Hạnh nhẫn nhịn: Loại nội lực thâm sâu từ sự tu hành
Pháp Giới 5 tháng trước

Hạnh nhẫn nhịn: Loại nội lực thâm sâu từ sự tu hành

Nhẫn nhịn theo quan niệm của đạo Phật chính là nhận lãnh sự khinh khi, nhục mạ, não hại với một tâm thế bình thản, không giận tức.

1. Thế nào là nhẫn?

Những người chân thật tu hành có cách lý giải đặc biệt với từ này, họ cho rằng, “nhẫn” có nghĩa là “nhẫn nhục”.

Chúng ta thường nói nhẫn nhục gánh trọng trách, không nhẫn nhục, không thể gánh trọng trách, không nhẫn nhịn, không làm được việc lớn.

Tại sao phải nhẫn nhịn? Bởi vì nhẫn nhịn sẽ tránh được rất nhiều rắc rối và tổn thương vô nghĩa. Khi còn chưa đủ mạnh mẽ, chúng ta phải học cách nhẫn nhịn, chuyện nhỏ không nhịn sẽ ảnh hưởng đến đại cục. Khi chúng ta đã mạnh mẽ rồi, cũng phải học cách nhẫn nhịn.

Một học giả phương Tây từng nói:

“Nhẫn nhịn và kiên trì rất đau khổ, nhưng dần dần chúng sẽ đem lại lợi ích cho bạn.” Một người muốn có thành tựu thì phải học cách nhẫn nhịn. Đối với một số người, nhẫn nhịn thường bị coi là nhu nhược, dễ bị bắt nạt. Nhưng trên thực tế, nhẫn nhịn là một cách rèn giũa bản thân, là kết quả được đúc kết sau khi trải qua thử thách sóng gió, giúp con người tôi luyện ý chí để bình tĩnh hơn khi xử lý mọi chuyện, đối mặt với gian nan vẫn bình thản ung dung, bị chê hay được khen cũng không tự ti, không kiêu ngạo.

Khi bị ức hiếp, phản ứng đầu tiên của chúng ta luôn là trả đòn, người ta đánh bạn một cái, tốt nhất phải trả lại người ta hai cái. Cho nên, chúng ta thường nhìn thấy có người chỉ vì một chút chuyện nhỏ mà tức đến nỗi đỏ mặt tía tai, đánh đến mức sứt đầu mẻ trán. Thật ra, có rất nhiều người từng trải qua những chuyện giống như bạn, thậm chí có thể nói, tất cả mọi người đều từng bị như vậy. Nhưng tại sao chỉ có bạn cho rằng mình bị bắt nạt? Đó là vì bạn không thể “nhẫn”. Một số chuyện nhẫn nhịn thì sẽ qua.

Nhẫn nhịn không phải nhu nhược, dễ bị ức hiếp, hoàn toàn trái ngược, đó là phản ứng tự nhiên của những người có tinh thần mạnh mẽ. Người biết nhẫn nhịn luôn có chỗ đứng bất bại trong cuộc cạnh tranh xã hội. Một người thiếu đi sự nhẫn nhịn rất dễ bị đè nén, còn người có sức chịu đựng lớn thì dù trong giông bão cũng không sợ hãi, trở thành người thắng cuộc cuối cùng.

– Đời người luôn vì không thể nhẫn nhịn nên dù một câu nói, một chuyện nhỏ cũng có thể dẫn đến tranh chấp, làm cho mọi người đều không vui vẻ.

Có một thanh niên tính tình nóng nảy, thường hay đánh nhau với người khác, mọi người đều không thích anh ta. Một ngày nọ, người thanh niên này vô tình dạo chơi đến chùa Đại Đức, tình cờ nghe được một thiền sư đang giảng pháp. Nghe xong, anh ta thề rằng sẽ thay đổi, anh ta nói với thiền sư: “Sau này con sẽ không đánh nhau với người ta nữa, tránh để mọi người đều không muốn nhìn thấy con. Cho dù người khác có nhổ nước miếng vào mặt con, con cũng chỉ nhẫn nhịn lau đi, bình tâm chấp nhận!”

Thiền sư nghe người thanh niên nói vậy, chỉ cười nói:

“Hà tất phải làm vậy? Cứ để nước miếng tự khô, sao phải lau đi?”

Người thanh niên nghe xong, rất đỗi ngạc nhiên, hỏi lại thiền sư:

“Sao mà như vậy được? Tại sao phải chịu đụng như vậy?”

Xem Thêm:   Tha lực, tự lực là gì? Khái niệm tự lực và tha lực trong Phật giáo

Thiền sư nói:

“Điều này thì có gì mà không chịu đựng được, cậu cứ coi như nó là con muỗi đậu trên mặt thôi, không đáng để đánh nhau vì nó.”

Thanh niên lại hỏi:

“Nếu như đối phương không nhổ nước miếng, mà đưa ra một nắm đấm, thì con phải thế nào?”

Thiền sư trả lời:

”Thì cũng vậy thôi. Cậu đừng quá để tâm. Chỉ là một đấm thôi mà”

Người thanh niên nghe xong, bỗng giơ nắm đấm ra, đánh vào đầu của thiền sư, và hỏi: ”Hòa thượng, bay giờ ông thấy sao?”

Thiền sư rất ân cần nói:

“Đầu tôi cứng như đá, không cảm thấy gì hết, nhưng tay cậu chắc đau lắm phải không?” Thanh niên đứng ngay ở đó, không biết nói gì hơn. Thế mới nói, nhẫn nhịn là một loại tu hành thâm sâu, cần chút công sức mới được.

Đại sư Hoàng Nhất từng nói: “Ở nơi phồn hoa, gặp người ngu đần, gặp lúc bế tắc, gặp chuyện phức tạp, đây là những tình huống con người ta dễ tức giận. Nóng nảy hấp tấp không những không có lợi, mà còn dễ khiến người khác oán trách, bản thân thì hỏng việc, đó là việc ngu ngốc. Nhẫn nhịn cho qua là chuyện có lợi vô cùng.”

” Nhịn một lúc sóng yên gió lặng, lùi một bước biển rộng trời cao”

“Có những thứ khiến ta chọn lựa sự im lặng như mặc định để kết thúc mọi vấn đề.”

Hạnh nhẫn nhịn: Loại nội lực thâm sâu từ sự tu hành

2. Nhẫn nhịn một chút mọi điều thuận hòa

Sống ở đời nhất định bạn phải nhớ, nhẫn nhịn một chút mọi chuyện sẽ lành. Tính khí nóng nảy không giúp ích cho cuộc sống của bạn mà nó là nguyên nhân dẫn đến mọi sự đổ vỡ. Trong gia đình có thể bạn được nuông chiều, bước vào xã hội phải dẹp ngay suy nghĩ ấy sang một bên. Hãy nhớ không ai sinh ra để phục tùng bạn.

Nhẫn nhịn là gì mà sao nhiều người vẫn chưa làm được? Nhẫn nhịn là đức tính tốt đẹp trong tâm tính con người, nhẫn nhịn để không làm mất hòa khí hay tổn thương đến ai. Sự nhẫn nhịn qua nhiều góc độ có thể được cho là “một bước lùi để biển rộng trời cao”. Thực ra mỗi cá nhân liên kết với nhau tạo thành vòng tròn của các câu chuyện, chuyện có thể từ bé mà xé ra to nếu chúng ta không biết nhẫn nhịn. Không có hỉ, nộ, ái, ố thì cuộc sống quả vô vị. Tuy nhiên hỉ, nộ, ái, ố phải được thể hiện có mức độ, đừng để chúng làm thương tổn đến người khác. Là người với nhau, chỉ vì một câu nói cũng có thể gây hiềm khích lẫn nhau.

Mọi chuyện xuất phát từ khẩu thì ắt phải dùng khẩu để trị, trị ở đây không phải là trị bằng thuốc mà là bằng chính sự sám hối của bản thân. Vốn dĩ, miệng nói lời ác nhưng một lát sau lại không nhớ được mình đã nói những gì, chỉ biết nói cho thỏa cái miệng. Nhẫn nhịn là tính tốt cần phát huy, nhờ sự nhẫn nhịn mà chúng ta thêm bạn bớt thù. Lời nói khi nóng giận chứa đựng nhiều nghiệp tích tụ. Khi giận dữ thường không kiểm soát được lời nói, hành vi dẫn đến nhẫn nhịn không được rồi làm càn.

Đã là con người, không ai có quyền được làm tổn thương ai, hãy nhớ biết nhẫn nhịn khi gặp chuyện không đáng nói, càng nói càng châm thêm dầu vào lửa. Một chút nhẫn nhịn đem lại nhiều điều lành. Chẳng hạn sống cùng một tập thể, có một cá nhân trái tính, trái nết không hòa hợp khiến cả tập thể đều ghét. Cá nhân đó phải biết tự thay đổi để thích nghi với tập thể, sống cùng tập thể phải nhẫn nhịn nhau để cuộc sống hòa thuận, không khí vui vẻ.

Xem Thêm:   Nghiệp lực là gì? Làm gì khi nghiệp lực chi phối?

Bài học quý cho những ai biết nhẫn nhịn: “Trong nghệ thuật giao tiếp, nhẫn nhịn là điều bạn cần phải có khi rơi vào một tình huống giao tiếp không hay, sắp có sự tranh cãi. Hãy nhẹ nhàng thể hiện quan điểm của mình, góp ý với những điều chưa được từ người khác, lắng nghe người khác góp ý để rút kinh nghiệm. Biết kiểm soát bản thân, nói lời tốt lành. Người biết nhẫn nhịn là người có nhiều mối quan hệ tốt, nhờ đó mà mọi việc suôn sẻ, thuận buồm xuôi gió, được nhiều người yêu mến, nể trọng”.

3. Lời Phật dạy sâu sắc về việc nhẫn nhịn trong cuộc sống

Đức Phật dạy rằng: “Nhứt thiết hữu vi pháp, như mộng huyễn bào ảnh, như lộ diệc như điển, ưng tác như thị quán”. Có nghĩa rằng trong đời sống, chúng ta phải học chữ nhẫn, ấy là một phương pháp tu tập để tạo nên nghiệp lành, vãn sanh cực lạc và không oán trách trời cao.

Theo cách nghĩ của thế gian, nhẫn nhịn, hay nhẫn nhục, có nghĩa là nhẫn nại, chịu đựng, nhịn nhục, cam chịu… đối với những nghịch cảnh hay những điều bất như ý, nhằm khiến bản thân được yên ổn. Hoặc nhẫn nhịn còn có ý nghĩa là nhẫn nhịn chịu đựng luồn cúi, chấp nhận thấp hèn hơn để có thể danh vọng địa vị, hoặc trong cuộc sống bị chèn ép quá nên phải nhẫn nhịn mà sống, nếu không sẽ bị dồn đến bước đường cùng.

Thế nhưng, nhẫn nhịn như vậy chỉ khiến bản thân được yên ổn nhưng trong lòng luôn phiền não, tâm ấp ủ oán hận.

Lời Phật dạy nhẫn nhịn nằm ở một khía cạnh khác hẳn. Nhẫn theo quan niệm của đạo Phật chính là nhận lãnh sự khinh khi, nhục mạ, não hại với một tâm thế bình thản, không giận tức. Nhẫn nhịn là dứt sự tranh cãi vô lý, là dùng chánh niệm để thắng tà niệm, là dùng tình thương để cảm hóa sự sân hận, là dùng trí huệ để mọi việc ôn hòa.

Trong kinh thư Phật giáo ghi lại câu nói của Phật Thích Ca Mâu Ni: “Ta hiểu rõ cái tinh túy của ‘không tranh giành’, có thể nói là thiên hạ đệ nhất.”

“Trong sáu phép độ và hàng vạn phương pháp tu hành, ‘Nhẫn’ là đệ nhất”.

Trong kinh Phật viết: “Thái độ đối nhân xử thế đoan chính, nét mặt kiền tịnh tinh khiết, phong thái dung mạo tốt đẹp, đây đều là từ trong ‘Nhẫn’ mà đạt được.” Trong kinh thư cũng ghi lại: “Trong quá khứ có người ca ngợi Phật là người có đại phúc đại đức. Một người nghe được rất tức giận, nói: ‘Sinh ra bảy ngày đã mất mẹ, làm sao có thể nói là đại phúc đại đức chứ?’ Người ca ngợi Phật nói: ‘Cả tuổi tác và tư tưởng đều đến thời kỳ cực đỉnh mà vẫn không chết. Ai đánh cũng không tức giận, ai mắng cũng không mắng lại. Như vậy chẳng phải là đại phúc đại đức sao?’ Người tức giận sau đó tâm phục.”

Lời Phật dạy về nhẫn nhịn có thể được đúc kết như sau:

Nhịn được cái tức một lúc
Tránh được mối lo trăm ngày
Muốn hòa thuận trên dưới
Nhẫn nhịn đứng hàng đầu
Cái gốc trăm nết
Nết nhẫn nhịn là cao
Cha con nhẫn nhịn nhau
Vẹn toàn đạo lý
Vợ chồng nhẫn nhịn nhau
Con cái khỏi bơ vơ
Anh em nhẫn nhịn nhau
Trong nhà thường yên ấm
Bạn bè nhẫn nhịn nhau
Tình nghĩa chẳng phai mờ
Tự mình nhẫn nhịn được
Ai ai cũng mến yêu
Người mà chưa biết nhẫn
Chưa phải là người hay

Xem Thêm:   Ngũ nhãn là gì? Đại lược về Ngũ nhãn

Làm người ở đời, được mất hơn thua là điều khó tránh khỏi. Cuộc sống của mỗi người là muôn màu muôn vị, mọi cung bậc đắng cay hay ngọt ngào đều đáng quý như nhau. Trải qua hết những hỉ nộ ái ố của đời, ấy mới là sống có ý nghĩa. Phàm mà cuộc sống bình lặng quá, thì tự khắc sẽ sinh phiền muộn. Nhưng đứng trước những bi ai, nếu không biết nhẫn, thì tâm thế chỉ như một ngọn lửa chực chờ mà bùng phát, sẽ gây họa khôn lường.

Rất nhiều đôi vợ chồng cãi nhau, vì không kiềm chế được sự nóng nhận đã dẫn đến những sự sát thương, hoặc những lời nói làm tổn thương nhau, rồi dần dần cũng chính bởi những lời nói ấy làm tình cảm vợ chồng sứt mẻ, dẫn đến chia lìa, con cái chính là người chịu thiệt thòi nhất.

Bạn bè của nhau, không kiềm chế được sự giận giữ đã đả thương người, rồi khi lâm cảnh tù tội mới hối tiếc phút giây đã không giữ được sự bình tĩnh đáng có, nhẹ hơn thì dẫn đến bất hòa, mối tương tri lâu nay đổ vỡ, khi tỉnh thức rồi mới thấy mất đi tri kỉ bao năm. Sân hận tất yếu sẽ dẫn đến mất lý trí, thiệt hại đến bản thân, đến người khác, oán kết chất chồng, oan trái nhiều đời sau không giải được, nghiệp báo luân hồi mãi đến kiếp sau.

Nhẫn nhịn được rồi, trong nghịch cảnh cũng sẽ thấy không bi lụy, không oán mình trách người, trí huệ sáng suốt để có thể tìm được cứu cánh cho cuộc đời mình. Không nhẫn nhịn, đa phần chỉ rước họa vào thân. Cảm thông, bao dung và tha thứ lỗi lầm của người khác, ấy là đã đạt được cảnh giới đắc đạo thành tiên.

Theo lời Phật dạy nhẫn nhịn, học cách nhẫn không phải là hạ thấp mình, mà chính là nâng mình lên, dùng sự tỉnh thức của bản thân để thức tỉnh người khác. Sở dĩ chúng ta tồn tại ở đời là do thiện duyên hoặc ác duyên đã tạo nên từ kiếp trước. Kiếp này dùng thân tâm mà tu tập, tạo duyên lành cho mai sau, vừa trả nghiệp vừa làm sạch nghiệp, ấy mới chính là một đời an vui an lạc.

Là một Phật tử khi đã nhận thức được điều này rồi, vậy chúng ta hãy phát khởi tín tâm nghe theo lời Phật dạy quán sát thế giới, tu tập thân tâm, có như vậy đời sống hiện tại mới an lạc tự tại, tương lai hy vọng sẽ sanh về cảnh giới tốt đẹp hơn, hoặc cuộc sống sẽ có những điều kiện nhơn duyên thù thắng hơn.

Một khi đã nhận thức được thế giới rồi chúng ta sẽ không than oán trời đất, khi đã nhận diện được thân tâm chúng ta không tạo tác ác nghiệp nữa, lúc ấy chúng ta cũng như tất cả chúng sanh sẽ sống trong cảnh thanh bình, kiến lập cõi Tịnh Độ ngay tại nhân gian. Vậy ngay từ bây giờ trong cuộc sống hiện tại chúng ta hãy phát tâm tu tập một trong những phương pháp thù thắng mà Đức Phật đã dạy đó là hạnh Nhẫn Nhục.

Tâm Hướng Phật/TH!

Nguồn: Tâm Hướng Phật ( https://tamhuongphat.com/ )

2 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog