Phật tử tại gia có nên trì tụng chú Lăng Nghiêm hay không?
Pháp Giới 5 tháng trước

Phật tử tại gia có nên trì tụng chú Lăng Nghiêm hay không?

Thần Chú Lăng Nghiêm là gì? Phật tử tại gia có nên trì tụng chú Lăng Nghiêm hay không? Mời quý bạn đọc cùng tìm hiểu rõ hơn trong bài viết dưới đây.

1. Chú Lăng Nghiêm là gì?

Chú Lăng Nghiêm – Thủ Lăng Nghiêm (tiếng Phạn: Shurangama Mantra) được hiểu là Phật Tánh, bản chất nguyên thủy của chúng sinh. Đây là điều mà tất cả các trường phái Phật giáo đều nhắc tới.

Bản chất nguyên thủy chúng sinh từ trước tới nay luôn thanh tịnh, gọi là “Định”. Không hề bị biến dịch nên gọi là “Kiên Cố”. Chính vì vậy, Chú Lăng Nghiêm được dịch là “Đại Định Kiên Cố”.

Đây là thần chú dài nhất và lâu đời nhất của Phật giáo Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc được dùng để bảo vệ hoặc thanh lọc cho thiền sư.

Giống như thần chú nổi tiếng Lục Đại Tự Minh “Om Mani Padme Hum”, chú này đồng nghĩa với các thực hành của Bồ tát Quan Thế Âm – vị Bồ tát quan trọng của Phật giáo Đông Nam Á và Phật giáo Tây Tạng. Trong chú nhắc đến các vị Phật giáo như Bồ tát Văn Thù Sư Lợi, Bồ tát Kim Cương Thủ, chư Phật Dyani và Phật Dược Sư Lưu Ly.

Chú Lăng Nghiêm chia làm năm bộ: Kim Cang bộ, Bảo Sinh bộ, Liên Hoa bộ, Phật bộ và Nghiệp bộ. Năm bộ Kinh này thuộc về năm phương :

1. Kim Cang bộ : Thuộc về phương Đông, Đức Phật A Súc là chủ.

2. Bảo Sinh bộ : Thuộc về phương Nam, Phật Bảo Sinh là chủ.

3. Phật bộ : Thuộc về chính giữa, Phật Thích Ca Mâu Ni là chủ.

4. Liên Hoa bộ : Thuộc về phương Tây, Phật A Di Đà là chủ.

5. Nghiệp bộ : Thuộc về phương Bắc, Phật Thành Tựu là chủ.

Được học, trì tụng Chú Lăng Nghiêm là nhân duyên rất lớn của người con Phật, xuất gia cũng như tại gia, và hiểu được nghĩa lý của Chú Lăng Nghiêm thì nhân duyên thật là không thể nghĩ bàn, có thể nói là trăm ngàn vạn kiếp mới gặp được. Cho nên chúng ta có nhân duyên thù thắng mới được trì tụng và hiểu nghĩa lý của Chú Lăng Nghiêm.

Chú Lăng Nghiêm là cốt tuỷ trong Phật Giáo, nhờ Chú Lăng Nghiêm mà chánh Pháp mới tồn tại lâu dài. Trong năm đệ Chú Lăng Nghiêm thì hai đệ đầu đa số là danh hiệu của chư Phật, Bồ Tát, A La Hán, chư Thiên, Hộ Pháp thiện thần, còn ba đệ cuối đa số là danh hiệu của các vị Quỷ Thần Vương. Bản Hán văn chỉ có đệ Nhất và đệ Nhị, còn ba đệ cuối thì không có. Chú Lăng Nghiêm có tầm quan trọng lớn, chỉ cần chúng ta người xuất gia, hoặc tại gia, trì tụng mỗi ngày, thì công đức thật không thể nghĩ bàn, giúp cho hành giả tăng trưởng trí huệ, vượt qua mọi sự chướng ngại thử thách trên đường tu tập, đồng thời giúp bảo vệ chánh pháp trụ thế lâu dài, lợi lạc chúng sinh.

Xem Thêm:   Giải đáp mười điều nghi vấn về cõi Tịnh độ phần 1

Điều quan trọng là hành trì đều đặn mỗi ngày, bất cứ lúc nào, ở đâu, tụng ra tiếng, hoặc tụng thầm, công đức đều được tăng trưởng. Vì Chú Lăng Nghiêm là đại định, cũng là vua trong các định. Định lực của Chú Lăng Nghiêm hàng phục được tất cả tà ma ngoại đạo. Chỉ cần tụng lên thì chư Thiên, hộ pháp, thiện thần đều cung kính bảo hộ hành giả.

Chư Phật quá khứ, hiện tại, vị lai cũng đều nhờ đại định Chú Lăng Nghiêm mà thành tựu. Người tu hành không thể nào thiếu đại định Lăng Nghiêm.

Ngài A Nan là đa văn bậc nhất, thuộc lòng Đại Tạng Kinh không sót một chữ, mà lúc gặp nạn, nếu không nhờ đức Phật sai Bồ Tát Văn Thù dùng thần Chú Lăng Nghiêm đến cứu, thì Ngài A Nan đã mất giới thể, mà mất giới thể thì không thể thành tựu đạo Nghiệp!

Trên đường tu gặp rất nhiều chướng ngại, thử thách. Nếu không nhờ sự gia trì của chư Phật, Bồ Tát, hộ pháp thiện thần, thì rất khó thành tựu đạo nghiệp. Những bậc cao Tăng, Tổ sư, thời nào cũng thế, đều nhờ tu hành giới đức trang nghiêm, phước huệ song tu, tích luỹ nhiều đời nhiều kiếp, được sự gia trì của chư Phật, Bồ Tát, hộ pháp thiện thần, mới vượt qua chướng ngại thử thách, cuối cùng giác ngộ chứng quả.

Chú Lăng Nghiêm là hành trang, tư lương, không thể thiếu của người tu Phật. Chỉ cần chúng ta cố gắng trì tụng mỗi ngày, thì công đức không nhỏ, đồng thời cũng là góp phần vào bảo vệ chánh pháp trụ thế lâu dài, lợi lạc tất cả chúng sinh.

Phật tử tại gia có nên trì tụng chú Lăng Nghiêm hay không?

2. Phật tử tại gia có nên trì tụng chú Lăng Nghiêm hay không?

Danh từ cư sĩ Phật tử được gọi chung cho những người nam hay nữ đã phát tâm quy y Tam bảo thọ trì ngũ giới cấm, những người chưa quy y, nhưng có tín tâm nghiên cứu giáo lý Phật, những người sống nhàn nhã độc cư độc thiện theo đạo lý nhà Phật. Được gọi là cư sĩ Phật tử dù ở nơi đâu cũng thuộc vào hàng cao quý trong đời sống con người. Người cư sĩ Phật tử tại gia còn là Bồ tát ngoại hộ, ủng hộ chư Tăng ni giữ gìn chánh pháp. Ngoài ra các vị còn phát tâm tu tập, tụng kinh niệm Phật, ăn chay giữ giới.

Giá trị của người Phật tử cũng rất cao quý, Phật tử tu tại gia còn gọi là tu sĩ tại gia hay cư sĩ. Ở Trung Hoa, từ ngữ cư sĩ dành cho các bậc trưởng thượng đáng kính, sống ẩn dật; những người giàu có quý phái cũng gọi là cư sĩ.

Làm Phật tử đã quy y Tam bảo, giữ gìn giới luật thật nghiêm túc, biết tinh chuyên niệm Phật, trì tụng kinh bộ, nghe thuyết pháp, đàm luận đạo lý… là Phật tử có trình độ tu hành, Phật tử thuần túy, truyền thống. Ở Việt Nam từ năm 1930 cho đến hôm nay, số Phật tử có chất lượng trên ngày càng tăng lên cao, chứng tỏ Phật giáo thật hữu ích trong thế giới chúng ta.

Xem Thêm:   Chuyện nhân quả luân hồi: Người trở về từ âm phủ

Ngoài việc tụng kinh niệm Phật, gia trì kinh bộ, Phật tử còn phát tâm ăn chay trường, nhẫn đến ăn chay kỳ, mỗi năm ăn chay ba tháng: tháng giêng, tháng bảy, tháng mười, ăn chay mỗi tháng 10 ngày, 6 ngày, 4 ngày, 02 ngày… tất cả đều là thiện tâm, có căn lành với Phật Pháp, là gia đình phước đức.

Người Phật tử tại gia vẫn tụng đọc các kinh bộ như: Kinh Pháp Hoa, kinh Vô Lượng Thọ, Kinh Phổ Hiền, Kinh Ánh sáng hoàng kim, Kinh Vạn Phật, Kinh Địa Tạng thậm chí tụng những kinh đại thừa do Phật diễn thuyết như người tu sĩ xuất gia tụng đọc. Tuy nhiên, không có lý do nào bằng lý do: “Người Phật tử tại gia: Gia duyên bận buộc, xã hội gần bên, mọi việc cần phải tháo gở, giải quyết… nên việc tụng kinh niệm Phật bị trở ngại…”, chứ không phải tụng không được, chỉ có thế thôi!

Trường hợp như thần chú Thủ Lăng Nghiêm, tại các tự viện theo học phái đại thừa được các Nhà Sư trì tụng vào lúc 4 giờ sáng, tụng đọc và lúc nào cũng tụng đọc, chỉ khi nào vị ấy không còn trên cõi đời mới không còn tụng đọc! Trường hợp nầy chắc chắn người Phật tử không bao giờ theo nổi phải không? Vì vậy nên quý Sư Thầy rất ít hoặc không bao giờ khuyên Phật tử tụng đọc Thần chú Thủ Lăng Nghiêm là như thế. Vã lại, nếu có tụng thì chỉ tụng theo thời khóa có giới hạn, hoặc năm ba thời khóa rồi bị trở ngại gia duyên, quay sang tụng kinh bộ khác, hoặc không tụng nữa, như thế không đạt chuẩn mực trong quá trình tu hành tụng Thần chú Thủ Lăng Nghiêm. Do đó, trong giới thiền lâm thường truyền miệng cho nhau: “Phật tử không tụng Thủ Lăng Nghiêm được là như thế”.

Ở Việt Nam, các Cụ già ở nhà ruộng, nhà vườn còn sức khoẻ, có đất đai rộng rãi, các Cụ dạy con cháu xây cho một cái “Am” nhỏ mỗi cạnh 6 mét ở cuối đất để có phương tiện an trú tu hành; các Cụ tuy không xuất gia nhưng phát nguyện tụng kinh chú, niệm Phật như người xuất gia, tụng kinh ngày đêm tứ thời, hoặc lục thời, trong đó có tụng các kinh chú theo như các Sư ở các tự viện đại thừa tụng đọc.

Hiện nay, đại đa số các Phật tử tham dự khóa tu Bát Quan Trai giới, tập sự xuất gia một ngày một đêm tại các chùa lớn, thì có tụng kinh chú như người xuất gia, không bị trở ngại, cũng không ai ngăn cản.

Tóm lại, Phật tử vẫn tụng đọc kinh chú, nhưng tùy trường hợp phương, thời, xứ, cởi bỏ việc thế gian mà dự vào hàng thánh chúng tụng đọc, phước đức vô biên. – “HT. Thích Giác Quang”.

Xem Thêm:   Tất cả lợi ích thế gian này không sánh bằng lợi ích do niệm Phật
3. Uy lực dũng mãnh của Chú Lăng Nghiêm

Chú Lăng Nghiêm là chú linh nghiệm nhất để hàng phục thiên ma, chế ngự ngoại đạo. Chú Lăng Nghiêm cũng là chú dài nhất trong tất cả các Chú. Có một cụm từ để diễn tả về việc thuộc Chú Lăng Nghiêm.

Đó là: “Lăng bán niên” (Lăng Nghiêm nửa năm). Bởi có ai Trì tụng thần chú này đều đặn mỗi ngày thì mất khoảng nửa năm để thuộc được nó. Trì tụng Chú Lăng Nghiêm thì sẽ có được những lợi ích gì? Nó sẽ giúp các bạn gia tăng trí tuệ, tăng trưởng thiện căn, gia tăng phước huệ và phát triển các năng lực.

Thần Chú Lăng Nghiêm không chỉ hàng phục thiên ma ngoại đạo, phá tà hiển chánh mà còn là Chú mạnh nhất để hóa giải các phù trú, tà thuật. Khi A-nan gặp cô con gái tộc Ma-đăng-già, ngài Văn Thù Sư Lợi Bồ-tát đã cứu A-nan khỏi bị mê hoặc bởi chú thuật của ngoại đạo tóc vàng, bằng cách dùng Thần Chú Lăng Nghiêm. Thần Chú Lăng Nghiêm có thể giải trừ và tiêu diệt công năng của ác chú và các loại huyễn thuật bùa ngải trù ếm phổ biến ở Đông Nam Á.

Tuy nhiên bạn phải biết cách dùng thần chú như thế nào. Miễn là còn một người trì tụng Chú Lăng Nghiêm thì yêu ma quỷ quái sẽ không dám xuất hiện trên thế gian. Còn nếu không ai còn biết tụng Chú Lăng Nghiêm nữa, thì thế giới sẽ tràn ngập những loại yêu ma quỷ quái chuyên đi gieo rắc tai ương họa hại.

Vì thế mỗi người trong chúng ta phải cố gắng hết sức để học thuộc lòng Chú Lăng Nghiêm. Bất kể khả năng trì tụng Chú Lăng Nghiêm của các bạn như thế nào, miễn là các bạn cứ tụng niệm thì các bạn sẽ được hưởng uy thế lớn trong 7 đời liên tiếp. Trong những đời này, các bạn sẽ được thoát khỏi nghèo đói, tai ương và bệnh tật. Và nếu bạn trì tụng Chú Lăng Nghiêm thì bạn sẽ được đại phú quý trong 7 đời kế tiếp. Tất nhiên là Phật tử thì không cần mong cầu giàu sang, vì phú quý chỉ thêm cản trở con đường tu hành của bạn “Bần cùng mà bố thí là khó, giàu sang mà tu Đạo là khó”. Nếu chúng ta thực sự muốn cống hiến cho Phật Pháp và chân chánh tu hành, thì chúng ta không nên TRANH, không nên THAM, không nên MONG CẦU bất cứ điều gì cả, không nên ÍCH KỶ, không nên TỰ TƯ TỰ LỜI và không nên NÓI DỐI.

Nếu áp dụng những nguyên tắc này vào bản thân chúng ta và các phương diện hằng ngày trong cuộc sống, thì đó mới đích thực là tu tập Phật Pháp.

Phật Pháp chân chính thì không có gì là bí ẩn cả, mà rất là thực tiễn. Khi bạn áp dụng và cảm thấy không còn phiền não trong lòng, thì Phật Pháp khi ấy sẽ trở thành hữu ích. – “HT. Tuyên Hóa”.

Theo tamhuongphat.com/TH!

Nguồn: Tâm Hướng Phật ( https://tamhuongphat.com/ )

210 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog