Trên Sắc giới là Vô sắc giới, cõi cao nhất trong Tam giới. Được mệnh danh là Vô sắc, vì nơi đây không có sắc uẩn chỉ có thọ, tưởng, hành, thức bốn ấm mà thôi.
Con người được coi như một tiểu thiên địa, một vũ trụ thu nhỏ. Vũ trụ bao la có vô số hệ mặt trời có sự sống giống như trái đất. Một hệ mặt trời mà có 1 hành tinh có sự sống có thể tạm gọi là Tam Giới.
Tam giới là toàn bộ thế giới quan, chủng loài, hình thành nên cõi Ta Bà, bao gồm: Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới, không phải là Thiên, Nhân, Địa, như nhiều người lầm tưởng.
Trên Sắc giới là Vô sắc giới, cõi cao nhất trong Tam giới. Được mệnh danh là Vô sắc, vì nơi đây không có sắc uẩn chỉ có thọ, tưởng, hành, thức bốn ấm mà thôi. Cõi nầy do không có sắc pháp biểu hiện. Không có phương sở đời quá khứ vị lai đều như thế, lý đã quyết định. Vô Sắc Giới gồm 4 cõi:
1. Không Vô Biên Xứ Thiên: Tuổi thọ 20.000 đại kiếp
Không Vô Biên Xứ Thiên cũng gọi: A kiệt thiền thiên, Hư không tri thiên, Không tri thiên, Không vô biên xứ địa, Không vô biên xứ thiên, Không xứ. Tầng trời thứ nhất trong 4 tầng trời của cõi Vô sắc giới, 1 trong 9 địa thuộc 3 cõi.
Chúng sinh ở cõi trời này vì nhàm chán hình sắc nên không có sắc uẩn, chỉ có 4 uẩn thụ, tưởng, hành, thức mà hợp thành dị thục sinh. Cõi Vô sắc tuy không có xứ sở, nhưng có quả báo sai khác, cho nên tạm gọi là Xứ.
Câu xá luận tụng sớ luận bản quyển 8 (Đại 41, 864 thượng), nói: Trước khi tu định này, ở giai vị gia hạnh, nhàm chán thân có sắc, suy nghĩ về chỗ không vô biên, có sự hiểu biết về không vô biên, gọi là Không vô biên xứ.
Cứ theo luận Đại tì bà sa quyển 84, thì người mới bắt đầu tu định Không vô biên xứ, trước hết, phải suy nghĩ về các tướng hư không trên tường, trên cây, trên vách núi, trên nhà, v.v…, sau khi được các tướng không ấy rồi, tạm thời giả tưởng thành thắng giải, quán xét rõ ràng tướng không vô biên. Vì trước hết suy nghĩ về tướng không vô biên rồi mới tu gia hạnh, dần dà đưa đến định Vô sắc đầu tiên nên gọi là Không vô biên xứ.
[X. phẩm Vô sắc trong luận Pháp uẩn túc Q.8; luận Lập thế a tì đàm Q.7].
2. Thức Vô Biên Xứ Thiên: Tuổi thọ 40.000 đại kiếp
Thức Vô Biên Xứ Thiên cũng gọi Thức vô biên xứ, Vô biên thức xứ, Thức vô biên xứ địa, Vô lượng thức xứ thiên, Thức nhập xứ. Gọi tắt: Thức xứ. Chỉ cho tầng trời thứ 2 trong 4 tầng trời cõi Vô sắc giới. Tức quả báo do xa lìa tầng trời Không vô biên xứ mà tu định Thức vô biên chiêu cảm.
Nghĩa là tư duy về tướng của 6 thứ thức như Thanh tịnh nhãn… quán sát rõ ràng thức tướng vô biên, do trước tư duy về thức tướng vô biên mà tu gia hạnh, dần dần dẫn khởi định Vô sắc thứ 2, gọi là Thức vô biên xứ.
[X. kinh Tạp a hàm Q.7; kinh Đại nhân trong Trung a hàm Q.24; kinh Khởi thế Q.7; Pháp uẩn túc luận Q.8; luận Thành thực Q.13; luận Đại tì bà sa Q.84; luận Câu xá Q.8]. (xt. Không Vô Biên Xứ, Vô Sắc Giới).
3. Vô Hữu Xứ Thiên: Tuổi thọ 60.000 đại kiếp
Vô Hữu Xứ Thiên hay Vô Sở Hữu Xứ Thiên là cõi Trời thứ ba của Vô sắc giới, ứng với cấp thiền định gọi là Vô sở hữu xứ định, ở cấp này, thiền giả thành tựu được tâm hoàn toàn thanh tịnh, quân bình. Bản Hán của kinh Đại duyên phương tiện viết là “bất dụng xứ định” lý do không rõ.
Thành tựu được phép định này hành giả trực nhận không có vật gì, hiện tượng gì tồn tại, nhờ đó, bản thân mình không bị hạn chế, bị vướng mắc bởi bất cứ vật gì, hiện tượng gì.
4. Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ Thiên: Tuổi thọ 84.000 đại kiếp
Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ Thiên cũng gọi Phi phi tưởng thiên, Vô tư tưởng diệc vô vô tưởng thiên, Hữu tưởng vô tưởng trí thiên, Phi tưởng phi phi tưởng thiên, Phi hữu tưởng phi vô tưởng xứ thiên.
Tầng trời thứ 4 trong cõi Vô sắc giới, là tầng trời tột đỉnh trong 3 cõi nên cũng gọi là Hữu đính thiên.
Phi tưởng phi phi tưởng xứ là căn cứ vào Thiền định của cõi trời này mà gọi. Tâm định ở cõi trời này cực kì tĩnh lặng, không còn thô tưởng, cho nên gọi là Phi tưởng (không phải tưởng), nhưng vẫn còn tưởng vi tế, cho nên gọi là Phi phi tưởng (chẳng phải không có tưởng).
Tên gọi của trời này có 3 cách giải thích như sau:
1. Tướng suy tưởng ở cõi trời này không rõ ràng như tướng suy tưởng ở 4 thiền định thuộc cõi Sắc và 3 cõi trước thuộc cõi Vô sắc, cho nên gọi là Phi tưởng; không giống như Vô tưởng và Diệt định nên gọi là Phi phi tưởng. Vì tướng suy tưởng ở cõi này mờ tối, không rõ ràng, không quyết định, cho nên gọi là Phi tưởng phi phi tưởng.
2. Giống như tầng trời thứ 2 của cõi Vô sắc, không duyên theo Thức xứ nên gọi là Phi tưởng, giống như tầng trời thứ 3 của cõi Vô sắc, không duyên theo Vô sở hữu, nên gọi là Phi phi tưởng.
3. Trong Vô sở hữu xứ của cõi Vô sắc, đã trừ được tưởng của Thức xứ, nay lại trừ được Vô tưởng; vì xả bỏ được cả tưởng và vô tưởng, nên gọi là Phi tưởng phi phi tưởng.
Căn cứ vào 3 cách giải thuyết trên đây, ta có thể thấy qua được tướng trạng của cõi trời Phi tưởng phi phi tưởng như thế nào.
Kinh Lăng nghiêm quyển 9 (Đại 19, 146 hạ) nói: Tính thức chẳng động, vì diệt cùng suốt, ở nơi vô tận, tuyên bày hết tính, như có như không, như hết chẳng hết, bởi vậy cõi trời này được gọi là Phi tưởng phi phi tưởng xứ.
Còn về thọ lượng của cõi trời này thì kinh Trường a hàm quyển 20 cho rằng sống lâu 8 vạn 4 nghìn kiếp, luận Lập thế a tì đàm quyển 7 thì chia ra 3 phẩm: Hạ phẩm thọ 7 vạn đại kiếp; Trung phẩm thọ 7 vạn 5 nghìn đại kiếp; Thượng phẩm thọ 8 vạn đại kiếp, còn luận Đại tì bà sa quyển 84 thì bảo thọ 8 vạn kiếp.
[X. kinh Đại nhân trong Trung a hàm Q.24; luận Lập thế a tì đàm Q.6; luận Câu xá Q.28; luận Đại tì bà sa Q.185]. (xt. Vô Sắc Giới).
Tâm Hướng Phật/Th!