Giới Luật là gì? Tầm quan trọng của giới luật
Pháp Giới 4 tháng trước

Giới Luật là gì? Tầm quan trọng của giới luật

Giới luật được thiết lập là mở ra lộ trình giải thoát cho tất cả mọi người ứng dụng thực hành. Do đó, giới luật có vai trò và tầm quan trọng đối với tất cả chúng đệ tử Phật.

1. Giới Luật là gì?

Giới tiếng Phạn là SiLa, phiên âm thành Thi La. Trung Hoa dịch là Thanh Lương mát mẻ. Do công năng hành giả giữ gìn Giới nên ngăn ngừa ba nghiệp bất thiện của thân, khẩu, ý.

Giới còn gọi là Ba-la-đề-mộc-xoa phiên âm từ tiếng Phạn Pàtimokha có nghĩa là hướng đến. Nghĩa bóng là hành giả cần nương về nội tâm tu hành tìm ra con đường giải thoát. Giải thoát có hai nghĩa: Biệt giải thoát và Biệt biệt giải thoát.

Luật theo tiếng Phạn là Vinàya phiên âm là Tỳ Nại Da. Trung Hoa dịch là điều phục, có hai nghĩa: nghĩa đen là “khử” là “chân”, nghĩa bóng là loại bỏ bao nhiêu các việc xấu quấy để giữ lại cho cái chơn, cho nên gọi là hàng phục tâm. Chấm dứt tâm vọng động, đừng cho tâm phát khởi, nên gọi là chân tâm. Như hàng phục giới liền sanh trí huệ.

Luật cũng dịch là Thiện Trị vì hành giả khéo chế ngự các hạnh bất thiện của mình, còn điều phục hết thảy bất thiện hạnh cho chúng sanh. Như vậy, Giới luật còn nghĩa rộng là hòa hợp chúng, sống trong đoàn thể thanh tịnh tăng luôn biết thương yêu đùm bọc lẫn nhau. Cũng là nền tảng muôn pháp lành, điều phục nghiệp xấu ác của thân khẩu ý, đoạn trừ phiền não của tham, sân, si. Nhờ Giới học mà hành giả tu hành đạt quả Tịch diệt Niết Bàn.

Giới Luật: dựa trên công dụng mà có nhiều tên gọi khác nhau, nhưng nghĩa chính của Giới Luật là phân định phán đoán của các tội khinh, trọng, khai, giá, trì phạm để ngăn ngừa những tội lỗi của thân tâm. Bởi thế mới nói Giới luật của đức Thế Tôn chế ra chỉ là “Tùy phạm tùy kiết”.

Nghĩa là có người gian gốc độ khác nhau mà hành trì. Hơn nữa, ranh giới giữa người vi phạm và người tuân thủ pháp luật cách nhau chỉ một niệm đúng sai, vậy cần phải có chuẩn mực để phân định rõ ràng. Cũng thế, trong Đoàn thể tu hành Phật giáo cũng cần phải sử dụng đến Giới luật để phân minh, khinh, trọng tùy theo hành giả vi phạm lỗi lầm, nên thỉnh Thế Tôn Kiết Giới.

2. Tác dụng của Giới Luật

Đặc tính của Giới là đem sự an vui hạnh phúc cho mình và cho người, điều hòa được sinh hoạt tập thể của Tăng già, tạo niềm tin cho kẻ khác, đem lại lợi ích an lạc giải thoát cho tự thân người hành trì Giới luật. Vì thế, đề cập đến lợi ích của Giới, cho nên đức Phật dạy rằng: có 5 điều lợi ích cho những ai giữ Giới và sống đúng theo Giới luật ấy là:

1. Những người giữ Giới sống theo Giới luật sẽ có tiền của, tài sản rất nhiều vì sống không phóng dật.

2. Người giữ giới sống theo Giới luật được tiếng tốt đồn xa.

3. Người giữ giới sống theo Giới luật, khi đi vào các hội chúng nào người ấy đi vào với tâm không sợ hãi, không bối rối.

4. Người giữ giới sống theo Giới luật, sau khi chết tâm hồn vị ấy không rối loạn.

5. Người giữ giới sống theo Giới luật, sau khi thân hoại mạng chung sẽ sanh vào thiện thú Thiên giới.

Qua lời dạy của đức Phật, chúng ta thấy lợi ích của Giới luật vô cùng lớn lao đối với những ai hành trì nó. Là một Tu sĩ chúng ta không thể thiếu Giới, vì một người thiếu Giới hạnh thì không thể nào làm cho chư Thiên hoan hỷ được, mà còn trở thành kẻ ngoan cố đối với các bạn đồng phạm hạnh. Người ấy đau khổ khi phạm Giới, vì bị chỉ trích và hối hận khi thấy người giữ giới tán dương. Người ấy vô giá trị vì không đem lại quả báo tốt đẹp cho các thí chủ.

Người khó làm cho sạch như thùng phân dơ lâu năm, như một khúc gỗ mục trên giàn lửa. Vì không phải người xuất gia cũng không phải cư sĩ mặc dù tự xưng là Tỳ kheo mà không phải là Tỳ kheo, cũng giống như con lừa đi theo bầy bò. Người ấy luôn luôn nóng nảy nhìn tất cả mọi người như kẻ thù của mình, dù người ấy có thể là học rộng hiểu biết nhiều nhưng người ấy không đáng được các bậc đồng phạm hạnh cung kính.

Cho nên, trong kinh Phạm Võng đã dạy: “Nếu Phật tử có tín tâm xuất gia thọ trì Tịnh giới của Phật, mà lại cố ý hủy phạm Giới mình đã thọ thì người đó không được thọ sự cúng dường của đàn việt, cũng không được phép đi trên đất của quốc vương, không được uống nước của quốc vương, đi đâu cũng bị năm ngàn đại quỷ chặn ngăn trước mặt, quỷ nói với nhau rằng “đây là đại tặc”. Nếu vào phòng xá thành ấp nào thì bị quỷ chà quét dấu chân của người đó, tất cả mọi người đều mắng rằng “Ngươi là giặc trong Phật pháp”. Tất cả chúng sanh không muốn nhìn thấy. Người phạm Giới không khác gì súc sanh, không khác gì khúc gỗ”.

Xem Thêm:   Ấn Quang Pháp Sư Gia Ngôn Lục Tục Biên PDF trọn bộ

Giới luật của Phật chính là phương tiện để cho mỗi cá nhân tu tập đạt được lợi ích an lạc. Giới luật cũng là một cái thước đo tiêu chuẩn về mặt hình thức của một con người, về sự tiến bộ của tâm linh của hành giả tu tập giáo lý giải thoát. Mọi lý luận đều không có giá trị đối với người phạm giới, và mọi thành quả tốt đẹp sẽ đến với những ai thanh tịnh được Giới luật là một quy luật tất yếu.

Giới Luật là gì? Tầm quan trọng của giới luật

3. Tầm quan trọng của Giới Luật

Tứ Diệu Đế thành lập nguyên nhân và mô hình cho việc hành Pháp. Để đạt được Niết Bàn, chúng ta phải tu tập tam vô lậu học: Giới, Định, Tuệ. Tam vô lậu học này khác với tam học bình thường vì mục tiêu của chúng cao hơn. Hoàn thành xong tam vô lậu học là việc cần làm trong luân hồi chúng ta đã làm, chẳng hạn như sẽ có sự tái sinh tốt hơn. Tam vô lậu học hướng chúng ta tới giải thoát và giác tỉnh hoàn toàn.

Phật tử chấp nhận rằng cuộc sống con người có một mục đích sâu sắc hơn, ví dụ như có sự tái sanh tốt hơn, giải thoát, và thức tỉnh hoàn toàn là những mục đích đầy giá trị để hướng đến. Bởi phiền não ngăn cản chúng ta thực hiện mục đích đạo đức của mình, chúng ta nỗ lực chuyển hóa phiền não và thậm chí diệt tận chúng. Giới được thành lập để giúp chúng ta làm chủ thân, khẩu, ý của mình.

Theo truyền thống Phạn, trí tuệ nhận thức được sự vô ngã sẽ loại bỏ sự che chướng khỏi gốc rễ của ngã. Để sự tuệ tri được đúng đắn, nó cần phải có thiền định. Để có thiền định sâu sắc, cần phải chánh niệm vững vàng và nhận thức sâu sắc để hàng phục những chướng ngại nội tại tinh tế. Những điều này ban đầu được thực hiện thông qua việc giữ giới để kiềm chế những chướng ngại thô buông lung bên ngoài của thân và miệng. Giới có nghĩa là kiềm chế không làm hại và áp dụng cho cả bậc xuất gia và tại gia. Phật giáo Tây Tạng có ba mức độ về giới: Biệt giải thoát, Bồ tát và mật giáo.

Giới biệt giải thoát tập trung vào việc từ bỏ những hành động và lời nói có hại. Giới của Bồ tát nhấn mạnh việc lọc bỏ tư tưởng, lời nói và hành động lấy chấp ngã làm trung tâm. Giới của Mật giáo nhằm vượt qua những chướng ngại tinh thần tinh tế. Bởi mục đích của giới dần dần tinh tế hơn, nên tam vô lậu học được thực hiện dần dần và theo thứ tự đó.

Xem Thêm:   Bát Phong là gì? Làm sao đạt được Bát Phong xuy bất động?

Một lòng hứa giữ giới là chúng ta đã nắm được chìa khóa cần thiết để đạt được sự chứng ngộ. Một số người vững mạnh nhanh chóng khi thọ giới, nhưng lại không vững lòng khi giữ giới. Ngược lại điều trên, chúng ta nên suy nghĩ sâu sắc trước khi thọ giới, rồi đảnh lễ tha thiết thỉnh giới sư truyền giới, và sau đó mạnh mẽ trì giới không lùi bước. Dù giữ giới Thanh Văn hoặc Bồ Tát, giới vẫn là nền tảng của tu tập. Các giới luật biệt giải thoát giúp chúng ta điều ngự thân và khẩu và nhân đó, tâm ý cũng được kiểm soát theo.

Tất cả các Phật tử cố gắng từ bỏ mười pháp bất thiện, giữ thập thiện để mang an lạc cho mình. Giới ngăn ngừa nghiệp phá hoại và thanh lọc những thói quen có hại. Giới cũng mang lại sự tích lũy công đức nhanh chóng, bởi lẽ mỗi khi chúng ta không phạm một giới, là chúng ta đang chủ động từ bỏ hành động phá hoại đó, do đó làm phong phú thêm tâm trí của chúng ta bằng công đức tác ý không phạm giới. Giới làm nguội đi các lửa phiền não, chuẩn bị tâm trí để đạt được trạng thái thiền định cao hơn, là con đường dẫn tới sự thức tỉnh của cả ba thừa và hoàn thiện sự mong muốn của chúng ta. Giới ngăn ngừa cảm giác tội lỗi, hối tiếc và lo lắng. Giới tránh được sự sợ hãi và hổ thẹn từ người khác và là nền tảng cho lòng tự trọng. Hành vi đạo đức giữ giới của chúng ta góp phần vào nền hòa bình thế giới, cho những người khác tin tưởng và cảm thấy an toàn xung quanh một người đã hoàn toàn từ bỏ mong muốn làm hại người khác.

Hành vi đạo đức tốt không thể bị đánh cắp hoặc tham ô. Nó là cơ sở để có một sự tái sinh may mắn, điều đó là cần thiết để tiếp tục thực hành giáo Pháp. Sống an ổn trong các giới luật sẽ tạo ra nhân tốt, để gặp cảnh thuận lợi và có thể tiếp tục tu tập trong tương lai. Bởi chúng ta quen thuộc đời sống giới hạnh trong tương lai để cởi bỏ những chấp trước và tiến tu, chúng ta sẽ đạt được giác ngộ một cách nhanh chóng.

Nguồn: Phatgiao.org.vn!

Nguồn: Tâm Hướng Phật ( https://tamhuongphat.com/ )

32 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog