Cõi Tây phương cực lạc của Đức Phật A Di Đà có thật không?
Pháp Giới 12 tháng trước

Cõi Tây phương cực lạc của Đức Phật A Di Đà có thật không?

Cõi Tây phương cực lạc hay Tịnh Độ là một cõi nước, nhờ nguyện lực và công đức tu tập nhiều đời của Phật A Di Đà mà có ra một thế giới thù thắng vào bậc nhất “mười phương cõi Phật cảnh nào cũng thua” – Sám Di Đà.

1. Cõi Tây Phương cực lạc có thật không?

Tịnh Độ là một cõi nước, nhờ nguyện lực và công đức tu tập nhiều đời của Phật A Di Đà mà có ra một thế giới thù thắng vào bậc nhất “mười phương cõi Phật cảnh nào cũng thua” – Sám Di Đà.

Nhưng nhiều người cho rằng Tịnh Độ không có thật, nó chỉ là viễn tưởng hay một sự khéo léo của người truyền giáo, muốn mê hoặc quần chúng yếu vía, không có tinh thần tự lực. Có những người lý luận rằng: khoa học đã tiến bộ, người ta tìm đến sao Hỏa, cung trăng… nhưng đâu thấy cõi nước nào là Tịnh Độ?

Đây là những lập luận hết sức nông nỗi của một số người chưa nghiên cứu kỹ về Tịnh Độ, không có niềm tin vào lời dạy từ ngàn xưa của Phật, của Tổ.

Cõi Tây Phương và góc nhìn của khoa học

Để làm sáng tỏ vấn đề đang được tranh luận, trước hết người viết trình bày một vài sự kiện căn bản trong đạo Phật.

Nếu khoa học lý giải được tất cả thì chúng ta cần gì phải tu học theo Phật pháp. Hơn nữa, hành giả nào tu Phật mà việc gì cũng lấy khoa học làm luận cứ thì chúng ta trở thành công cụ của khoa học, nô lệ theo khoa học, chứ không còn là một người chuyên tu Phật nữa. Khi khoa học không tìm thấy không có nghĩa là không có mà chúng ta phải nhìn nhận sự rất giới hạn của khoa học.

Xưa kia khi chưa có kính hiển vi người ta có tin lời Phật nói trong một bát nước có tám muôn bốn ngàn con vi trùng không? Hay khi chưa có viễn vọng kính, khoa học có tin lời Phật nói hằng hà sa số thế giới không? Mặc dù không ai tin, nhưng với tuệ giác thấy biết như thật, đức Phật đã nói. Đến hơn hai mươi thế kỷ sau người ta mơí công nhận lời Phật dạy.

Cách nay khoảng mười lăm năm, báo chí đăng về sự kiện người ngoài hành tinh đi vào trái đất của chúng ta. Do sự cố đĩa bay, người ngoài hành tinh bị rơi xuống tại Philipin (Phi luật tân). Nhà chức trách Phi luật Tân đã bắt được một người với da dẻ kích thước, thể trọng, màu da… được báo chí diễn tả lại rất chi tiết. Những nhà bác học của Liên xô cũ bị mất tích. Giới khoa học và những nhà chuyên trách căn cứ vào một vài sự kiện và kết luận rằng: những người này do những người ngoài hành tinh bắt đi để nghiên cứu về con người trong trái đất. Kể từ đó các nhà khoa học cố tìm cho ra thế giới xa xăm của những người ngoài hành tinh, nhưng cho đến nay họ có tìm thấy tí gì về dấu vết của những con người đó chưa? Như vậy chúng ta dám khẳng định rằng không có không? Nếu không có thì tại sao họ xuất hiện trên trái đất của chúng ta? Một thế giới như vậy mà còn tìm không thấy thì làm sao thấy được cõi Cực Lạc.

Quan điểm siêu hình của Phật giáo về cõi Tây Phương

Trong thế giới siêu hình gồm có cõi chư thiên, Thế giới A tu la, địa ngục và ngạ quỉ. Đây là những thế giới mà trong kinh thường đề cập tới. Trong kinh Tam Di Đề, Tạp A Hàm…. nói về giai thoại giữa tiên nữ và tỳ kheo Tam di đề như sau: “Khi thấy tỳ kheo Tam Di Đề tắm trên một dòng sông vào buổi sớm, tiên nữ nói với tỳ kheo ấy rằng, tại sao lại bỏ hạnh phúc thực mà lại đi tìm hạnh phúc ảo”. Qua đó dẫn đến cuộc đối đáp giữa tỳ kheo và tiên nữ. Sau cùng tỳ kheo ấy dẫn tiên nữ đến gặp Phật và được đức Phật giáo hoá. Tiên nữ phát tâm quy y và làm đệ tử của đức thế tôn. Trong kinh Bát nhã kể lại câu chuyện Ngài Tu Bồ Đề ngồi nhập định không tánh, được chư thiên khen ngợi tung hoa cúng dường. Khi xả định, Ngài thấy xung quanh mình đầy hoa. Ngạc nhiên ngài hỏi: ai rải hoa xung quanh ta nhiều quá vậy? Chư thiên đáp rằng: “Ngài thuyết kinh Bát Nhã hay quá, chúng con tung hoa cúng dường”. Ngài tu bồ đề hỏi lại: “ta có nói gì đâu mà cho rằng thuyết kinh Bát Nhã ?” Chư thiên đáp: “Ngài không nói, con không nghe, đó chính là Chơn Bát Nhã”. Những việc đối đáp giữa chư thiên và đức Phật hay các thánh đệ tử trong kinh điển còn rất nhiều. Như vậy, trong các kinh, hệ tư tưởng Nguyên Thuỷ cũng như Đại Thừa, đều thừa nhận có sự hiện hữu của chư Thiên. Chính trong lịch sử của đức Phật có đoạn: sau khi thành đạo, vì nhớ đến ân sinh dưỡng của mẫu thân, hoàng hậu Ma da, Đức Phật hiện thân về cõi trời Đao lợi, thuyết pháp cho mẹ nghe. Sau khi nghe pháp xong, hoàng hậu Ma Da chứng được thánh quả.

Bên cạnh đó cũng có những cõi nước của các loài chúng sanh thấp kém hơn loài người, đó là cảnh giới của các loài sống trong địa ngục và ngạ quỉ. Chúng là những loài bị tội khổ nên mới chiêu cảm quả báo xấu. Đối với những loài như thế, mắt thường của phàm phu hay viễn vọng kính của các nhà khoa học không thể thấy được.

Xem Thêm:   Niệm Phật phải niệm cho thành thói quen

Như vậy, chư Thiên hay cảnh giới của Địa ngục, Ngạ quỉ là cảnh giới siêu hình nhưng không phải là không có. Muốn thấy được cảnh giới này, chỉ có huệ nhãn của Phật hay của chư thánh đệ tử chứng được thiên nhãn thông hoặc những bậc tu hành đắc đạo mới nhìn thấy được.

Thế thì, những cảnh giới, cho dù mắt thường hay viễn vọng kính của các nhà khoa học không thể thấy, nhưng dựa vào lời Phật dạy chúng ta tin là có. Trong khi cảnh giới Tịnh Độ cũng là lời Phật nói nhưng tại sao chúng ta cho là không có? Có phải vì mâu thuẫn tông phái, mặc dù thấy kết quả tốt, nhưng chúng ta lại cực kỳ bài xích về pháp môn tu cũng như cảnh giới của tịnh độ?

Lại nữa, cái gì nó cũng có nhân quả. Tu năm giới thì sinh cõi người, tu thập thiện về cõi trời. Làm nhiều điều tội ác thì rơi xuống tam đồ… thì tại sao tu niệm Phật lại không được về cõi tịnh? Đây là những điều chúng ta tự mâu thuẫn với giáo lý của Phật. Nếu theo suy lý điều này không thể có thì các điều khác cũng tương tự. Nếu không nhất quán với nhau, mai này khuyên tu năm giới thập thiện… thì ai tin tưởng để quy hướng về. Đó là một vài minh chứng về sự thật hiển nhiên cho tông Tịnh Độ.

… Tịnh Độ là một pháp môn rất thù diệu, dễ tu dễ chứng và phù hợp với mọi trình độ căn cơ chúng sanh. Chỉ cần người có lòng tin vào nguyện lực của Phật A di đà và chuyên tâm trì niệm danh hiệu Ngài thì nhất định sẽ được vãng sanh. Khi về nước Cực lạc, dù là đới nghiệp vãng sanh hay sanh vào nơi biên địa của Tịnh độ, thì điều tiên quyết nhất là chúng ta không còn rơi đoạ trong tam đồ khổ nữa, một sớm một chiều rồi cũng được hoa sen thuần hoá, hoàn toàn thanh tịnh, hội nhập trong hàng thánh chúng nơi Cực lạc tây phương.

Những điều này đã được các bậc thầy Tịnh độ tiên phong tu tập chứng đắc làm niềm tin, khích lệ cho tất cả chúng sanh đồng phát tâm tu tập, đồng được vãng sanh. Tổ Tuệ Viễn được xem là sơ tổ của Tông Tịnh độ. Người đã vì sự giải thoát an lành cho chúng sanh mà lập nên nhiều phương tiện. Lô sơn là một minh chứng, đã ghi dấu cho một bậc Tổ đức đã vì chúng sanh mà từ một viễn cảnh Tịnh độ, Ngài đã hình thành nên mật Tịnh độ hiện thực nơi chùa Đông lâm, tứ chúng đông không tả xiết đã qui kết trong tinh thần tịnh tu của bạch liên xã.

Những biện minh về thật hư của Tịnh độ nhằm xác định cho cõi Tịnh độ phương Tây trang nghiêm thanh tịnh vào bậc nhất trong mười phuơng. Học thuyết về “duy tâm tịnh độ” là một Tịnh độ triết lý, mặc dù nó là tinh hoa chuyển tải ý nghĩa thực dụng trong đạo Phật nhưng không thể khế hợp với đa dạng căn tánh chúng sanh, làm cho người bình dân phải ngán ngẫm cho đường lối hành trì đơn độc đi vào biển tâm mênh mang sâu thẳm không chỗ nương nhờ. Đó là một vách ngăn lớn, làm hụt hẫng cho những người bước chân vào cửa thiền muốn tìm một nơi nương tựa trên lộ trình giải thoát. Cho nên Tịnh độ tín ngưỡng, mặc dù là pháp môn phương tiện, nhưng đó là phương tiện thù thắng trong tất cả mọi phương tiện, nhằm đưa mọi chúng sanh đều có thể tiếp cận được với con đường giải thoát hầu đem lại lợi ích cho mình và tha nhân. “Trích Ý nghĩa vía Phật và Bồ Tát trong năm – Thích Phước Tiến”

Cõi Tây phương cực lạc của Đức Phật A Di Đà có thật không?

2. Cõi Cực lạc có phải ở trong Tam giới không?

Hỏi: Bạch Thầy, con có ba câu hỏi mong thầy giải đáp cho con được rõ:

1. Cõi Cực lạc của đức Phật A Di Đà là thuộc trong Tam giới hay ngoài tam giới?

2. Cõi Cực lạc là do tâm thức biến hiện ra hay thật có?

3. Cõi Cực lạc có gần với chân không, chân như không?

Đáp: Qua ba câu hỏi của Phật tử, tôi xin lần lượt giải đáp để cho Phật tử hiểu rõ thêm.

1. Về câu hỏi thứ nhất, tôi xin xác quyết ngay là cõi Cực lạc không thuộc trong phạm vi Tam giới. Nhưng trước hết, thiết nghĩ, chúng ta cũng cần nên hiểu Tam giới là gì? Trong quyển Từ Điển Phật Học Huệ Quang tập V trang 4103 có giải thích Tam giới như sau: “Tam giới là ba cõi: Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới.

– Dục giới (Kàma-dhàtu) : Thế giới của những loài hữu tình còn các tính dâm dục, tình dục, sắc dục, thực dục. Trên từ cõi trời Tha hóa tự tại thứ 6, giữa là cõi người, dưới đến địa ngục Vô Gián; vì nam nữ ở lẫn lộn, nhiều thứ dục nhiễm nên gọi là Dục giới.

– Sắc giới (Rùpa-dhàtu): Sắc nghĩa là biến ngại hoặc thị hiện, là thế giới của những loài hữu tình đã xa lìa dâm dục và thực dục của cõi Dục, nhưng vẫn còn sắc chất thanh tịnh. Thế giới nầy ở trên Dục giới, không có dục nhiễm, cũng không có thân nữ, chúng sinh ở đây đều do hóa sinh, cung điện cao lớn, là do sự hóa sinh của Sắc tất cả đều rất vi diệu, tốt đẹp. Vì còn có sắc chất, nên gọi là Sắc giới. Tùy theo thiền định sâu cạn, thô diệu mà cõi nầy được chia làm 4 bậc, từ sơ thiền Phạm thiên cho đến cõi trời A ca rị tra, tất cả có 18 tầng trời.

Xem Thêm:   Tội tà dâm là gì, nhân quả báo ứng ra sao? Thế nào là phạm tội tà dâm?

– Vô sắc giới (Arùpya-dhàtu): Thế giới của những loài hữu tình chỉ có: Thụ, tưởng, hành, thức. Thế giới nầy không có một thứ gì thuộc về vật chất, cũng không có thân thể, cung điện, cõi nước, chỉ có tâm thức trụ sâu trong thiền định nên gọi là Vô sắc giới. Thế giới nầy ở trên Sắc giới, gồm có Tứ thiên ( Không vô biên xứ thiên, Thức vô biên xứ thiên, Vô sở hữu xứ thiên và Phi tưởng phi phi tưởng xứ thiên), còn gọi Tứ vô sắc, Tứ không xứ.

Quả báo của Tam giới này tuy có hơn kém, khổ vui khác nhau nhưng đều thuộc cõi mê, là những thế giới sinh tử luân hồi của chúng sinh, các bậc Thánh đều lìa bỏ.

Theo Phẩm Thí Dụ Kinh Pháp Hoa ghi: “Ba cõi không an, giống như nhà lửa, các khổ đầy dẫy, rất đáng sợ hãi”.

Nêu ra như thế để Phật tử thấy rằng, cõi Cực lạc không thuộc trong phạm vi Tam giới. Không ở trong Tam giới, tất nhiên là phải ở ngoài Tam giới. Trong Kinh Di Đà Tiểu Bổn, đức Phật Thích Ca Mâu Ni có nói: “Từ thế giới nầy đi về bên cõi Tây phương Cực lạc phải trải qua mười muôn ức Phật độ, có một thế giới, gọi là Cực lạc. Cõi ấy có Phật hiệu A Di Đà hiện đang thuyết pháp”. Lời dạy này là đức Phật nhằm xác quyết cho chúng ta biết có cõi Cực lạc ở ngoài Tam giới. Bởi chúng sinh ở cõi Cực lạc thụ hưởng những thứ vui cùng cực không có khổ như cõi Ta bà này, nên gọi cõi đó là Cực lạc.

2. Cõi Cực lạc không phải do tâm thức biến hiện mà là một cõi có thật. Điều này, trong Kinh Di Đà đức Phật đã diễn tả cho chúng ta thấy rất rõ. Một thế giới có đầy đủ chánh báo và y báo trang nghiêm thù thắng vi diệu, thì sao gọi là tâm thức biến hiện được? Nói tâm thức biến hiện là cái không có rồi mình tưởng tượng ra cho có. Như ngồi trong nhà tưởng tượng như có con quỷ hung dữ ở ngoài sân, kỳ thật ngoài sân không có con quỷ. Hoặc giả dưới ánh trăng soi thấy tàu lá chuối rung rinh tưởng là bóng người áo trắng đang lay động. Thấy gốc cây to trong đêm mờ ảo ta tưởng là con ma… Đó gọi là do thức biến hiện ra. Còn cõi Cực lạc là do đức Phật A Di Đà dùng công đức trang nghiêm mà tạo thành. Với 48 điều đại nguyện của Đức Phật cũng đủ để chứng minh cho chúng ta thấy rất rõ điều đó. Một cảnh giới nếu chỉ do tâm thức biến hiện ra, thì cảnh giới đó không thật. Nếu chúng ta tha thiết chuyên cần trì niệm danh hiệu Phật A Di Đà, tương tục không gián đoạn, đến khi lâm chung sẽ được Phật Di Đà và các hàng Thánh chúng tiếp dẫn chúng ta về cõi nước của Ngài. Vì đó là bản nguyện tiếp dẫn độ sanh của Ngài.

3. Đã gọi là cõi có nghĩa là một thế giới ngoại tại, tất nhiên là phải có hình tướng, thì làm sao gần với chân không, chân như được. Vì chân không hay chân như không có hình tướng và không có sinh diệt. Đây là cảnh giới thân chứng, do sạch hết vô minh phiền não mà thể tánh chân như hiện bày. Tuy nhiên, tất cả các pháp đều không ngoài thể tánh chân như mà có. Cõi Cực lạc cũng không ngoài thể tánh chân như mà thành. Thí như tất cả cảnh vật không ngoài hư không mà có. Nhưng hư không không phải là chân như, vì hư không là vô tri. Cho nên, thể tánh chân như bao trùm khắp hết muôn pháp vậy.

Nói tóm lại, cõi Cực lạc là một cảnh giới có thật và nó không thuộc trong phạm vi Tam giới, vì chúng sinh trong ba cõi vẫn còn bị sinh tử luân hồi và do đó, tất nhiên chúng sinh vẫn còn phải chịu nhiều điều đau khổ. Ngược lại, cõi Cực lạc vượt ngoài vòng luân hồi sống chết và không còn đau khổ như cõi Ta bà.

Kính chúc Phật tử có đầy đủ chánh tín để niệm Phật cầu vãng sanh Cực lạc. – “Thích Phước Thái”.

3. Nếu được sinh về Cực Lạc, đời sống sinh hoạt của bạn sẽ như thế nào?

Tôi đang tiến bước theo chân Bồ Tát, bỗng phát giác ra thân mình lần lần rút nhỏ lại. Khi hiện tượng đó xảy ra, tôi lấy làm lạ hỏi Đức Quán Thế Âm:

– Tại sao thân con lần lần rút lại nhỏ như thế ạ?

Ngài đáp:

– Nơi cõi Cực Lạc, chúng sinh thuộc các phẩm nhân vì cảnh giới không đồng, nên chiều thấp, cao, lớn, nhỏ có sai khác. Hàng thiện nhân ở Thượng phẩm cao lớn hơn ở Trung Phẩm, so với Hạ Phẩm lại càng cao lớn hơn. Như thân chư Thiên nơi cõi trời, tầng thấp kém hơn tầng cao, các thiên giới càng cao, thân lượng lại càng vượt gấp bội. Hiện tại, chúng ta đang đi từ Thượng phẩm sang Hạ phẩm, nên thân thể lần sút giảm cho đồng cao độ với chúng sinh ở phẩm đó.

Xem Thêm:   Ăn chay như thế nào là đúng cách và đúng Pháp?

Vừa đi vừa nói, bất giác tôi đã tới Hạ Phẩm liên trì. Nhìn kỹ, tôi thấy mặt đất nơi đây đều do quý kim pha bảo chất tạo thành, nên vừa phát ánh sáng, vừa trong suốt. Đi độ khoảng đường nữa, trước mắt hiện ra một quảng trường rộng lớn, có nhiều nữ nhân đang dạo chơi. Đây là những nữ hài tử mười ba, đầu kết hai búi tóc, cài các thứ hoa tím, đỏ, vàng, trắng, thân mặc quần sắc hồng đào, áo màu thanh đạm, lưng thắt đai vàng. Tất cả đồng một loại trang phục, dung nhan đều tươi đẹp khác thường. Lòng tôi này mối nghi ngờ hỏi Bồ Tát:

– Theo trong kinh, ở thế giới Cực Lạc không có nam, nữ phân biệt, tại sao nơi đây lại hiển hiện nhiều nữ hài tử vậy ạ?

Ngài đáp:

– Đúng như thế. Ở đây không phân tướng nam nữ, ngươi hãy tự nhìn kỹ lại xem mình thế nào?

Bị Bồ Tát cảnh báo, tôi kinh lạ chợt phát hiện ra mình cũng biến thành thân nữ hài mười ba tuổi, trang phục đồng một dạng thức như các nữ chúng kia. Tôi tiếp tục hỏi với giọng đầy kinh ngạc:

– Tại sao lại như thế này ạ?

Đức Quán Thế Âm lộ vẻ từ bi mỉm cười bảo:

– Nơi đây có một vị Bồ Tát làm chủ tể, muốn biến nam thì toàn chúng đều hóa thành nam, muốn biến nữ thì toàn chúng thành nữ. Kỳ thật, chẳng luận biến nam hay nữ, khi đã hóa sinh trong hoa sen, tức không còn thân huyết nhục, thể chất đều là ngọc báu trong suốt, bên ngoài chỉ có tướng người, thật ra không phân nam nữ.

Tôi quan sát lại thân thể mình quả đúng như lời Bồ Tát dạy, không thấy da thịt, xương, gân, tủy, não, chỉ là chất ngọc thủy tinh trong trắng.

Nhưng chúng thuộc phẩm hạ Hạ, vì còn nhiều phiền vọng nên đều là đới nghiệp vãng sinh. Song chẳng luận già, trẻ, nam, nữ ở nhân gian. Khi đã gửi thể chất nơi hoa sen Cực Lạc, tất cả đều hóa thành thân hài tử phi thường xinh đẹp, thức ăn đồ mặc cũng đều tự nhiên hiện thành. Tôi hỏi Bồ Tát:

– Tại sao chúng hữu tình sinh đến đây đều đồng tướng trạng, tuổi tác như thế ạ?

Ngài đáp:

– Đó là bởi Phật tính bình đẳng, do nguyện lực của Đức A Di Đà nên người nào đã sinh về nơi đây, đều được đãi ngộ như nhau. Tỷ như ở nhân gian, trai hay gái khi mới sinh đều đồng một dạng, không mấy sai khác. Nơi phẩm Hạ Hạ, mỗi ngày sáu thời, có một thời được nghe diễn giảng do một vị Đại Bồ Tát chủ trì. Đến lúc giảng kinh, khi tiếng chuông reo vang, chúng thiện nhân ở trong lầu các nơi hoa sen, đồng một trang phục xanh, vàng hoặc đỏ, trắng như nhau cùng hội hợp đến nghe pháp âm. Chúng sinh đó ban ngày ra khỏi lầu các du ngoạn hoặc ngồi thiền, niệm Phật, tụng kinh. Đến thời yên nghỉ, tất cả đều trở về hoa sen riêng của mình. Ở đây khi hoa nở, chim kêu là ban ngày, hoa khép, chim ngừng hót là ban đêm. Ngoài ra, cảnh trí đều luôn luôn tươi sáng huy hoàng, không có ngày đêm phân biệt.

Đức Quán Thế Âm lại bảo:

– Bây giờ, ta đưa ngươi đến quãng đường gần nơi điện và ao báu để được tăng thêm kiến thức.

Tôi vâng lời, theo Bồ Tát đến cửa một đại điện trong vùng kim địa thật rộng rãi, có lan can đẹp bao quanh giáp vòng. Ban sơ chỉ thấy độ mấy mươi nữ hài. Trong giây phút lần lượt kéo đến cả trăm ngàn muôn vị đồng sắc phục, vân tập đầy chật trong đại điện, như để cho tôi chiêm quan được rõ ràng hơn. Đối với họ thì đây là việc rất dễ, nhưng ở nhân thế, muốn tập trung số người đông đảo như vậy, tất phải khó khăn, mất nhiều thời gian.

Xem khắp nơi xong, tôi lại được đưa đến một ao báu rộng lớn như biển. Nước ở đây trong sáng dường như vô hình, nhiệm màu khó tả, không giống chất nước ở Ta Bà. Bồ Tát dạy:

– Ngươi nên xuống tắm gội qua giây phút.

Tôi thưa:

– Như thế y phục sẽ bị ướt hết ạ?

Ngài đáp:

– Không ướt, đây là ma ni bảo thủy!

Tôi vâng lời bước xuống tắm với vẻ rụt rè, e ngại. Nhưng quả nhiên y phục chẳng ướt. Điều rất lạ là tôi vốn không biết lội, sợ mình bị chìm xuống đáy ao. Trái lại, khi đã xuống, muốn thân thể chìm nổi, qua lại đều tùy ý. Lúc ngồi yên, muốn nước dâng đến đâu, cũng tùy tâm nước lên tới đó, thật đúng là “Như ý thủy”. Tôi thử uống một hớp, cảm thấy rất thơm mát, ngon ngọt, lòng thích thú liền uống no. Càng uống càng thấy tinh thân tươi khỏe, toàn thân phơi phới nhẹ nhàng như muốn bay bổng lên. Thật quả là nước bát công đức. Lại thử sờ vào y phục thì đúng là không có chỗ nào bị thấm ướt. Đang lúc tôi lướt nhẹ trong nước đến giữa ao, thấy rõ có nhiều hoa sen to đẹp nở tươi sáng rỡ, mỗi đài hoa đều có người ngồi kiết già niệm Phật. Một ít hoa sen khô héo sắp tàn….

(Lược trích ấn phẩm: “Cực Lạc Du Lãm Ký” – Khoan Tịnh Pháp Sư – HT. Thích Thiền Tâm soạn dịch – NXB Phương Đông, 2015)!

Tâm Hướng Phật/TH!

Nguồn: Tâm Hướng Phật ( https://tamhuongphat.com/ )

100 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog