Học cách tích đức bằng những việc đơn giản trong cuộc sống
Pháp Giới 9 tháng trước

Học cách tích đức bằng những việc đơn giản trong cuộc sống

Người xưa khuyên hành thiện sẽ tích được phúc đức. Trong cuộc sống này có rất nhiều việc đơn giản chúng ta có thể làm để tích phúc đức về sau.

1. Lời Phật dạy về phúc đức

Phúc đức là quan niệm đặc thù của người Phương Đông. Quan niệm phúc đức đã trở thành gần như đời sống tâm linh, gắn chặt với lối suy nghĩ và cuộc sống của con người Việt Nam.

Trong Kinh Pháp Cú, Đức Phật có dạy: “Dù lên non, xuống biển, vào hang, nghiệp báo vẫn theo con người như hình với bóng, không ai có thể tránh được”. Nghĩa là nếu như con người không biết tu nhơn tích phước, chỉ lo tạo tội tạo nghiệp, trong cuộc sống đấu tranh giành giựt hằng ngày, cho đến khi quả báo thuần thục, không ai có thể tránh được, dù cho người đó là bất cứ ai trong thế gian này, không phân biệt vua quan, chức quyền hay thường dân, giàu sang hay nghèo hèn, học thức hay bình dân, nam phụ lão ấu, tín đồ hay chức sắc.

Dân gian cũng có câu: “Phước bất tận thâu, Lộc bất tận hưởng”. Tạm hiểu là: “Khi được phước, được lộc đừng bao giờ hưởng hết một mình, mà nên san sẻ”.

San sẻ bằng cách nào? Có nhiều cách, như bố thí (giúp đỡ người già neo đơn, trẻ em tật nguyền, người gặp hoạn nạn…), phóng sinh, cúng dường tạo phước, làm việc hiếu, việc đạo thì mới bền, nếu không thì dễ bị quả báo. Nên chăm làm phước, chớ ích kỷ hại nhân lợi mình, hại người sẽ được hưởng phúc lành.

Vậy phúc đức chính là những điều tốt lành đưa đến cho bản thân hay gia đình mình, xa hơn cho một cộng đồng xã hội, cho một đất nước.

2. Học cách tích đức bằng những việc đơn giản trong cuộc sống

Tích đức từ việc cứu người

Người xưa có câu “Cứu người lúc nguy cấp đường cùng, công đức rất lớn’. Bởi vậy khi gặp người bị nạn, gặp khó khăn, rơi đồ xuống đường, nên đến giúp đỡ, nếu ta bỏ đi thì ắt về sau sẽ gặp quả báo.

Nhìn thấy những đoạn đường hư, lở,… Chúng ta nên mở lòng bồi đường, đắp lộ để cho nhiều người đi qua được bình an.

Tích đức từ việc giúp đỡ người khác

Ở vào thời khắc quan trọng, ai mà không hy vọng có người trợ giúp mình? “Vì người khác” sẽ luôn luôn chiến thắng “vì mình”. Lòng tốt sẽ luôn luôn được người khác khắc sâu, nhớ kỹ.

Khi giúp đỡ người khác cũng phải tìm cách để đối phương vui cười mà tiếp nhận. Nếu tâm không thiện thì dù có vung tiền của cứu giúp hàng ngàn người cũng không có nghĩa lý gì; ngược lại, tâm chân thiện, thì dù không có một đồng làm từ thiện, nhưng một nụ cười hay một cái nắm tay chân thành cũng đủ để tích phúc đức rồi.

Chúng ta nếu biết học từ, bi, hi, xả một cách chân chính tức cũng có thể làm bố thí một cách chân chính, từ đó mới có được phúc báo.

Tích đức từ lòng khoan dung

Là người đệ tử Phật, chúng ta phải biết mở lòng khoan dung lượng thứ cho chúng sanh, cho dù họ xấu bao nhiêu, thậm chí họ đã làm tổn thương bạn, bạn phải buông bỏ, mới có được niềm vui đích thực.

Xem Thêm:   Chú vãng sanh là gì? Nguồn gốc, ý nghĩa và công năng của chú

Người xưa dạy: Rộng lớn nhất thế giới là đại dương, rộng lớn hơn cả đại dương là bầu trời, rộng lớn hơn cả bầu trời chính là lòng người.

Sự khoan dung, nếu được dùng đúng chỗ và đúng lúc thì còn có tác dụng mạnh mẽ hơn sự trừng phạt, bởi nó tác động rất mạnh đến nhận thức mỗi con người.

Khoan dung với người cũng chính là khoan dung với mình, giải thoát mình khỏi những sự giận dữ, căm tức, hận thù, tranh chấp… nhờ đó mà cân bằng được cuộc sống của mình.

Tích đức từ lời nói

Lời nói cần phải thể hiện sự khoan dung độ lượng đối với người khác. Lời nói thẳng có thể chuyển sang cách nói “vòng, nói giảm, nói tránh” một chút.

Lời nói lạnh như băng thì hãy hâm nóng lên một chút trước khi nói. Lời nói phê bình người khác thì trước khi nói hãy chú ý cân nhắc đến lòng tự tôn của người nghe.

Một lời khen ngợi đúng lúc có giá trị ngàn vàng.

Tích đức từ đôi tay

Học cách ca ngợi, vỗ tay tán thưởng người khác. Mỗi người đều cần tiếng vỗ tay của người khác bởi vì ủng hộ, khen ngợi người khác là điều cần có ở mỗi người. Không biết vỗ tay, khen ngợi người khác thì đời người thực sự quá nhỏ hẹp. Cho người khác tiếng vỗ tay kỳ thực là cho chính bản thân mình.

Tích đức từ việc làm ăn lương thiện

Sinh ra có thể nghèo giàu, nhưng cuộc đời không lấy mất của ta cơ hội để sống lương thiện, để có một đời sống hạnh phúc. Chỉ có ta mới đánh mất đi cơ hội đó của mình trước những khó khăn cám dỗ. Sống lương thiện là báu vật quý nhất của đời người.

Đừng chấp nhận đánh đổi cuộc sống lương thiện để tìm chút ít của cải vật chất phi nghĩa. Đừng vì miếng ăn, danh vọng mà chấp nhận nhắm mắt đưa chân để dấn thân vào vòng lao lý.

Cuộc sống hạnh phúc là khi người ta dám sống theo lý tưởng và giữ tròn phạm hạnh. Sống lương thiện với một nghề nghiệp chân chính (còn gọi là Chánh Mạng) là một trong tám con đường giải thoát mà Đức Phật đã chỉ cho ta.

Tích đức từ tính cách khiêm nhượng

Người xưa nói: Người kiêu căng ngạo mạn, thích thể hiện tài năng thì đi đâu cũng có kẻ địch. Tránh khoe khoang tài năng của mình mọi lúc mọi nơi. Buông bỏ kiêu căng, giảm bớt tự kỷ. Không nên ở trước mặt người đang thất ý mà đàm luận về đắc ý của mình. Làm người, trước là đừng khoa trương tùy tiện, sau đừng đắc ý, nên khiêm nhượng một chút.

Tích đức từ việc phóng sinh

Đức Phật đã đưa tội sát sinh vào giới cấm thứ nhất trong ngũ giới, nghĩa là Ngài đã thấy hậu quả không lường của việc sát sinh hại vật. Ngài đã chỉ ra rằng tất cả các chúng sinh từ vô lượng vô biên kiếp trước đã là cha mẹ, anh em hoặc đã là bà con quyến thuộc, nhưng bởi nhân duyên nghiệp báo nên phải sinh tử luân hồi sáu nẻo, thay hình đổi dạng không còn nhận biết lẫn nhau. Đang tâm giết hại để ăn thịt rất tổn hại lòng từ bi, đang tâm giết hại, sát sinh để ăn thịt là cái nhân gây ra bệnh tật, khổ đau, hoạn nạn.

Kinh Phạm Võng dạy rằng: “Người Phật tử nếu lấy tâm từ mà làm việc phóng sinh thì thấy tất cả người nam đều là cha mình, tất cả người nữ đều là mẹ mình. Nếu giết hại sinh mạng để ăn thịt tức là tự giết cha mẹ mình, cũng là giết thân cũ của mình. Cho nên, thường thực hành phóng sinh thì đời đời sinh ra thường gặp Chính pháp. Khuyên dạy người làm việc phóng sinh, nếu thấy người đời giết hại súc vật, nên tìm phương tiện để giải cứu, khiến cho chúng được thoát khổ nạn”.

Xem Thêm:   Người ăn chay có được ăn trứng hay không?

Học cách tích đức bằng những việc đơn giản trong cuộc sống

Tích đức từ việc tôn trọng người khác

Đem lòng tự tôn của người khác đặt ở vị trí cao nhất. Cố gắng để người khác cảm nhận thấy sự tôn nghiêm của bản thân mình. Tôn trọng người yếu kém hơn mình càng là đáng quý. Địa vị càng cao thì càng không thể khinh thường người khác.

Tích đức từ giữ thể diện cho người khác

Ở một số tình huống việc “không nể mặt” là một thái độ vô lễ lớn nhất. Người phương đông rất xem trọng thể diện vì vậy ở bất cả thời điểm nào cũng nên giành cho người khác một “lối thoát” để giữ thể diện.

Nhìn thấy rõ một người cũng đừng nên chỉ thẳng ra, hãy lựa lúc mà nói. Hãy nhớ đừng bao giờ làm tổn thương thể diện của người khác bởi hậu quả của nó là khôn lường. Trong một số tình huống, vạch trần người khác là một cái tội đẩy người ta đến đường cùng.

Tích đức từ việc tín nhiệm người khác

Người có tính đa nghi trời sinh thì khó có người bạn chân thành. Được người khác tin tưởng, tín nhiệm là một loại hạnh phúc. Người có bao nhiêu tín nhiệm thì sẽ có bấy nhiêu cơ hội thành công. Người xưa nói: “Đã nghi ngờ người thì không kết giao, đã kết giao thì không nên nghi ngờ người.”

Tích đức từ việc cho người khác sự thuận lợi

Cho người khác được lợi cũng chính là làm lợi cho mình. Thời điểm người khác cần bạn nhất, hãy sẵn sàng cho họ một bờ vai để nương tựa. Suy nghĩ cho người khác cũng chính là suy nghĩ cho bản thân mình.

Tích đức từ việc thành thật với mọi người

Không thành thật sẽ khó tồn tại, người giả dối tất sẽ không có bạn chân thành. Luôn lấy thành tín làm gốc, coi trọng thành tín trong mọi mối quan hệ. Dùng thành tín thu phục người khác, sẽ dễ đạt được thành công.

Một người nếu như mất đi sự thành thật thì làm việc gì cũng khó. Bất kể lý do gì cũng không thể giải thích được lý do sự giả dối của bản thân.

Tích đức từ việc biết cảm ơn người

Cảm ơn là một cách ngợi ca cuộc đời. Trong cuộc sống, lời cảm ơn kịp thời sẽ khiến mọi người thân thiện với nhau hơn. Cảm ơn đối thủ là một cách thể hiện của người có chí khí.

Tích đức từ việc mỉm người với người khác

Không có ai cự tuyệt một nụ cười chân thành cả! Mỉm cười là phương thức kết nối hữu hiệu giữa con người với con người. Dùng nụ cười để ứng phó với sự “khiêu chiến” của đối thủ mới thực là cao nhân.

Tích đức từ sự biết lắng nghe

Người xưa có câu: “Nhìn nhiều, nghe nhiều và nói ít”. Người biết lắng nghe thường được lòng người khác bởi lắng nghe là một cách lấy lòng người khác tốt nhất.

3. Đức Phật luôn vun bồi 6 loại phúc đức

Ai cũng biết Đức Thế Tôn là bậc Phước trí nhị nghiêm, viên mãn phước đức và trí tuệ. Ấy vậy mà suốt cả cuộc đời, Ngài vẫn tiếp tục vun bồi phước đức không khi nào ngừng nghỉ. Từ việc lớn cho đến việc nhỏ, nhỏ như xâu kim giúp người, Đức Thế Tôn vẫn không nề hà giúp mọi người

Xem Thêm:   Nhân quả nghiệp báo là gì? Cần hiểu như thế nào cho đúng?

Khi Tôn giả A-na-luật bị mù, không xâu kim để vá y được, Đức Phật đã đến giúp khiến cho đệ tử của ngài là A-na-luật phải ngỡ ngàng cảm động.

Không chỉ giúp đệ tử một việc nhỏ nhặt, Thế Tôn còn xác quyết rằng “Người cầu phước ở thế gian không ai hơn Ta” và “Thí; dạy dỗ; nhẫn; nói pháp, nói nghĩa; bảo hộ chúng sanh; cầu đạo Vô thượng Chánh chân. Đó là sáu điều Như Lai không hề chán bỏ”.

Câu chuyện như sau:

“Một thời, Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc.

Rồi sau A-na-luật vá y phục cũ. Khi ấy mắt đã bị hư và đắc thiên nhãn không có tì vết. A-na-luật dùng pháp thường mà vá y áo, nhưng không thể xâu chỉ qua lỗ kim được. Khi ấy A-na-luật liền nghĩ: ‘Chư A-la-hán đắc đạo trong thế gian hãy xâu kim giúp tôi’.

Bấy giờ Thế Tôn dùng thiên nhĩ thanh tịnh nghe được âm thanh này: ‘Chư A-la-hán đắc đạo trong thế gian hãy xâu kim giúp tôi’. Đức Thế Tôn bèn đến chỗ A-na-luật mà bảo:

– Thầy đưa kim đây Ta xâu cho.

A-na-luật bạch Phật:

– Vừa rồi con gọi các vị muốn cầu phước ở thế gian xâu kim cho con.

Thế Tôn bảo:

– Người cầu phước ở thế gian không ai hơn Ta. Như Lai đối với sáu pháp không chán bỏ. Những gì là sáu? Thí; dạy dỗ; nhẫn; nói pháp, nói nghĩa; bảo hộ chúng sanh; cầu đạo Vô thượng Chánh chân. Này A-na-luật! Đó là sáu điều Như Lai không hề chán bỏ.

A-na-luật thưa:

– Thân Như Lai là thân của Chân pháp, lại còn muốn cầu pháp nào nữa? Như Lai đã qua khỏi biển sanh tử, lại thoát khỏi ái trước, và nay cố cầu làm phước.

Thế Tôn bảo:

– Đúng thế, A-na-luật. Đúng như lời thầy nói. Như Lai cũng biết sáu pháp này không chán đủ.

Nếu chúng sanh biết nguồn cội của tội ác do thân, miệng, ý tạo thì hoàn toàn không đọa trong ba đường ác. Vì chúng sanh chẳng biết nguồn gốc tội phước nên đọa trong ba đường ác.

Bấy giờ Thế Tôn liền nói kệ:

Các sức mạnh thế gian
Dạo ở trong Trời, Người
Phước lực là hơn hết
Do phước thành Phật đạo.

Thế nên, A-na-luật! Nên cầu phương tiện được sáu pháp này. Như thế, các Tỳ-kheo, nên học điều này.

Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, hoan hỷ vâng làm”.

(Kinh Tăng nhất A-hàm, tập II, phẩm 38.Lực [1-Trích],VNCPHVN ấn hành, 1998, tr.493)

Pháp thoại này khiến cho những ai thiên về tu tuệ mà xem nhẹ tu phước phải thảng thốt giật mình. Thì ra, phước đức nếu tích lũy được sâu dày sẽ tạo nên sức mạnh hùng hậu trong thế gian, có năng lực đưa hành giả vượt qua mọi chướng ngại để thẳng tiến đến đạo quả. Nếu tu tập bình thường, chưa thành tựu giải thoát trong đời này, phước đức có năng lực đưa người đệ tử Phật ra khỏi các đường ác, được sinh về các cõi lành.

“Như Lai không hề chán bỏ” việc tu tập như “Thí; dạy dỗ; nhẫn; nói pháp, nói nghĩa; bảo hộ chúng sanh; cầu đạo Vô thượng Chánh chân”, huống gì phước mỏng nghiệp dày như hậu thế chúng ta. Nên ngoài chánh hạnh (một pháp môn thích hợp căn cơ), người đệ tử Phật cần làm thêm các trợ hạnh (tất cả các việc lành) để vun bồi phước đức.

“Do phước thành Phật đạo” là lời dạy quan trọng của Thế Tôn để người tu Phật lưu tâm, tu tập quân bình phước trí đều đủ. Nên song hành với tu tuệ, khi hội đủ nhân duyên thì những việc tu phước dù nhỏ đến mấy cũng làm, quyết không chán bỏ.

Tâm Hướng Phật!

Nguồn: Tâm Hướng Phật ( https://tamhuongphat.com/ )

17 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog