trong tháp miếu, niệm một câu Nam mô Phật, thảy đều thành Phật đạo”. Huống chi là người phát tâm rộng lớn, siêng năng tu phước thiện, mà ta không tùy hỷ, thì rất đáng thương.

Chúng con từ vô thỉ đến nay, ắt đã có vô lượng ác tâm cản trở việc lành tốt đẹp của người. Vì sao mà biết? Bởi nếu không như vậy, thì cớ sao ngày nay bao việc lành của chúng con đa phần đều gặp khó khăn: Tự thân không giỏi tu Thiền định, trí huệ. Hễ vừa lễ bái chút ít đã than khổ, vừa cầm đến kinh, liền sinh nhàm chán. Cả ngày toàn tạo nghiệp ác, khiến không thể giải thoát.

Tâm Hướng Phật/TH!

Nguồn: Tâm Hướng Phật ( https://tamhuongphat.com/ )

7 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog