Đức Phật xuất gia ngày nào? Ý nghĩa ngày Đức Phật xuất gia
Pháp Giới 8 tháng trước

Đức Phật xuất gia ngày nào? Ý nghĩa ngày Đức Phật xuất gia

Ngày Đức Phật Thích Ca Mâu Ni xuất gia là ngày nào? Đức Phật xuất gia năm bao nhiêu tuổi? Cùng tìm hiểu ý nghĩa ngày Đức Phật Thích Ca xuất gia trong bài viết sau đây.

Cứ đến ngày mùng 8 tháng 2 âm lịch hàng năm, Phật tử khắp nơi lại thành tâm làm lễ kỷ niệm ngày xuất gia của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Một niềm tin vĩ đại mà Đức Phật đã cho tất cả chúng sanh là: “Tất cả chúng sanh đều có thể thành Phật”.

1. Đức Phật xuất gia ngày nào?

Vào ngày rằm tháng 4, năm 623 trước công nguyên tại vườn Lâm Tỳ Ni gần thành Ca Tỳ La Vệ, một nơi hiện nay là vùng biên giới giữa Nepal và Ấn Độ. Đức Phật Thích Ca đã giáng sinh có tên là Tất Đạt Đa, làm Thái tử con vua Tịnh Phạn và Hoàng hậu Ma Da. Vua Tịnh Phạn trị vì một vương quốc nhỏ của bộ tộc Thích Ca.

Thế nhưng với thời gian, do suy tư sâu sắc và lòng thương người bẩm sinh, Thái tử không thể nào cam tâm một mình sống mãi trong nhung lụa, giữa một xã hội bất công, một thế giới đau khổ. Thái tử sớm giác ngộ về tính tạm thời, tầm thường của hạnh phúc vật chất thế gian và có ý chí xuất gia cầu đạo giải thoát, tìm ra con đường cứu vớt chúng sinh ra khỏi già, đau, chết và mọi nỗi bất hạnh khác của đời người.

Ngài thấy cảnh đời Ngài đang sống đây không phải là hạnh phúc chân thật mà là giả dối, mê muội, chỉ làm cho kiếp sống thêm nặng nề đau khổ. Đặc biệt, qua trải nghiệm thực tế ở bên ngoài, Ngài đã nhận thấy mình dù là Thái tử con vua, cũng không thể thoát khỏi cảnh già, đau và chết.

Mặt khác, qua câu nói của vị Sa môn: “Tôi tu hành là quyết dứt bỏ mọi sự ràng buộc của cuộc đời, cầu thoát khổ, viên thành chính giác để phả độ chúng sinh đều được giải thoát” đã giúp Thái tử sớm thấy được con đường dẫn đến giác ngộ, vĩnh viễn khắc phục mọi nỗi khổ đau và bất hạnh của đời người, con đường dẫn tới cõi Niết bàn bất tử.

Từ đó, Thái tử nuôi dưỡng quyết tâm từ bỏ gia đình, xuất gia cầu đạo. Ngài thấy cần phải tìm một lối thoát, một cuộc sống chân thật, có ý nghĩa và cao đẹp hơn. Lúc này, với Thái tử, lâu đài, cung điện không còn là nơi ở thích hợp nữa. Lòng Ngài nặng trĩu tình thương chúng sinh đang chìm đắm trong bể khổ. Ngài càng thêm quyết tâm xuất gia cầu đạo, đi tìm con đường cứu khổ cho muôn loài.

Nhằm đêm mồng 8 tháng 2 âm lịch, Thái tử từ bỏ tất cả, phụ vương, ngai vàng, vợ con, cuộc sống đầy đủ và hạnh phúc của một hoàng tử, khoác trên mình bộ áo màu vàng đơn giản của người tu sĩ, từ nay bắt đầu cuộc sống không nhà của người xuất gia cầu đạo. Khi đó Ngài mới 19 tuổi.

Bước theo dấu chân Phật, để thể hiện ý nghĩa xuất gia, chúng ta tất yếu cũng phải sống theo Phật dạy, nhưng thực tế có mấy người làm theo. Nếu theo đúng thì được giải thoát, nhưng không theo đúng, lợi dụng thì phải đọa. Vì vậy, tu hành có người làm Tổ, nhưng có không ít người tu mà cuộc sống khổ chồng chất thêm khổ. Người xuất gia thực sự, dù ở hoàn cảnh nào cũng giải thoát. Người xuất gia vì tham vọng thì hết khổ này đến khổ khác, vì ham muốn của họ chẳng ai cho.

Thái Tử xuất gia buông bỏ hết. Vì những gì con người ham muốn không bao giờ tới, những gì chúng ta sợ sẽ tới; sợ khổ thì khổ tới, muốn an lạc thì an lạc tránh xa. Phải giác ngộ ý này. Thái Tử Đạt Ta bỏ cung điện đi tìm chân lý, cảm thấy cuộc sống từ đây sung sướng hơn, vì bỏ chuỗi anh lạc, quần áo sang trọng đổi áo rách của Sa-môn thì ở đâu cũng được an ổn.

2. Đức Phật trở nên con người Toàn Giác

Sau 49 năm thuyết pháp độ đời, bằng cuộc đời của Ngài và bằng những lời dạy của Ngài được kết tập lại trong 3 tạng kinh điển (Kinh tạng, Luật tạng, Luận tạng), Đức Phật đã khai thị cho loài người biết rằng: “Bất cứ một người nào, với sự nỗ lực của bản thân, đều có thể vươn lên tới đỉnh cao nhất của giác ngộ và giải thoát, như chính Đức Phật vậy”.

Khi vào trong Đạo, Ngài là người có địa vị cao nhất nhưng Ngài luôn rong ruổi trên mọi nẻo đường, gai góc để đưa dắt chúng sinh lên con đường hạnh phúc, an vui và giải thoát hoàn toàn. Lòng thương của Ngài thật là vô lượng, ân đức của Ngài thật vô biên.

Đó là lý do tại sao không có một tôn giáo nào, một hệ tư tưởng nào đề cao con người và đặt niềm tin vào con người như là Đạo Phật. Tính nhân bản tuyệt vời của Đạo Phật chính là ở chỗ đó.

“Tránh mọi điều ác, làm mọi điều lành, gột sạch nội tâm để trở thành bậc Thánh, một con người hoàn thiện về đức hạnh và trí tuệ. Mỗi người chúng ta đều có khả năng và bổn phận thực hiện lời dạy đó” – Đó là bức thông điệp mà Đức Phật đã trao cho loài người chúng ta.

Mặc dù Đức Phật đã Niết bàn nhưng gương sáng của đời Ngài vẫn còn sáng rực trước mắt chúng ta. Suốt một đời, trong 80 năm trời không một lúc nào Ngài xao lãng mục đích tối thượng là hóa độ chúng sinh đang trầm luân trong biển khổ.

Xem Thêm:   Nghi thức lạy sám hối 35 vị Phật – Trích Kinh Đại Bảo Tích

Lịch sử Đức Phật Thích Ca là lịch sử một con người, nhờ chính công phu tu tập của bản thân, đã trở thành một con người hoàn thiện, một bậc Thánh giữa thế gian. “Con người vĩ đại nhất sinh ra ở đời này” – thi hào Ấn Độ Tagore nhấn mạnh.

Đức Phật xuất gia ngày nào? Ý nghĩa ngày Đức Phật xuất gia

3. Ý nghĩa của ngày Đức Phật xuất gia

Ngày lễ kỷ niệm Phật xuất gia là ngày kỷ niệm sự hy sinh cao cả nhất, vĩ đại nhất, có một không hai trong lịch sử loài người.

a. Đối với người tại gia, cử hành lễ kỷ niệm ngày Phật xuất gia là nhắc lại, tán thán công đức cũng như hạnh nguyện tu hành của Phật. Điều này giúp người tại gia tăng trưởng niềm tin, gia tăng sự tinh tấn cũng như trưởng dưỡng những yếu tố nuôi dưỡng tâm linh của mỗi một người con Phật, nhằm đem lại sự an lạc cho gia đình và người xung quanh. Tiến hơn một bước nữa, người tại gia nuôi dưỡng ý chí xuất trần để khi đủ điều kiện họ cũng từ bỏ con đường thế tục và đứng trong hàng ngũ của Tăng đoàn, có thể ngay trong kiếp sống này cũng có thể trong kiếp sống vị lai.

Nhìn lại gương của một vị Hoàng Thái Tử dám từ bỏ cung vàng điện ngọc đi vào rừng sâu núi thẩm, người cư sĩ tại gia sẽ học được bài học rằng những dục lạc, những hạnh phúc của thế gian chỉ là tạm bợ, không phải là chân hạnh phúc. Tuy người tại gia chưa hoàn toàn từ bỏ được chúng, nhưng không nên tham đắm hay dính mắc vào ngũ dục quá nhiều, chỉ nên xem những thứ ấy như là phương tiện để sinh sống mà thôi.

Nhìn lại gương của vị Thái tử khi nhìn thấy cảnh sinh lão bệnh tử ở các cửa thành thì hiểu ngay rằng thân ngũ uẩn này là giả tạo và khởi tâm từ bi đến muôn loài, người tại gia tuy chưa thấu triệt hết “ngũ uẩn giai không” nhưng phải giác ngộ rằng chúng mong manh như sương buổi sáng, đừng vì thân ngũ uẩn này mà làm tổn hại đến các sinh vật khác như sát sanh, trộm cắp, nói dối… để nuôi dưỡng hay làm lợi cho thân mạng chính mình mà quên đi những đau khổ của chúng sanh khác. Nói chung là nhắc nhở người tại gia phải giữ giới và tạo nhiều điều thiện.

Nhìn lại gương của vị Thái tử trong lịch sử khi phát tâm tu hành thì chứng quả Phật, người Phật tử tại gia cũng nên tự hào rằng mình có hạt giống Phật, nếu quyết chí tu hành rồi cũng thành Phật và nên tôn trọng, cung kính lẫn nhau bởi lẽ ai cũng là Phật tương lai.

Thật ra, các cư sĩ tại gia, nếu chí thành học Phật cũng có nhiều thành tựu lớn lao. Họ là những người mà “thân không xuất gia, nhưng tâm xuất gia”. Thân của họ tuy chưa đủ duyên để vào ở chùa, nhưng tâm của họ không còn ham thích các thú vui của năm dục và cũng không màng danh lợi. Ngay thời Phật còn tại thế, có rất nhiều cư sĩ tại gia đã dự vào dòng thánh quả từ quả Dự lưu đến quả Bất Lai. Trong Kinh Tương Ưng Bộ, Phật đã xác chứng người tại gia cũng có thể chứng được quả Bất lai (Thích Minh Châu, Kinh Tương Ưng Bộ, Tập 5 Ch. 11 Đoạn IV. Sàriputta, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam xuất bản 1993).

Do vậy, lễ Phật xuất gia mang ý nghĩa là giúp người tại gia tin sâu vào Tam Bảo, từng bước tu tập theo gương của Phật, tu tập đến đâu thì an lạc đến đó chẳng những lợi lạc ngay trong đời này và cả trong các kiếp sống vị lai.

b. Đối với người xuất gia thì ý nghĩa của ngày Phật xuất gia không thể nghĩ bàn, bởi lẽ xuất gia là sự quyết định cho một lối rẽ của cuộc đời, tiến bước đi lên trên con đường giải thoát.

Xuất gia tiếng Phạn là Pravrajya là chỉ cho những người tu theo Phật, xa rời đời sống gia đình, chuyên tu hạnh thanh tịnh của Sa môn không màng danh lợi hay dục lạc, chỉ mong cầu giải thoát. Nếu xét về ý nghĩa thì Xuất gia còn có nghĩa là xuất thế tục gia, xuất phiến não gia và xuất tam giới gia. Nếu xét về hình thức thì có các dạng như sau:

  1. Thân xuất gia, tâm xuất gia (người Tu sĩ cần phải giữ hình thức này)
  2. Thân xuất gia, tâm không xuất gia
  3. Thân không xuất gia, tâm xuất gia
  4. Thân không xuất gia, tâm không xuất gia

Ý nghĩa của ngày lễ Phật xuất gia giúp cho người Tu sĩ nhìn lại gương hạnh của Đức Từ Phụ mà rèn luyện thân tâm mình sao cho “con nhà tông không giống lông cũng phải giống cánh”, đừng quá chạy theo phương tiện mà bỏ quên “đạo Phật gốc”. Nếu tu giống Phật thì chắc chắn sẽ thành Phật, cũng như những đứa trẻ muốn lớn lên trở thành Thầy giáo thì ngay từ lúc nhỏ chúng phải bắt chước những cử chỉ, nhửng hành động của người Thầy.

Trở lại tìm hiểu quá trình xuất gia của Đức Phật, chúng ta thấy rằng Thái tử đã từ bỏ vương triều hoàng cung của mình bên vợ đẹp con yêu, để sống đời khổ hạnh nơi rừng sâu, người tu sĩ chúng ta chỉ là những người bình thường có gì để mà tiếc chứ. Những cái quý giá nhất mà Thái tử bỏ được, nếu người tu sĩ mà không học theo hạnh này thì làm sao xứng với danh hiệu là đệ tử Phật. Tất cả những hiện hữu trên cuộc đời dưới dạng giả hợp, như chiêm bao, như bọt nước mà thôi. Người thế gian vì mê lầm nên bị những thứ giả tạm đó làm cho điên đảo, mất bản tâm. Trái lại, người xuất gia nhận thức rằng mọi thứ vật chất, tinh thần đều nằm trong quy luật duyên sinh. Vì thế, bước đi đầu tiên của ngưới xuất là phải ra khỏi nhà thế tục, không chạy theo cuộc đời đầy hư huyễn nữa.

Xem Thêm:   Vòng luân hồi của đời người: Vì sao chúng ta phải sợ luân hồi?

Những gì người thế tục nói, làm, ưa thích, người xuất gia không nói không làm, không ưa thích. Người thế tục ưa thích ngũ dục (tài sắc danh thực thụy) nên bị ngũ dục làm cho điên đảo, người xuất gia phải tránh xa ngũ dục. Nếu cần phải tiếp xúc với chúng để phương tiện hoằng pháp thì phải quán sát ngũ dục như rắn độc. Vì vậy không phải ngẫu nhiên mà trong giới luật của người xuất gia có các giới như không cất giữ tiền bạc (tránh xa tài), không nằm giường cao tốt đẹp (tránh xa tham đắm vào thụy), khi ăn phải quán sát thức ăn như vị thuốc (tránh xa thực)…

Sau khi vượt bỏ ngôi nhà thế tục gia, người xuất gia quyết chí tu hành, không bận tâm đến những thị phi, danh lợi, hơn thua làm gì. Vì không để tâm đến những thứ ấy nên không sinh phiền não. Đối với người xuất gia, nhà phiền não là chướng ngại thứ hai nên cần phải vượt qua. Người tu theo Phật cần lưu ý điều chỉnh nội tâm hơn là hướng về ngoại cảnh. Khi Phiền não tận diệt thì hoàn cảnh tự khắc sẽ tốt đẹp theo. Nếu không đoạn trừ phiền não trong tâm, nhưng lại siêng năng làm nhiều việc, thì càng làm, phiền não càng nổi lên. Như vậy làm sao xuất được phiền não gia?

Khi người Tu sĩ nhận thức được phiền não đồng nghĩa với vô minh. Nó tiêu hủy đức hạnh và trí tuệ, lúc đó người Tu sĩ sẽ tiến đến bước thứ ba là xuất tam giới gia, tức là vượt ra khỏi ba cõi là Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới.

Quá trình tu chứng của Phật trải qua 49 ngày thiền định dưới cội bồ đề chứng được Tam minh, vượt thoát tam giới. Như vậy người tu học theo Phật cũng phải vượt thoát ba cõi bằng trí tuệ phát sinh từ con đường Giới Định Tuệ. Người Tu sĩ cần phải giữ giới luật cho nghiêm, đừng để bị lem ố cho dù một vết nhỏ. Thêm vào công phu tu tập tinh tấn thì chắc chắn Định phát sinh. Giới Định Tuệ chính là thước đo giá trị của việc tu học và cũng chính là đích đến của người xuất gia. Phải luôn luôn tự kiểm tra xem Giới của mình có nghiêm không. Nếu chiếc phao giới luật bị thủng thì làm sao vượt biển sanh tử. Kiểm tra xem Định của mình đủ mạnh chưa. Bát phong có suy bất động không hay chỉ một ngọn gió “khen” là đưa tâm mình lên tận mây xanh và chỉ một ngọn gió “chê” thì tâm mình rớt xuống tận cùng của mặt đất. Kiểm tra xem vầng trăng Tuệ của mình đủ sáng soi chưa, co đủ sức vượt thoát ba cõi chưa hay vẫn còn bị mây của tam độc làm cho lu mờ. Khi có Giới có Định có Tuệ thì lo gì không xuất được Tam giới gia.

Do vậy, người Tu sĩ phải nhận thức được ý nghĩa của xuất gia và mong cầu thoát khỏi Tam giới mới báo được ân đức sâu dày của Phật. Đó cũng là những ý nghĩa quan trọng của ngày kỷ niệm Phật xuất gia.

Tựu chung lại khi nói về một ngày kỷ niệm xuất gia của Đức Phật dù cho dưới muôn vạn hình thức, cũng không ngoài sự tán thán công đức cao vời của Đấng Từ Phụ. Thông qua những phương diện tán thán nhằm khuyến khích những người con Phật dù là xuất gia hay tại gia đều phải tinh tấn tu tập đễ có được niềm chân an lạc, cuối cùng là đạt được sự giải thoát có thể ngay trong đời này cũng có thể trong kiếp sống vị lai. Một niềm tin vĩ đại mà Đức Phật đã cho tất cả chúng sanh là: “Tất cả chúng sanh đều có thể thành Phật”. Đức Phật đã khai thị cho loài người biết rằng: “Bất cứ một người nào, với sự nỗ lực của bản thân, đều có thể vươn lên tới đỉnh cao nhất của giác ngộ và giải thoát, như chính Đức Phật vậy”.

4. Bài học quý báu mà người con Phật học được từ sự kiện xuất gia của Thái Tử Tất Đạt Đa

Thái tử Tất Đạt Đa sống trong cung vàng điện ngọc, có vợ đẹp con ngoan, được nhân dân kính trọng. Nhưng Ngài đã từ bỏ tất cả để xuất gia với lý tưởng cao cả là cứu khổ cho muôn loài chúng sinh.

Có thể khẳng định rằng, sự từ bỏ ấy thật vĩ đại và để lại nhiều bài học to lớn cho hàng đệ tử Phật sau này. Vậy những bài học mà Phật tử tại gia rút ra được từ sự kiện Đức Phật xuất gia là gì?

Thường tư duy về sự không bền chắc của dục lạc

Thái tử Tất Đạt Đa đã trăn trở rất nhiều về sinh, già, bệnh, chết; về sự thật cuộc đời; chết rồi còn hay hết, chết rồi đi đâu, chúng ta còn gì sau cái chết? Những trăn trở ấy lớn dần trong tâm Thái tử và sau này đủ sức mạnh để Ngài dứt bỏ danh vọng, địa vị, tài sản, tình duyên ái luyến,… đi tìm cầu chân lý. Sau 5 năm tầm sư học đạo, 6 năm khổ hạnh rừng già, vào đêm thiền định thứ 49 dưới cội cây bồ đề, Ngài đã giác ngộ chân lý đem lại con đường thoát khổ cho muôn loài chúng sinh.

Tư duy về sự từ bỏ của Thái tử Tất Đạt Đa, chúng ta nhận thấy đó là sự từ bỏ vô cùng vĩ đại và bản thân chưa làm được như Ngài. Ngài được sống trong sung túc, ngũ dục đầy đủ mà nhận thấy sự khổ và vô thường của dục lạc. Còn chúng ta rất khó khăn khi phải từ bỏ gia đình dù chỉ một ngày, rất khó từ bỏ thói quen vui chơi, quần áo đẹp, danh vọng, địa vị,… Không những không từ bỏ được, mà đôi khi còn lấn chiếm những thứ không phải của mình; tức là có những hành động ăn cắp như ngoại tình, tranh danh đoạt lợi,… Cho nên, việc từ bỏ tất cả: gia đình, tiền bạc, danh vọng,… để xuất gia là vô cùng khó khăn.

Xem Thêm:   Người niệm Phật gặp người phỉ báng Phật chỉ nên chắp tay mỉm cười

Về vấn đề này, Đại đức Thích Trúc Thái Minh chia sẻ: “Chúng ta có một mái nhà tranh đơn sơ, một hũ gạo, mấy chai tương thôi mà ý tưởng xuất gia, rời bỏ gia đình của mình cũng không bao giờ sinh ra được. Trong kinh, có câu chuyện về một ông lão chỉ có một bà vợ già xấu xí, một con bò, một đống rơm, một ít vật dụng trong nhà. Ngày ngày, ông lão nhìn thấy chư Tăng ôm bát khất thực qua nhà mình, thấy các Ngài thanh thoát, rất đáng quý, nên ngày nào ông cũng ước ao: “Ước gì mình cũng được như các Ngài”. Nhưng đến cuối đời, ông cũng không đi xuất gia nổi. Vì một bà vợ già, một con bò, mấy cái nồi, cái niêu cũng “trói” được ông ấy, khiến ông muốn đi mà không đi được”.

Xuất gia là tối cao quý và khi đi đến cuối con đường ấy thì sẽ đạt được giác ngộ, giải thoát. Nhưng để có được tư duy về sự không bền chắc của dục lạc mà quyết định rời bỏ như Thái tử Tất Đạt Đa, thì quả là điều không dễ dàng nhưng chúng ta cũng phải tập thực hành nuôi chí xuất gia.

Như lời Đại đức chia sẻ: “Người Phật tử sống ở trần gian, nếu chưa đủ nhân duyên xuất gia thì phải tập dần không đắm nhiễm dục lạc, để dần dần mình sẽ có cơ duyên xuất gia, ra khỏi ngôi nhà tại gia của mình. Nhưng muốn làm được điều đó, chúng ta phải có tâm nhàm lìa, phải tư duy để thấy được các dục lạc trần gian là đáng nhàm, đáng chán, không có gì vui và lâu bền”.

Áp dụng vào cuộc sống tại gia, Đại đức hướng dẫn cách tư duy, quán chiếu để từ bỏ những ham muốn về dục lạc như sau: Giả sử chúng ta có ngôi nhà to đẹp nhưng ngôi nhà ấy rồi cũng hoại. Ngôi nhà cũng chỉ là “cái ngục” giữ chúng ta. Nếu chết mà còn giữ thì có thể sẽ đọa làm con giun, con dế,… ở trong ngôi nhà đó. Tương tự, xe đẹp hay tài sản cũng phải trả lại trần gian khi chúng ta “thở ra không hít vào” được nữa.

Đại đức khẳng định: “Tất cả vật chất trần gian chỉ là phù hoa, tạm bợ, không có cái gì bền chắc, đến thân thể mình cũng có ngày phải bỏ thì không có cái gì của trần gian là không phải bỏ”.

Qua lời Đại đức Thích Trúc Thái Minh, người đệ tử Phật tại gia rút ra được bài học đầu tiên từ sự xuất gia của Thái tử Tất Đạt Đa: Phải thường tư duy, quán sát về sự vô thường không bền chắc của ái dục, tài sản, danh vọng; từ đó khởi tâm xả ly chúng để có cơ duyên xuất gia.

Thường hướng tâm nuôi dưỡng chí nguyện xuất gia

Đại đức chia sẻ: “Trong kinh Bát Đại Nhân Giác, Đức Phật dạy, ở tại gia nhưng phải thường chí nguyện, tâm niệm xuất gia thì sẽ có ngày nào đó, đủ duyên đủ phước, mình sẽ xuất gia; kiếp này chưa được, nguyện kiếp sau sẽ được. Dù già hay trẻ, trong tâm phải ấp ủ hạt giống “sẽ xuất gia”, có hạt giống này thì tương lai, mình sẽ có cơ hội để giải thoát sinh tử. Vì Đức Phật nói, ngôi nhà tại gia là ngục trói buộc chúng ta đủ thứ; là sự ràng rịt hết chồng rồi đến con, hết con rồi đến cháu, hết cháu rồi đến chắt,… rất nhiều mối quan hệ trói buộc chúng ta. Nếu ta không có trí tuệ, không tư duy thì không bao giờ ta dứt ra được”.

Như lời Đại đức phân tích: Nếu ai cả một đời cũng không sinh ra được ý niệm ngày nào đó sẽ xuất gia thì người ấy chắc rằng sẽ còn nhiều kiếp chìm đắm. Dù mình sống trong gia đình rất giàu có, đầy đủ, nhưng cũng phải khởi được niệm sẽ có ngày xuất gia, thấy cuộc sống tại gia là tù túng, trói buộc, không thể đưa tới giải thoát.

Cho nên, Đại đức căn dặn: “Người Phật tử tại gia phải nuôi chí hướng đến xuất gia, dù chỉ một niệm thôi. Hãy nghĩ về Thái tử Tất Đạt Đa – Ngài với cuộc sống đầy đủ như vậy mà còn dứt bỏ được tất cả. Có ai “trói” mình bằng người vợ xinh đẹp, hiền đức? Ai trói mình bằng đứa con còn đỏ hỏn yêu quý, cả một ngai vàng, một đất nước kỳ vọng vào mình như Thái tử không? Những cái ấy “trói” rất chặt, thế mà Thái tử còn dứt bỏ đi được”.

Đại đức cũng chia sẻ thêm: “Người Phật tử có tâm hướng đến xuất gia thì sẽ khao khát và chăm chỉ học đạo, thực hành Pháp của Phật, đem lại lợi ích cho mình, gia đình, cộng đồng, xã hội. Nếu không có chí hướng tới việc xuất gia thì tu cũng là tu chơi, học là học vui, đi chùa cho vui, cho khuây khỏa thôi, chứ không phải là người thật lòng học đạo, tu đạo”.

Qua lời giảng trên Đại đức, bài học thứ hai mà người Phật tử tại gia đúc kết được từ sự xuất gia của Thái tử Tất Đạt Đa đó là: Thường nên tư duy về sự trói buộc của dục lạc và hướng tâm tới việc xuất gia để có thể thoát ra khỏi “ngôi nhà phiền não”.

Hy vọng qua những bài học quý báu từ sự xuất gia của Đức Phật, quý Phật tử sẽ có được cách quán chiếu, tư duy để từ bỏ sự tham ái và kiên định trên con đường thực hành thiện nhân quả. Chúc quý Phật tử tinh tấn và an lạc.

Tâm Hướng Phật tổng hợp!

Nguồn: Tâm Hướng Phật ( https://tamhuongphat.com/ )

5 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog