Đọc Kinh nghe Pháp có ý nghĩa và lợi ích gì hay không?
Pháp Giới 8 tháng trước

Đọc Kinh nghe Pháp có ý nghĩa và lợi ích gì hay không?

Có nhiều người thường xuyên đi chùa, tụng kinh nghe Pháp đều đặn, họ cho rằng tụng kinh, nghe Pháp để được thông minh. Như vậy có đúng không?

1. Ý nghĩa chữ Kinh trong Phật giáo

Trong suốt cuộc đời hoằng pháp, đức Phật không hề viết sách. Tất cả kim ngôn hay lời dạy của Ngài được truyền thừa lại nhờ vào truyền thống tụng đọc thuộc lòng, của các vị đệ tử Ngài, truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, về sau mới được ghi chép lại thành dạng văn bản, gọi là Kinh.

Các nhà Phật học truyền thống Trung Quốc giải thích rằng Kinh là “khế hợp.” Khế ở đây bao gồm hai phạm trù khế lý và khế cơ. Khế lý là nội dung ý nghĩa của những lời giảng dạy phải được đặt trên nền tảng Trung đạo, không thiên lệch vào sự chấp mắc nào. Khế cơ là sự thể hợp với từng căn cơ đối tượng. Khế lý và khế cơ có giá trị xuyên suốt thời gian và không gian. Theo nghĩa này, Kinh là chân lý siêu tuyệt của các chân lý mặc ước và công ước.

Tác giả của Luận Phật Địa còn đi xa hơn, khi giải thích: “Khế là phù hợp với tinh thần giáo lý mầu nhiệm của các đức Phật trong ba thời, đồng thời còn đáp ứng một cách sát sao với sự lãnh hội của đương cơ tiếp nhận giáo pháp ấy.” Theo đó, sự khế lý mà thiếu khế cơ hay khế cơ mà không khế lý thì chẳng được gọi là Kinh.

Các nhà chú sớ Kinh điển của Trung Quốc không dừng lại tại đó, còn đi sâu vào việc khai thác sự đa dạng về ý nghĩa của Kinh. Theo các nhà sớ giải, Kinh gồm có năm nghĩa: (1) pháp bổn, (2) vi phát hay xuất sanh, (3) tuyền dũng, (4) thằng mặc, (5) kết man, (6) hiển thị. Các cách định nghĩa chữ Kinh như vừa nêu tuy có phần phong phú, đa dạng, nhưng đã đi quá ý nghĩa từ nguyên của chữ Kinh trong Phật giáo, thời kỳ nguyên thủy.

Trong đạo Phật, ý nghĩa chữ Kinh ban đầu rất đơn giản. Kinh, tiếng Sanskrit viết là sūtra, và tiếng Pali viết là sutta, chỉ có nghĩa chính là những lời giảng dạy của đức Phật về đạo đức, chân lý và giải thoát. Nó liên hệ đến sự nghe, nghe những lời dạy của đức Phật. Nói cách khác, Kinh là những lời dạy của Phật hay của các vị Bồ-tát, A-la-hán. Trong ý nghĩa rộng hơn, chữ Kinh còn ám chỉ cho (1) các thể loại văn học Phật giáo, hay (2) Tạng Kinh (Sutta Piṭaka), hay chỉ chung cho (3) Ba kho tàng văn học Phật giáo (Kinh, Luật, Luận). Kinh là sách ghi chép những lời dạy về chánh pháp, những phương thức hành trì hay các pháp môn được đức Phật và các vị thánh đệ tử của ngài giảng dạy.

Các vị thánh đệ tử đầu tiên của đức Phật là nhóm năm anh em Kiều-trần-như, mười vị đệ tử lớn và 1250 vị tỳ-kheo đều có nhiều cuộc đối đáp về đạo lý và con đường tu tập với các người theo Bà-la-môn giáo và các tôn giáo bấy giờ. Các pháp thoại mang tính cách xiển dương và truyền bá đạo pháp như vậy, có giá trị tương đương với lời Phật dạy trong nhiều trường hợp cụ thể. Nên các pháp thoại đó cũng được xem là kinh, tức một dạng khác của lời Phật dạy. Các bài Kinh loại này có mặt khắp trong các Kinh điển Phật giáo của Nguyên Thuỷ và Đại thừa.

Xem Thêm:   Pháp môn vô lượng thệ nguyện học giảng giải ý nghĩa

Như vậy, “Kinh” chỉ chung cho các lời dạy đạo lý hoặc là các pháp thoại do đức Phật nói cho các hàng đệ tử hoặc người khác, hoặc các pháp thoại của các vị thánh tăng đối đáp với nhau hay đối với người ngoại đạo. Ý nghĩa ban đầu của Kinh chỉ đơn giản có thế, dù dưới dạng truyền khẩu hay được biên tập thành văn bản về sau.

Nói tóm lại, chữ Kinh trong Phật giáo được dùng để chỉ cho lời Phật dạy dưới hình thức văn tự hay truyền khẩu, có giá trị hướng thượng, phát triển đạo đức, nuôi lớn thiền định, phát sanh trí tuệ, giúp cho người đọc tụng đạt được an lạc và hạnh phúc. Kinh điển là ngón tay để chỉ cho chúng sanh thấy được mặt trăng, là chiếc bè để đưa người sang sông giải thoát. Bản thân Kinh điển không phải là mặt trăng và cũng không phải là bờ giải thoát. Mặt trăng ở đây ám chỉ cho chân tâm, Phật tánh và Niết-bàn. Người đọc tụng và thọ trì cần nương vào lời Kinh để nhận ra được chân tâm, Phật tánh của mình, cũng như nương vào ngón tay để thấy được mặt trăng và nương vào thuyền để sang được bờ bên kia. Sau khi thấy được trăng cần phải biết quên ngón tay. Sau khi qua được bờ rồi, nên thả thuyền xuống sông để nó có thể giúp được nhiều người khác muốn sang sông. Đừng có thái độ chấp thủ và tôn thờ ngón tay đã giúp ta thấy được mặt trăng, cũng như chiếc bè đã giúp ta qua được bờ bên kia!

Đọc Kinh nghe Pháp có ý nghĩa và lợi ích gì hay không?

2. Đọc Kinh hay nghe Pháp có ý nghĩa và lợi ích gì?

Tại sao ta phải đọc tụng kinh điển? Có nhiều người thường xuyên đi chùa, tụng kinh đều đặn, họ cho rằng tụng kinh để được thông minh. Như vậy có đúng không?

Tụng kinh là đọc lại và chiêm nghiệm những lời Phật dạy để hiểu đúng chính xác điều tốt, điều xấu, hướng về những việc lợi ích cho con người mà thực hành. Ta nên áp dụng những điều Phật dạy vào trong đời sống hằng ngày, nhằm đem lại an vui, lợi lạc cho mình và cho tất cả mọi người trong xã hội.

Tụng kinh là cơ hội tốt nhất để ta học hỏi, tư duy, quán chiếu, soi xét lại chính mình. Nhờ tư duy, quán chiếu mà thấy được rõ ràng chỗ si mê chấp ngã. Do ta thấy bản ngã là trên hết, không thấy được lẽ thật, nên hành động, nói năng không đúng chánh pháp, gây đau khổ cho người.

Nếu ta thường xuyên áp dụng lời Phật dạy thì dần dần trở nên sáng suốt, thấy rõ ràng các việc đúng, sai trong cuộc đời, thấu rõ mọi hiện tượng, sự vật đều do nhân duyên hòa hợp mà thành. Cái này có thì cái kia có, cái kia không thì cái này không.

Khi hiểu được như vậy, ta sẽ bớt si mê, tham lam quá đáng, không còn bi quan yếm thế, chán đời, luôn sống với tinh thần đùm bọc, yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau bằng trái tim hiểu biết, biết cảm thông và tha thứ với tinh thần vô ngã, vị tha.

Tóm lại, mục đích của việc đọc tụng kinh Phật không phải để trả bài, tính điểm với Phật, mà mục đích là để nâng cao trình độ nhận thức, thấy biết rõ ràng, chính xác cái nào là thật, cái nào là giả, cái nào là tốt, cái nào là xấu, để rồi ta sẽ biết tìm cách ứng dụng vào trong đời sống hàng ngày mà sống an lạc, hạnh phúc ngay trong giờ phút hiện tại.

Xem Thêm:   Đệ Tử Quy – Phép tắc người con sách file PDF

Tụng kinh là để thường xuyên trau dồi ba nghiệp thân-miệng-ý hằng thanh tịnh, sáng suốt để được an lạc, hạnh phúc ngay tại đây và bây giờ. Tụng kinh để được thấm nhuần lời Phật dạy, là phương pháp hành trì có lợi ích thiết thực, giúp cho người đọc tụng thấu hiểu rõ ràng thực tướng của vạn vật, để mỗi ngày chúng ta gội rửa thân tâm thêm trong sạch từ thân-miệng-ý.

Tụng kinh không phải để cầu khẩn, van xin đức Phật giúp cho mình được tai qua nạn khỏi, gia đình mạnh khỏe, làm ăn được nhiều tiền của. Tụng kinh không phải là sự mua bán, trao đổi để được dồi dào, hạnh phúc.

Tụng kinh là cơ hội để ta trau dồi ba nghiệp thân-miệng-ý hằng thanh tịnh, sáng suốt, nhằm chuyển hóa nỗi khổ, niềm đau thành an lạc, hạnh phúc. Có một câu chuyện nhờ tụng kinh mà thoát khổ:

Tại làng nọ, có một người chết đã gần bảy ngày rồi, nhưng nơi ngực vẫn còn ấm, xác không có dấu hiệu huỷ hoại, thối rửa, nên người nhà không tẩn liệm. Đến một đêm, người đó bỗng nhiên sống lại và kể cho người nhà nghe rằng…

Lúc đang nằm ngủ thấy thần thức thoát ra khỏi thân, bay đến một dinh thự thật nguy nga, đồ sộ. Trong sân vườn của dinh thự có rất nhiều người với đủ mọi hình dạng. Khi vừa đến nơi, có hai người liền xông tới kéo tay tôi dắt vào dinh phủ, gặp một người tướng mạo uy nghi, to lớn ngồi giữa bệ rồng. Hai người hầu cận liền bắt tôi quỳ xuống để diện kiến vua Rồng, vua hỏi:

Nhà ngươi ở nhân gian làm nghề gì? Có làm điều gì phước thiện không?

Tôi liền trả lời,

Mỗi khi chùa làng có giảng kinh pháp, tôi luôn tạo điều kiện hỗ trợ và bố thí vật thực để giúp đỡ mọi người.

Vua rồng hỏi tiếp,

Ngoài việc đó ra, hàng ngày ngươi còn làm việc gì nữa không?

Dạ bẩm ngài, con tụng kinh hai quyển mỗi ngày.

Vậy ngươi tụng kinh cho ta nghe thử xem.

Tôi liền tụng vanh vách bản kinh Pháp Hoa, vua Rồng chăm chú nghe tôi tụng một lúc, rồi phán rằng,

Nhờ phước đức tụng kinh và bố thí vật thực, thay vì ngươi phải chịu quả báo chết khổ, nay ta cho ngươi được trở về dương thế để tiếp tục sống mà giúp người, cứu vật.

Lúc đó, tôi liền niệm câu Nam Mô Đại Từ Đại Bi Quán Thế Âm Bồ-tát, nên thần thức trở lại về nhà. Thấy họ hàng thân thuộc đang khóc lóc và chuẩn bị lo tẩn liệm, thần thức của tôi liền nhập vào thân xác, nên sống lại kể cho mọi người nghe. Từ đó, họ hàng thân thuộc cùng gia đình tôi luôn tín tâm Tam Bảo, hay làm những điều phước thiện, và hàng ngày trì tụng kinh và niệm Bồ-tát Quán Thế Âm.

Câu chuyện trên đã cho ta một bài học quý giá và lợi ích của đọc tụng lời Phật dạy qua kinh điển Phật giáo. Kinh Pháp Hoa nói cho đủ là kinh Diệu Pháp Liên Hoa. Pháp ở đây tức là lời dạy của đức Phật, chữ Diệu là sâu kín, nhiệm mầu, vi diệu, không thể nào dùng bút mực diễn tả cho hết ý nghĩa của nó. Liên hoa tức là hoa sen, những lời Phật nói giống như hoa sen mọc lên từ bùn mà không bị bùn lầy làm ô uế.

Thực tế cốt chuyện đã cho ta thấy, khi người sống được với tâm chân thật của chính mình thì được tự do, tự tại, tùy duyên giáo hóa, cứu độ chúng sanh, không còn bị ngăn ngại. Đó là người đã sống được với kinh Pháp Hoa, còn ta là người phàm, mắt thịt, chưa thông suốt được đạo lý làm người, cho nên cần phải đọc những lời dạy của chư Phật để mỗi ngày sống làm sao cho có ý nghĩa và giá trị vì lợi ích của mọi người.

Xem Thêm:   Niệm danh hiệu Bồ Tát Địa Tạng thoát khỏi vận mệnh xấu

Chỉ đọc tụng kinh suông cũng đã lợi ích, huống hồ là áp dụng vào trong đời sống hằng ngày thì khổ đau sẽ không có mặt, hạnh phúc sẽ đến với mọi người. Tụng kinh để ba nghiệp thân-khẩu-ý hằng thanh tịnh, luôn phát triển hạnh lành vì lợi ích tha nhân, lợi ích cho số đông, đó là bản hoài của chư Phật.

Muốn được như vậy, khi tụng kinh, quí Phật tử phải chí thành, chí kính, tập trung cao độ hướng về nội dung, khắc cốt ghi tâm lời dạy của chư Phật, ứng dụng trong mọi hoàn cảnh sống của cuộc đời để nhổ sạch gốc rễ si mê, sân hận, tham lam, ích kỷ, bỏn xẻn.

Tụng kinh như thế cũng là một pháp môn hành trì tối hậu, tùy bệnh cho thuốc, thuốc hay thì bệnh lành, tùy theo khả năng của mỗi người mà ta chọn lựa phương pháp thích hợp để chuyển hóa khổ đau thành an lạc.

Tụng kinh có nhiều lợi ích thiết thực như thế, nên đức Phật đã tu bằng kinh nghiệm xương máu của chính mình, rồi truyền đạt lại cho ta. Cho nên, người con Phật phải kiên trì tụng kinh, niệm lời Phật dạy. – “Thích Đạt Ma Phổ Giác”!

3. Những quan niệm sai lầm khi tụng kinh

Có người cho rằng tụng kinh thì không có công đức, chỉ có việc làm phước, bố thí cúng dường mới có công đức. Lại có người chấp chặt vào câu “tụng kinh công đức vô biên” mà cho rằng việc tụng kinh sẽ đem lại cho họ công đức vô lượng, còn những việc làm khác thì công đức rất ít. Những người có suy nghĩ như vậy ngày đêm chú tâm vào công phu bái sám, mà không chịu làm phước. Cả hai quan niệm này đều không đúng. Chúng ta phải thực tập theo phương pháp trung đạo, quân bình cả hai việc làm phước và tu tập. Bố thí cúng dường giúp ta vun bồi phước đức; tu tập trì kinh, niệm Phật giúp ta phát sinh trí tuệ. Phước tuệ vẹn toàn thì bước đường tu học của ta mới thành tựu.

Phật giảng kinh mục đích muốn cho chúng ta học hỏi, tư duy và hành trì. Thế nhưng, có người lại suy nghĩ tụng kinh là để trả bài cho Phật, tụng kinh là để cho Phật nghe và để Phật chứng minh công đức. Đây là một quan niệm sai lầm. Chúng ta cần phải thay đổi.

Có người tụng kinh chỉ chú ý chăm chăm vào từng câu từng chữ, chứ không quan tâm vào nghiên cứu ý nghĩa của cả bài kinh. Trong hệ thống kinh điển, đặc biệt là những kinh điển Đại thừa của hệ thống Phật giáo phát triển, những kinh điển này chuyên lấy sự diễn ý. Có nghĩa là mượn hình ảnh minh họa, mượn một sự việc, hiện tượng hay ví dụ để nói lên đạo lý (kinh Pháp Hoa). Nếu chúng ta tụng đọc Đại thừa mà chỉ xét nét từng câu từng chữ, thì không thể hiểu rõ ý nghĩa của bài kinh. Từ đó, dễ đi đến hiểu lầm và hành trì sai phương pháp, sẽ rất có hại cho người học Phật chúng ta. Vì vậy khi học kinh, đặc biệt là những kinh thuộc hệ thống Đại thừa, chúng ta phải suy xét thật kỹ lưỡng, không nên chấp vào từng câu từng từ mà phải hiểu cho đến tận cùng những nghĩa lý sâu xa ẩn bên trong, mới có thể hành trì đúng phương pháp.

Nguồn: phatgiao.org.vn!

Nguồn: Tâm Hướng Phật ( https://tamhuongphat.com/ )

5 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog