Pháp Giới 5 tháng trước

Hãy cẩn trọng khi phát tâm cúng dường

Cúng dường mà thích khen ngợi, nêu danh, khoe khoang, mà tâm không hoan hỷ, kiếp sau được giàu có, nhưng trong gia đạo không được vui.

1. Cúng dường là gì?

Theo Phật giáo, Cúng dường hay Cung dưỡng có nghĩa là cung cấp nuôi dưỡng hay cúng dường những thứ lễ vật như thức ăn, hương, hoa, nhang, đèn, kinh sách, giáo thuyết, vân vân.

Cúng dường đến chư Phật và chư Bồ Tát để tỏ lòng biết ơn. Điều nầy cũng giống như con cái tỏ lòng cung kính cha mẹ, hay như học trò tôn kính thầy vậy.

Phật tử cúng dường hương hoa là bên ngoài tỏ lòng kính trọng Phật. Khi cúng dường hoa, chúng ta nên nghĩ rằng hoa nầy rồi sẽ tàn phai héo úa và hoại diệt đi, chúng ta cũng sẽ hoại diệt như vậy, không có một thứ gì trên đời nầy đáng cho ta bám víu. Hiểu như vậy, chúng ta sẽ quyết tâm hết lòng dụng công tu hành.

Tuy nhiên, trong các pháp cúng dường lên chư Phật, Pháp thí là cao tột. Pháp thí có nghĩa là dạy Phật pháp giúp người khác diệt khổ, giải quyết những vấn đề tâm linh để đưa họ đến giác ngộ và giải thoát. Thuyết pháp hay ban bố chân lý Phật pháp, là một trong những pháp cúng dường. Cúng dường pháp là pháp cúng dường cao tột vì nó giúp người nghe có cơ duyên vượt thoát luân hồi sanh tử để đạt tới Phật quả. Phật tử chân thuần nên luôn nhớ rằng cách cúng dường cao quý nhất đến với Đức Phật là thành tựu chánh pháp và sống tùy pháp, sống chân chánh trong chánh pháp.

2. Cẩn trọng khi phát tâm cúng dường

Khi cúng dường mà sanh tâm hối tiếc, kiếp sau sanh trong gia đình giàu có mà mình không hưởng được sự giàu sang ấy.

Cúng dường mà thích khen ngợi, nêu danh, khoe khoang, mà tâm không hoan hỷ, kiếp sau được giàu có, nhưng trong gia đạo không được vui.

Bỏn xẻn ích kỉ không cho người khác cúng dường thì kiếp sau dù giàu có, nhưng cô độc, không có quyến thuộc.

Kinh Niết Bàn đề cập đến 3 sự cúng dường không thanh tịnh:

  1. Trước nghĩ muốn cho nhiều, đến khi cho lại rút bớt.
  2. Chọn vật xấu đem cho người, vật tốt giữ lại cho mình.
  3. Đã cho xong, sinh tâm hối tiếc của đã cho.

Những vị thí chủ như vậy không thể gặp đức Phật và các bậc Hiển Thánh được. Bố thí hoặc cúng dường là giúp cho tâm mình được rộng rãi ra, tập lòng thương người mến vật.

Nên nhớ rằng:

“Tài sản vật sở hữu
Tất cả không đem theo
Khi nhắm mắt lìa đời
Chỉ mang nghiệp tốt xấu
Như bóng không rời hình
Do vậy hãy làm lành
Để dành cho đời sau
Sống an vui hạnh phúc”.

Xin hồi hướng công đức này cho con và tất cả chúng sinh đời này và mãi mãi đời sau được theo Chánh pháp nhiệm màu, được lan tỏa Chánh pháp muôn nơi, tinh tấn tu tập đạt giác ngộ giải thoát.

Xem Thêm:   Bồ Đề Tâm là gì? Ý nghĩa và lợi ích của việc phát Tâm Bồ Đề

NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT!
NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT!
NAM MÔ ĐỊA TẠNG VƯƠNG BỒ TÁT!
NAM MÔ QUÁN THẾ ÂM BỒ TÁT!

Tâm Hướng Phật!

Nguồn: Tâm Hướng Phật ( https://tamhuongphat.com/ )

5 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog