Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu và 10 bài học quý báu
Pháp Giới 11 tháng trước

Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu và 10 bài học quý báu

Qua hành động tự thiêu cao cả của Hòa thượng Thích Quảng Đức, người con Phật rút ra được bài học gì cho bản thân trên lộ trình tu học Phật Pháp?

Năm 1963 đã diễn ra sự kiện Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu tại miền Nam Việt Nam và để lại trái tim bất diệt cho nhân loại. Có thể nói, đây là sự kiện gây chấn động thế giới và thức tỉnh lương tri nhân loại trong thế kỷ XX.

Sau sự kiện này, Phật giáo Việt Nam như thoát được cơn đại nạn, thậm chí là nguy cơ diệt vong. Hành động của Ngài là hạnh nguyện cao thượng của bậc Bồ tát.

Kính mời quý Phật tử cùng theo dõi chia sẻ của Thầy Thích Trúc Thái Minh qua bài viết dưới đây!

Tiểu sử Hòa thượng Thích Quảng Đức

Hòa thượng Thích Quảng Đức (hay còn gọi là Bồ tát Thích Quảng Đức) thế danh là Lâm Văn Tuất, sinh năm 1897 tại thôn Hội Khánh, xã Vạn Khánh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa. Ngài sinh trong gia đình có 7 anh chị em, thân sinh là cụ ông Lâm Hữu Ứng, cụ bà Nguyễn Thị Nương.

Năm lên 7, Ngài được cha mẹ cho đi xuất gia, năm 15 tuổi Ngài thọ giới Sa-di, 20 tuổi thọ giới Tỳ-kheo. Ngài có Pháp danh là Thị Thủy, Pháp Tự là Hạnh Pháp và Pháp Hiệu là Quảng Đức. Ngài giữ nhiều chức vụ lãnh đạo trong giáo hội Phật giáo lúc bấy giờ: Chứng minh đạo sư cho chi hội Phật học Ninh Hòa, Phó trị sự và Trưởng ban nghi lễ của Giáo hội Tăng già Nam Việt,… Bên cạnh đó, Ngài còn đóng góp trong việc xây dựng và trùng tu nhiều ngôi chùa.

Cả một đời Ngài trọn vẹn trong việc tu đạo, giữ gìn giới đức, hành hạnh đầu đà, tu tập trang nghiêm. Năm 1958, Ngài nhận thấy tuổi già sức yếu, Ngài xin thôi mọi chức vụ để dành tâm tu niệm. Tuy nhiên, vốn có tâm từ bi nên Ngài vẫn để gót chân vân du hành đạo, ghi dấu nhiều nơi, làm lợi chúng sinh.

“Lời nguyện tâm quyết” của Bồ tát Thích Quảng Đức tự thiêu

Từ năm 1954 đến 1963, miền Nam Việt Nam đặt dưới sự cai trị của chính quyền Ngô Đình Diệm. Chính quyền đã thực hiện nhiều chính sách hà khắc với nhân dân; trong đó, nổi bật với chính sách kỳ thị tôn giáo, đặc biệt là Phật giáo. Chính quyền ra lệnh cấm các chùa treo cờ Phật giáo, cấm Tăng Ni hoằng Pháp, những cuộc bắt bớ, đánh đập Tăng Ni liên tục xảy ra.

Đỉnh điểm là đêm rằm tháng 4 âm lịch năm 1963, tại đài phát thanh truyền hình Huế, khi Phật tử nghe tin tức Phật đản thì bị chính quyền Ngô Đình Diệm đàn áp, khiến 8 Phật tử tử vong và một số Phật tử khác bị thương. Sự kiện này đã gây nên sự phẫn nộ mạnh mẽ trong quần chúng nhân dân, đặc biệt là Phật tử đối với chế độ Ngô Đình Diệm.

Sau vụ thảm sát hôm đó, Tổng hội Phật giáo Việt Nam gồm các vị lãnh đạo cao cấp của Phật giáo tại chùa Từ Đàm (Huế) đã gửi bản tuyên ngôn gồm 5 điểm đòi quyền bình đẳng tôn giáo lên chính phủ Việt Nam Cộng Hòa nhưng không được Tổng thống Diệm chấp nhận. Trước phản ứng của Tăng, Ni, Phật tử đấu tranh bảo vệ Phật giáo, chính quyền Ngô Đình Diệm còn tăng cường đàn áp khốc liệt, độc ác hơn.

Trong hoàn cảnh đó, là một người đệ tử chân chính của Đức Như Lai, Ngài không bằng lòng ngồi nhìn cảnh Phật Pháp đứng trước nguy vong. Chính vì vậy, ngày 27/5/1963, Ngài quyết định đến chùa Ấn Quang bạch với Hòa thượng Thích Thiện Hoa – Trưởng Trị Sự giáo hội Tăng già Nam Việt và nộp đơn xin thiêu thân quyết bảo vệ đạo Pháp cũng như sự tồn vong của đất nước Việt Nam. Trong đơn, Hòa thượng Thích Quảng Đức khẳng định: “Tinh thần Phật giáo đã gắn liền với tinh thần quốc gia dân tộc, Phật giáo thịnh thì quốc gia thịnh, Phật giáo suy thì quốc gia suy, điều này lịch sử đã minh nhận”.

Đặc biệt, trong “Lời nguyện tâm quyết” trước khi tự thiêu, Ngài khẳng định: “Tôi vui lòng phát nguyện thiêu thân giả tạm này cúng dường chư Phật để hồi hướng công đức bảo tồn Phật giáo”. Trong lời tâm quyết có 4 điểm:

– Một là mong ơn Phật tổ gia hộ cho tổng thống Ngô Đình Diệm sáng suốt chấp nhận năm nguyện vọng tối thiểu của Phật giáo Việt Nam ghi trong bản tuyên ngôn.

– Hai là nhờ ơn Phật từ bi gia hộ cho Phật giáo Việt Nam được trường tồn bất diệt.

– Ba là mong nhờ hồng ân Đức Phật gia hộ cho Chư Đại Đức Tăng, Ni, Phật tử Việt Nam tránh khỏi nạn tai nạn khủng bố và bắt bớ, giam cầm của kẻ gian ác.

– Bốn là cầu nguyện cho đất nước thanh bình, nhân dân an lạc.

Lời nguyện tâm quyết của Ngài hiện hữu tâm từ bi của người đệ tử Phật chân chính với chính quyền Ngô Đình Diệm, mong muốn thức tỉnh chính quyền “lấy lòng bác ái từ bi đối với quốc dân và thi hành chính sách bình đẳng tôn giáo để giữ vững nước nhà muôn thuở”, mong nguyện đất nước hòa bình, nhân dân an lạc, Phật Pháp trụ lâu dài thế gian.

Sự kiện tự thiêu và “trái tim bất tử” của Hòa Thượng Thích Quảng Đức

Đúng ngày 20/4 năm Quý Mão (tức 11/6/1963), như đã sắp xếp, Hòa thượng ngồi trong xe ô tô, một vị Đại đức đã tẩm xăng lên y áo của Hòa thượng. Chiếc xe của Ngài dẫn đầu đoàn diễu hành rước di ảnh của các vị Thánh tử đạo của trên 800 vị Thượng tọa, Đại đức Tăng Ni và Phật tử.

Khi đoàn diễu hành đến ngã tư Phan Đình Phùng – Lê Văn Duyệt (nay là ngã tư Nguyễn Đình Chiểu – Cách Mạng Tháng Tám, quận 3, TP HCM), Hòa thượng từ trên xe bước xuống, đến giữa ngã tư đường, Ngài bình thản xếp chân kiết già, điềm nhiên châm lửa.

Xem Thêm:   Niệm Phật phải niệm đến tâm thanh tịnh, tâm từ bi
Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu và 10 bài học quý báu
Tượng Hòa thượng Thích Quảng Đức tại Việt Nam quốc tự

Ngọn lửa bùng cháy lớn, bốc cao phủ kín thân nhưng Ngài vẫn an nhiên chắp tay tĩnh tọa như một pho tượng đồng đen trước sự chứng kiến của nhiều Tăng, Ni, Phật tử và nhân dân. Khoảng 15 phút sau, lửa tàn, Hòa thượng cúi xuống mấy lần như chào đại chúng, rồi Ngài nằm ngửa ra và tay còn kiết ấn.

Trước đại nguyện “vị Pháp thiêu thân” vĩ đại của Hòa thượng Thích Quảng Đức, chúng ta có thể khẳng định rằng, nếu một người bình thường không có công phu tu tập, không có chí nguyện thì không thể chịu nổi. Chúng ta chỉ bị bỏng một chút thôi đã không thể chịu nổi, vậy mà giữa khối lửa lớn như vậy, Hòa thượng vẫn ngồi thản nhiên không đau đớn.

Sau đó, nhục thân của Ngài được đưa về An Dưỡng Địa để làm lễ hỏa thiêu. Sức nóng của ngọn lửa có thể thiêu rụi nhiều thứ, nhưng điều vi diệu là trái tim xá lợi bất tử vẫn còn vẹn nguyên dù đã qua 2 lần hỏa thiêu, với nhiệt độ lên tới hơn 4.000 độ C.

Trái tim xá lợi bất diệt của Ngài đã mở ra ánh sáng hy vọng cho Phật giáo, ứng nghiệm với lời Ngài đã tiên tri lúc còn sống: – Một là, sau khi Ngài tự thiêu, sẽ còn một vật gì đó lưu giữ cho đời – đó như là thành quả cả đời tu hành của Ngài. – Hai là khi thiêu, nếu chết trong tư thế nằm ngửa thì cuộc đấu tranh giành quyền bình đẳng tôn giáo sẽ thành công. Và quả thật, cuộc đảo chính ngày 01/11/1963 làm cho chính quyền Ngô Đình Diệm hoàn toàn sụp đổ, Phật giáo Việt Nam thoát khỏi nguy cơ diệt vong.

“Trái tim bất tử” của Hòa Thượng Thích Quảng Đức chính là sự nhiệm màu của Phật Pháp, là kết tinh năng lực tu hành, nếp sống đạo hạnh và tâm từ bi quảng đại vì lợi ích chúng sinh của Ngài. Tính bất hoại của “trái tim bất diệt” cũng là điều mà Bồ Tát Thích Quảng Đức để lại cho thế nhân biết rằng: Cuộc sống các bậc chân tu đắc đạo vượt lên trên những suy lý thường tình; và thế giới tâm linh vẫn tồn tại, song hành trong thế giới vô thường, sinh diệt này.

Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu và 10 bài học quý báu

Sự kiện Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu vì bảo vệ Phật Pháp vào ngày 11/6/1963 (tức 20/4 nhuận/Quý Mão) là sự kiện chấn động thế giới. Chúng ta cũng biết rằng, các bậc Bồ tát, Thánh Tăng thị hiện nơi đời sẽ mang lại cho chúng sinh rất nhiều bài học quý báu. Vậy qua hành động tự thiêu cao cả của Hòa thượng Thích Quảng Đức, người con Phật rút ra được bài học gì cho bản thân trên lộ trình tu học Phật Pháp?

1. Giữ vững chí nguyện của người xuất gia “trên cầu thành Phật, dưới độ chúng sinh”

Hành động của Hòa thượng Thích Quảng Đức đã làm cho biết bao nhiêu người phát tâm Bồ Đề, kiên cố với Phật Pháp, bao nhiêu vị Tăng Ni tinh tấn tu hành. Hành động của Ngài làm lớn mạnh dòng giống Thánh và khiến tâm Bồ Đề kiên cố lên rất nhiều.

Sự kiện Ngài thiêu thân đã làm rung động đến quân ma, binh ma, nhất là ma tâm trong tâm của gia đình Tổng thống Ngô Đình Diệm. Tất cả phải rung động, phải run sợ, gọi là chấn nhiếp ma quân. Ngài nguyện thiêu thân để làm đèn soi sáng nẻo vô minh, khiến cái ác phải lùi xa.

Hành động của Ngài còn là vì báo đáp tứ ân, cứu độ ba cõi và thể hiện chí nguyện người xuất gia “trên cầu thành Phật, dưới độ chúng sinh”. Cả một đời xuất gia là nguyện bỏ thân này, biết đây là thân cuối cùng và không để cho nó đi trong luân hồi nữa. Đem thân này để phụng sự Phật Pháp, trên cầu vô thượng đạo, dưới nguyện độ chúng sinh.

Người tu, người xuất gia biết dùng thân này hữu ích nhất là không để uổng phí nó một ngày, một giờ nào, không có việc làm nào là uổng phí nơi thân này. Có những người dùng thân này một đời uổng phí, đến lúc chết không có một chút công đức phước lành thiện căn và thân này trở thành nguồn nối sa đọa. Còn người chân thật xuất gia tu hành phải biết dùng cái thân này làm sao lợi ích nhất cho mình và cho chúng sinh thì Hòa thượng Thích Quảng Đức đã dùng thân mình như vậy, không uổng phí thân này.

2. Người con Phật phải nguyện tu học để có được tâm đại hùng, đại lực, đại bi, đại trí, đại dũng

Hành động tự thiêu của Hòa thượng Thích Quảng Đức là một việc khó làm, thể hiện đầy đủ tâm trí đại hùng, đại lực, đại từ, đại bi như hạnh nguyện cao quý của các bậc Bồ tát.

Hòa thượng rất điềm nhiên, bình thản từ xe bước xuống, ngồi vắt chân kiết già. Điều đó thể hiện sự oai hùng của Ngài, mà kẻ tầm thường không thể làm được. Bức thư tâm quyết của Ngài, thể hiện đầy đủ sự từ bi, không có một chút gì phiền hận sân hận trong lòng. Ngài thấy ông Ngô Đình Diệm là một chúng sinh u mê lầm lỗi, tăm tối cần phải cứu độ. Cho nên Ngài đốt thân này cũng là để cứu độ chúng sinh, để soi sáng góc u tối trong tâm hồn của những kẻ ác. Đó là tâm từ bi của Ngài. Ngài biết rằng việc thiêu thân này sẽ đem lại rất nhiều lợi ích cho Phật Pháp, cho chúng sinh; đó là trí tuệ. Cho nên việc làm của Ngài có đầy đủ hùng, lực, bi, dũng.

Từ đây, chúng ta có thể rút ra cho mình bài học số hai từ sự tự thiêu của Hòa thượng Thích Quảng Đức đó là: Mỗi người con Phật cần tu học, rèn sửa bản thân để có được những phẩm chất cao quý như các bậc Bồ tát. Phải có hùng, lực, bi, trí, dũng trong các công việc. Như vậy, chúng ta có thể đạt được những lợi ích to lớn cho mình và cho chúng sinh.

Xem Thêm:   20 Khẩu nghiệp mà chúng ta tuyệt đối nên tránh
Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu và 10 bài học quý báu
Bồ tát Thích Quảng Đức đốt thân này để cứu độ chúng sinh, soi sáng góc u tối trong tâm hồn của những kẻ ác

3. Người tu hành phải biết xả thân cầu đạo không tiếc thân mạng

Xả thân mình cầu đạo là một hành động hết sức vĩ đại. Nếu đi tu mà vị thân, để vinh thân phì gia (tức đạt danh vọng, giàu sang cho bản thân và gia đình) thì sai mất rồi. Người thế gian ở đời, sống để vinh thân phì gia, đi theo con đường danh lợi. Còn người xuất gia phải xả thân để cầu đạo. Hòa thượng Thích Quảng Đức đã thực hiện được chí nguyện ấy, dám xả thân để cầu đạo. Bởi lẽ, nếu không xả thân này thì đạo Pháp không còn tồn tại.

4. Phải biết vì lợi ích chúng sinh, vì sự trường tồn của đạo Pháp

Trong kinh Đức Phật dạy: Phụng sự chúng sinh là cúng dường chư Phật. Phật Pháp là con thuyền cứu khổ chúng sinh. Vậy nên, Phật Pháp còn tồn tại thì chúng sinh còn có cơ duyên thoát khổ.

Cho nên, đã là đệ tử Phật dù xuất gia hay tại gia, chúng ta đều phải có tâm nguyện làm lợi ích chúng sinh, tâm nguyện mong sao cho đạo Pháp được trường tồn.

Trong bức thư tâm quyết, Hòa thượng Thích Quảng Đức đã nói rất quả quyết rằng: “Tôi vui vẻ phát nguyện thiêu thân giả tạm này, cúng dường Chư Phật để hồi hướng công đức bảo tồn Phật giáo, mong ơn mười phương Chư Phật, Chư Đại Đức Tăng, Ni chứng minh cho tôi đạt thành chí nguyện”.

Đức Phổ Hiền Bồ Tát cũng nguyện chính Pháp được hoằng dương, Đức Phật trụ thế để Phật Pháp được còn mãi ở thế gian, chúng sinh có cơ duyên mà hết khổ. Vậy nên, học theo hạnh của các Ngài, chúng ta cần quán chiếu để thấy sự quý báu của Phật Pháp cũng như những mất mát to lớn nếu Phật Pháp bị diệt vong. Từ đó, phát khởi tâm nguyện làm lợi ích chúng sinh, mong sao cho đạo Pháp được trường tồn.

Qua đây, chúng ta phải tự xem lại mình, phải thâm nhập Phật Pháp, học hiểu để biết Phật Pháp thật quý báu. Chúng ta có thể bỏ thân mạng để cầu Phật Pháp. Trong tiền thân của Đức Phật, rất nhiều kiếp Đức Phật đã bỏ thân để cầu Pháp. Trong tâm mỗi chúng ta phải gieo cho mình hạt giống sẵn sàng vì Pháp mà bỏ thân, mong cho Phật Pháp được trường tồn được lâu dài, mong cho chúng sinh hết khổ.

5. Người xuất gia cần làm gương soi cho hậu thế muôn đời

Cuộc đời xuất gia hành đạo của Hòa thượng Thích Quảng Đức thực sự là tấm gương sáng để cho tất cả các Tăng Ni soi vào. Ở Ngài có đủ giới đức trang nghiêm, chí nguyện cao vời, hạnh nguyện rộng lớn. Ngài xứng đáng là một viên ngọc của Phật giáo Việt Nam, là tấm gương sáng cho chúng ta.

Người xuất gia là biểu mẫu, là mô phạm (chuẩn mực) cho muôn loài, là Thầy của cõi Trời, người. Do đó, người đã xuất gia phải tự ý thức được điều này để tu tập và sửa mình. Có thể trước khi xuất gia là người chưa tốt, có nhiều tập tính xấu nhưng khi đã xuất gia thì nên ý thức mình là nơi nương tựa của chúng sinh, phải cố gắng sửa đổi tính nết, rèn giũa phẩm hạnh cho được tốt đẹp sao cho xứng đáng là đệ tử của Đức Như Lai, là tấm gương sáng cho đời. Đây chính là bài học số năm mà những người con Phật cần ghi nhớ và thực hành.

Từ 5 bài học trên, chúng ta thấy được tấm gương tu hành vĩ đại của Hòa thượng Thích Quảng Đức. Ngài không những dùng khẩu giáo, thân giáo mà Ngài còn dùng cả mạng sống để giáo hóa, đem lại lợi ích Phật Pháp cho chúng sinh.

6. Học Phật phải ứng dụng vào cuộc sống chứ không chỉ học lý thuyết suông

Hành động tự thiêu của Hòa thượng Thích Quảng Đức chính là học hạnh của Đức Phật Thích Ca. Trong các kiếp hành Bồ Tát đạo, có những kiếp Ngài đã đốt thân làm đèn cúng dường chư Phật.

Trong kinh Pháp Hoa có hai vị Bồ Tát Dược Vương và Bồ Tát Dược Thượng cũng đốt tay cúng Phật. Hòa thượng Thích Quảng Đức rất hay tụng kinh và trì tụng kinh Pháp Hoa. Cho nên, Hòa thượng cũng nói là tôi học hạnh của Ngài Dược Vương Bồ Tát, tôi đốt thân này để cúng dường chư Phật và cầu nguyện cho Phật Pháp được trường tồn.

Như vậy, chúng ta thấy rằng, Ngài chính là tấm gương cho việc học và thực hành; không phải chỉ học có lý thuyết suông. Bởi để phát được lời đại nguyện hy sinh vì Phật Pháp cũng như chịu được sức nóng thiêu đốt của ngọn lửa thì chắc chắn rằng, trong cuộc đời tu hành Ngài đã rất nghiêm khắc, miên mật thực hành theo lời Phật dạy.

Qua sự kiện này, Phật tử chúng ta cũng thế, học lời dạy của Đức Phật thì phải thực tập ứng dụng vào trong cuộc sống. Đức Phật dạy văn – tư – tu. Văn tức là học, là nghe; tư là thẩm thấu; tu là chính niệm, thực hành.

Nếu chúng ta chỉ nghe cho vui, cho hay thì không bao giờ có thể chuyển hoá được. Những tính nết, thói hư tật xấu vẫn như vậy. Cho nên việc học và tu phải đi đôi với nhau. Đây là điều rất quan trọng. Hoà thượng Thích Quảng Đức là tấm gương sáng giữa học đi đôi với hành mà chúng ta phải học ở Ngài.

7. Người xuất gia phải giáo hóa chúng sinh bằng khẩu giáo, thân giáo

Hoà thượng Thích Quảng Đức không những dùng khẩu giáo, thân giáo mà Ngài còn dùng cả mạng sống để giáo hóa cho chúng sinh. Đây quả thực là bài học vô cùng to lớn cho hàng hậu học mai sau.

Hành động tự thiêu của Hòa thượng Thích Quảng Đức đúng là một sự giáo hoá toàn diện. Ngài đem cả tính mạng của mình ra để giáo hóa chúng sinh. Thật sự là một sự giáo hoá hết sức vĩ đại. Hành động này của Ngài đã làm cho rất nhiều người tin theo Phật Pháp và chuyển hóa ác nghiệp cho chúng sinh, thức tỉnh những kẻ ác quay đầu sám hối. Việc làm của Ngài có giá trị, tính chất giáo dục rất là lớn.

Xem Thêm:   Sự nhiệm mầu của Kinh Địa Tạng và Thần Chú Thủ Lăng Nghiêm

8. Người tu muốn chứng đạo cần chân thật tu hành

Đối với Phật Pháp có tu thì sẽ có chứng. Giới, định và tuệ đầy đủ nhất khoát chúng ta phải chứng đạo. Cho nên, chúng ta yên tâm việc tu, việc học chúng ta chân thật thực hành thì nhất khoát sẽ phải vào đạo, phải chứng đạo.

Hoà thượng Thích Quảng Đức là một người như vậy, Ngài chân thật tu tập, chân thật thực hành. Cho nên sự ra đi của Ngài thể hiện sự chứng đạt. Bởi nếu không phải một người đã chứng đắc thiền, chứng định, không đắc trí tuệ thì không thể nào mà an nhiên giữa một vầng lửa như vậy được.

Chúng ta chỉ cần bỏng một chút là không chịu nổi. Trong hoàn cảnh toàn thân bốc cháy, có lẽ tâm trí người thường sẽ rối loạn, la hét, có khi là vùng dậy chạy loạn. Thế nhưng, khi ngọn lửa cuộn lên, bao trùm lên thân mà Hòa thượng Thích Quảng Đức vẫn ngồi điềm nhiên, tự tại như bông sen hồng trong lò lửa, như một pho tượng đồng đen ngồi ở giữa ngã tư đường phố.

Đến khi lửa gần tắt, Hòa thượng Thích Quảng Đức mới ngã ra. Đúng như lời tiên tri của Ngài nói cho các vị đệ tử: Nếu thân Ngài ngã ra thì cuộc đấu tranh của Phật giáo sẽ thành công; còn nếu Ngài gục về phía trước thì cuộc đấu tranh này sẽ không thành công, chư Tăng Việt Nam sẽ phải rời sang các nước khác.

Cho nên, việc Hòa thượng Thích Quảng Đức ngã ra như vậy để minh chứng rằng, những điều Ngài nói sẽ là sự thật, Ngài tự thiêu như vậy là minh chứng cho sự chứng đạt của Ngài. Ngài thực sự đã chứng ngộ được tấm thân này là tấm thân huyễn hóa (thân giả tạm), chứng đạt lý sâu mầu của kinh Kim Cương nên Ngài mới bình tĩnh, vững chãi như vậy.

Hòa thượng Thích Quảng Đức một đời chân tu cho nên Ngài thực chứng và phát nguyện tự thiêu rất nhẹ nhàng, bình thản.

9. Tăng Ni, Phật tử phải rèn giũa, sống cao đẹp làm vinh danh Đức Phật

Việc làm của Hòa thượng Thích Quảng Đức là vinh danh Đức Phật, vinh danh giáo Pháp của Đức Phật. Điều này minh chứng cho cả thế giới thấy con của Đức Phật kiên cường, dũng mãnh như vậy thì Đức Phật còn vĩ đại biết nhường nào. Đó chính là sự ngợi ca, sự đền đáp công ơn Đức Phật. Sự chân thật tu hành, chân thật chứng đạt của Ngài là một sự đền đáp công ơn đấng cha lành của chúng ta – Đức Thế Tôn.

Tăng Ni, Phật tử bây giờ cũng vậy, phải tự xác định mình là con Phật, phải làm vinh danh cho Đức Phật. Con cái phải làm vinh danh cho cha mẹ. Mang danh con Phật thì Phật tử chúng ta cũng phải sống xứng đáng, làm sao để chúng ta không làm hổ thẹn đến cha của mình, việc làm nào chúng ta cũng phải cao phải đẹp, phải là quý báu. Thân, khẩu, ý của chúng ta cần rèn giũa, sống tốt đẹp như vậy mới thực sự là vinh danh cho Đức Thế Tôn.

10. Củng cố niềm tin về sự nhiệm màu của Phật Pháp

Trái tim của Hòa thượng Thích Quảng Đức là trái tim bất diệt không thể cháy. Trái tim của Ngài chính là kết tinh của tâm nguyện – trí chứng – định lực của Ngài nên trái tim ấy trở thành kim cương bất hoại. Trái tim của Ngài cũng là một trái tim như bao trái tim của mọi người, cũng bằng máu và thịt nhưng tại sao khi thiêu đến hàng ngàn độ như vậy thì trái tim vẫn nguyên vẹn, trong khi xương thịt đã cháy rã hết. Đó là sự vi diệu màu nhiệm của Phật Pháp.

Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu và 10 bài học quý báu
Trái tim của Bồ Tát Thích Quảng Đức

Sự nhiệm màu trong Phật Pháp không thể coi là mê tín. Bởi Phật Pháp là tâm linh, trái tim của Hòa thượng Thích Quảng Đức là minh chứng cho Phật Pháp thật sự là linh ứng, cao siêu và màu nhiệm, đủ để cho muôn đời nhân thế tin được Phật Pháp là chân thật, không hư dối. Phật Pháp là con đường duy nhất cứu chúng sinh thoát khổ. Trái tim của Hòa thượng Thích Quảng Đức thực sự là vĩ đại, là báu vật của Phật giáo Việt Nam và cũng là báu vật của đất nước Việt Nam chúng ta.

Nếu chúng ta cung kính đảnh lễ trái tim Hòa thượng Thích Quảng Đức thì chắc chắn chúng ta được rất nhiều phước báu. Nếu đất nước chúng ta khó khăn hay lâm nguy mà chúng ta biết hướng về trái tim của Ngài đảnh lễ, cúng dường, cầu nguyện thì chúng ta tin rằng sẽ có sự linh ứng màu nhiệm, vì có sự tương hợp với nguyện thiêu thân của Ngài là cho đất nước được thanh bình, nhân dân được an lạc.

Sự kiện Hòa thượng Thích Quảng Đức “vị Pháp thiêu thân” và trái tim xá lợi của Ngài để lại cho chúng ta 10 bài học quý báu. Chúng ta được sống trong hòa bình hôm nay một phần là nhờ ân đức của Hòa thượng Thích Quảng Đức đã xả thân mạng mình bảo vệ Phật Pháp và đất nước. Mong nguyện nhân dân thập phương được đảnh lễ trái tim của Ngài để ai ai cũng có niềm tin kiên định như trái tim của Ngài, nếu ai cũng tin sâu, học hiểu Phật Pháp thì đất nước sẽ luôn phát triển tốt đẹp.

Sự thị hiện của Hòa thượng Thích Quảng Đức là minh chứng cho sự tu hành, chứng đắc chân thật. Hy vọng rằng, với những ai đang đi trên con đường tu tập cũng sẽ chân thật tu hành cho đến ngày chứng đắc quả vị giải thoát.

Nguồn: Chùa Ba Vàng!

Nguồn: Tâm Hướng Phật ( https://tamhuongphat.com/ )

4 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog