Chim lợn kêu có phải là điềm báo về cái chết hay không?
Pháp Giới 10 tháng trước

Chim lợn kêu có phải là điềm báo về cái chết hay không?

Nhiều người truyền tai nhau rằng, chim lợn kêu chỗ nào thì sẽ mang đến sự tang thương, chết chóc ở đó, vậy sự thật có đúng như vậy không?

Chim lợn (hay còn gọi là chim cú lợn) được biết đến trong dân gian là loài chim của sự chết chóc. Nhiều người cho rằng, chim lợn xuất hiện ở đâu sẽ mang đến sự tang thương, chết chóc ở đó. Vì lý do này, từ xưa đến nay, chim lợn thường bị xua đuổi, ném đá mỗi khi chúng xuất hiện. Vậy quan niệm chim lợn mang đến điềm xui xẻo có đúng không?

Cần hiểu về điềm trước khi đổ oan cho chim lợn

“Cơn đằng đông, vừa trông vừa chạy
Cơn đằng nam, vừa làm vừa chơi”

Từ xa xưa khi khoa học chưa phát triển, theo kinh nghiệm dân gian, để dự báo thời tiết, khí hậu, người ta thường quan sát các hiện tượng của loài vật, mây, trời, cỏ cây. Ví như thấy cỏ gà mọc thì cho rằng trời sắp có mưa bão; thấy nhật thực, nguyệt thực thì cho đây là hiện tượng không tốt…

Nói về điềm, trong Phật giáo, chúng ta có bài kinh Điềm Lành. Khi những điều nào đó xuất hiện thì điềm lành sẽ tới, khi điều nào đó xuất hiện thì điềm lành không tới; nghĩa là có điềm. Điềm là một thứ rất tự nhiên và như Pháp; giống như hôm nay thấy trời mây kéo đến và oi bức thì biết điềm sắp mưa; thấy chuồn chuồn bay thấp thì sắp mưa nên có bài thơ là “Chuồn chuồn bay thấp thì mưa, bay cao là nắng bay vừa thì râm”. Nếu sắp sửa có lũ lớn hoặc mưa lớn thì những loài côn trùng biết trước, con kiến biết tha tổ lên cây cao. Đó là các hiện tượng ở giới tự nhiên”.

Chúng ta biết rằng loài vật cũng có linh tính, thông qua hoạt động bất thường của chúng, chúng ta cũng có thể dự đoán được những hiện tượng tự nhiên sắp xảy ra.

Nơi thân thể chúng ta cũng có điềm. Ví dụ trên mặt xuất hiện một vết gì đó thì biết rằng người này sắp bị bệnh, các vị thầy thuốc giỏi nhìn là người ta biết được. Ở trán, cằm xuất hiện cái gì là báo hiệu chỗ đó sắp xuất hiện bệnh. Điềm sắp sửa phát quang hay đột tử người ta cũng biết được. Vậy nên điềm là điều tự nhiên, xuất hiện trước để báo hiệu sự vật, hiện tượng ấy sắp sửa xảy ra. Và cái gì cũng có điềm hết, không cái gì là không có điềm.

Vạn vật đều có điềm và đó là một điều tự nhiên. Chim lợn kêu cũng không ngoại lệ, đây chỉ là một hiện tượng bình thường, một việc làm quen thuộc của các loài vật trong tự nhiên. Tuy nhiên, khi nghe tiếng kêu eng éc của chúng, nhiều người thấy rùng mình, sợ hãi và cho rằng điềm báo xui xẻo sẽ đến. Nhiều người truyền tai nhau rằng, chim lợn kêu chỗ nào thì chỗ ấy sẽ có người chết. Chết chóc là một điều không ai muốn, cho nên khi thấy chim lợn và nghe tiếng kêu của chúng, người ta thường xua đuổi chúng đi.

Chim lợn kêu có phải là điềm báo về cái chết hay không?

Chim lợn có thật sự là dấu hiệu của cái chết?

Chim lợn có khứu giác rất đặc biệt, có thể ngửi được mùi của người sắp chết. Các nhà khoa học nghiên cứu con chim lợn rất thính mùi, đặc biệt là mùi tử khí. Người sắp chết có toát ra một cái mùi thì người ta gọi là mùi tử khí. Chết rồi thì có mùi tử khí rất nồng nặc, trước khi chết hoặc sắp chết thì có thể có khí amoniac hoặc khí nitơ chẳng hạn bốc ra thì con chim lợn nó phát hiện được và nó bay đến. Cũng giống như chim lợn, quạ, kền kền cũng có khứu giác rất nhạy bén, có thể phát hiện được mùi xác chết và bay đến rất nhanh.

Xem Thêm:   An Sĩ Toàn Thư – Khuyên người bỏ sự tham dục trọn bộ PDF

Tại sao chim lợn kêu là điềm báo có người chết? Khi chim lợn bay đến thì nó kêu, bản tính của nó là kêu. Và mấy hôm sau, chúng ta thấy ở đó có người mất thì đấy là do ở đó mùi tử khí bốc ra mà con chim lợn đến. Giống như con ong bay đến chỗ có hoa, có mật là bình thường; vì hoa có mật nên dụ ong đến. Vậy nên chim lợn không phải là loài chim đem đến những điềm xấu ác cho chúng ta.

Mỗi loài vật có một đặc tính khác nhau; chim lợn bị thu hút bởi mùi tử khí và bay đến nơi có người mất hoặc sắp mất. Chim lợn bay đến và kêu còn là vì miếng ăn; bởi chúng rất hay bắt chuột, chồn, hoặc động vật nhỏ để ăn. Chim lợn kêu không phải là mang điềm gở đến cho chúng ta.

Không phụ thuộc vào tiếng kêu của chim lợn – điềm xấu hay tốt do phước quả của chúng ta

Theo giáo lý nhân – duyên – quả của đạo Phật, vạn vật vạn loài, kể cả cuộc đời chúng ta đều vận hành theo luật nhân quả. Vậy nên, quan niệm về chim lợn mang đến sự chết chóc cho con người là không phù hợp với đạo lý nhân quả. Xui xẻo hay may mắn, sống thọ hay chết yểu đều phụ thuộc vào nhân quả, nghiệp báo của mỗi người như trong bài giảng “Phước đức không ai cho!”, Chúng ta phải tin chắc ở trên đời này, mọi cái chúng ta được thọ hưởng là do chính phước quả của mình. Chứ không có cái gì khác.

Theo đó thì hãy tạo điềm lành bằng việc thực hành lời Phật dạy: “Điềm gở hay điềm lành là do chúng ta tạo, nếu chúng ta muốn điềm lành thì hãy tụng và thực hành theo kinh Điềm Lành. Không phải do con vật, không phải do cái này, cái kia mang điềm gở đến cho chúng ta; nó chỉ là dấu hiệu báo trước sự việc hiện tượng sắp diễn ra với chúng ta thôi”.

Để tạo điềm lành cho chính mình, chúng ta nên học và thực hành theo lời Phật dạy trong kinh Điềm Lành. Khi chúng ta sống tốt đời, đẹp đạo như trong kinh Điềm Lành mà Đức Phật dạy thì phước báu sẽ được tăng trưởng và những điều tốt đẹp, may mắn sẽ đến với chúng ta.

Chim lợn không phải là loài chim mang dấu hiệu của cái chết, sự tang thương mất mát. Chim lợn bay đến và kêu là vì tìm mồi hoặc do ngửi được mùi tử khí. Là người đệ tử Phật, chúng ta cần tìm hiểu kỹ trước khi đưa ra đánh giá về một sự việc, hiện tượng để tránh rơi vào tà kiến, chấp trước. Từ đó, nương theo lời Phật dạy, tùy duyên thực hành Pháp theo đúng luật nhân quả để có được lợi ích thù thắng nhất.


Nhân quả là gì?

Nhân quả là chữ Hán, nhân có nghĩa là hạt; quả có nghĩa là trái, gồm chung hai chữ nhân quả lại nghĩa đen của nó là hạt và trái. Hạt giống nào sẽ cho trái nấy, không thể cho trái khác được. Ví dụ: hạt cam khi gieo lên thành cây sẽ cho trái cam; hạt chanh sẽ cho trái chanh, không thể nào hạt cam mà cho trái chanh được, cũng như hạt chanh không thể nào cho trái cam được, v.v.. Còn nghĩa bóng là hành động thiện hay ác, nếu hành động thiện thì được phước báo an vui, còn hành động ác thì phải thọ lấy sự đau khổ, tức là hành động nào sẽ gặt lấy hậu quả của hành động nấy.

Ví dụ: Như hành động trộm cắp thì phải gặt lấy hậu quả của hành động trộm cắp là bị bắt ở tù, hoặc bị người mất của bắt được đánh đập, có khi họ giết chết.

Xem Thêm:   Cách Tụng Thần Chú Vãng Sanh

Hậu quả của sự tham lam trộm cắp không những ở trong kiếp hiện tại nghèo nàn, đói khổ mà còn kéo dài trong các kiếp vị lai nữa. Cho nên, nhân quả tham lam đem lại cho đời người một sự nghèo đói bất hạnh vô cùng.

Là con người chúng ta phải tránh gieo nhân quả trộm cắp, cướp giật của người khác, do không tham lam trộm cướp của người khác thì đời sống của chúng ta sẽ được no cơm ấm áo, nếu càng gieo nhân quả tham lam trộm cắp thì đời sống của chúng ta sẽ đói khổ vô cùng và trong muôn kiếp.

Kẻ làm ác giết hại chúng sanh, ăn thịt chúng sanh thì hậu quả sẽ bị tai ương, bệnh tật, khổ đau, hoạn nạn hoặc bị sự giết hại của kẻ khác bằng cách này hoặc bằng cách khác, v.v..

Hành động thiện thì hưởng được phước báo như: cơm ăn áo mặc đầy đủ, cuộc sống gặp nhiều may mắn, trong nhà hòa thuận vui tươi, con cái hiếu hạnh biết vâng lời dạy bảo của cha mẹ, còn hành động ác thì thọ khổ như: bệnh tật, tai nạn, trong nhà thường rầy rà, bất hòa chẳng an, con cái cãi lời cha mẹ đi chơi bỏ học hành, trộm cắp tiền của cha mẹ, thường làm gia đình khổ, người khác khổ.

Luật nhân quả rất công bằng và công lý, không ai lo lót, hối lộ tiền bạc mà hết khổ được, dù có quyền thế, tiền bạc đến đâu luật nhân quả vẫn công bằng không tư vị. Vì thế, người gieo nhân ác không thể cầu khẩn chư Phật, chư Bồ tát và Ngọc Hoàng Thượng Đế cùng các bậc Thánh Vạn Năng cũng không cứu giúp cho mình được.

Hiểu nhân quả để sống thiện

Khi đã có đủ niềm tin vào nhân quả, chúng ta sẽ tìm được con đường dẫn đến bình yên. Thời khắc thật sự trưởng thành là lúc chúng ta không còn đổ lỗi cho số phận mà tự biết chịu trách nhiệm cho những suy nghĩ, lời nói, hành động của chính mình.

Không thích con đường “Thiện”, chỉ thích con đường “Ác”, đó là nguyên nhân của mọi bất an và khổ đau của kiếp người!

Thiện và ác như hai con đường, một con đường đưa ta tới an lạc và một con đường dẫn ta về khổ đau.

Khi chọn cho mình con đường “Thiện” để đi, là chúng ta đang chấp nhận một hiện tại đầy khó khăn. Phải dùng từ tâm để bao dung hết những nông sâu của lòng người, là điều chưa bao giờ dễ dàng có phải không?

Có người thấy hiện tại khó khăn nên bỏ cuộc, không muốn nỗ lực nữa. Nhưng sẽ có một ngày, chúng ta nhận lại nguyên vẹn những điều tương tự với thứ từng trao đi. Những yêu thương, oán hận ta từng gieo vào lòng người khác, khi nhân duyên hội đủ, sẽ như một chiếc boomerang, tự động quay trở về với chính mình.

Chọn đi con đường “Ác”, là ta chọn cho mình những việc làm không thiện, những lời nói tổn thương để gieo khổ đau cho người. Rồi ta gom thật nhiều bất an về cất lại trong lòng và tìm đủ mọi lý do đổ lỗi cho số phận. Ngờ đâu “số phận” ngày hôm nay vốn được tạo nên từ những suy nghĩ, lời nói, việc làm của chính mỗi người ngày hôm qua!

Một ngày nào đó, những hạt giống ta đã gieo sẽ nảy mầm, tạo nên bình yên hoặc khổ đau trên chính mảnh đất “tâm” của mỗi người! Vậy nên, đừng thấy những hành động bất thiện mình đã làm chưa đem đến hậu quả, mà vội đắc ý, bởi nhân quả vốn rất công bằng, không thiên vị bất kỳ ai. Cũng đừng thấy những việc làm thiện chưa mang đến niềm vui mà lại do dự, không đủ can đảm để theo đuổi đến tận cùng, để rồi lòng mãi bấp bênh giữa hai chiều Thiện – Ác.

Xem Thêm:   Nghiệp chướng là gì? Tiêu giải nghiệp chướng theo lời Phật dạy

Khi đã có đủ niềm tin vào nhân quả, chúng ta sẽ tìm được con đường dẫn đến bình yên. Thời khắc thật sự trưởng thành là lúc chúng ta không còn đổ lỗi cho số phận mà tự biết chịu trách nhiệm cho những suy nghĩ, lời nói, hành động của chính mình. Không ai có thể mang vật chất, danh tiếng tích góp cả đời bước qua cánh cửa sinh tử. Nhưng những nghiệp thiện và ác sẽ luôn theo chúng ta đi hết cả kiếp người, đến cùng trời cuối đất.

Có những người gây dựng sự nghiệp, danh tiếng cho mình dựa trên những mất mát, tổn thương của người khác. Những thứ tạo dựng được nhìn có vẻ vững chãi lắm, to lớn lắm, nhưng chỉ trong một khoảnh khắc, lại sụp đổ rất nhanh.

Có những người tìm được cho mình nơi trú ẩn bình yên từ chính tâm từ bi của họ. Dẫu cuộc sống vẫn lắm những nhọc nhằn, lo toan, nhưng họ luôn biết cách tự hong khô muộn phiền, giữ cho mình một trái tim ấm áp để đi xuyên qua giông gió cuộc đời!

Đừng đợi cuộc đời hết trắc trở rồi mới biết sống lương thiện, có những chuyện vừa mới nhận ra thì đã không còn kịp nữa rồi.

Vẫn cuộc đời đó, vẫn những năm tháng đó, chỉ khác nhau một lần quay đầu lại, để tự lựa chọn cho bản thân một con đường.

Hãy nhớ, nhân của kiếp trước, quả của kiếp này; nhân của hôm qua, quả của hôm nay. Nhân quả luân hồi, thật sự sẽ đến một cách chính xác, không sai sót và lệch lạc đâu ạ!

Tâm thái của người tin sâu nhân quả

Phước đức và nghiệp chướng là sức mạnh vô hình chi phối một cách sâu sắc vào hạnh phúc, đau khổ của kiếp nhân sinh…

Khi một người tin sâu vào nhân quả…

Lúc nắm chức quyền trên tay họ cũng sẽ không dựa vào quyền thế của mình để chèn ép ai, vì họ biết nếu chèn ép ai – sau này quả báo họ nhận lại sẽ tương tự như vậy

Khi một người tin sâu lý nhân quả…

Họ sẽ chẳng dám tham của ai dù một cây kim cọng chỉ, vì họ biết rằng, không phải của mình có lấy cũng sẽ mất – lại tạo thêm mớ tội.

Khi một người tin sâu lý nhân quả…

Họ sẽ im lặng khi nghe ai đó nói xấu về họ, vì họ biết kẻ ấy đang gánh nghiệp giúp mình, im lặng, và hoan hỉ, xem như thử thách sự chịu đựng của bản thân.

Khi một người tin sâu lý nhân quả…

Thích sẽ nói thích. Ghét sẽ nói ghét, họ sẽ chẳng xu nịnh trước mặt và nói xấu sau lưng, vì họ biết nếu như vậy họ đang tạo khẩu nghiệp xảo ngôn, mà khẩu nghiệp là nghiệp nặng nhất đời người!

Khi một người tin sâu lý nhân quả…

Họ mượn tiền bạn, nhất định họ sẽ trả, vì nếu không trả, nhất định họ sẽ biết mình đang gieo cái nhân nghèo khổ, tái sinh làm trâu ngựa để trả nợ.

Khi một người tin sâu lý nhân quả…

Họ sẽ chẳng dám khởi tâm kiêu ngạo dù trong một niệm. Vì họ biết khi khởi tâm kiêu ngạo.

Những điều họ đã và có hiện tại sẽ bị đốt sạch.

Khi một người tin sâu lý nhân quả…

Họ có một cuộc sống tri túc nên cảnh giới hạnh phúc của họ là hạnh phúc với những điều kiện tối thiểu. Vì họ sống không nô lệ cho dục vọng, nên khi ai ở gần họ đều cảm thấy an vui và hạnh phúc y như họ.

Phước Đức và Nghiệp Chướng là sức mạnh vô hình chi phối một cách sâu sắc vào hạnh phúc, đau khổ của kiếp nhân sinh…

Nguồn: Tâm Hướng Phật ( https://tamhuongphat.com/ )

10 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog