Pháp Giới 11 tháng trước

Chánh kiến, tà kiến là gì? Nếu không phân biệt rõ sẽ là mê tín

Chánh kiến tức là cái ta nhìn Thấy là đúng, là chân chính. Tà kiến là cái nhìn sai lệch, không bằng trí tuệ mà bằng thương – ghét. Nếu không phân biệt rõ sẽ là mê tín.

Chánh kiến tức là cái ta nhìn Thấy là đúng, là chân chính. Để có được cái Thấy đúng này, ta phải có kiến thức, tư duy và Tuệ giác. Bởi đúng sai không có tuyệt đối, góc nhìn này có thể đúng nhưng trên phương diện khác lại sai.

Ví như có cái cốc để trên bàn, người nhìn thẳng từ trên xuống sẽ thấy nó là một vòng tròn. Người nhìn phương ngang sẽ thấy nó hình trụ. Mọi sự sở dĩ có sai khác là do góc độ nhìn nhận của ta mà ra. Nhiều người không hiểu lý này nên thường sanh ra tranh cãi đúng sai.

1. Chánh kiến và nghiệp trong đạo Phật

Cái thấy của chúng ta là do nghiệp quyết định. Lý này hơi sâu, sợ người sơ cơ khó hiểu lại sanh tâm hủy báng. Tuệ Tâm chỉ nói lược qua thôi: Tại sao cái thấy là do nghiệp? Một vài ví dụ đơn giản, ta có thể thấy sau:

Cũng một đồ ăn hôi thiu: Con người cho là nhờm gớm, loài chuột bọ thấy là thức ăn ngon.
Đồng một thứ là nước: Loài người nhìn là nước uống. Loài cá nhìn thấy là nhà. Loài Ngạ quỷ thấy là máu mủ.

2. Phân biệt chánh kiến và tà kiến

Phân biệt đâu là chánh kiến, đâu là tà kiến không dễ. Nhất là trong Phật pháp, ngay cả Phật tử thường đi Chùa vẫn có nhiều nhầm lẫn. Không phân biệt rõ chánh tà, tất dễ sa vào mê tín dị đoan.

Về tượng Phật để xe ô tô

Mua xe lúc chưa học Phật, việc đầu tiên tôi nghĩ đến là thỉnh tượng Phật để trên xe đi cho an toàn. Tìm hiểu thông tin thì người bảo nên, kẻ bảo không, tuyệt chẳng thấy có lời khuyên nào ưng ý. Khi đến ngôi chùa khá nổi tiếng trong quận, chọn được tượng Quán Thế Âm rất đẹp. Tôi hỏi sư cô:

” Con thấy người bảo đặt tượng trên xe rất tốt, người lại bảo không nên. Rốt cuộc theo sư cô thì có nên đặt tượng trên xe ô tô không?”

Sư cô trẻ tuổi trả lời:

“Nếu chú sợ thì đừng đặt, còn đặt thì đừng sợ”.

Lại hỏi:

” Khi an tượng con phải làm gì? Có nghi thức gì không? Có phải tụng chú, niệm Phật hay cầu khấn gì không?

Trả lời:

” Tùy chú, sao cũng được”.

Nghe đúng là huề vốn. Chẳng biết thế nào cho đúng. Cuối cùng tôi bỏ sợ, làm theo những gì tâm mình mách bảo. Tôi trả tiền, thỉnh tượng Quán Thế Âm về và tự mình an Tượng lên xe. Liều chút nhưng may mắn không ngờ. Sau bao nhiêu năm, nhờ Bồ Tát gia hộ, xe tôi chưa một lần va quệt hay phải mất tiền phạt cho các đồng chí…

Giờ học Phật, biết chút rồi, hiểu chút rồi… Nghĩ lại thấy thương cho những kẻ đang bơ vơ như mình ngày trước. Thời buổi mê tín lên ngôi, tà kiến vây chặt người thế tục, nhiều người không biết hỏi ai khi có việc cần. Xin chia sẻ cùng người hữu duyên chút chánh kiến nho nhỏ, tầm thường thôi nhưng có lẽ một ít người vẫn cần đến.

Vậy có nên đặt tượng phật trên xe không?

Nên đặt! Khi đặt trên xe ô tô, bạn luôn được che chở trong mọi hành trình. Lý do là ở đâu có tượng Phật ở đó có chư tôn Long thần Hộ pháp hộ trì. Bạn sẽ đỡ lo lắng chuyện va quệt trên đường hay hỏa hoạn. Tất nhiên, bên cạnh đó bạn phải cẩn thận, đúng luật và sống tốt.

Phải cúng xe cho an toàn

Sai bét, đấy không phải chánh kiến mà là tà kiến. Không phải làm gì hết, không thắp hương, không lễ lạt, không cúng bái chi hết. Bạn dùng hai tay an Tượng lên Táp lô, miệng niệm Nam mô A Di Đà Phật cho đến lúc xong. Vậy là đủ rồi, đừng cúng bái, mê tín, tốn tiền và vô ích lợi.

Khai quang tượng Phật

Nếu bạn thỉnh tượng Phật về thờ tại gia thì cứ cung kính mà thờ. Đừng nghe tà kiến mà mất tiền làm lễ khai quang. Đừng mê tín vì Phật chẳng cần ai khai quang cả! Chánh kiến là thế nào? Là bạn thành kính an Tượng trên bàn thờ. Chút ít hoa quả, thắp một nén nhang, niệm vài câu Phật, vậy là xong rồi. Người có thiên nhãn sẽ thấy tôn Tượng phóng hào quang. Việc của bạn bây giờ là sống tốt, sống thiện, giữ năm giới cơ bản. Còn thì hằng ngày bạn niệm Phật, trì Chú hay tụng Kinh, tùy theo sở nguyện đều được hết.

Thờ Phật ở Chung cư

Chánh kiến là không có gì tốt lành hơn việc này! Bạn ở tầng mấy cũng thờ Phật được hết, không có gì phải kiêng cả. Bàn thờ Phật càng đơn giản càng tốt. Hằng ngày lau dọn bằng khăn sạch, thay nước, thay hoa tươi.

Tỉa chân nhang

Bàn thờ gia tiên, Thần linh hay bàn thờ Phật đều cần phải gọn gàng, sạch sẽ. Bất kỳ ngày nào bạn thấy nhiều thì tỉa đi cho gọn, chỉ để lại một chân nhang trong bát. Thế thôi, không có kiêng gì hết, đó là chánh kiến!

Xem Thêm:   Phẩm thứ mười ba: Vua Từ Lực cho huyết – Hiền Ngu Nhân Duyên Kinh

Tụng kinh ở nhà

Nhiều vị mê tín bảo không nên tụng Kinh Địa Tạng ở nhà. Nếu tụng thì ma quỷ đến, đây chính là tà kiến, chớ tin nghe. Chánh kiến là: Tụng Kinh Địa Tạng ở nhà cực tốt. Chỉ sợ bạn không tụng được thôi, nếu tụng được thì Phước đức vô lượng. Còn muốn biết phước đức thế nào, bạn ăn chay và tụng bảy bộ thôi, chính bạn sẽ ngạc nhiên đấy. –  “Tuệ Tâm”!

3. Nên trừ tà kiến, tập hành chánh kiến

Chánh kiến tức nhận thức và quan điểm đúng đắn, khế hợp chân lý là một chi phần quan trọng trong giáo pháp Bát Thánh đạo của Thế Tôn.

Sở dĩ chánh kiến được xếp hàng đầu vì nó có vai trò định hướng, dẫn dắt hành giả đi đúng lộ trình và từng bước xóa tan vô minh để chứng đạt các Thánh vị. Trong tu hành và phụng sự, theo Thế Tôn, nếu không có chánh kiến thì lập tức rơi vào tà kiến, đã “tà kiến là ác, không lành” và những gì được dẫn dắt bởi tà kiến thật “không đáng quý”, “không nên ưa thích”.

Chánh kiến là những gì? Căn bản là: Nhận thức rõ và tin sâu vào quy luật Nhân quả-Nghiệp báo; Tin hiểu sâu sắc vào Tứ Thánh đế (Tứ Diệu Đế); Thấy rõ thực tính Duyên khởi của các pháp; Các pháp đều do Duyên sinh nên vô thường, vô ngã.

Ngoài ra, những nhận thức và quan điểm được xác chứng thông qua các dấu ấn Chánh pháp như Vô thường-Khổ-Vô ngã cũng được gọi là Chánh kiến. Những nhận thức và quan điểm ngược lại thì lập tức rơi vào tà kiến, dẫu nhân danh bất cứ ai hay bất kỳ kinh sách nào.

“Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

– Chúng sanh tà kiến, sự nhớ nghĩ, quy hướng, và các hành khác của họ đều không đáng quý. Người thế gian không (nên) ham thích. Vì sao thế? Vì tà kiến ấy chẳng lành. Ví như có hột trái đắng. Nghĩa là hột trái đắng, rau đắng, hột rau đay, hột tất-địa-bàn-trì và các hột đắng khác. Nếu ở trên đất tốt trồng các hột này, sau đó nảy mầm vẫn đắng như cũ. Vì sao thế? Vì hột này vốn đắng. Chúng sanh tà kiến này cũng như thế. Việc làm của thân hành, khẩu hành, ý hành, sự quy hướng, nghĩ nhớ và các hạnh khác của họ, tất cả không đáng quý. Người thế gian không (nên) ham thích (ưa chuộng). Vì sao vậy? Vì tà kiến là ác, không lành. Thế nên, các Tỳ-kheo, nên trừ tà kiến, tập hành chánh kiến. Như vậy, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này!

Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm”.

(Kinh Tăng nhất A-hàm, tập I, phẩm 17.An ban [2], VNCPHVN ấn hành, 1997, tr.232)

Phật giáo truyền vào Việt Nam đã trên dưới 2000 năm. Trải qua nhiều thăng trầm biến thiên của lịch sử đất nước, cộng với quá trình tiếp biến, giao lưu, hội nhập với văn hóa bản địa trong tinh thần phương tiện đã tạo nên một Phật giáo Việt Nam với những bản sắc đặc thù. Dấu ấn dung thông tam giáo (Phật-Lão-Khổng) trộn lẫn những tín ngưỡng, tập tục của văn hóa bản địa hiện vẫn tồn tại rõ nét trong nhiều lĩnh vực của Phật giáo Việt Nam hiện nay.

Vậy Phật giáo Việt Nam nói chung hay cá nhân mỗi người con Phật Việt nói riêng, có ai đã từng tự hỏi: Những nhận thức và quan điểm nào vốn không phải của Phật giáo đang tồn tại não trạng của Tăng Ni, những tập tục dân gian nào đang hiện hữu trong chùa chiền Việt là phi chánh kiến? Nếu đó là pháp phương tiện thì cũng cần nhớ rằng, phương tiện chỉ mang tính thời điểm, giai đoạn mà thôi. Qua các thời điểm và giai đoạn lịch sử nhất định thì phương tiện kia có thể dẹp bỏ. Đã không bỏ phương tiện mà còn nhận lầm là cứu cánh là một tà kiến tai hại.

Thiết nghĩ, Tăng Ni và Phật tử Việt Nam cần bình tâm để phát huy tuệ giác nhằm thấy rõ những tầm gửi tà kiến đang đeo bám trên đại thọ bồ đề. Nhìn từ xa, cây bồ đề có vẻ sum sê xanh tốt nhưng xem kỹ nếu có quá nhiều tầm gửi thì sớm muộn gì cây bồ đề kia sẽ héo úa, thậm chí phải chết khô, ngã gục.

Thế Tôn đã dạy, hạt đắng dù có trồng trên đất tốt thì kết quả vẫn là nhiều hạt đắng hơn mà thôi. Ở đây, tà kiến chính là hạt đắng. Nhận thức và quan điểm sai Chánh pháp, tà kiến thì dẫu có dốc hết sức, hết lòng; dẫu có nhân danh Phật sự hay gì gì đi chăng nữa thì tà kiến cũng “không đáng quý”, “là ác, không lành”.

Vì thế, cần trau dồi pháp học và pháp hành để phát huy Chánh kiến. Có Chánh kiến rồi thì chúng ta cần nêu cao Bi-Trí-Dũng, mạnh dạn xóa bỏ tà kiến. Cũng như phát hiện ra tầm gửi thì cần nhanh chóng cắt bỏ để cho bồ đề ngày càng lớn mạnh hơn. -“Quảng Tánh”!

4. Hai loại chánh kiến

Tầm quan trọng của Chánh tri kiến được hiểu trong kinh tạng Pàli là sự mở đường của tri thức, đỉnh cao nhất của nó là trí tuệ. Mô tả Bát Chánh Đạo trong Kinh tạng, ấn tượng nhất là đưa Chánh kiến lên làm đầu. Nó được hiểu là điểm xuất phát. Người xuất phát bằng Chánh tri kiến là đang điều chỉnh nhận thức của mình về thế giới quan, nhân sinh quan và các tương quan xã hội trên nền tảng của đạo đức và đi trên quy chuẩn nhận thức đó. Sau một thời gian thực tập, đạt được tuệ giác, kinh điển gọi là mắt pháp hay là mắt tuệ, ngược lại với tưởng tri sai lầm, hay tưởng tri bình thường. Điểm xuất phát tu là chánh kiến, kết quả tu tập đạt được cũng là chánh kiến, tức tuệ giác.

Xem Thêm:   20 Khẩu nghiệp mà chúng ta tuyệt đối nên tránh

Kinh tạng Pàli chia Chánh kiến thành hai cấp độ, Chánh kiến hữu lậu và Chánh kiến vô lậu. Có đời sống đạo đức, phát triển các hành vi thiện, tạo ra phước báo hữu lậu, chẳng hạn việc giữ năm điều đạo đức, ba ngôi tâm linh, sau khi tái sanh làm người, được hưởng những phước đức mà mình đã tạo. Bên cạnh năm điều đạo đức, thực tập thêm mười điều lành, sau khi chết, theo cấp bậc dụng tâm và mức độ đầu tư về các việc thiện, hành giả có thể tái sanh ở nhiều cảnh giới chư thiên khác nhau, tức là đời sống con người ngoài hành tinh.

Việc thực tập Chánh kiến cũng có hai cấp độ khác nhau. Ở mức độ dụng tâm đơn giản, ứng dụng trong xã hội, chánh kiến sẽ tạo ra phước hữu lậu. Ở cấp độ tu rốt ráo – phần lớn dành cho các tu sĩ thực tập – chánh kiến dẫn đến con đường giải thoát, quả chứng của nó là không rơi trong ba cõi sáu đường nên được gọi là vô lậu.

Sử dụng tầm nhìn chân chính của thánh đạo vào mục đích được phước an vui hạnh phúc, quả chứng hữu lậu trong ba cõi; dĩ nhiên dù tái sanh ở cảnh giới nào vẫn còn chịu ảnh hưởng của luân hồi. Hành giả Chánh kiến là người sống rất chuẩn mực, nghĩa là ngày càng tiến bộ hơn, đi xa hơn trên con đường hạnh phúc, không dừng lại ở chủ nghĩa thành quả mà ta đã đầu tư. Nếu phân tích về hai khái niệm Chánh kiến hữu lậu và Chánh kiến vô lậu, ta thấy được Bát chánh đạo dưới góc độ vô lậu thì quả chứng là vô thượng chánh giác. Cũng tầm nhìn Chánh kiến đó nếu là người cư sĩ tại gia, tu học Phật, áp dụng cho đời sống gia đình thì quả trổ phước báo hữu lậu.

Con đường thực tập của người tại gia không nhất thiết phải hướng đến sự giải thoát. Sử dụng Chánh tri kiến hữu lậu là để tạo dựng hạnh phúc qua đời sống kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục và các phương diện khác một cách chuẩn mực. Chánh kiến vô lậu là nội lực, mục tiêu của người xuất gia, còn Chánh kiến hữu lậu là con đường, là quỹ đạo của những người tại gia. Nhận diện được vấn đề này, ta không cần thiết sử dụng “gu” tâm linh giải thoát của người xuất gia cho người tại gia như ta đã sử dụng nó trong lịch sử mấy chục thế kỷ phát triển Phật giáo ở các châu lục.

Hầu như không có nghi thức khác biệt giữa người tại gia và xuất gia cho đến thời điểm hiện nay, và đây là điểm khác biệt rất căn bản về quan niệm thánh đạo đức Phật đã chủ trương và con đường tu đạo mà ta đang dấn bước. Sau một thời gian thực tập, những người cư sĩ miên mật với pháp môn hành trì, trở thành người xuất gia về phương diện tâm thức. Thân vẫn là người tại gia, nên phát huy không hết tính năng của người xuất gia, kết quả là đứng chựng giữa tại gia và xuất gia.

Do lẫn lộn, nhiều người tại gia từ bỏ công ăn việc làm, không muốn dấn thân vào những thành công của mình. Theo tôi, người tại gia chỉ cần hướng đến chánh kiến hữu lậu là đủ. Người xuất gia với phương tiện, điều kiện, không gian, mục tiêu, lý tưởng… buộc họ phải tu có kết quả giải thoát để đền đáp lại ơn Tam Bảo, đàn na mà họ đã được kỳ vọng và tiếp nhận. – “TT. Thích Nhật Từ”

5. Cội nguồn và nguy hại của tà kiến

Ngày nay, chiến tranh, hận thù, thương yêu, ghét bỏ, kỳ thị trên thế giới… đều do tà kiến mà ra. Nhưng thế nào là tà kiến? Tà kiến là cái nhìn sai lệch, không bằng trí tuệ mà bằng thương – ghét. Khi đó cái chúng ta nhìn (nhãn trần) không đúng sự thực, không đúng ở thể chân như của nó.

Lấy thí dụ, mặt hồ phẳng lặng kia ẩn dụ cho chân tâm hay Phật tánh. Với mặt hồ phẳng lặng này, mọi vật phản chiếu trên mặt hồ đều “như thị, như thị” tức ở thể chân như. Khi ta ném một cục đá xuống hồ khiến mặt hồ dao động, mọi hình ảnh đều méo mó và không còn đúng ở thể chân như nữa. Nếu ta chấp trước vào hình ảnh méo mó này… lập lập tức tà kiến hay cái nhìn lệch lạc nảy sinh. Vậy thì thủ phạm sinh ra tà kiến chính là cục đá kia.

Thế nhưng cục đá chỉ là ẩn dụ. Trong hầu hết các bộ kinh, Đức Phật đều chỉ cho chúng ta thấy cái Ngã, hay Cái Tôi chính là cục đá. Chính Cái Tôi là cội nguồn sinh ra mọi phiền não, tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến. Chính vì sợ hãi cái Tôi mà ngạn ngữ Pháp có câu, “le moi est haissable” (Cái Tôi thật đáng ghét) vì cái Tôi khinh mạn, kiêu căng và gây tội lỗi. Trong Kinh Viên Giác, Phật chỉ cho chúng ta thấy cái Ngã là một tập hợp của Cái Ta và Cái Ta Thích tức bao gồm thân xác này và những gì bám chung quanh thân xác nhưng ta yêu thích.

Về cái Ta: Nó chính là thân xác, hình hài của ta đây. Khi thân thể này được mơn trớn nó cũng sinh tà kiến. Khi nó bị xâm hại nó cũng sinh tà kiến. Thật khó lòng mà chúng ta nghĩ tốt về kẻ nào đó xâm phạm đến thân thể của chúng ta. Một cậu con trai hay cô gái bị ai đó chê xấu… liệu cô/cậu ấy phản ứng như thế nào?

Xem Thêm:   Tha lực, tự lực là gì? Khái niệm tự lực và tha lực trong Phật giáo

Về Cái Ta Thích: Nó không phải là Ta. Nó nằm ngoài thân thể này, nhưng nó lại là cái mà ta yêu mến. Thí dụ:

– Vợ con, người tình của chúng ta.

– Người mà chúng ta mê đắm, dù không phải là sở hữu của ta. Thí dụ: Một cậu trai/cô gái yêu trộm nhớ thầm một anh chàng/cô hàng xóm. Dù không được yêu lại, nhưng ghen ghét tất cả những ai đến gần cô/cậu hàng xóm này. Như vậy chính sự say mê, yêu thích đã sinh ra tà kiến.

– Của cải: Như căn nhà, chiếc xe, ruộng đất, tài sản, công ty… cơ sở làm ăn của chúng ta. Thử ai cọ quẹt hay đụng vào chiếc xe của chúng ta, thậm chí đá hay đánh con chó, con mèo mà chúng ta thương mến… xem chúng ta phản ứng như thế nào?

– Những vật trang trí như kim cương, nhẫn, bông tai, nữ trang, gấm vóc lụa là… chúng không phải là vật nuôi dưỡng sinh mạng ta. Nhưng chúng ta nghĩ rằng nó làm đẹp cho Ta, nó phục vụ thân xác này nên chúng ta yêu mến nó. Và có khi yêu mến hơn cả sinh mạng mình. Yêu mến những vật trang trí cho vẻ đẹp của mình là tà kiến. Nữ trang không hề làm tăng thêm phẩm giá hay vẻ đẹp của con người. Chỉ có phẩm hạnh là trang sức quý giá nhất.

– Không phải chỉ của cải ở trước mắt hay quanh ta, mà của cải đó có thể ở nơi rất xa. Thí dụ: Một người ở Việt Nam nhưng đầu tư, làm ăn buôn bán ở Mỹ. Nếu có ai đụng vào những thứ này tức đụng vào Cái Ta Thích của ông ta. Có thể nói không sợ sai lầm rằng, nếu ai đó có người yêu ở Cung Trăng thì cái hồn của người đó, cái Ngã của người đó cũng nằm ở Cung Trăng luôn.

– Cái ta thích nhiều khi nó không có hình hài và rất đa dạng. Thí dụ cái tên của chúng ta, danh vọng, chức vụ của chúng ta. Thử ai đó đem cái tên của chúng ta ra bêu xấu, đem tư cách của chúng ta ra bình phẩm, đem bài hát, bài thơ, cuốn sách, cô ca sĩ, người mẫu mà chúng ta thích hay tôn làm thần tượng ra chê bai, thì chúng ta nghĩ thế nào về người đó? Đối với một vị tu hành là hòa thượng, mà người giới thiệu chương trình xướng lầm là thượng tọa. Liệu vị tu hành đó có “hỉ xả” vui vẻ bỏ qua không ? Hay trong bụng nổi cáu và nghĩ rằng mình bị xúc phạm? Nổi cáu và nghĩ rằng mình bị xúc phạm thì tà kiến sẽ nảy sinh tức thì .

– Cũng nên nhớ rằng càng quyền thế, giàu có, siêu cường (mạnh vô địch)… thì Cái Ta Thích càng nhiều, càng vĩ đại và ở khắp mọi nơi, có thể bao trùm cả vũ trụ này.

– Một cách tự nhiên, Cái Ta và Cái Ta Thích quyện vào nhau thành cái Tôi hay Cái Ngã mà thuật ngữ nhà Phật còn gọi đó là cái Tâm – tâm chúng sinh. Khi cái Ta và Cái Ta Thích bị tổn thương, bị đụng chạm, bị chê bai… thì lập tức tâm ta bị dao động, không còn giữ được chánh kiến nữa và tà kiến hay cái nhìn sai lệch nảy sinh.

Về tai hại của tà kiến

– Tà kiến khiến trí tuệ bị lu mờ. Khi trí tuệ bị lu mờ thì vô minh nảy sinh. Từ vô minh mà sinh vọng động. Vọng động bao gồm ghen ghét, đố kỵ, tỵ hiềm, kỳ thị, thù hận, xa hơn là loại trừ, giết hại. Người Phật tử, tu gì thì tu, pháp môn này hay pháp môn kia, theo thầy này hay thầy kia…muốn theo đúng lời Phật dạy phải tránh xa tà kiến.

– Tà kiến đẻ ra tà sư. Tà sư hành tà đạo. Tà đạo gây nguy hại cho sinh mệnh, tài sản và cuộc sống của tín đồ. Nếu tín đồ đông sẽ gây nguy hại cho đất nước. Kẻ nào kích động tín đồ bỏ cả gia đình, vợ con, của cải và cuộc sống để mơ ước một thiên đường ảo ảnh là kẻ đang hành tà đạo. Chánh đạo là xây dựng con người và xã hội có đạo đức, một đất nước có đạo đức, biến đất nước thành Cực Lạc Tại Thế, hòa bình và an vui. Chánh đạo là đem đạo vào đời để làm đẹp cho đời. Tà đạo làm rối mù cuộc sống và hủy hoại cuộc sống. Tà đạo làm cho cuộc sống này vốn đã khổ đau vì Sinh-Lão-Bệnh-Tử lại càng rối rắm thêm.

– Hiểu sai kinh Phật và lời dạy của chư Tổ cũng là tà kiến. Ngày nay xuất hiện khá nhiều tà sư, bản thân không chịu tu hành mà lại tập trung vào việc bươi móc và cho rằng rất nhiều kinh điển đại thừa là ngụy kinh. Nào là không có Phật A Di Đà, không có Quán Thế Âm Bồ Tát. Thậm chí bộ kinh vĩ đại như Pháp Hoa mà người Nhật coi như quốc bảo cũng là ngụy kinh. Nếu bảo đây là “ngụy kinh” thì tại sao bao nhiêu thánh tăng, bao đại sĩ của Trung Hoa và Việt Nam tu theo những kinh này mà đắc quả? Còn những kẻ đang lớn tiếng chỉ trích kia tu theo kinh nào và đắc quả gì? Theo tôi những tà sư này đã “đắc quả phá hoại”. – “Thiện Quả Đào Văn Bình”!

Tâm Hướng Phật/TH!

Nguồn: Tâm Hướng Phật ( https://tamhuongphat.com/ )

145 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog