Công đức niệm danh hiệu Nam Mô A Di Đà Phật bất khả tư nghì
Pháp Giới 5 tháng trước

Công đức niệm danh hiệu Nam Mô A Di Đà Phật bất khả tư nghì

Công đức sáu chữ hồng danh Nam Mô A Di Đà Phật bất tư nghì, chư vị cổ đức quy nạp nó thành năm loại lớn, gọi là năm loại không thể nghĩ bàn.

Công đức sáu chữ hồng danh “Nam Mô A Di Đà Phật” bất tư nghì, chư vị cổ đức quy nạp nó thành năm loại lớn, gọi là năm loại không thể nghĩ bàn. Chúng ta cần phải ghi nhớ điều này. Đối với việc tu học pháp môn này, đoạn nghi sanh tín, cầu nguyện vãng sanh có rất nhiều lợi ích!

Thứ nhất là hoành siêu tam giới, không đợi đoạn hoặc. Chúng ta muốn hỏi, quang minh của Phật A Di Đà ở đâu? Quang minh biến chiếu. Trong tâm chúng ta nghĩ đến Phật A Di Đà, miệng niệm Phật A Di Đà, đây là lúc Phật quang chiếu đến. Chúng ta không nhìn thấy cũng không có cảm xúc, là vì bản thân nghiệp chướng quá nặng, bản thân không cảm nhận được. Nói cho chư vị biết, người có định công có thể thấy được. Tôi nghe nói, hiện nay ở đây có rất nhiều người học khí công, người có khí công tốt có thể thấy được, người có khí công kém một chút không thấy được, khí công tốt có thể thấy. Người có định công có thể thấy càng rõ ràng, càng thù thắng hơn.

Phật quang gia trì trên thân chúng ta, thân thể ta cũng phóng quang, ta phóng quang lớn hay nhỏ đều tỷ lệ thuận với tâm thanh tịnh của mình. Nói cách khác, khi ta nhớ Phật niệm Phật, tâm càng thanh tịnh thì quang minh càng lớn, quang minh càng tốt đẹp. Đạo tràng chúng ta giảng bộ đại kinh này, hoặc mọi người cùng nhau niệm Phật ở đây, đạo tràng niệm Phật, đạo tràng này có quang minh rất lớn, nơi rất xa đều có thể thấy quang minh của đạo tràng này. Cho nên mắt thịt không thể thấy, ta thường nghe người khác nói, ở đâu có phóng quang, đây là thật, không có gì kỳ lạ, tuyệt đối không phải bịa đặt, đây là điều thực tế.

Lợi ích của pháp môn này, không cần đoạn hoặc. Hoặc là mê hoặc, là phiền não. Trong kinh luận Đức Phật dạy chúng ta, tam giới lục đạo từ đâu mà có? Do mê hoặc sanh ra, tức là cảnh giới do kiến tư phiền não biến hiện ra. “Kiến” tức là kiến giải sai lầm, “tư” là tư tưởng lệch lạc, kiến giải sai lầm, tư tưởng sai lầm, biến hiện ra luân hồi lục đạo. Luân hồi lục đạo là một hiện tượng, hiện tượng này từ đâu mà có? Đức Phật nói với chúng ta, nếu chúng ta không có kiến giải và tư tưởng sai lầm, nói cách khác, tuyệt đối không có hiện tượng của luân hồi lục đạo. Không có nhân làm sao có quả? Do đó, Đức Phật dạy chúng ta vượt thoát luân hồi lục đạo, nhất định phải đoạn kiến tư phiền não, mới có thể vượt thoát được. Câu này nói thì dễ, làm mới khó.

Từ sáng đến tối chúng ta suy nghĩ lung tung, rất muốn dừng ý niệm, không nghĩ nữa. Không muốn nghĩ lại cứ nghĩ, không đừng được, là vấn đề rất khó khăn, nhưng ta không đoạn vọng niệm, tuyệt đối không thể ra khỏi. Thiền định là tạm thời chế ngự vọng niệm, chưa đoạn, lấy đá đè cỏ, rễ vẫn còn, công phu này không ra khỏi ba cõi. Họ có thể chế ngự, cao minh hơn người không chế ngự một chút, họ có thể sanh lên trời sắc giới, sanh đến trời vô sắc giới, nhưng không ra khỏi được.

Có rất nhiều người tu hành ngộ nhận sắc giới, vô sắc giới, cho rằng đó là niết bàn, đó là thanh tịnh tịch diệt, đặc biệt là vô sắc giới. Vô sắc giới không có sắc tướng, chúng ta gọi là linh giới, thế giới tinh thần, họ ngộ nhận đây là đại niết bàn. Đến đó, họ lại không dụng công, tự cho rằng mình đã viên mãn, công đức đã viên mãn, vì thế họ không thể ra khỏi tam giới.

Xem Thêm:   Niệm Phật để thoát ly sinh tử luân hồi

Pháp môn niệm Phật, được oai thần bổn nguyện không thể nghĩ bàn của Phật A Di Đà gia trì, không cần đoạn phiền não cũng có thể vãng sanh, vãng sanh liền vượt thoát tam giới. Trong tất cả các pháp môn, không đoạn phiền não có thể ra khỏi tam giới, chỉ duy nhất pháp môn này. Tám vạn bốn ngàn pháp môn, vô lượng pháp môn, trong đó chỉ có pháp môn này, không cần đoạn phiền não cũng xuất tam giới. Đây là một pháp môn rất đặc biệt, không thể nghĩ bàn. Không thể nghĩ bàn không phải nói với chúng ta, trình độ chúng ta quá kém. Không thể nghĩ bàn là nói với A la hán, Bích Chi Phật, Chư Bồ Tát. Định tuệ của họ đều có trình độ tương đối, thấy không đoạn phiền não có thể ra khỏi tam giới, đối với họ mà nói đúng là không thể nghĩ bàn. Đây là thứ nhất.

Thứ hai: “tức sanh tây phương, hoành cụ tứ độ, phi do tiệm tiến”. Đây là việc không thể nghĩ bàn thứ hai. Tất cả các kinh điển đại thừa, tu nhân chứng quả đều có thứ lớp. Giống như đi học ở trường vậy, học xong lớp một lên lớp hai, học xong lớp hai lên lớp ba, học xong tiểu học lên trung học, học xong trung học lên đại học, có thứ tự. Mười phương Chư Phật đều có tứ độ, bốn loại Tịnh độ này không phải chỉ Phật A Di Đà có, mỗi thế giới đều có, thế giới này của chúng ta cũng không ngoại lệ, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni cũng có tứ độ.

Tứ độ chúng ta không nhìn thấy, vì sao không nhìn thấy? Vì nó không ở một chỗ. Như trường học hiện nay vậy, học sinh tiểu học có trường tiểu học, cấp một và cấp hai không học cùng nhau. Học sinh tiểu học không thấy học sinh trung học, học sinh trung học cũng không thấy học sinh tiểu học. Học sinh trung học với sinh viên đại học cũng không học cùng nhau, nó tách rời.

Công đức niệm danh hiệu Nam Mô A Di Đà Phật bất khả tư nghì

Đức Phật dạy rằng, chưa đoạn tận kiến tư phiền não, như phàm phu lục đạo chúng ta, luân hồi lục đạo, lục đạo là cõi phàm thánh đồng cư, trong này có phàm phu, có thánh nhân, gọi là cõi phàm thánh đồng cư. Phàm phu mê hoặc điên đảo trôi lăn trong luân hồi sanh tử. Thánh nhân có hai loại, một là phàm phu giác ngộ tu hành ở đây, công phu của họ chưa rốt ráo, chưa thể siêu việt, vẫn ở đây tu hành, ngày nay chúng ta tu hành là thuộc loại này. Thứ hai là Bồ Tát, A la hán thị hiện đến đây để hóa độ chúng sanh. Họ thị hiện đến đây, họ cũng phải ở đây, cho nên ở đây gọi là cõi phàm thánh đồng cư.

Giả như chúng ta đoạn tận kiến tư phiền não, như vừa mới nói, vượt thoát luân hồi lục đạo, đi về đâu? Đi vào một cõi tịnh khác, cõi tịnh này gọi là cõi phương tiện hữu dư, không ở trong luân hồi lục đạo. Đây là ngoài tam giới, chỉ có cõi phàm thánh đồng cư là trong tam giới, đã vượt thoát tam giới. A la hán, Bích Chi Phật, Quyền giáo Bồ Tát, họ trú trong cõi phương tiện hữu dư. Đây là đã đoạn kiến tư, vẫn chưa phá vô minh, họ ở đây. Phàm phu chúng ta không thấy được cõi tịnh này.

Nếu phá nhất phẩm vô minh chứng một phần pháp thân, họ lìa xa cõi phương tiện hữu dư, sanh đến cõi thật báo trang nghiêm. Cõi thật báo không giống với hai cõi trước, hai loại trước là a lại da thức biến hiện ra, tướng phần của a lại da biến hiện ra. Cõi thật báo là cõi pháp tánh, họ minh tâm kiến tánh, nó là chân như bổn tánh biến hiện ra, cho nên thanh tịnh trang nghiêm khác biệt rất lớn với hai cõi dưới, không thể nhất loạt như nhau.

Tuy nói bốn cõi tịnh, thực tế mà nói, từ sự tướng mà nói chỉ có ba cõi tịnh. Thường tịch quang là bổn thể, là lý, lý xuyên suốt các cõi, xuyên suốt trước sau, lý là quán thông. Chúng ta phải biết điều này. Tất cả các cõi tịnh, đều từ trong thường tịch quang biến hiện ra, đến ba đường ác cũng là thường tịch quang biến hiện ra, thường tịch quang là bổn thể. Bốn cõi, thực tế nói trên sự tướng là ba loại Tịnh độ, ba loại Tịnh độ là ba cảnh giới khác nhau. Công phu ta chưa đạt đến, thì không thấy được. Cõi tịnh của mười phương Chư Phật đều như vậy, chỉ có cõi tịnh của thế giới tây phương rất đặc biệt, cõi tịnh này gọi là “ngang đủ bốn cõi, không do tiệm tiến”. Nó có bốn cõi chăng? Có, bốn cõi của nó ở một nơi, điều này rất đặc biệt.

Xem Thêm:   Cẩm nang tu đạo PDF – Hòa Thượng Quảng Khâm

Như chúng ta vừa đưa ra ví dụ, bài học ở trường này rất kỳ lạ, học sinh cấp một, học sinh trung học, sinh viên đại học, đều học trong một giảng đường. Có tình trạng trình độ bất đồng chăng? Có, tuy có, nhưng mọi người cùng học, trường học này rất đặc thù. Do đó vãng sanh thế giới Cực Lạc “một sanh tất cả sanh”. Ví dụ phàm phu sanh vào cõi phàm thánh đồng cư, tiểu thừa A la hán, Bích Chi Phật tránh nhỏ hướng lớn, cầu sanh tây phương Tịnh độ, sanh vào cõi phương tiện hữu dư. Chư đại Bồ Tát, Quan Âm, Thế Chí, Văn Thù, Phổ Hiền, Di Lặc sanh vào cõi thật báo trang nghiêm. Đến thế giới tây phương, những người này đều câu hội ở một nơi, đây là điều rất đặc biệt, cho nên gọi là một sanh tất cả sanh. Chúng ta sanh đến đó là cõi đồng cư, đồng nghĩa là đồng thời sanh vào cõi phương tiện, lại sanh vào cõi thật báo, lại chứng đến cõi tịch quang. Chư vị đại Bồ Tát đó, sanh đến thế giới tây phương Cực Lạc, sanh đến cõi thật báo trang nghiêm, đồng thời cũng sanh vào cõi phương tiện, cõi hữu dư. Chúng ta đến đó, là ngày ngày thấy được Quan Thế Âm, Đại Thế Chí, Văn Thù, Phổ Hiền, lúc nào cũng ở cùng nhau không có cách trở. Đúng là không thể nghĩ bàn, trong thế giới của mười phương Chư Phật đều không có hiện tượng này, duy nhất thế giới tây phương mới có hiện tượng này. Điều này nói lên rằng, nó đích thực là thế giới bình đẳng.

Công phu tu hành của mỗi người, trình độ đoạn hoặc chứng chân không tương đồng. Ngoài điều này ra, trong các phương diện sự tướng thọ dụng, không có gì khác nhau. Hoàn toàn tương đồng, hoàn toàn bình đẳng, đây là loại bất tư nghì thứ hai.

Thứ ba là “đản trì danh hiệu, bất giả phương tiện”. Đây là nói phương pháp tu hành không thể nghĩ bàn, đúng là quá dễ, chỉ một câu “Nam mô A Di Đà Phật”, ai không biết niệm? Ai không thể niệm? Không cần phương pháp khác trợ giúp. Có cần xem thật nhiều kinh luận chăng? Không cần thiết. Cần tu các pháp môn khác chăng? Cũng không cần, thậm chí đến Chú Vãng Sanh, Kinh Di Đà đều không cần đọc, chỉ một câu A Di Đà Phật là được.

Quý vị xem vị đệ tử của pháp sư Đế Nhàn, đó đúng là tấm gương tốt gần đây của chúng ta. Không hề biết chữ, suốt đời chưa từng đọc kinh, cũng chưa từng nghe kinh, sư phụ chỉ dạy ông chuyên niệm một câu Nam mô A Di Đà Phật, bảo ông cứ niệm chân thành, niệm mệt thì nghỉ, nghỉ xong lại niệm, quý vị xem tự tại biết bao. Ông niệm suốt ba năm thì đứng vãng sanh, ông đã niệm thành công. Sau khi chết ông còn đứng ba ngày, đợi pháp sư Đế Nhàn lo hậu sự cho, đứng vậy mà thân thể không ngã, đứng suốt ba ngày. Trong thời cận đại này, đúng là người đầu tiên, chúng ta có nghe nói đứng vãng sanh, chưa nghe nói sau khi vãng sanh còn đứng ba ngày, chưa nghe nói, chỉ có một người như vậy. Một câu Phật hiệu, chỉ có một câu Phật hiệu tâm mới thật sự thanh tịnh, mọi vọng niệm đều không có, mọi nghi hoặc đều không còn. Ông niệm Phật đạt được niệm Phật tam muội, định tuệ thành tựu viên mãn. Đây là điều bất tư nghì thứ ba.

Xem Thêm:   Cách sám hối tại nhà

Thứ tư là “nhất thất vi kỳ, bất tạ đa sanh thời kiếp”. Niệm Phật là dùng thời gian công phu không thể nghĩ bàn, họ không cần thời gian rất dài, các phương pháp khác cần tu thời gian rất dài. Trong các kinh Phật thường nói, từ sơ phát tâm đến thành Phật phải tu hành ba đại a tăng kỳ kiếp, đây là chữ số thiên văn, cần thời gian rất dài. Thời gian niệm Phật cần bao lâu? Bảy ngày là thành công. Kinh A Di Đà nói, nếu một ngày đến bảy ngày, tâm chuyên cần chơn chánh, thật sự buông bỏ tất cả, một ngày sẽ thành công. Vấn đề này trong thời cận đại chúng ta cũng từng thấy, ba ngày thành công, bảy ngày thành công chúng ta từng thấy, là sự thật. Còn như ba tháng thành tựu, nửa năm thành tựu, vậy thì rất nhiều. Vấn đề ở đâu? Vấn đề là chúng ta có chân niệm hay không, vừa niệm Phật, vừa hoài nghi, hoặc nghĩ những chuyện vặt vãnh khác, đây là tâm không chuyên. Trong niệm Phật có xen tạp, có gián đoạn, vì thế không đạt được kết quả. Một ngày đến bảy ngày thành tựu, chân thành niệm câu Phật hiệu này. Ngoài câu Phật hiệu này ra, một vọng niệm cũng không còn, thật sự buông bỏ tất cả pháp thế xuất thế gian, như vậy mới có thể thành tựu.

Bồ Tát Đại Thế Chí dạy chúng ta yếu lĩnh của niệm Phật: “Đô nhiếp lục căn, tịnh niệm tương tục”, đây là yêu lĩnh tu hành. Có thể tu hành theo cương lĩnh này, đúng là “nhất thất vi kỳ”, trong bảy ngày nhất định thành tựu, không cần thời gian dài, “đa sanh thời kiếp” là chỉ thời gian rất dài, đó là nói tu học các pháp môn khác, đều cần thời gian rất dài. Pháp môn này thời gian rất ngắn, có thể thành tựu nhanh chóng.

Loại thứ năm là “trì nhất Phật danh, tức vi Chư Phật hộ niệm, bất dị trì nhất thiết Phật danh”. Trong tâm chúng ta nghĩ đến Phật A Di Đà, niệm Phật A Di Đà, chỉ nhớ niệm một vị Phật, đồng nghĩa nhớ niệm tất cả Chư Phật khắp mười phương ba đời, quả thật điều này không thể nghĩ bàn. Quý vị muốn hỏi vì sao? Vì tất cả Chư Phật trong mười phương ba đời đều niệm Phật A Di Đà, chính là đạo lý này. Vì sao tất cả Chư Phật đều niệm Phật A Di Đà? Phật A Di Đà đầy đủ năm loại bất tư nghì này, cho nên được tất cả Chư Phật hoan hỷ tán thán. Do đó tất cả Chư Phật niệm Phật A Di Đà, tất cả Chư Phật tán thán y chánh trang nghiêm trong thế giới Cực Lạc của Phật A Di Đà. Tán thán này, như Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nói cho chúng ta Kinh Vô Lượng Thọ, Kinh A Di Đà, Kinh Quán Vô Lượng Thọ, và tất cả kinh điển đại thừa, đều tán thán thế giới Cực Lạc, đây gọi là tán thán. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nói với chúng ta, tất cả Chư Phật ở thế giới của họ, không ai không giảng kinh này. Thực tế mà nói, Phật nói tất cả kinh, kinh này là bộ kinh chủ yếu của Phật, là bộ kinh quan trọng nhất, các kinh luận khác đều là phụ trợ. Giống như đi học ở trường vậy, đây là môn học chính, ngoài ra đều là chọn học, học hay không cũng không sao, kinh này mới quan trọng, tu chính. Vì sao vậy? Vì kinh này bảo đảm ta thành Phật ngay trong đời này, nó là bộ kinh tu chính. Cho nên tất cả Chư Phật tán thán, tất cả Chư Phật tuyên dương, tất cả Chư Phật đều khuyên chúng sanh niệm Phật cầu sanh Tịnh độ. Vì thế niệm Phật A Di Đà đồng nghĩa niệm hết thảy chư Phật, không sót một vị Phật nào, đây là điều không thể nghĩ bàn.

Đại Thế Chí Bồ Tát Viên Thông Chương Tập 4
Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư
Nguồn: Tịnh Không Pháp Ngữ

Nguồn: Tâm Hướng Phật ( https://tamhuongphat.com/ )

45 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog