Địa ngục là gì? Địa ngục có thật không theo đạo Phật?
Pháp Giới 12 tháng trước

Địa ngục là gì? Địa ngục có thật không theo đạo Phật?

Theo góc nhìn của đạo Phật, địa ngục là gì, có thật hay không? Nếu có thật thì địa ngục nằm ở đâu? Mời bạn đọc cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

Khi tìm hiểu về địa ngục, chúng ta thường bắt gặp rất nhiều tài liệu mô tả về 18 tầng địa ngục, có sắt, có dao, có lửa như một không gian có thật và ở đó các tội nhân phải chịu hình phạt vô cùng đau đớn. Tuy nhiên, có quan niệm lại cho rằng với người đã khuất không còn thân xác thì địa ngục chỉ nằm ở tâm, còn địa ngục hữu hình là không tồn tại. Vậy theo góc nhìn của đạo Phật, địa ngục là gì, có thật hay không? Nếu có thật thì địa ngục nằm ở đâu?

1. Địa ngục là gì?

“Địa ngục” là một danh từ Hán Việt. Trong đó, “địa” có nghĩa là đất, “ngục” là tù. “Địa ngục” tức là nhà tù ở trong lòng đất. Và theo quan niệm dân gian, “địa ngục” là nơi rất khổ. Bởi họ cho rằng đây là nơi giam cầm u tối, tra tấn, hành hạ những tội nhân (những linh hồn) khi sống ở trần gian tạo các việc xấu ác.

2. Địa ngục có thật không?

Là người đệ tử Phật, chúng ta phải dựa vào kinh điển làm kim chỉ nam để làm sáng tỏ và giải quyết vấn đề. Bởi đây là những lời dạy từ kim khẩu của Đức Phật thuyết ra. Mà Ngài là bậc toàn giác, thấy biết tất cả mọi sự vật, hiện tượng trên thế gian này. Vậy nên để tìm hiểu về quan điểm địa ngục có thật hay không thì chúng ta cần phải căn cứ vào kinh điển của Đức Phật.

Bàn về thế giới, cảnh giới, kinh Phật nói có tam thiên đại thiên thế giới, vô lượng vô biên thế giới, hằng hà sa số thế giới. Địa ngục chỉ là một trong sáu cảnh giới của cõi Dục (trời, a tu la, người, súc sanh, ngạ quỷ, địa ngục) thuộc thế giới Ta bà. Tùy theo nghiệp lực của mỗi chúng sanh mà tái sanh vào một cảnh giới tương ứng với nghiệp lực của mình. Mỗi cảnh giới mà chúng sanh thọ dụng phải đầy đủ ba yếu tố là vị trí, thân tướng và tâm thức.

Xem Thêm:   Ngũ ấm ma là gì? Đức Phật dạy về ngũ ấm ma

Vị trí địa ngục, theo kinh Trường A Hàm: “Nằm giữa núi Đại kim cương thứ nhất và núi Đại kim cương thứ hai, xung quanh là biển lớn bao bọc”, “Địa ngục ở ngoài núi Thiết Vi” (luận Lập Thế A Tỳ Đàm), “Đại địa ngục ở phía dưới Nam Thiệm Bộ châu, cách 2 vạn do tuần, những địa ngục còn lại nằm chồng lên phía trên hoặc bên cạnh” (luận Câu Xá, luận Đại Tỳ Bà Sa). Ngoài ra, còn có Cô địa ngục và Biên địa ngục nằm ở khắp nơi. Những chúng sanh trong địa ngục có hình tướng xấu xa, kỳ dị và tâm thức luôn đau khổ vì bị hành hạ, đói khát, sợ hãi.

Chúng sanh bị đọa vào địa ngục vì đã tạo nhiều nghiệp ác, tà kiến. Chúng ta nhờ tạo dựng nghiệp nhân làm người, sống giữa cõi người còn những chúng sanh nào tạo nghiệp nhân địa ngục thì sống trong địa ngục. Đây là một sự thật của nhân quả-nghiệp báo, vì thế địa ngục là một cảnh giới, một cõi sống cụ thể của chúng sanh, không phải là ẩn dụ hay biểu tượng.

Đành rằng, đứng trên lập trường duyên khởi có thể nói địa ngục hay vạn pháp đều không thật có, là Không, như huyễn hay qua lăng kính “Tam giới duy tâm” có thể nói địa ngục hay Cực lạc là tùy theo trạng thái tâm mình đau khổ hay hạnh phúc nhưng điều ấy chỉ đúng về phần Lý trong quan điểm về cảnh giới mà thôi. Đức Phật khi thuyết minh về cảnh giới bao gồm Lý và Sự rất rõ ràng. Thiên về Lý mà bỏ quên Sự sẽ dẫn đến những ngộ nhận đáng tiếc, nhất là sự phá kiến, không tin nhân quả, phủ nhận tội phước…

Xem Thêm:   Cõi Vô sắc giới là gì? Tìm hiểu những cõi trời thuộc Vô sắc giới

Do vậy, có thể nói, đối với bậc giác ngộ, thành tựu tuệ giác Bát nhã thì vạn pháp đều Không, còn đối với chúng sanh nói chung, nghiệp lực nặng nề, vô minh che lấp thì vạn pháp đều có.

Địa ngục là gì? Địa ngục có thật không theo đạo Phật?

3. Theo góc nhìn sự thật trong đạo Phật

Trong Phật giáo thì sự thật được chia thành 2 loại: Một là sự thật tuyệt đối; Hai là sự thật tương đối. Theo đó, sự thật tuyệt đối (chân đế) tức là thấy được toàn diện hay nắm được bản chất lẫn hiện tượng của vấn đề. Còn việc chỉ thấy được một phần của vấn đề thì được gọi là sự thật tương đối hay còn gọi là tục đế.

Theo lời Đức Phật dạy, chúng ta khi chưa chứng đắc quả giác ngộ giải thoát thì vẫn còn là phàm phu. Cho nên đối trước các sự vật, sự việc thì chúng ta sẽ nhìn nhận, đánh giá theo lăng kính nghiệp của mình.

Giống câu chuyện đeo chiếc kính màu đen, chúng ta sẽ thấy cả thế giới là một màu đen; đeo chiếc kính hồng lại thấy cả thế giới là màu hồng. Cũng vậy, mỗi loài khác nhau sẽ nhận biết thế giới theo nghiệp của loài đó. Mặt khác, Đức Phật cũng dạy nghiệp lực là do tâm biến hiện ra và tâm là vô thường, luôn luôn biến đổi. Vậy nên, từ đây chúng ta hiểu rằng nghiệp lực cũng luôn biến đổi và khi nghiệp lực thay đổi thì cách nhìn nhận cũng sẽ thay đổi. Cũng vì nhìn nhận theo lăng kính nghiệp nên chúng ta không thấy được toàn bộ các mặt của vấn đề.

Lại nữa, thông qua cuộc sống hàng ngày ắt hẳn mỗi chúng ta cũng nhận ra bản thân vẫn còn nhiều ham muốn, ưa thích, khoái lạc, đau khổ,… Cho nên, chúng ta hiểu rằng chúng ta đều đang sống và bị chi phối bởi sự thật tương đối. Và theo góc nhìn của sự thật tương đối thì vẫn tồn tại đầy đủ mọi sự, mọi vật. Nghĩa là có Đức Phật, có Trời thần, quỷ vật, có vong linh (ngạ quỷ), có gieo nhân, có gặt quả,… và đặc biệt là có địa ngục.

Xem Thêm:   101 Truyện Thiền PDF – Tâm Minh Ngô Tằng Giao chuyển ngữ

Do đó, chúng ta không thể nói rằng không có địa ngục, không có bất cứ điều gì trên thế gian này. Vị tu sĩ nào kết luận không có địa ngục là hoàn toàn sai lầm và sẽ phải chịu quả báo rất nặng.

Còn đối với các bậc đã chứng đắc thì các Ngài lại thấy được đầy đủ, thấu tột mọi mặt của các sự vật, sự việc trong Pháp giới này, tức là đã liễu ngộ được chân đế hay sự thật tuyệt đối. Bên cạnh việc phát hiện ra sự tồn tại từ sợi tơ, sợi tóc, hạt bụi cho đến nguyên tử, phân tử, thế giới vong linh, ngạ quỷ, nguyên nhân và kết quả của các vấn đề,… thì các Ngài còn thấu được cái không của chúng. Và đứng trên góc độ sự thật tuyệt đối thì tất cả vạn sự vạn vật trên thế giới này đều là không.

Như bóng trăng ở dưới mặt nước, chúng ta nói rằng không có mặt trăng cũng không đúng mà nói rằng có mặt trăng cũng không đúng. Quan điểm “có mặt trăng” thì lại không lấy được mặt trăng từ dưới nước lên. Còn quan điểm “không có mặt trăng” thì lại không giải thích được sự vật sáng lấp lánh dưới nước là gì. Vậy nên, có những sự vật, sự việc nói có cũng không đúng mà nói không cũng không đúng.

Do đó chúng ta hiểu rằng vì thấu được tính không của Phật Pháp nên các bậc Thiền sư, vị Thánh Tăng, chư Bồ tát, chư Phật mới có thể nói không có địa ngục được. Trường hợp các Ngài nói không có địa ngục là để phá chấp cho người đương cơ, đối diện với các vị ấy.

Vậy nên, còn là phàm phu thì chúng ta không nên phủ nhận lời Đức Phật dạy và phải tin chắc chắn về sự tồn tại của địa ngục. Nếu tạo tác các nghiệp ác như trong kinh Phật dạy thì sẽ bị đọa địa ngục.

Tâm Hướng Phật!

Nguồn: Tâm Hướng Phật ( https://tamhuongphat.com/ )

16 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog