Tu tịnh khẩu là tu như thế nào? Tu sao để không mắc khẩu nghiệp?
Pháp Giới 9 tháng trước

Tu tịnh khẩu là tu như thế nào? Tu sao để không mắc khẩu nghiệp?

Tịnh khẩu ở đây có nghĩa là quý vị nói đúng cũng được gọi là tịnh khẩu, nói đúng chánh pháp, nói đúng chân lý thì vẫn được gọi là tịnh khẩu.

1. Tu tịnh khẩu là tu như thế nào?

Hỏi: Con thưa Thầy, con nghe nói là có pháp tu tịnh khẩu, vậy tu tịnh khẩu là tu như thế nào thưa Thầy?

Đáp: Khẩu là cái miệng của mình (Khẩu ở đây tức là lời nói), còn tịnh là gì? Tịnh là thanh tịnh, là trong sạch. Vậy tịnh khẩu là lời nói trong sạch.

Lâu nay, mình hay quan niệm tịnh khẩu là gì? Tịnh khẩu là không có nói. Ví dụ như hôm nay con phát nguyện tu tịnh khẩu (lâu nay con bà tám nhiều quá) nhiều khi cái lời nói của con như lời ông bà ta nói “Rượu nhạt uống lắm cũng say, người khôn nói lắm cũng nhàm”. Cho nên mình phải biết nói đúng lúc, đúng chỗ. Và ông bà ta còn nói thêm đó là “Đa ngôn, đa quá!” (Đa ngôn tức là nói nhiều, đa quá tức là lỗi lầm), có nghĩa là nói nhiều thì dễ lỗi lầm. Vì vậy, ít nói thì ít lỗi. Nhưng mà quý Phật tử thấy đó, trong chúng ta thường ít có ai chịu ít nói lắm. Mà cái việc mình nói nhiều cũng được nhưng với điều kiện mình nói đúng. Nói càng nhiều mà nói càng đúng thì càng lợi ích. Khổ nỗi chúng ta hay nói nhiều, nhưng mà cái nói nhiều của mình nó sai… Mà nói sai đâu phải là xong đâu quý Phật tử, phía sau lời nói của mình nó còn cái tội với cái phước.

Nếu phía sau lời nói của quý vị, ảnh hưởng đến người khác mà giúp họ tốt lên thì lời nói của quý vị có cái phước ở cái khẩu. Nếu phía sau lời nói của quý vị lại đem đến cho người khác cái khổ đau, đổ vỡ, buồn bã, xin thưa lời nói đó còn có cái tội… gọi là ác nghiệp. Nên có nhiều người phạm ở cái khẩu nhiều quá.

Khi nghe nói có pháp tu tịnh khẩu thì đa phần chúng ta sẽ hiểu có 2 tầng nghĩa như thế này:

– Tịnh khẩu là im lặng, không nói. Có những khóa tu, quý Thầy tổ chức tu 3 ngày hoặc tu 1 tuần, không nói là không có nói chuyện luôn, như vậy cũng là tu tịnh khẩu.

– Nhưng quý vị cũng phải hiểu thêm một cái nghĩa sâu hơn của tịnh khẩu nữa. Như định nghĩa: Khẩu là lời nói, tịnh là trong sạch, lời nói trong sạch, lời nói đúng chánh pháp cũng gọi là tịnh khẩu. Ví dụ hôm nay quý Phật tử đi vào chùa nghe thầy giảng bài pháp, những câu vấn đáp, lát nữa quý Phật tử đi về nhà thì có người hỏi là “Chị ơi, hôm nay chị vô chùa nghe thầy giảng cái gì vậy?”. Mình im luôn, mình không thèm trả lời, bởi vì “Tui đang tu tịnh khẩu mà!”.

Cũng đúng cái nghĩa đen của tu tịnh khẩu đó nhưng mà quý vị hiểu 2 nghĩa dùm thầy:

Tịnh khẩu ở đây có nghĩa là quý vị nói đúng cũng được gọi là tịnh khẩu, nói đúng chánh pháp, nói đúng chân lý thì vẫn được gọi là tịnh khẩu. Dĩ nhiên, nếu như chúng ta có tham dự những khóa tu mà khóa tu đó là yêu cầu, nội quy của khóa tu là không được nói luôn thì quý vị cũng tuân thủ nguyên tắc đó (là không được nói chuyện). Nhưng chúng ta hiểu trong đời thường của mình. Quý vị mà nói đúng chân lý thì điều đó được gọi là tịnh khẩu, quý vị nhớ ý này dùm thầy.

Thầy kể quý vị nghe một câu chuyện vui:

Có bốn thiền sinh đi tới tham dự một khóa tu, họ tự đưa ra một nguyên tắc cho nhau (vì thời gian tham dự trong khóa tu không có nhiều, mà ở ngoài đời chúng ta lại tốn quá nhiều thời gian vào cái việc nói năng rồi) cho nên bây giờ hứa với nhau là trong bốn người sẽ im lặng và không ai nói cái gì hết. Im lặng để lo học Pháp, im lặng để lo tu tập, thì trải qua 3 ngày không ai nói với nhau lời nào, đến giờ công phu, đến giờ tụng kinh, đến giờ ngồi thiền, đến giờ niệm Phật thì cũng đúng thời khóa mà mạnh ai người đó làm thôi. Đến đêm của ngày thứ 3 thì bốn vị thiền sinh ngủ chung một phòng, có một thiền sinh thấy cái đèn lúc đó còn sáng, thì đưa tay tắt đèn, vị thiền sinh khác bèn nói “Anh ơi, đừng có tắt cái đèn đó”. Vị thiền sinh thứ hai liền lên tiếng “Ủa, sao anh lại nói chuyện”… (thế là có hai người nói chuyện rồi)… Người thứ ba lên tiếng “Chết rồi, hai anh nói chuyện rồi kìa” (ba người nói chuyện, chỉ có người thứ 4 không có nói). Lúc này người thứ 4 mới cười và nói “Ba anh nói chuyện… chỉ có một mình tui… không có nói.

Xem Thêm:   Phật duyên là gì? Tại sao nói Phật độ người hữu duyên?

Cuối cùng, quý vị thấy không? Trong bốn người, người nào cũng nói hết. Thật ra, đây là một câu chuyện vui muốn nói với mình rằng, nhiều lúc mình chỉ nhìn cái lỗi của người khác rồi cuối cùng mình phạm cái lỗi đó lúc nào không hay luôn. Nếu như mình tham dự một khóa tu mà có nguyên tắc là không nói chuyện, thì nghĩa đen là mình im luôn không có nói ra lời, còn một cái nghĩa của tịnh khẩu nữa đó là lời nói mình đúng chân lý, lời nói mình đúng chánh pháp, lời nói mình trong sạch, tức là lời nói thiện thì cũng được gọi là tịnh khẩu.

Thầy cũng khuyến khích lâu lâu quý vị cũng nên phát tâm tu tịnh khẩu. Tu tịnh khẩu được nhiều lợi ích lắm, vì thật ra nói nhiều mệt lắm quý Phật tử. Người ta nói là “Khẩu khai, khí tán” tức là nói nhiều cũng tổn khí, rồi tổn thần nữa, nói nhiều cũng dễ sai nữa (cho nên Thầy xin phép quý phật tử cho thầy nói 70 phút thôi, nói nhiều quá Thầy cũng mệt nữa….).

Nên thầy khuyến khích quý vị Phật tử, đời thường mình ngoài những việc cần nói ra thì quý Phật tử nên im lặng, để giữ cái khí lực trong cơ thể của mình. Và quý vị cũng để ý, khi mình im lặng, mình dễ quán sát cái tâm mình hơn.

Hơn nữa, lúc nào mình cũng nói mà không có khoảng thời gian im lặng, thì lời nói của mình không có giá trị nữa. Cho nên muốn lời nói của mình có giá trị sâu sắc và có ý nghĩa thì phải cần có những lúc chúng ta nên im lặng.

Thầy Thích Thiện Tuệ!

Tu tịnh khẩu là tu như thế nào? Tu sao để không mắc khẩu nghiệp?

2. Tu như thế nào để không mắc khẩu nghiệp?

Khẩu nghiệp là gì?

Trong Phật giáo, khẩu nghiệp là một trong những nghiệp rất nặng. Bởi một lời khi nói ra có thể khiến đối phương tổn thương sâu sắc, để lại nhiều hậu quả trong các mối quan hệ như tình yêu, công việc, gia đình, bạn bè,… Trước vấn đề này, Đại đức Thích Trúc Thái Minh chia sẻ: “Khẩu nghiệp là nghiệp do miệng của mình sinh ra. Do lời nói của mình sinh ra mà tạo thành nghiệp. Khẩu nghiệp cũng rất nặng. Có khi một lời nói, người ta gọi là “lời nói là đọi máu”, có thể làm mất hết tất cả sự nghiệp của một người, có khi hủy hoại cuộc đời của người luôn. Và cũng có lời nói thì làm cho người ta nở mày nở mặt, người ta được thành tựu, công thành danh toại. Nên chúng ta thấy, lời nói quan trọng lắm! Đức Phật cũng từ lời nói, mà làm Phật Pháp được lan tỏa; còn chúng ta thì dùng cái miệng này để tạo ác nghiệp”.

Bốn thứ khẩu nghiệp cần tránh nếu không muốn làm khổ chính mình

Đại đức Thích Trúc Thái Minh chia sẻ: “Trong kinh Thập Thiện, Đức Phật nói nơi thân thể chúng ta có ba chỗ phát sinh ra nghiệp: Thứ nhất là thân, thứ hai là khẩu và thứ ba là ý nghĩ; gọi là thân, khẩu, ý”. Trong đó, thân có ba nghiệp ác là sát sinh, trộm cắp, tà dâm. Ý có ba nghiệp là tham lam, ích kỷ, sân hận, si mê, tà kiến. Còn nghiệp ở khẩu: “Khẩu có 4 nghiệp: Một là nói dối. Hai là nói hai lưỡi, hai lưỡi là nói đâm thọc, kích bác người này, kích bác người kia để cho họ mâu thuẫn nhau. Thứ ba là nói lời thêu dệt, có ít mình xuýt ra nhiều, dệt gấm thêu hoa, tô đắp sự việc lên, nó không đúng sự thật. Và thứ tư là nói lời ác khẩu, gọi là nói lời ác độc, nguyền rủa, nói những lời cay nghiệt. Đấy là nghiệp của miệng”.

Xem Thêm:   Chư Thiên Thần là ai? Sắc thân và tuổi thọ của chư Thiên ra sao?

Bốn nghiệp này do miệng xuất phát ra. Nếu chúng ta biết gìn giữ, tu tập theo lời Đức Phật dạy thì sẽ gieo được nhân tốt, hưởng quả tốt hiện tại và sau này. Còn khi ta dùng miệng tạo nhân xấu thì sẽ gặp phải quả báo ác từ việc mà chúng ta đã làm ra.

Quả báo nặng nề do khẩu nghiệp gây ra

Câu chuyện chú Sa-di chê vị Tỳ-kheo tụng kinh giọng như chó sủa. Vị Tỳ-kheo này đã chứng Thánh quả nên đã khuyên bảo chú Sa-di sám hối nếu không muốn bị đọa địa ngục. Tuy đã sám hối và thoát tội địa ngục nhưng chú Sa-di này vẫn phải chịu quả báo 500 kiếp làm chó. Từ câu chuyện chúng ta thấy rằng một lời nói dường như vô tình, vô ý, không ác hại ai mà phải chịu nghiệp báo rất nặng nề.

Có khi một lời nói của mình được phúc báu, một lời nói của mình có khi tổn hao phúc báu. Các Phật tử kiểm nghiệm ngay trên thân tâm mình. Khi mình phát ngôn về ai, về một Sư Thầy nào đó; mình nói một câu mà tự nhiên thấy người mệt, thấy người u ám là biết mình đã nói lời ác, tổn phước báu. Mới phát ngôn câu ấy xong, thấy người mệt; xong thấy đầu mình u ám, phước suy giảm rồi đấy. Đấy là biểu hiện của ác nghiệp, của mất phước báu. Cũng có khi chúng ta nói một lời xong thì ta thấy hạnh phúc, hoan hỷ, an vui, phấn chấn; lời ấy đã làm thêm phước báu cho mình.

Dù ở xã hội nào cũng tồn tại những người bất thiện, có tâm ganh ghét, đố kỵ. Họ có thể tạo nhiều tội ác từ miệng của mình. Họ cũng có thể tung tin, bịa đặt, nói xấu người khác, hoặc các bậc Thánh nhân, các vị tu hành. Trước một thông tin nào đó, phải xem xét thật kỹ khi tiếp nhận. Nếu ta tin hoặc tùy hỷ theo những điều bất thiện cũng sẽ phải nhận lại những quả báo xấu.

Cách tu khẩu nghiệp để tránh quả báo khổ đau

Để tránh được quả báu xấu ác từ khẩu nghiệp chúng ta phải chọn thiện nghiệp để làm, thực hiện. Phật dạy, nói lời chân thật, không nói lời dối trá. Nói lời hòa hợp, không nói lời chia rẽ, mất đoàn kết. Nói lời đẹp đẽ, thanh lịch, không nói lời ỷ ngữ, thêu dệt. Nói lời hiền hòa, từ bi, không nói lời ác độc, cay nghiệt. Chúng ta tu khẩu nghiệp là tu như vậy. Chúng ta phải làm sao ái ngữ, nói lời tốt đẹp, lợi ích cho mọi người thì đấy gọi là tu khẩu nghiệp. Tu như vậy là đúng như lời Phật dạy và tu như vậy thì chắc chắn chúng ta sẽ có một khẩu nghiệp thiện lành, sẽ dẫn đến những kết quả tốt đẹp!

Đối với những phát ngôn về các bậc tu hành phạm hạnh, trong xã hội của chúng ta có rất nhiều tâm bất thiện, tâm ganh ghét, tâm đố kỵ rất nhiều. Họ có thể tung tin, họ bịa đặt nói xấu các vị tu hành, có khi là tu hành nghiêm túc họ vẫn bôi nhọ, nói xấu. Chúng ta phải xem xét thật kỹ khi chúng ta nhận các thông tin như vậy. Nếu chúng ta a dua theo, tùy hỷ theo, thì mình cũng mắc quả báo.

Xem Thêm:   Có nên tụng Kinh ở nhà? Tại sao tụng kinh ở nhà lại kéo vong về?

Qua đó mỗi chúng ta cần cẩn thận trong từng lời nói của mình. Một lời nói dù thiện hay ác tác động đến người khác cũng sẽ mang lại quả báo tương ứng cho chúng ta. Là người đệ tử Phật, chúng ta nên thực hành theo lời Phật dạy, giữ gìn khẩu nghiệp cho đúng lời Đức Phật dạy, việc đó sẽ đem lại điều tốt đẹp, an vui cho chính chúng ta và những người xung quanh. Kính chúc quý Phật tử, quý bạn đọc được kết duyên với Tam Bảo, luôn tinh tấn, tu tập, thực hành lời Phật dạy trên con đường tu học Phật Pháp để hướng tới gốc Vô thượng Bồ Đề.

3. Quả báo khẩu nghiệp

“Kinh Hộ Khẩu” ghi: “Có một ngạ quỷ thân hình xấu ác, nhìn là nổi ốc, ai cũng kinh sợ. Thân phát lửa dữ. Miệng đầy sâu dòi lúc nhúc, cả thân đầy máu mủ tanh hôi, mùi thối bay nồng, không ai dám đến gần. Miệng khạc ra lửa, thân bị lửa đốt, cất tiếng kêu khóc, rảo chạy cùng khắp.

Lúc đó ngài Mãn Túc La hán hỏi Ngạ quỷ:

Xưa kia ngươi tạo tội gì mà nay phải chịu khổ như thế?

Ngạ quỷ đáp:

– Kiếp xưa tôi từng làm sa môn, chẳng giữ oai nghi, nói năng thô ác, sống tham lam, keo xan không biết cho ra.

Hễ thấy người giữ giới tinh tấn thì mắng nhiếc, mạ nhục, ác kiến liếc nguýt, còn ỷ mình giàu mạnh, cho là sống lâu không chết nên tạo ra vô lượng tội ác. Bây giờ nhớ lại, có hối cũng chẳng thể cứu chuộc lỗi lầm xưa. Vì vậy, thà là cam tâm chịu khổ tự cầm dao bén cắt lưỡi mình kiếp này sang kiếp khác, chứ tuyệt đối không nên thốt lời phỉ báng việc lành của người!

Mong ngài trở về cõi Ta bà, kể lại quả báo và tình trạng ghê khiếp của tôi để răn dạy chư tu sĩ và các Phật tử, cảnh báo họ phải cẩn thận giữ khẩu đức, chớ tùy tiện buông lời nói ác. Dù thấy người giữ giới hay không cũng chỉ nên nói đức tốt của người.

Tôi làm quỷ đói đã mấy ngàn kiếp, ngày đêm chịu đủ đau khổ. Thọ hết quả báo này thì phải vào địa ngục.

Ngạ quỷ nói xong thì bật khóc to, ngã nhào xuống đất như Thái Sơn đổ.

Lời bàn:

Ngày nay đại chúng nghe kinh dạy như vậy, rất là đáng sợ.

Chỉ vì lỗi của miệng mà mang tội nhiều kiếp, huống chi là còn bao nhiêu tội ác khác nữa? Xả thân thọ thân không ngừng chịu khổ, đều do nghiệp ác của mình đã tạo. Nếu không gây nhân thì đâu phải chịu quả. Đã gieo nhân quyết định phải gặt quả. Chưa từng thấy ai tu hành buông lung, lười biếng mà được giải thoát. Trái lại, người hay tinh tấn cẩn trọng tu hành, được phước đức vô lượng.

Đại chúng nên biết hổ thẹn, tịnh hóa thân tâm, sám hối lỗi cũ. Tội xưa hết rồi, không gây thêm tội mới nữa thì được chư Phật khen ngợi.

Từ nay trở đi, nếu thấy người làm thiện, chớ bàn tán phê bình thành bại, lâu mau. Dầu họ chỉ làm lành trong một niệm, một giờ, một khắc, một ngày, một tháng, nửa năm hay một năm thì vẫn tốt hơn là không làm.

Vì vậy kinh Pháp Hoa dạy: “Nếu có người tâm tán loạn vào trong tháp miếu, niệm một câu Nam mô Phật, thảy đều thành Phật đạo”. Huống chi là người phát tâm rộng lớn, siêng năng tu phước thiện, mà ta không tùy hỷ, thì rất đáng thương.

Chúng con từ vô thỉ đến nay, ắt đã có vô lượng ác tâm cản trở việc lành tốt đẹp của người. Vì sao mà biết? Bởi nếu không như vậy, thì cớ sao ngày nay bao việc lành của chúng con đa phần đều gặp khó khăn: Tự thân không giỏi tu Thiền định, trí huệ. Hễ vừa lễ bái chút ít đã than khổ, vừa cầm đến kinh, liền sinh nhàm chán. Cả ngày toàn tạo nghiệp ác, khiến không thể giải thoát.

Theo Phatgiao.org.vn!

Nguồn: Tâm Hướng Phật ( https://tamhuongphat.com/ )

60 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog