Pháp Giới 11 tháng trước

Công đức tạo tượng Phật lớn như thế nào?

Bởi vì các Đức Như Lai, từ khi phát tâm tu hành cho đến thành Phật, đã trải qua vô biên A tăng kỳ kiếp, chứa nhóm vô lượng phước đức, thành tựu vô biên công đức, trí tuệ, các Ngài thường dùng các thứ công đức ấy hộ trì cho các chúng sanh có đức tin thanh tịnh, do vậy mà sự tạo tượng Phật có thể trừ diệt các thứ nghiệp ác sâu nặng.

Nhiều người biết: hễ ai thành tâm tạo tượng Phật, thì có được nhiều công đức, nhưng ít người biết số lượng công đức đó như thế nào, chính trong Kinh Tạo tượng Phật này, Đức Phật dạy rõ điều đó.

Tuy nhiên, phải thành tâm tạo tượng Phật, có đủ tướng tốt trang nghiêm, nếu không được toàn hảo thì ít ra cũng phải có đủ những nét biểu hiện Đại trí, Đại từ, Đại giải thoát, hoặc như trong kinh này dạy: “Phải đủ hai tướng: “Bạch hào và nhục kế, để khi nhìn vào, biết là tượng Phật” dễ phát khởi lòng kính tin, thì mới có công đức. Trái lại, tạo tượng Phật mà không biểu lộ được tướng gì của Phật và khi nhìn vào cũng không biết đó là tượng Phật, không phát khởi được tín tâm, còn xem thường nữa, thì việc tạo tượng như vậy tất nhiên là không có công đức, lắm lúc còn mang tội nữa là khác.

Tạo hình tượng Phật hoặc hình tượng Bồ Tát, là việc làm có một ý nghĩa cao quý và gây một cái nhơn công đức, phước đức lớn lao! Cho nên hơn 2500 năm, sau khi Đức Phật nhập Niết Bàn, hàng xuất gia, tại gia đệ tử của Phật, từ Ấn Độ, Trung Hoa, Nhật Bản, các nước Phật giáo trên thế giới cho đến Việt Nam, đã có không biết bao nhiêu người tạo lập hình tượng chư Phật, Bồ Tát để chiêm ngưỡng, lễ lạy, cúng dường.

Xuất xứ của việc tạo hình tượng Phật

Căn cứ vào kinh Đại thừa công đức tạo tượng Phật, khi Phật còn tại thế, vua Ưu Đà Diên, trị vì nước Câu Diệm Di, là người đầu tiên đã dùng gỗ thơm Chiên đàn đỏ, tạo ra hình tượng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni.

Vậy nguyên do nào vua Ưu Đà Diên tạo hình tượng Phật? Động cơ thúc đẩy vua Ưu Đà Diên tạo hình tượng Phật là bởi nguyên do như vầy:

Sau thời gian gần 49 năm thuyết pháp độ sanh, trong một mùa an cư 90 ngày (có lẽ là mùa an cư cuối cùng), Đức Phật vắng bóng ở trần gian, Ngài lên cung trời Đao Lợi nói kinh, giáo hóa chư Thiên và độ thân mẫu là Ma Gia phu nhơn được chứng thánh quả, thì vua Ưu Đà Diên không tìm thấy Đức Phật nơi đâu, lòng khát ngưỡng nhớ mong cực độ, đến nỗi vua này bi cảm âu sầu nhiều ngày, xao lãng cả việc triều chính và không màng đến thú vui vương giả. Vua không biết cách nào gặp Đức Phật cho đỡ nhớ mong, bèn nghĩ đến cách tạo tượng Phật.

Vua triệu tập các tay thợ điêu khắc nổi tiếng trong nước để tạo tượng Phật, nhưng ai cũng từ chối không dám nhận lời, vì họ nghĩ rằng: Sắc thân của Phật tướng tốt tuyệt vời, e rằng tượng Phật tạo ra nếu có sai lầm, sẽ làm cho họ đắc tội và lui mất thanh danh. Khi đó có vị thần Tỳ Thủ Yết Ma, tương truyền là vị thần điêu khắc, đã biến thân ra làm người thợ mộc, ông mang dụng cụ đến nhận trách nhiệm tạo hình tượng Phật để giúp nhà vua. Thần Tỳ Thủ Yết Ma trổ hết tài năng, chỉ trong một ngày là xong tượng Phật, cao bảy thước mộc, tượng màu vàng tía, đủ các tướng tốt, khiến người nhìn đến biết là tượng Phật.

Vua Ưu Đà Diên tạo tượng Phật xong, tiếng vang lan truyền các nước lân cận, vua các nước lớn như vua Ba Tư Nặc, vua A Xà Thế và vua Nghiêm Xí, đều đem lễ vật đến cúng dường chiêm ngưỡng và đều khen việc làm của vua Ưu Đà Diên.

Xem Thêm:   Niệm Phật tan được phiền não thì có thể thoát sanh tử

Thời gian ba tháng chấm dứt, Đức Phật trở xuống cõi Diêm Phù Đề, vô lượng chư Thiên trong sáu cõi trời Dục giới, 18 cõi trời Sắc giới, đồng dâng lễ cúng dường Đức Phật và tiễn đưa Ngài trở lại trần gian. Hàng đệ tử xuất gia, tại gia ít nhất là bốn nước, gồm đủ mọi thành phần, đã tụ hội về thành Tăng Già Thi cung đón Đức Phật. Một quang cảnh vô cùng vĩ đại vô tiền khoáng hậu đã diễn ra lúc đó, ấy là cuộc hội kiến Thần tiên giữa Trời và người, chưa từng có trong nhân loại. Tất cả những ai thành tâm mang những lễ phẩm cúng dường Đức Phật, đều thành tựu phước đức và thành tựu cái nhân đắc độ hiện tiền và đời sau, nhiều phái ngoại đạo nhơn đó mà bỏ tà về chánh, quy y Tam Bảo. Như thế, Đức Phật đã hoàn thành bản nguyện độ sanh của Ngài, khi xuất hiện trên cõi đời này. Cho nên trong kinh DI GIÁO có chỗ ghi rằng: “Những người đáng độ ta đã độ xong, những người chưa được độ, ta cũng đã gây nhân duyên cho họ được độ sau này…” Đây rõ ràng là lòng từ bi vô tận, cứu độ chúng sanh của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, Đức Thế Tôn của chúng ta.

Để các chúng sanh đời sau hiểu rõ phước đức, công đức tạo tượng Phật, Ngài Di Lặc Bồ Tát đã thay mặt tất cả phàm Thánh, thưa hỏi Phật về công đức tạo tượng của vua Ưu Đà Diên, Đức Phật tuần tự nói về phước báo và công đức thù thắng của người có tâm thành tín thanh tịnh tạo ra tượng Phật. Kinh này ghi rõ những phước báo về công đức chẳng thể nghĩ bàn ấy. Dưới đây chúng tôi xin trích dẫn một vài đoạn để chư vị có một khái niệm sơ qua:

… Lúc đó, Ngài đại Bồ Tát Di Lặc biết ý nghĩ ấy, liền từ chỗ ngồi đứng dậy sửa áo, hở vai bên phải, quỳ thẳng chấp tay bạch lên Đức Phật:

– Kính bạch Thế Tôn! Vua Ưu Đà Diên tạo hình – tượng Phật, nếu Phật còn tại thế hoặc nhập Niết Bàn rồi, người có lòng tin, có thể tùy phần tạo hình – tượng Phật, người ấy gặt hái công đức thế nào? Cúi mong Thế Tôn nói rộng tướng ấy.

Đức Phật bảo Ngài Bồ Tát Di Lặc:

– Di Lặc ! Hãy lắng nghe và khéo tác ý, Ta sẽ vì ông mà nói.
…..
Di Lặc! Nếu có người nào dùng những tơ sợi thêu thùa hình Phật, hoặc là nấu đúc bằng các thứ vàng, bạc, đồng, sắt, chì, kẽm… Hoặc điêu khắc bằng gỗ thơm Chiên đàn, hoặc khắc bằng các thứ trân châu, sò ốc, gấm vóc dệt thành, bằng đất đỏ, thạch cao, đất sét, hoặc các thứ gỗ.v.v… (Chú thích: thời nay công nghệ phát triển, chúng ta có thêm nhiều cách thức tinh vi để vẽ, tạc, tạo hình, tạo tượng Phật như Photoshop, in 3D… công đức đều đồng như trên). Dùng những vật đó tùy phần sức mình tạo ra hình – tượng Phật, cho đến rất nhỏ như ngón tay cái, có thể khiến cho người khác nhìn biết đó là Tôn tượng, phước báo người này ta sẽ nói:

Di Lặc! Những người như vậy ở trong sinh tử tuy còn trôi lăn, trọn chẳng sinh tại gia đình nghèo cùng, cũng chẳng sinh nhà dòng dõi thấp hèn, cô đơn hẻo lánh ở biên địa. Lại cũng chẳng sinh vào nhà tà kiến, con buôn, nhà làm hàng thịt, cho đến chẳng sinh vào dòng hèn hạ, kỹ nữ bất tịnh, hoặc nhà ngoại đạo, khổ hạnh tà kiến… trừ khi vì sức thệ nguyện Từ Bi, ngoài ra chẳng sinh vào những nhà ấy.

Xem Thêm:   An Sĩ Toàn Thư – Khuyên người tin sâu nhân quả trọn bộ PDF

Người này thường sinh nhà thuộc dòng tộc vua Chuyển Luân Vương có thế lực lớn. Hoặc sinh giòng Bà La Môn tịnh hạnh, hoặc nhà giàu sang không tạo tội nặng. Sinh ở nơi nào cũng thường gặp Phật, vâng thờ cúng dường. Hoặc được làm vua hộ trì chánh pháp, đem pháp giáo hóa, chẳng làm trái đạo. Hoặc làm vua Chuyển Luân Thánh Vương oai hùng, đủ bảy báu vật, đủ ngàn người con, bay đi trên không giáo hóa bốn châu, suốt một cuộc đời tự tại giàu sang, vui sướng.

Hoặc làm vua Trời Đao Lợi, vua Trời Dạ Ma, vua trời Đâu Suất, vua trời Hóa Lạc, vua trời Tha Hóa Tự Tại… lạc thú Trời người, không gì chẳng hưởng, phước báo như thế nối tiếp không dứt. Sinh ra nơi đâu cũng là đàn ông, không chịu thân nữ, lại cũng chẳng chịu thân đồng tính, song tính luyến ái hèn hạ (Chú thích: song tính luyến ái là bị hấp dẫn về mặt cảm xúc, tình cảm và tình dục với cả người cùng giới tính và khác giới tính với mình).

Thân được thọ sinh không bị xấu xí, mắt chẳng mù chột, tai chẳng điếc, mũi chẳng cong gãy, miệng chẳng méo lệch, môi chẳng trề xuống, cũng chẳng túm rút, răng chẳng thưa thiếu, chẳng đen, chẳng vàng, lưỡi chẳng ngắn thụt, cổ chẳng bướu nhọt, thân chẳng lưng gù, da chẳng loang lỗ, tay chẳng cụt ngủn, chân chẳng lệch què, chẳng quá ốm o, chẳng quá béo mập, cũng chẳng quá dài, cũng chẳng quá ngắn… Đều không có các tướng chẳng đáng ưa.
Thân của người ấy ngay ngắn, đoan trang, mặt mày đầy đặn. Tóc biếc mềm mại, sáng sạch. Môi đỏ như son, mắt như sen xanh, tướng lưỡi rộng dài. Răng trắng, bằng khít, nói ra lời hay ý khéo, khiến người nghe ai cũng vui lòng đẹp dạ. Khuỷu tay vừa chừng. Bàn tay bằng phẳng, lưng vế đầy đặn, vai ngực nở nang, tay chân dịu dàng dường như bông vải, các tướng đầy đủ không bị khuyết thiếu, gân sức mạnh mẽ, tựa hồ như trời Na La Diên (Chú thích: đại lực sĩ cõi trời).

Di Lặc! Ví như có người rớt vào hầm cầu tiêu, từ đó thoát được ra, cạo bỏ phẩn uế, lấy nước rửa sạch, dùng hương thoa thân, mặc áo mới sạch… Người như thế đó so với người còn ở trong hầm cầu tiêu, chưa được ra khỏi, vậy sự nhơ bẩn và sự thơm tho, hỏi cách nhau bao nhiêu?

– Kính bạch Thế Tôn! Hai việc ấy cách xa không biết bao nhiêu lần!

– Di Lặc! Nếu có người nào còn trong sinh tử, phát lòng tin tạo hình – tượng Phật, so sánh với lúc người ấy chưa tạo, thì sự cách xa lại cũng như vậy. Nên biết người ấy đời đời sinh ra trừ sạch nghiệp chướng, các thứ kỹ thuật, không thấy mà hiểu. Tuy sinh làm người mà các giác quan được coi như cõi trời. Nếu sinh lên trời, thì vượt trội hơn rất nhiều Thiên chúng. Sinh ra nơi nào cũng không tật nguyền, không bị phong hủi, không bị ung thư, không bị dựa nhập bởi các quỷ mị. Không mắc những bệnh điên cuồng khô héo, vàng da sốt rét, sạn hòn, ghẻ dữ, thẹo sâu, thổ tả vô độ, ăn uống không tiêu, cựa mình nhức nhối, tê liệt nửa người…Những chứng bệnh như vậy, cả đến bốn trăm lẻ bốn chứng thảy đều không có.

Lại cũng chẳng bị các thứ thuốc độc, binh khí, gậy gộc, cọp, sói, sư tử, nước, lửa, trộm, cướp… những nghịch duyên xảy ra bất ngờ như vậy không làm tổn hại. Thường được không sợ hãi, chẳng phạm các tội.

Di Lặc! Nếu có chúng sinh trước tạo nghiệp ác, phải chịu đủ thứ các sự khổ não, như bị kìm kẹp, còng khóa, gông xiềng, đánh mắng, thiêu đốt, châm chích, xẻ da, nhổ tóc, treo ngược lên cao, cho đến hoặc bị mổ xẻ lòng ruột… Nếu phát lòng tin tạo hình – tượng Phật, thì khổ báo ấy thảy đều chẳng thọ. Chẳng sinh những chỗ giặc giã quấy nhiễu, thành trì sụp đổ, sao dữ biến quái, đói kém ôn dịch… Những chỗ như thế đều chẳng sinh đến, nếu nói có sinh, đó là vọng ngữ.

– Kính bạch Thế Tôn! Như Lai thường nói: Có năm thứ nghiệp rất là sâu nặng, quyết định đọa tại địa ngục Vô gián(Chú thích: là hạng địa ngục khủng khiếp nhất, cực hình không gián đoạn). Đó là các tội: giết cha, giết mẹ, giết A La Hán, ác tâm làm cho thân Phật chảy máu, phá hòa hợp Tăng. Nếu có chúng sinh trước tạo tội này, sau sinh lòng tin đối với Đức Phật và tạo hình – tượng Phật, người này có còn đọa địa ngục hay chẳng bị đọa?

Xem Thêm:   Nghiệp theo quan điểm Phật giáo là gì? Nghiệp lực từ đâu sinh ra?

Đức Phật bảo Ngài Bồ Tát Di Lặc:

– Nay ta vì ông nói một thí dụ nữa: Giả như có người, tay cầm cung mạnh ở giữa rừng cây, nhằm lên phía trên bắn những lá cây, mũi tên đi suốt không bị trở ngại. Nếu có chúng sinh gây tội nghịch kia, sau tạo tượng Phật, thành tâm sám hối, dù được đức tin chưa chắc chắn lắm, người ấy tội được nhẹ đi, thì dù có đọa địa ngục chăng nữa cũng liền ra khỏi, như mũi tên bắn đi suốt không ngừng, trường hợp người này lại cũng như vậy…

Lại như Tỳ kheo, chứng Thần túc thông, từ bờ bên này qua bên kia, biển quanh cả bốn châu không gì ngăn ngại. Người kia cũng thế, do tội đã phạm, trước tạm đọa địa ngục, sau được thoát, nghiệp trước chẳng có thể làm trở ngại.

Tại sao công đức tạo tượng to lớn như vậy?

Bởi vì các Đức Như Lai, từ khi phát tâm tu hành cho đến thành Phật, đã trải qua vô biên A tăng kỳ kiếp, chứa nhóm vô lượng phước đức, thành tựu vô biên công đức, trí tuệ, các Ngài thường dùng các thứ công đức ấy hộ trì cho các chúng sanh có đức tin thanh tịnh, do vậy mà sự tạo tượng Phật có thể trừ diệt các thứ nghiệp ác sâu nặng.

Vả lại, tâm lực của mỗi chúng sanh, hay của mỗi người chúng ta vốn chẳng thể nghĩ bàn, vốn sẵn đủ hằng sa công đức, diệu dụng. Nếu chúng ta thường tư duy về những công đức của Phật, thường quán xét các Đức Như Lai có 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp, có 10 lực, bốn món Vô úy, sáu Ba la mật, đại từ, đại Bi và đại Trí tuệ. Chính khi tư duy về những công đức của chư Phật, tức là phát động cái nhân công đức chẳng thể nghĩ bàn của chính chúng ta. Do năng lực huân tập này mà những nghiệp ác cực nặng và những quả báo xấu có thể chuyển đổi. Ta quán sát tướng hảo nơi sắc thân ta. Hạt giống đã có thì quả sẽ phát sanh và khi quả phát sanh là ta sẽ có các tướng hảo. Đạo lý này vốn chơn thật và không sai lạc bao giờ.

Nhờ tư duy công đức chư Phật bên ngoài, cho nên thành tựu công đức của Phật tâm bên trong tâm chúng ta. Nhờ tư duy công đức của Phật bên trong tâm chúng ta, cho nên thành tựu các phước báo thuộc sắc thân và hoàn cảnh bên ngoài. Đây là một đạo lý vi diệu, được gọi là Đại thừa, sự tạo tượng Phật này nằm trong đạo lý vi diệu đó, cho đến bộ kinh nói về việc tạo tượng đây, được gọi là Kinh đại thừa công đức tạo tượng Phật.

Tâm Hướng Phật/Tổng hợp!

Nguồn: Tâm Hướng Phật ( https://tamhuongphat.com/ )

1 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog