Công đức xây chùa dựng tượng mang lại phước báu vô biên
Pháp Giới 8 tháng trước

Công đức xây chùa dựng tượng mang lại phước báu vô biên

Xây dựng chùa, tạo dựng tượng Phật, đúc chuông trước là để tạo nơi thờ Phật, sau là nơi tu học và là nơi hoằng truyền Phật pháp, cứu độ muôn loài chúng sinh.

Công đức xây chùa, dựng tượng Phật, đúc chuông mang lại phước báu vô biên. Nếu Phật tử có tâm quảng đại đem của cải tài sản làm lợi ích cho tất cả thế gian luôn nghĩ đến sự lợi ích cho nhân sinh thì người đó sẽ được các vị hiền trí, khen tặng hiện tại, sống an lạc.

“Xây chùa, tô tượng, đúc chuông,
Ba công đức ấy thập phương nên làm”

Đó là lời khuyên những Phật tử cùng góp công sức xây dựng chốn an lạc, thanh bình giữa nhân gian. Để mọi người có cuộc sống tốt đẹp, xây dựng đất nước xã hội an vui và phát triển.

Xây dựng chùa, tạo dựng tượng Phật, đúc chuông trước là để tạo nơi thờ Phật, sau là nơi tu học và là nơi hoằng truyền Phật pháp, cứu độ muôn loài chúng sinh.

Chùa là nơi ký thác tâm hồn của người Phật tử, là nơi tôn nghiêm để che chở tâm hồn. Hơn nữa chùa còn là nơi giữ cho tâm hồn con người được trong sáng, thể hiện đạo đức con người. Giúp Phật tử tìm được sự thanh thản, buông bỏ những khó khăn của cuộc sống và vững bước vượt qua nghịch cảnh.

Tạc dựng tượng Phật và tượng Bồ tát bởi cũng mang lại lợi ích vô cùng, bởi hình ảnh các ngài là mẫu người đạo đức thánh thiện, làm lợi ích cho nhiều người và nêu gương sáng cho nhiều thế hệ sau. Nên nghĩ đến hình tượng Phật và tượng Bồ tát mà tạc dựng, cung thỉnh, cúng dường tôn tượng các ngài giúp tâm trí hướng tâm, giải thoát những tác động bên ngoài giúp con người làm lợi ích cho cuộc sống.

Mặc dù chùa là cơ sở vật chất, nhưng không phải để phát triển tham vọng và tội lỗi con người; mà đó là nơi tôn nghiêm để che chở tâm hồn trong sáng cho mọi người và thể hiện đạo đức tu tâm, hướng thiện của nhiều người. Từ nền tảng tốt đẹp như thế, chùa đã trở thành nét đẹp văn hóa của người dân Phật tử và là nơi thanh tịnh để mọi người ký thác tâm linh. Vì thế:

“Xưa trưởng giả trải vàng mua đất
Vì Thế Tôn xây cất đạo tràng
Ngày nay chùa được khang trang
Đều do thiện tín sẵn sàng góp công”

Nếu Phật tử có tâm quảng đại đem của cải tài sản làm lợi ích cho tất cả thế gian luôn nghĩ đến sự lợi ích cho nhân sinh thì người đó sẽ được các vị hiền trí, khen tặng hiện tại, sống an lạc không có những hối hận, phiền lụy khổ đau và sau khi mạng chung do công hạnh, thiện lành trong sạch đó khiến vị ấy thành tựu được những phước lành ở cảnh giới, cao siêu hơn.

Xem Thêm:   Tạo nghiệp là gì? Tạo nghiệp nên phải chịu quả báo

Mặc dù vậy, Phật tử chúng ta không nên tự mãn với những phước báo đó, không nên dừng lại nơi hình thức mà chúng ta phải biến những hình thức ấy bằng việc làm cụ thể, nghĩa là chúng ta phải biến phước báo đó thành công đức chúng ta nỗ lực tu tập đoạn trừ tận gốc những phiền não, nhiễm ô của tự thân mình để đạt đến mục tiêu giải thoát. Có như thế thì phước báo và công đức xây chùa, dựng tượng của chúng ta mới thật sự viên mãn. Vậy chúng ta cúng dường tịnh tài tịnh vật xây chùa, vật thí dầu ít dầu nhiều cũng đều tốt.

Nhưng quan trọng ở đây là cả 3 giai đoạn, trước khi thí, khi đang thí và sau khi thí Phật tử phải có thiện tâm trong sạch hoan hỷ thì chắc chắn sẽ đem đến phước báo lớn, công đức lớn. Nhất là sau khi thí xong, tâm niệm luôn luôn hoan hỷ tưởng đến phước thiện bố thí ấy thì phước thiện càng tăng trưởng – quả báo vô lượng và lâu dài. Còn chúng ta muốn đạt đến mục đích giải thoát khổ cảnh tử sinh luân hồi thì trong khi thí phải tâm tâm niệm niệm nguyện vọng của mình hướng đến quả vị bồ đề mong thành tựu đạo quả cho mình và cho tất cả chúng sinh.

Ngôi chùa là nơi hiện hữu của ba ngôi Tam bảo: Phật, Pháp, Tăng. Với công đức xây chùa, dựng tượng, chúng ta có thể hồi hướng cho thân bằng quyến thuộc như thầy Tổ, ông bà, cha mẹ, anh em, bạn bè… cùng các chúng sinh đang sống trong khổ cảnh, họ đang mong đợi trông chờ phần phước thiện mà mình hồi hướng. Khi họ hoan hỉ phần phước thiện ấy, ngay tức khắc giải thoát khỏi cảnh khổ được tái sinh cảnh thiện giới hưởng mọi sự an lạc.

Như vậy Phật tử chúng ta chớ bỏ lỡ cơ hội ngàn năm một thuở về việc xây chùa. Việc làm thiện lành này sẽ cho quả báo an lạc lâu dài trong kiếp hiện và những kiếp vị lai. Vậy thì chúng ta không nên do dự nếu có điều kiện tốt thì nên kết duyên, đừng bỏ lỡ cơ hội tốt ấy.

Công đức xây chùa dựng tượng mang lại phước báu vô biên

Công đức xây Chùa, tạc Tượng, đúc Chuông: Sanh nội viện Đâu Suất Thiên

Trong thành Xá-vệ có vị đại trưởng giả tên là Tu-đạt-đa, muốn tìm một nơi thắng địa thích hợp để xây dựng tinh xá dâng lên cúng Phật. Cuối cùng chỉ tìm được khu vườn cây của thái tử Kỳ-đà, rộng tám mươi khoảnh, cây cối um tùm xanh tốt, thật là một nơi thắng địa thích hợp nhất.

Xem Thêm:   Những lợi ích của việc trì tụng Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện

Tu-đạt-đa liền đến thưa với thái tử xin mua, thái tử nói: “Nếu đem vàng trải kín khắp vườn, ta sẽ bán cho ông.”

Tu Đạt-đa mừng nói: “Nếu vậy thì vườn này sẽ là của tôi.”

Ông lập tức cho người chở vàng đến trải, không bao lâu đã sắp kín hết khắp vườn. Thái tử thấy vậy liền nói: “Ta chỉ nói đùa thôi.”

Tu Đạt đáp: “Ngài là thái tử cao quý, không nên có lời đùa cợt.”

Liền quyết lòng mua cho bằng được, thái tử cuối cùng phải thuận ý bán. Thái tử khi ấy cũng không nhận vàng, mà dùng số vàng ấy để tạo dựng trong tinh xá một ngàn hai trăm phòng ốc. Ngay trong lúc chuẩn bị nền móng xây dựng, tôn giả Xá lợi-phất bỗng nhiên mỉm cười.

Tu-đạt-đa thưa hỏi nguyên nhân, tôn giả đáp: “Nay tuy ông chỉ vừa khởi công xây dựng tinh xá ở đây để dâng cúng lên Phật và chư tăng, nhưng phước báu đời sau sẽ được thọ hưởng cung điện nơi cõi trời đã được định rồi.”

Tôn giả nói xong liền dùng thần thông, khiến cho Tu-đạt-đa nhất thời có được thiên nhãn, cùng quan sát cung điện nơi cõi trời. Tu-đạt-đa được thấy như vậy rồi, trong lòng vô cùng hoan hỷ, liền thưa hỏi tôn giả xem cõi trời nào là an lạc nhất.

Tôn giả Xá-lợi-phất dạy: “Tầng trời thứ tư của cõi Dục là cung trời Đâu-suất, hiện có Bồ Tát Di-lặc đang thuyết pháp, chính là nơi an lạc nhất.”

Trưởng giả Tu-đạt-đa liền nói: “Con xin phát nguyện sinh về cõi trời ấy.”

Lúc tinh xá xây dựng hoàn thành, đức vua cùng các quan đại thần, nhân dân, cả thảy hơn một trăm tám mươi vạn người, cùng đến thành Vương Xá cung thỉnh đức Phật và chư tăng. Khi đức Thế Tôn quang lâm, hào quang chiếu sáng khắp nơi, nhạc trời tự nhiên vang lên, nơi thế gian trống không người đánh cũng tự nhiên vang tiếng, bao nhiêu người mù, điếc, câm, ngọng đều tự nhiên được sáu căn đầy đủ như người bình thường.

(Trong Kinh điển thường nói đến “Kỳ thọ Cấp Cô Độc viên” (Vườn ông Cấp Cô Độc, cây của thái tử Kỳ-đà), chính là nơi này. Do khi bán vườn cho trưởng giả Tu-đạt-đa, thái tử có giao ước chỉ bán đất vườn, không bán cây cối, rồi lại mang tất cả cây cối trong vườn ấy dâng lên cúng dường Phật, nên gọi là “Kỳ thọ” (cây của thái tử Kỳ-đà). Trưởng giả Tu-đạt-đa vốn thường chu cấp cho những người nghèo khổ, cô độc, nên được người đời xưng tụng là Cấp Cô Độc. Nhân đó mà khu vườn do ông dâng cúng được gọi là “vườn Cấp Cô Độc”.)

Công đức xây Chùa, tạc Tượng, đúc Chuông: Phước báo lớn lao

Sau khi đức Phật Ca-diếp nhập Niết-bàn, có bảy ngôi tháp được xây dựng để thờ phụng xá-lợi Phật. Sau nhiều năm, các tháp ấy hư hỏng, không ai tu sửa. Có một vị trưởng giả thấy vậy liền bảo mọi người rằng: “Rất khó được sinh vào thời có Phật pháp, lại cũng rất khó được sinh làm người. Tuy được làm người, nhưng nếu sinh vào những nơi xa xôi hẻo lánh chậm phát triển, hoặc sinh vào nhà tà kiến, ắt không khỏi bị đọa lạc. Nay chúng ta được sinh vào thời còn có Phật pháp, không thể để luống mất nhân duyên tốt đẹp này.”

Xem Thêm:   Ác tâm chê dèm bậc Thánh nhân phải chịu thân hình xấu – Kinh Hiền Ngu

Nói rồi liền hướng dẫn 93.000 người khác, cùng tu sửa các tháp Phật. Họ lại cùng nhau phát lời nguyện rằng: “Nguyện cho đời sau không rơi vào ba đường dữ, tám hoàn cảnh khó tu tập Phật pháp. Nguyện được gặp đức Phật Thích-ca ra đời, trong Pháp hội đầu tiên thảy đều được độ thoát.”

Về sau, tất cả những người này sau khi mạng chung đều được sinh lên cõi trời. Cuối cùng được gặp đức Phật Thích-ca xuất thế, quả đúng như lời phát nguyện ngày trước.

Đức Phật kể lại chuyện này xong lại dạy rằng: “Vị trưởng giả đứng đầu ngày ấy, nay chính là đức vua Bình Sa nước Ma Kiệt-đề. Còn 93.000 người cùng tu sửa tháp Phật ngày xưa, nay đều ở trong số những người được gặp Phật, nghe pháp.”

Công đức xây Chùa, tạc Tượng, đúc Chuông: Vợ chồng cùng sanh Thiên

Trong thành Xá-vệ có một vị trưởng giả từng xây dựng chùa chiền, tháp Phật. Sau khi ông qua đời liền được sinh lên cõi trời. Người vợ thương nhớ chồng, thường đến quét dọn ngôi chùa do chồng bà xây dựng trước đây. Một hôm, người chồng từ xa lên tiếng nói với bà rằng:

“Ta là chồng của nàng ngày trước. Nhờ công đức xây dựng chùa nên đã được sinh lên cõi trời. Vì thấy nàng luôn thương nhớ ta nên đặc biệt từ cõi trời giáng hạ xuống đây. Chỉ tiếc vì thân người ô uế chẳng được thanh tịnh như chư thiên, nên chúng ta không thể gần nhau được nữa. Nếu nàng vẫn muốn làm vợ ta thì nên thường cúng dường Phật và chư Tăng. Nên siêng quét dọn chùa chiền tháp Phật, phát nguyện được sinh về cùng một cõi trời với ta.”

Người vợ làm theo đúng như lời dạy. Sau bà mạng chung quả nhiên được sinh lên cùng một cõi trời ấy, cùng nhau nối nghĩa vợ chồng. Cả hai cùng đến lễ Phật, được đức Phật thuyết pháp cho nghe, liền chứng quả Tu-đà-hoàn.

Trong Kinh có dạy rằng: “Quét chùa trong khắp một cõi Diêm-phù-đề không bằng quét một ngôi tháp Phật chỉ lớn bằng bàn tay.” Cho nên, công đức quét tháp Phật là hết sức lớn lao.

Theo Phatgiao.org.vn!

Nguồn: Tâm Hướng Phật ( https://tamhuongphat.com/ )

429 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog