Pháp Giới 11 tháng trước

Chư Thiên Thần là ai? Sắc thân và tuổi thọ của chư Thiên ra sao?

Chư Thiên Thần là chỉ cho chúng sanh ở các cõi trời do tu thượng phẩm Thập thiện và các thiền định, nên được hưởng phước sanh thiên, sự ăn mặc thọ dụng đều tùy niệm hóa hiện, không cần phải tạo tác.

1. Chư Thiên Thần là ai?

Chư thiên, dân gian gọi là Thiên thần, là chúng sanh thuộc cõi Trời. Đây là chỉ cho chúng sanh ở các cõi trời do tu thượng phẩm Thập thiện và các thiền định, nên được hưởng phước sanh thiên, sự ăn mặc thọ dụng đều tùy niệm hóa hiện, không cần phải tạo tác.

Chúng ta hiện tại đang ở trong phạm vi của Tứ Thiên Vương Thiên, là một trong sáu cõi trời ở Dục-giới. Bầu trời mà mình nhìn thấy đây chính là trời Tứ-vương, do bốn vị thiên vương cai quản. Trời này nằm ở lưng chừng núi Tu Di.

2. Các cõi chư Thiên Thần

Trong tam giới thì chư Thiên sáu hạng trời ở cõi Dục đều có hình tướng nam nữ. Dục nhiễm tùy theo cao thấp mà có nặng nhẹ. Mười tám hạng trời ở cõi Sắc, chư Thiên không hình tướng nam nữ, không có sự dục nhiễm, dùng thiền định để trưởng dưỡng sắc thân. Còn bốn hạng trời ở cõi Vô sắc thì không hình tướng sắc thân, duy có tâm thức, vì là báo thể của không định.

a. Chư thiên cõi Dục giới

Sáu hạng trời ở cõi Dục đều có hình tướng nam nữ, dục nhiễm tùy theo cao thấp mà có nặng nhẹ. Sáu hạng thiên thần trong cõi Dục giới, từ thấp đến cao, gồm có:

Xem Thêm:   4 nhân duyên làm con cái đầu thai vào cha mẹ theo quan điểm Phật giáo

Trời Tứ Vương, Trời Đao Lợi, Trời Dạ Ma, Trời Đâu Suất, Trời Hóa Lạc, Trời Tha Hóa Tự Tại.

b. Chư thiên cõi Sắc giới

Mười tám hạng trời ở cõi Sắc, chư Thiên không hình tướng nam nữ. Không có sự dục nhiễm, dùng thiền định để trưởng dưỡng sắc thân. Sở dĩ gọi Sắc giới, vì chúng sanh ở cõi nầy lìa sự nhiễm dục, từ thân đến cảnh đều là sắc chất trang nghiêm, thanh tịnh. Cõi nầy chia ra làm 18 thiên vức khác nhau. Ba Thiền thiên trước mỗi nơi có ba, đệ tứ thiền có chín.

Ba thiên vức ở Sơ thiền Ly sanh hỷ lạc địa là: Phạm Chúng Thiên, Phạm Phụ Thiên, Đại Phạm Thiên.

Ba thiên vức ở Nhị thiền Định sanh hỷ lạc địa là: Thiểu Quang Thiên, Vô Lượng Quang Thiên, Quang Âm Thiên.

Ba thiên vức ở Tam thiền Ly hỷ lạc địa là: Thiểu Tịnh Thiên, Vô Lượng Tịnh Thiên, Biến Tịnh Thiên.

Chín thiên vức ở Tứ thiền Xả niệm thanh tịnh địa là: Vô Vân Thiên, Phước Sanh Thiên, Quảng Quả Thiên, Vô Tưởng Thiên, Vô Phiền Thiên, Vô Nhiệt Thiên, Thiện Kiến Thiên, Thiện Hiện Thiên, Sắc Cứu Cánh Thiên. Trong chín thiên vức này, năm cõi ở sau cùng tên là Ngũ Tịnh Cư Thiên, cũng gọi là Ngũ Bất Hoàn Thiên, vì là chỗ ở của bậc thánh A na hàm.

c. Chư thiên cõi Vô sắc giới

Còn bốn hạng trời ở cõi Vô sắc giới thì chư Thiên không hình tướng sắc thân, duy có tâm thức, vì là báo thể của không định. Được mệnh danh là Vô sắc, vì nơi đây không có sắc uẩn chỉ có thọ, tưởng, hành, thức bốn ấm mà thôi. Cõi nầy do không có sắc pháp biểu hiện, nên không có phương sở đời quá khứ vị lai đều như thế, lý đã quyết định. Nhưng về phần dị thục sanh sai khác thì có bốn bậc:

Xem Thêm:   Khất thực là gì? Một phép tu truyền thống của đạo Phật

Trời Không Vô Biên xứ, Trời Thức Vô Biên xứ, Trời Vô Sở Hữu xứ, Trời Phi Tưởng Phi Phi Tưởng xứ. Bốn bậc nầy không phải có riêng xứ sở cao thấp, mà do nghiệp chúng sanh hơn kém khác nhau.

3. Sắc thân của chư Thiên

Nơi Dục giới, chư thiên trời Tứ Vương thân lượng cao nửa dặm, áo nặng nửa lượng. Chư thiên trời Đao Lợi cao một dặm, áo nặng sáu thù. Chư thiên trời Dạ Ma cao một dặm rưỡi, áo nặng ba thù. Chư thiên trời Đâu Suất cao hai dặm, áo nặng hai thù. Chư thiên trời Hóa Lạc cao hai dặm rưỡi, áo nặng một thù. Chư thiên trời Tha Hóa cao ba dặm, áo nặng nửa thù.

Ở Sắc giới, chư thiên trời Phạm Chúng thân lượng cao nửa do tuần. Trời Đại Phạm cao một do tuần rưỡi. Trời Thiểu Quang cao hai do tuần. Trời Vô Lượng Quang cao bốn do tuần. Trời Quang Âm cao tám do tuần. Trời Thiểu Tịnh cao 16 do tuần. Trời Vô Lượng Tịnh cao 32 do tuần. Trời Biến Tịnh cao 64 do tuần. Trời Vô Vân cao 125 do tuần. Trời Phước Sanh cao 250 do tuần.

Trời Quảng Quả cao 500 do tuần. Trời Vô Tưởng cao 500 do tuần. Trời Vô Phiền cao 1000 do tuần. Trời Vô Nhiệt cao 2000 tuần. Trời Thiện Kiến cao 4000 do tuần. Trời Thiện Hiện cao 8000 do tuần. Trời Sắc Cứu Cánh cao 16000 do tuần. Chư thiên cõi Sắc tuy không mặc y phục, song cũng như có mặc. Tuy không đội thiên quan, cũng như có đội, vì do thân quang chiếu hiện.

Xem Thêm:   Bệnh tật từ đầu mà có? Vì sao người mắc bệnh nặng, người khỏe mạnh?

Chư thiên ở Vô sắc giới chỉ có định quả sắc, nên không có thân lượng.

4. Tuổi thọ của chư Thiên

Tuổi thọ của chư Thiên ở cõi trời cũng có hơn kém tùy mỗi từng trời. Như về Dục giới, trời Tứ Vương thọ 500 tuổi. Một ngày đêm nơi đây bằng 50 năm cõi người.

Trời Đao Lợi thọ 1000 tuổi, một ngày đêm nơi đây bằng 100 năm cõi người.

Trời Dạ Ma thọ 2.000 tuổi, một ngày đêm nơi đây bằng 200 năm cõi người.

Trời Đâu Suất thọ 4.000 tuổi, một ngày đêm nơi đây bằng 400 năm cõi người.

Trời Hóa Lạc thọ 8.000 tuổi, một ngày đêm nơi đây bằng 800 năm cõi người.

Trời Tha Hóa thọ 16.000 tuổi, một ngày đêm nơi đây bằng 1600 năm cõi người.

Tuổi thọ của chư Thiên ở cõi Sắc thì lấy kiếp làm lượng. Như về Sơ thiền, trời Phạm Chúng thọ nửa trung kiếp. Trời Phạm Phụ thọ một trung kiếp. Trời Đại Phạm thọ một trung kiếp rưỡi.

Về Nhị thiền, trời Thiểu Quang thọ hai đại kiếp.Trời Vô Lượng Quang thọ bốn đại kiếp. Trời Quang Âm thọ tám đại kiếp.

Về Tam thiền, trời Thiểu Tịnh thọ 16 đại kiếp.Trời Vô Lượng Tịnh thọ 32 đại kiếp. Trời Biến Tịnh thọ 64 đại kiếp.

Về Tứ thiền, trời Vô Vân thọ 128 đại kiếp, cứ như thế tăng gấp đôi cho đến trời Sắc Cứu Cánh thọ 16.000 đại kiếp. Trong đây trừ Vô Tưởng thiên thọ lượng đồng với Quảng Quả Thiên.

Ở cõi Vô sắc, trời Không Vô Biên thọ 20.000 đại kiếp, cứ tăng gấp đôi cho đến trời Phi Phi Tưởng thọ 80.000 đại kiếp.

Tâm Hướng Phật/TH!

Nguồn: Tâm Hướng Phật ( https://tamhuongphat.com/ )

73 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog