Đức Phật A Di Đà là ai? A Di Đà Phật có thật hay không?
Pháp Giới 11 tháng trước

Đức Phật A Di Đà là ai? A Di Đà Phật có thật hay không?

Đức Phật A Di Đà là một vị vua trong truyền thuyết theo kinh điển Phật giáo Đại Thừa. Đức Phật A Di Đà là có thật 100%, nghi ngờ điều này sẽ khiến chúng ta thiệt thòi rất nhiều.

1. Đức Phật A Di Đà là ai?

Đức Phật A Di Đà là một vị vua trong truyền thuyết theo kinh điển Phật giáo Đại Thừa, người đã từ bỏ vương quốc của mình để trở thành một tu sĩ Phật giáo và có tên là Dharmakara, có nghĩa là “Kho Chứa Pháp”. Nhiều Phật tử thuộc trường phái Tịnh Độ thường xuyên niệm “Nam Mô A Di Đà Phật” để nương tựa thân mình vào Phật A Di Đà để Ngài dẫn họ về cõi Tây Phương Cực Lạc sau khi chết.

Theo các kinh sách, Phật A Di Đà sở hữu công đức vô hạn phát sinh từ những việc tốt không biết bao nhiêu kiếp trước. “A Di Đà” có thể dịch là “Ánh Sáng Vô Hạn” do đó Phật A Di Đà thường được gọi là “Đức Phật Ánh Sáng”.

Được truyền cảm hứng bởi những lời dạy của Đức Phật Lokesvaraja, Đức Phật A Di Đà đã lập ra 48 lời thề nguyện tuyệt vời để cứu độ chúng sinh. Lời thề thứ 18, là nền tảng của Tịnh Độ: “Nếu sau khi đạt được Phật quả, tất cả chúng sinh khát khao thành thực và đức tin để được tái sinh trong đất của tôi, niệm tên tôi 10 lần mà không được sinh ra ở đó, thì tôi không thể đạt được giác ngộ hoàn hảo.”

Kể từ đó, Phật A Di Đà sau 5 năm tu luyện, cuối cùng đã đạt được giác ngộ tối cao. Điều này có nghĩa là lời tuyên thệ từ bi và vĩ đại của Ngài giờ đây đã trở thành hiện thực, cõi Tây Phương Cực Lạc (Pure Land – Sukhavati) đã được thiết lập, đau khổ của chúng sinh sẽ được giải thoát nếu họ có đức tin để gọi tên Ngài.

2. Lịch sử đức Phật A Di Đà

Theo kinh Bi Hoa, thuở xa xưa vào một đại kiếp gọi là Thiện Trì, cõi nước Tản đề Lam, có một vị Chuyển luân Thánh Vương là Vô Tránh Niệm, thống trị bốn châu thiên hạ: Một là Đông Thắng Thần Châu, hai là Nam Thiện Bộ Châu, ba là Tây Ngưu hoá Châu, bốn là Bắc câu lô Châu.

Vua Vô Tránh Niệm có 32 tướng tốt như Phật, dùng pháp hiền thiện minh triết giáo hoá thống trị quốc dân. Người hành Thập thiện được khen thưởng quí trọng, người hành Thập ác bị trừng phạt bằng tiếng sét như sấm trời, loại người ấy ra khỏi cộng đồng sự sống.

Đến khi nhiều người sống thập ác, Vua Vô Tránh Niệm và triều thần quyến thuộc không xuất hiện nữa, vì ngài không nỡ diệt hết bọn xấu, để cho quy luật nhân quả đủ cơ duyên vận hành dạy cho chúng kinh nghiệm.

Theo luận Câu Xá, quyển 12, thời Vua Vô Tránh Niệm xuất hiện tuổi thọ nhân loại cao đến tám vạn tuổi, môi trường sinh thái tinh khiết, đất đai mầu mỡ, cây cỏ xinh tươi, vật chất sung mãn.

Trong triều đình của Vua Vô Tránh Niệm có quan đại thần Bảo Hải, dòng Phạm Chí rất tinh thông Thiên văn học, mến mộ Phật giáo (Bảo Hải là tiền thân Phật Thích Ca) ông có người con trai tướng hảo thông tuệ, khi mới đản sinh được các nhà tôn quí kính tặng nhiều châu báu nên đặt tên là Bảo Tạng.

Bảo Tạng nhận thấy thân tâm thế giới vô thường khổ, nên xin với cha mẹ xuất gia tu Phật. Tu tập tinh chuyên không bao lâu sau tu sĩ Bảo Tạng chứng quả vô thượng chánh đẳng giác thành Phật hiệu Bảo Tạng Như Lai.

Danh thơm tiếng tốt của Phật Bảo Tạng đến tai Vua Vô Tránh Niệm, Vua cũng thỉnh Phật và chư tăng vào vương cung cúng dường trong ba tháng hạ chu đáo.

Lúc bấy giờ quan đại thần Bảo Hải, sau khi nghe pháp chứng thánh quả Tu đà hoàn trở thành cư sĩ Bồ Tát, nhân một buổi thiết triều bàn luận quốc sự xong, tâu với vua Vô Tránh Niệm: “Bệ hạ cúng dường cầu quả phúc nhân thiên mỹ mãn cũng chỉ ở trong tướng vô thường biến đổi như gió thoảng mây tan.

Do túc nghiệp tu phúc huệ hữu lậu đời trước nay được quả vị tôn quí không ai sánh kịp, thuận tiện giúp đời khôn sáng, cơm no, áo ấm; nhưng chiều sâu tâm lý bệ hạ và thần dân vẫn bất an vì sanh lão bịnh tử khổ. Chi bằng phát tâm bồ đề, hành Bồ tát đạo Kiến tạo nước Phật thì hạnh phúc cho toàn dân biết mấy”.

Vua Vô Tránh Niệm nghe qua đẹp ý, thu xếp việc triều chính, đến vườn Diêm phù đàn cúng dường Phật tăng thính pháp. Đến nơi thấy Bảo Tạng Như Lai nhập định phóng quang sáng suốt, soi rõ mười phương thế giới Tịnh Độ của chư Phật cho chúng hội chiêm bái.

Đồng thời, Vua Vô Tránh Niệm cũng nhập chúng, xét thấy nhân dân của mình sắc thân không ngời sáng như dân Phật, trí tuệ cũng kém hơn, quốc độ đền đài cung điện thô thiển bằng cây đá chạm trổ.

Trong khi đó cung điện xứ Phật làm bằng bảy báu lưu ly, xa cừ, xích châu, mã não, san hô, hổ phách… Đặc biệt không có cõi Phật nào có dân nghèo khó, bệnh viện, nghĩa địa.

Chiều đến quan đại thần Bảo Hải từ tạ Vua về dinh thự riêng, Vua Vô Tránh Niệm hồi cung suốt đêm không ngủ hồi tưởng tư duy, suy xét rút tinh tuý các nước Phật làm thành đại nguyện xây dựng nước Phật cho mình. Sáng sớm Vua đến lễ bái Phật Bảo Tạng xin chứng minh đại nguyện Bồ đề, dù trăm ngàn kiếp khổ khó thực hiện quyết không thối chí. Ngài phát 48 lời đại nguyện.

Ðức Phật A Di Ðà, kiếp trước là con của Đức Ðại Thông Trí Thắng Như Lai. Ngài nhờ công đức thường giảng kinh Pháp Hoa cho chúng sinh nghe nên thành Phật hiệu là A Di Ðà, ở cõi Tây phương Cực lạc.

Muốn cho chúng sanh cõi này vượt khỏi kiếp lầm than của những cái khổ của sinh, lão, bệnh, tử nên Đức Phật Thích Ca nói rõ nhân địa hạnh nguyện của Phật A Di Ðà. Đồng thời, khai thị pháp môn Tịnh độ tu hành rất dễ dàng. Từ thượng lưu trí thức đến hạng dân thường, nếu ai chuyên tu, cũng đều được vãng sinh cả.

Xem Thêm:   Chúng ta tu hành nhất định phải hồi hướng cho tất cả chúng sanh

Đức Phật A Di Đà là ai? A Di Đà Phật có thật hay không?

3. Danh hiệu Phật A Di Đà

Kinh A Di Đà chép rằng: “Đức Phật ấy vì sao có danh hiệu là Phật A Di Đà? Này Xá lợi phất, đức Phật ấy có hào quang vô lượng, chiếu sáng khắp các cõi nước trong mười phương, không gì có thể ngăn ngại được, nên có danh hiệu là A Di Đà.”

Lại cũng chép rằng: “Thọ mạng của đức Phật ấy cùng với nhân dân trong cõi nước là vô lượng vô biên a tăng kỳ kiếp, nên có danh hiệu là Phật A Di Đà.”

4. Cung điện, hồ báu ở thế giới Cực Lạc

Kinh Đại A Di Đà chép rằng: “Ở cõi nước của Phật A Di Đà, tất cả giảng đường, tinh xá đều tự nhiên hình thành bằng bảy món báu. Lại có bảy món báu làm thành lầu đài, lan can… thù thắng hơn gấp trăm ngàn lần so với cung điện của Thiên đế ở cõi trời Tha hóa tự tại nơi thế giới Ta bà này. (Tha Hóa Tự Tại Cõi Trời Cao Nhất Trong Dục Giới) Ngoài ra, những cung điện của các vị Bồ Tát, Thanh văn ở thế giới Cực Lạc cũng đều như thế.

“Chư thiên và con người ở đó mỗi khi cần đến y phục, thức ăn uống, âm nhạc mầu nhiệm… đều được tùy ý hóa hiện ra. Đối với cung điện để cư trú, các vị chỉ cần tùy ý nói ra màu sắc, mức độ cao thấp, lớn nhỏ, muốn làm bằng một món báu, hai món báu cho đến vô số các món báu, liền sẽ lập tức hóa hiện đúng như ý muốn.

“Tuy nhiên, có những vị được tùy ý hóa hiện cung điện lớn nhỏ như thế, lơ lửng giữa hư không, lại cũng có những vị không thể tùy ý hóa hiện, và chỉ có cung điện ở trên mặt đất bằng các món báu. Đó là do trong đời trước khi các vị cầu đạo, tu tập phước đức có khác biệt nhau. Chỉ riêng các thứ y phục, thức ăn uống thì tất cả đều bình đẳng như nhau.

“Bên trong và bên ngoài các cung điện cũng tự nhiên hóa hiện các dòng suối, ao hồ, hoặc làm bằng một, hai món báu, lớp cát bên dưới đáy cũng bằng một, hai món báu, chẳng hạn như hồ bằng vàng ròng thì cát ở đáy hồ bằng bạc trắng, hồ bằng thủy tinh thì cát ở đáy hồ bằng lưu ly… Nếu ao hồ được làm bằng ba, bốn cho đến bảy món báu thì cát ở đáy hồ cũng hóa hiện tương tự như vậy. Bên trong các ao hồ ấy đều chứa loại nước có đủ tám công đức, (Nước có đủ tám công đức, tức là có tám tính chất như sau : 1. Trừng tịnh: lắng gạn trong sạch ; 2. Thanh lãnh: trong trẻo mát lạnh ; 3. Cam mỹ: mùi vị ngon ngọt ; 4. Khinh nhuyễn: nhẹ nhàng mềm mại ; 5. Nhuận trạch: thấm nhuần tươi mát ; 6. An hòa: yên ổn hòa nhã ; 7. Trừ được đói khát và vô số khổ não ; 8. Trưởng dưỡng thân tứ đại, tăng trưởng các thiện căn) trong sạch thơm tho, mùi vị như nước cam lộ.

“Giữa những nơi ấy lại có trăm loài hoa lạ, mỗi cành đều có hàng ngàn chiếc lá, tỏa ra màu sắc, ánh sáng đã khác lạ mà hương thơm cũng khác lạ, ngào ngạt tỏa lan, không thể mô tả hết bằng lời.”

5. Đức Phật A Di Đà có thật không?

Đức Phật A Di Đà là có thật 100%, nghi ngờ điều này sẽ khiến chúng ta thiệt thòi rất nhiều. Tiểu sử của A Di Đà Phật được Đức Phật Thích Ca Mâu Ni giảng lược trong kinh Vô Lượng Thọ, kinh A Di Đà, kinh Bi Hoa và khá nhiều kinh khác.

Vì Phật A Di Đà không có thành Phật ở Trái Đất, mà ngài thành Phật ở một hành tinh cách Trái Đất rất xa, nên đương nhiên các nhà sử học không thể biết được mà ghi chép. Chỉ có trí tuệ của Đức Phật Thích Ca, thấu suốt khắp vũ trụ mới tường tận, và Ngài đã chỉ dạy cặn kẽ lại cho chúng ta, vì rằng tin hiểu được điều này sẽ đem lại lợi ích vô cùng to lớn cho bất kì ai.

Trong thực tế, cả thời xưa cho đến ngay thời điểm hiện tại này, cả ở Việt Nam, Trung Quốc hay ở các nước phương Tây như Mĩ, Úc… những người thực hành theo pháp môn niệm hồng danh Nam Mô A Di Đà Phật, đạt được những kết quả to lớn, thù thắng, vi diệu rất rất nhiều. Người bệnh niệm Phật thì hết bệnh, người lâm cảnh hoạn nạn niệm Phật thì thoát nạn, người cầu cho tâm bớt tham – sân – si, thì thấy tâm hồn được chuyển hóa, ngày càng thánh thiện hơn.

Người tinh tấn tu hành miên mật cầu vãng sinh Cực Lạc, thì khi lâm chung có thể biết trước ngày giờ mình ra đi một cách chính xác, và thường thấy Đức A Di Đà cùng các Bồ Tát hiện ra tiếp rước. Có khi những người xung quanh còn thấy cả hương thơm lạ, hay thấy ánh hào quang trên trời phóng xuống, sau khi tắt thở xác không bị cứng lại, thậm chí nhìn còn an lành, tươi tắn hơn cả khi chưa tắt thở.

Những truyện như thế nhiều vô kể, một số ít được viết lại thành sách như ” Những chuyện niệm Phật cảm ứng- Lâm Khán Trị” , hay “Chuyện Vãng sinh ở Việt Nam” v.v…

Nhiều người dùng đủ loại lí lẽ khác nhau để phản bác sự chân thật của Đức Phật A Di Đà, xong tựu chung cũng chỉ là những lí lẽ quanh co của phàm nhân. Quang Tử thắc mắc là không biết họ giải thích sao với hàng ngàn câu chuyện thực, đầy đủ danh tính, địa chỉ, ở khắp nơi đều có, giống như những câu trả lời sấm sét về tính chân thật của Phật A Di Đà như thế này.

Thực ra trước kia Quang Tử cũng không tin Phật A Di Đà, và cho rằng chỉ niệm Nam Mô A Di Đà Phật thôi mà phước báo hơn hẳn những người bố thí cứu người, làm đủ chuyện phước lành với xã hội là ngược với Nhân Quả.

Xong theo thời gian, chứng kiến quanh mình bao nhiêu minh chứng bằng xương bằng thịt, rồi đọc nhiều sách từ nhiều nguồn khác nhau, đến nghiên cứu trong kinh điển của Đức Phật Thích Ca, Quang Tử thấy mình thật ngu muội và thiển cận, sao mình lại dùng trí óc phàm phu mà đòi luận giải việc của bậc Thánh được?

Nếu cho rằng niệm Phật chẳng giúp ích cho ai mà cũng được phước, như thế trái Nhân quả. Đó chẳng qua là không hiểu nhân quả đến nơi đến chốn mà thôi.

Bình thường người thân ta, hay ai đó không chịu tu hành, bị bệnh tật, hay hoạn nạn gì đó, ta có thể tạo công đức như phóng sinh, ấn tống, cứu người .v.v… rồi hồi hướng cho người thân, cho người bị nạn kia, liền sẽ thấy người đó được hết bệnh, qua cơn hoạn nạn. Đó là ta đã tặng cho người kia phước của chính mình, người kia nhờ phước ta tặng mà được tiêu nghiệp, tăng trưởng phước báo, thì nghiệp của họ đã chuyển hóa thành món nợ với ta, điều đó chẳng sai Nhân quả gì cả.

Xem Thêm:   Bố thí một câu A Di Đà Phật chính là bạn đang bố thí Pháp

Hay ta có thể thấy tỉ phú Bill Gate, ông ta giàu có, đó là phước của ông ấy, và ông ấy hoàn toàn có thể dùng phước của mình tặng cho người khác thay vì hưởng cho riêng mình, điều này không trái nhân quả gì cả. Thực tế đã chứng minh, ông Bill Gate đã đem hàng tỉ USD cứu trợ khắp nơi trên thế giới, hàng ngàn người nhờ đó được chữa bệnh, thoát cơn hoạn nạn, được đi học, được tạo công ăn việc làm…

Phước của người này có thể đem tặng cho người khác, khiến cho nghiệp xấu của người kia được tiêu trừ, và chuyển hóa thành một món nợ với người tặng phước, điều đó hoàn toàn phù hợp Nhân Quả.

Người tầm thường như chúng ta còn có thể tặng phước báo cho người khác, vậy một Đức Phật với vô biên vô lượng công đức, phước báo của Ngài trùm phủ cả vũ trụ, lại không thể tặng phước báo của Ngài cho chúng sinh sao? Đương nhiên là có chứ!

Việc đó chỉ bị cản trở bởi một vấn đề, đó là không có duyên. Với người không có duyên với mình, Đức Phật muốn cứu cũng không được (đây là 1 trong 4 điều Đức Phật không làm được). Và chính mỗi câu niệm Nam Mô A Di Đà Phật khiến cho duyên của người niệm với Phật được tăng lên, và duyên càng tăng nhiều, thì ta càng có thể nương nhờ phước đức của Phật mà làm tiêu trừ nghiệp chướng, tăng trưởng phước báo, diệt trừ các tập khí tham lam, ích kỉ, sân hận, ngu si, tăng trưởng Bồ Đề tâm mà có thể tái sinh đến một thế giới có Phật đang giáo hóa.

Đó là chưa nói đến chính câu “Nam Mô A Di Đà Phật”, bản thân câu niệm chính là Nhân quả của ý và miệng, ta đã dùng ý nghĩ, lời nói của mình thể hiện lòng tôn kính, quy y với một Đức Phật – bậc Thánh giải thoát trí hạnh vô biên vô lượng , thì ta có được phước báo của ý và của miệng, nhờ đó mà tiêu nghiệp, tăng trưởng công đức, vậy sao có thể cho là không đúng Nhân Quả được?

Tóm lại, nếu vẫn khăng khăng cho rằng Phật A Di Đà là không có thật, đồng nghĩa với cho rằng Phật Thích Ca Mâu Ni nói dối, và nhắm mắt trước thực tế là vô số người đã thực hành niệm Phật được kết quả rõ rệt. Và đã cho rằng Phật Thích Ca Mâu Ni nói dối, che mắt trước sự thật thì… cũng không có điều chi để bàn luận nữa cả. Để tìm ra sự thật không phải dễ dàng, hi vọng mọi người đều có thể cân nhắc kĩ lưỡng, tìm được con đường sáng suốt cho chính mình.

6. Ý nghĩa thâm thúy của bốn chữ A Di Đà Phật

A Di Đà Phật, danh hiệu này là vạn đức hồng danh, tại sao vậy? Danh hiệu này là danh hiệu của tự tánh, là danh hiệu của tánh đức. Đây là tiếng phạn, nếu như theo ý nghĩa của mặt chữ mà dịch thì A dịch thành Vô, Di Đà dịch thành Lượng, Phật dịch thành Giác hoặc dịch thành Trí.

Dịch hoàn toàn qua ý nghĩa tiếng Trung Quốc là Vô Lượng Trí, Vô Lượng Giác. Quí vị thử nghĩ về danh hiệu này, Vô Lượng Trí là bản thể của tự tánh, Vô Lượng Giác là đức dụng của tự tánh, bao gồm hết rồi! Đại đức xưa gọi đây là vạn đức hồng danh, danh hiệu của thể đại dụng chân như tự tánh toàn.

“Dĩ danh chiêu đức, khánh vô bất tận”. Danh và thực nhất định tương ưng. Chúng ta niệm cái danh hiệu này là chiêu đức của ai vậy? Chiêu tự tánh của chính mình, chiêu tánh đức của chính mình. Hay nói cách khác, dùng một câu danh hiệu này đánh thức tự tánh của chúng ta, tìm trở lại tánh đức của chúng ta. Thể dụng của tự tánh chúng ta hoàn toàn không bị mất, mà chỉ bị làm sao vậy? Chỉ mê mất mà thôi. Dùng một câu Phật hiệu này để phá vỡ cái cửa mê này, đánh thức trở lại thể dụng của tự tánh chúng ta. Nếu như bạn hiểu rõ đạo lý này, thì bạn sẽ quyết chí một lòng chấp trì danh hiệu, bạn mới hiểu được danh hiệu này, pháp môn này, không thể tìm ra thêm một pháp môn nào khác có thể thù thắng hơn nó được. Hơn nữa, nó rất dễ dàng, rất đơn giản. Tất cả mọi thứ của khắp pháp giới hư không giới toàn bộ bao gồm trong đó, khánh vô bất tận.

Ở trong Phật pháp có hai câu nói, nếu như chúng ta thật sự có thể thể hội được, bạn sẽ hiểu rõ, đó là: “Tâm bao thái hư, lượng khắp pháp giới”. Hai câu nói này chúng ta nghe rất quen, cũng nói được, nhưng có nghĩa là gì vậy? Người đích thực có thể thể hội được không nhiều. Đây là toàn bộ pháp giới, người hiện nay gọi là vũ trụ, trong Phật pháp gọi là pháp giới. Danh từ pháp giới này hay hơn vũ trụ, tại sao vậy? Vũ trụ thì không có linh tri, ở trong pháp giới có linh tri; Pháp giới là sống, còn vũ trụ không phải sống, cho nên danh từ pháp giới này hay hơn vũ trụ. Phạm vi của vũ trụ không lớn bằng pháp giới, vì pháp giới là trùng trùng vô tận, ở trong pháp giới không có lớn nhỏ, không có đến đi, không có trước sau, không có sinh diệt, không có có không, kỳ diệu tuyệt vời, không thể nghĩ bàn. Ở trong vũ trụ không hàm chứa những tư tưởng này ở trong đó. Danh tướng của Phật học thù thắng.

“Danh dĩ chiêu đức”. Danh hiệu A Di Đà Phật này là tổng danh hiệu, ở trong Phật pháp gọi danh từ thuật ngữ, đây là tổng danh hiệu. Tất cả mọi danh hiệu chư Phật đều từ đây lưu xuất ra, tất cả mọi danh hiệu Bồ-tát cũng từ đây lưu xuất ra, tất cả mọi danh hiệu của chúng sanh vẫn không lìa khỏi nó. Đây là trong kinh Hoa Nghiêm nói, chúng ta đã đọc qua ở trong phẩm danh hiệu Như Lai.

“Tức dĩ chấp trì danh hiệu vi chánh hạnh”. Pháp môn Tịnh-độ, vãng sanh thế giới Tây Phương Cực-lạc, phải tu như thế nào? Chánh hạnh. Tu hành chính thức chính là niệm Phật. Phật pháp phải phá chấp trước, pháp môn này vẫn cứ dùng chấp trước, chính là chấp trước danh hiệu; ngoài câu danh hiệu ra, tất cả mọi chấp trước khác đều buông xả, không chấp trước thêm nữa, chính là chấp trước danh hiệu này, gìn giữ cái danh hiệu này niệm niệm không mất, gọi là trì.

Xem Thêm:   Tam quy ngũ giới là gì? Lợi ích thiết thực của Tam quy ngũ giới

Niệm niệm đều là A Di Đà Phật, đó chính là trì. Nhớ kỹ, A Di Đà Phật là vô lượng trí, vô lượng giác, niệm niệm giác chứ không mê, niệm niệm chánh chứ không tà, niệm niệm tịnh chứ không nhiễm, đây chính là tự tánh A Di Đà, tự tánh tam bảo. Tam bảo là một thể, một mà ba, ba mà một. Những quán tưởng, tham cứu, trì chú, nghiên cứu giáo lý khác thảy đều không cần, không nên xen tạp những thứ này, chính là một câu Di Đà niệm đến cùng, chí giản dị. Chí là đến chỗ tột cùng, đơn giản đến tột cùng, dễ dàng đến tột cùng. Đơn giản dễ dàng, hơn nữa nó còn trực tiếp, không vòng vo. Trực tiếp đến đâu vậy? Trực tiếp đến minh tâm kiến tánh, trực tiếp đến vô thượng chánh đẳng chánh giác, trực tiếp đến Phật quả cứu cánh viên mãn.

Có người hỏi, không phải người hiện nay, mà người xưa đã có người hỏi, đến thế giới Tây Phương Cực-lạc còn tu pháp môn gì nữa? Đậu cơ thuyết giáo, tức là bạn muốn tu pháp môn nào, bạn liền có thể thành tựu được pháp môn ấy. Ưa thích, vậy là quá hay. Thành thật mà nói với bạn, đến thế giới Tây Phương Cực-lạc rồi bạn sẽ thay đổi ý định. Đổi ý định gì vậy? Một câu A Di Đà Phật này niệm đến cùng, không tu thêm pháp môn khác nữa. Tại sao vậy? Một câu A Di Đà Phật này đã bao gồm tất cả pháp môn ở trong đó rồi. Cũng tức là nói, vạn pháp quy về một. Một chính là tự tánh.

A Di Đà Phật chính là tánh thể, tánh đức, tánh tướng, tánh dụng, chỉ cần bạn khế nhập cảnh giới. Đây là kinh luận các tổ sư đại đức nói rất hay. Nếu như bạn niệm Phật, niệm đến lý nhất tâm bất loạn, thì tất cả pháp thế xuất thế gian tự nhiên thông đạt cả, bạn cần phải học nữa hay không? Bất kể pháp môn nào, có người thỉnh giáo bạn, bạn đều đối đáp trôi chảy, không cần phải suy nghĩ. Cái này kỳ lạ, cái này không thể nghĩ bàn. Trên thực tế không có gì kỳ lạ cả, nguyên nhân gì vậy? Pháp thế xuất thế gian đều do tự tánh biến hiện ra. Đã là tự tánh biến hiện ra, chỉ cần bạn kiến tánh được rồi thì đâu có lý nào mà không biết. Bạn đối với tất cả các pháp không hiểu, không biết, nguyên nhân căn bản là gì vậy? Là bạn đã mê mất tự tánh. Một câu A Di Đà Phật này khi niệm đến lý nhất tâm bất loạn, triệt kiến tự tánh, viên kiến tự tánh, thì vấn đề chẳng phải đã giải quyết rồi sao, bạn còn đi tìm phiền phức khác sao?

Thế gian này có một số người không biết, nên thiền tịnh song tu, mật tịnh song tu, còn có gì nữa vậy? Thiền mật tịnh tam tu. Thông thường người thế gian chúng ta nghe xong, mới nghe đến, cái này tuyệt quá, cao siêu! Kỳ thực, người trong nghề biết họ đang lòng vòng. Mặc dù có thể thành tựu, nhưng thành tựu của họ không đủ sâu, tại sao vậy? Tinh thần, sức lực của họ bị phân tán rồi. Họ phân thành hai mặt, phân thành ba mặt, họ không chuyên! Nếu bạn muốn nhanh, hãy chuyên công phu một môn, một mục tiêu, một phương hướng, sẽ nhanh! Không có gì nhanh hơn cái này. Cùng lúc đi hai đường, cùng lúc đi ba đường thì khó lắm, không dễ đâu, lại chậm chạp nữa! Pháp môn này đơn giản thẳng tắt thành đạo vô thượng. Chúng ta phải nhận thức rõ ràng, chỉ có thật sự hiểu rõ thì niềm tin mới kiên cố, nguyện mới không nghi, dứt khoát không đổi. Pháp môn không thể nghĩ bàn.

Chúng ta xem tiếp điều thứ hai: “Tịnh niệm tương tục, vô hữu gián đoạn, cố danh tư tuệ”. Ngẫu Ích đại sư ở trong đoạn này giảng văn tự hơi dài một chút: “Chấp trì là mổi niệm nhớ đến danh hiệu Phật, như vậy là tư tuệ”. Niệm Phật, niệm không phải niệm bằng miệng. Chữ niệm của niệm Phật không thể thêm chữ khẩu, có rất nhiều người đã thêm chữ khẩu cho nó, vậy là sai rồi, vậy là họ hoàn toàn không hiểu ý nghĩa của niệm Phật. Niệm Phật là trong tâm thật sự có Phật. Chữ niệm này của Trung Quốc là chữ hội ý. Bạn xem cách viết của chữ này, bạn phải hiểu được ý nghĩa của nó. Kim tâm, kim là hiện tại. Hiện tại trong tâm có Phật gọi là niệm Phật, không nhất định niệm bằng miệng, trong tâm bạn thật có. Trong tâm không có Phật, cửa miệng có Phật thì không linh, không có cảm ứng.

Trong tâm thật sự có Phật, cửa miệng không có Phật, có cảm ứng. Thế thì tại sao niệm Phật vẫn phải niệm thành tiếng vậy? Trong tâm có Phật là tự lợi, niệm ra thành tiếng là lợi tha. Niệm Phật hiệu ra thành tiếng không phải niệm cho mình, mà niệm cho người khác nghe, niệm cho tất cả chúng sanh nghe. Ta hướng dẫn tất cả chúng sanh niệm Phật, nên niệm ra thành tiếng công đức rất lớn, tự lợi lợi tha. Không niệm ra thành tiếng, đối với người có công phu thiền định Bát-nhã tương đối sâu, họ có thể được lợi ích. Tại sao vậy? Họ thấy tướng được lợi ích. Người có trí tuệ Bát-nhã định lực rất sâu. Ở trong tâm có Phật, tướng của bạn sẽ khác. Cái gọi là: “một niệm tương ưng một niệm Phật, niệm niệm tương ưng niệm niệm Phật”.

Trong tâm bạn nhớ đến Phật, thì Phật ở trong tâm bạn. Phật ở trong tâm bạn thì Phật sẽ gia trì cho bạn, tự nhiên gia trì. Thân của bạn phóng ra hào quang kim sắc, tướng mạo của bạn đoan trang hiền từ, họ có thể nhìn thấy, có thể nhìn thấy thân bạn tỏa sáng, hào quang kim sắc, nên được lợi ích. Nhưng phàm phu không được lợi ích, phàm phu nhìn không thấy, không có năng lực này. Nhưng niệm Phật thì được, phàm phu nhĩ căn là lợi nhất: “Ta bà chân giáo thể, thanh tịnh tại âm văn”. Bạn niệm ra thành tiếng thì có rất nhiều chúng sanh được lợi ích, ngoại trừ người nghiệp chướng quá sâu thì vô phương, họ không tin, họ không thể tiếp nhận. Tuy là không tin, không thể tiếp nhận, nhưng họ nghe thấy rồi. Nghe thấy gì vậy? Gieo chủng tử vào trong A-lại-da thức. Nên niệm thành tiếng thì: “Ba căn trải khắp, lợi độn đều nhận”. Đây là chỗ hay của niệm Phật. – “Pháp sư Tịnh Không”!

Nguồn: Phatgiao.org.vn!

Nguồn: Tâm Hướng Phật ( https://tamhuongphat.com/ )

19 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog