Cách tụng Thần Chú Dược Sư tại nhà
Pháp Giới 11 tháng trước

Cách tụng Thần Chú Dược Sư tại nhà

Thần Chú Dược Sư còn gọi là Dược Sư Quán Đảnh Chân Ngôn. Hòa Thượng Tuyên Hóa bảo: “Thần chú này chỉ có mấy câu, rất ngắn, nhưng cái diệu dụng của nó thì vô cùng tận. Tuy nhiên muốn được lợi ích, ta phải có lòng tin, rồi trì tụng nó một cách chuyên cần.”

Trong Kinh Dược Sư, đức Thế Tôn bảo: “Khi đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai thành Phật, do nơi nguyện lực từ trước nên quán sát thấy những chúng sanh gặp nhiều bệnh khổ, gầy ốm xanh xao hoặc nóng bức, vàng da… Hoặc bị trù ếm, trúng phải sâu độc, hoặc chết yểu, hoặc chết bất đắc kỳ tử… Vì muốn giúp cho chúng sanh trừ các bệnh khổ, chỗ mong cầu được trọn đủ, nên đức Thế Tôn ấy nhập vào phép định gọi là Trừ diệt hết thảy khổ não của chúng sanh. Ngài vào phép định ấy rồi, từ nơi nhục kế liền phóng ra ánh hào quang chói sáng. Trong hào quang vang ra tiếng diễn thuyết câu đại thần chú…”

  • Chú Đại Bi Tâm Đà Ra Ni.
  • Chú Lăng Nghiêm.
  • Chú Chuẩn Đề.
  • Lục Tự Đại Minh Thần Chú.
  • Kinh Thủ Lăng Nghiêm.
  • Kinh Dược Sư Lưu Ly Quang Phật.
  • Cách tụng kinh tại nhà.

 

Thần Chú Dược Sư
Thần Chú Dược Sư
*

Thần Chú Dược Sư

  1. Nam mô bạc già phạt đế
  2. Bệ sát xã
  3. Lụ rô Thích lưu ly.
  4. Bát lặc bà
  5. Hắc ra xà dã.
  6. Đát tha yết đa gia.
  7. A ra hắc đế.
  8. Tam miệu tam bột đà da.
  9. Đát điệt tha.
  10. Án
  11. Bệ sát thệ
  12. Bệ sát thệ
  13. Bệ sát xã
  14. Tam một yết đế tóa ha.”

So Sánh Hai Bản Thần Chú Dược Sư

Bản chú Dược Sư trên là bản chuẩn trong “Kinh Dược Sư giảng giải” của Hòa Thượng Tuyên Hóa. Còn trong Kinh Dược Sư của Ngài Đoàn Trung Còn dịch thì thấy Chú như vầy:

“Nam mô Bạc già phạt đế, Bệ sái xã lũ rô. Bệ lưu ly, Bát lạt bà, hát ra xà giả. Đát đà yết đa da A ra hát đế. Tam miệu. Tam bột đà da. Đát điệt tha. Án. Bệ sái thệ. Bệ sái thệ. Bệ sái xã. Tam một yết đế, Tá ha!”

Hai bản chú này khác biệt nhau chính yếu ở câu “Thích lưu ly” và “Bệ lưu ly”. Theo ngu ý của mình, tôi chọn bản của Hòa Thượng Tuyên Hóa làm chuẩn. Sở dĩ đưa thêm bản của Ngài Đoàn Trung Còn là để bạn đọc tùy ý mà tụng. Nếu bạn đã từng đọc Kinh Dược Sư, quen bản chú cũ rồi thì cứ thế mà tụng. Bởi phàm khi tụng chú nếu tâm khởi nghi ngờ tất khó lòng được cảm ứng!

Hòa Thượng Tuyên Hóa bảo: Thần chú Dược Sư cũng là một phần trong Nhị Phật chú. Chân ngôn có oai lực giải trừ hết thảy các chất độc, làm tiêu tan mọi thứ tội. Gặp ai trúng độc, quý vị niệm chú lên, chất độc sẽ được giải trừ. Có điều, quý vị phải thành tâm mới có hiệu nghiệm.

*

Trong kinh Công Đức Các Bổn Nguyện Của Đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, thì chú này rất quan trọng. Kinh thì dài, nhiều lúc gấp gáp không đủ thì giờ để đọc tụng toàn cả bộ kinh, nên người ta phải chọn phần nào ngắn gọn và chủ yếu. Người ta chọn chú “Dược Sư Quán Đảnh Chân Ngôn” là vì lý do đó. Bởi có duyên lành nên chúng ta mới gặp được Pháp môn này. Chúng ta phải thường thường trì tụng chú “Dược Sư”, giúp chúng ta tránh mọi thứ tai nạn, căn lành còn thêm tăng trưởng.

Đối với các y sĩ làm nghề chữa bệnh, nếu một mặt họ trị bệnh bằng thuốc, mặt khác họ lại trì tụng thêm thần chú này thì chắc hiệu nghiệm nhiều hơn và bệnh tình sẽ chóng thuyên giảm. Cho nên trì tụng thần chú là điều rất hay, dù quý vị có phải là thầy thuốc hay không, khi gặp người có bệnh, quý vị dùng thần chú này, vì họ mà đọc tụng, quý sẽ thấy sự kiến hiệu.

Những câu chú đều là dịch âm, đọc lên không thấy nghĩa của nó, vả lại cũng không cần biết nghĩa. Diệu dụng của chú là ở chỗ không thấy nghĩa của nó, đọc lên quý vị không hiểu gì, quý vị chỉ biết chú tâm tụng, không có vọng tưởng gì khác, bởi đó mà nó có cảm ứng.”

Diệu Dụng Của Thần Chú Dược Sư

Về sự diệu dụng của Thần Chú Dược Sư, Kinh Dược Sư dạy: “Lúc ấy, từ trong hào quang thuyết ra câu thần chú rồi, khắp mặt đất liền chấn động, phóng ánh sáng chói lòa. Hết thảy bệnh khổ của chúng sanh đều dứt trừ, được hưởng sự vui vẻ, yên ổn.

“Văn Thù Sư Lợi! Nếu thấy có kẻ nam người nữ nào thân mang bệnh khổ. Nên hết lòng vì người bệnh ấy mà súc miệng chải răng. Đối trước những thức ăn, thuốc uống hoặc nước sạch không có trùng mà trì tụng thần chú ấy một trăm lẻ tám lần; Rồi mang cho người bệnh ăn hoặc uống. Bệnh khổ của người ấy hết thảy đều tiêu diệt.

“Người có điều mong cầu nên hết lòng tụng niệm thần chú ấy, đều được thỏa mãn, lại được không bệnh tật và thêm tuổi thọ. Khi mạng chung, được sanh về cõi Phật Dược Sư, được địa vị Bất thối chuyển, cho đến đắc quả Bồ Đề.

“Văn Thù Sư Lợi! Vì vậy, nếu có kẻ nam người nữ nào hết lòng trân trọng nhớ ơn, cung kính cúng dường đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai. Nên thường tụng trì thần chú ấy, đừng để dứt mất.

Cách Tụng Thần Chú Dược Sư tại nhà

Thần chú là bí mật của Chư Phật. Bạn có nhân duyên với chú nào thì tụng chú ấy. Đừng nay tụng Lăng Nghiêm, mai tụng Đại Bi, mốt tụng Dược Sư…Tụng tạp loạn như thế không phải không có công đức, nhưng để được cảm ứng thì khó vô cùng. Lại trong pháp tụng chú, tâm chí thành khẩn thiết, thân trang nghiêm thanh tịnh mới là cốt yếu.

Nhiều người tung tà thuyết lầm lạc rằng: “Phải tụng chú Dược Sư tiếng Phạn mới linh”. Không hiểu kẻ tung ra luận điểm này là ai và với mục đích gì? Nhưng Tuệ Tâm dám khẳng định mà không sợ mắc tội vọng ngữ rằng: Bạn tụng bằng tiếng Việt là tốt nhất!

Tại sao thế? Bởi chư Tổ sư lao tâm khổ tứ, không quản gian lao khó nhọc phiên dịch kinh sang tiếng Việt, cốt để cho nhiều người trì tụng. Ta tụng bằng tiếng Việt dễ dàng hơn, nhanh thuộc hơn và dễ nhuần nhuyễn hơn đã đành; Lại được lợi ích lớn là chúng sanh trong các cõi giới khác nghe ta tụng, họ nương về tụng theo sẽ được vô biên lợi ích.

*

Tôi vỡ ra điều này trong một lần cùng Thầy độ một vong linh người Trung Quốc ở Hà Nội. Vong linh này chết từ thời nhà Minh, khi sang xâm lược nước ta. Hôm đó Thầy tôi khai thị mãi mà vong linh chẳng hiểu gì. Sau mới phát hiện ra anh ta là người Trung Quốc nên không thể hiểu được lời khai thị. Cuối cùng Thầy phải dạy va niệm Phật bằng tiếng Việt, không khác chi dạy trẻ lớp mẫu giáo đánh vần. Sáu chữ hồng danh Nam mô A Di Đà Phật mà mất hơn 30 phút va mới lơ lớ niệm tròn câu.

Rông dài như thế để bạn hiểu rằng tụng chú bằng tiếng Việt vô cùng quan trọng với các chúng sanh nơi cõi vô hình. Họ ở Việt Nam thì bạn tụng tiếng Việt là tốt nhất. Đừng ham cao chuộng xa, đừng mê muội cho rằng những điều kỳ đặc là tốt. Cứ chấp vào tiếng Phạn như thế, phụ ơn Phật, ơn Tổ quá lắm!

*

Trở lại với vấn đề về tụng chú Dược Sư tại nhà thì chỉ cần bạn ăn chay, giữ giới, kiêng ngũ vị tân là tụng được. Bạn là người tại gia, cứ thân tâm trang nghiêm thanh tịnh và giữ giới mà trì tụng. Không cần thiết phải nghi thức rườm rà làm chi cả.

Nếu nhà có bàn thờ Phật thì bạn ngồi trước bàn thờ mà trang nghiêm trì tụng. Nếu nhà chẳng có bàn thờ Phật thì bạn lựa lấy một phòng sạch sẽ, yên tĩnh, rồi ngoảnh mặt về hướng Đông mà trì tụng. Tại sao lại quay mặt về hướng Đông? Bởi Ngài Tuyên Hóa dạy: “Đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai chính là đức Phật A Súc ở phương Đông của thế giới này.” Bạn tụng chú của Ngài thì ngoảnh mặt về cõi giới của Ngài cho tâm được quy nhất.

Trong Kinh Dược Sư tôi thấy đức Bổn Sư có dạy về nghi thức Cúng dường Phật Dược Sư. Lại thấy Ngài đặc biệt nhấn mạnh đến công đức trì tụng danh hiệu của đức Phật Dược Sư. Có lẽ ý Thế Tôn muốn chúng ta thường ngày trì niệm danh hiệu của đức Dược Sư Như Lai để được tiêu tai tăng thọ, lìa xa mọi khổ nạn. Nếu bạn có nhân duyên với Ngài, ngoài thời gian trì tụng Chú Dược Sư ra thì nên niệm danh hiệu của Ngài, lợi lạc vô cùng!

Tụng Chú Dược Sư nên Niệm thêm danh hiệu Phật Dược Sư

Niệm danh hiệu Dược Sư Phật được vô lượng vô biên công đức. Hết thảy đều do bổn nguyện của Ngài muốn cứu độ mười phương chúng sanh. Trong kinh dạy rất rõ ràng, bạn nên đọc một lần để nắm rõ hơn. 

Hòa Thượng Tuyên Hóa cũng đặc biệt coi trọng việc niệm danh hiệu đức Phật Dược Sư, Ngài bảo: “Tại Vạn Phật Thánh Thành, cứ mỗi buổi sáng chúng ta niệm danh hiệu đức Lưu Ly Quang Như Lai, đó là để hồi hướng công đức cho các vị hộ pháp tại đây được giải trừ tai nạn và được thọ mạng lâu dài. Buổi trưa, chúng ta niệm đức Phật Thích-ca, bởi Ngài đã truyền lại Phật Pháp cho chúng ta, nên chúng ta phải niệm Ngài để báo ơn Phật. Buổi tối, chúng ta niệm đức Phật A-di-đà, vị giáo chủ cõi Cực Lạc phương Tây, nhằm mục đích tối hậu là được vãng sanh về thế giới Cực Lạc.

Ở nơi này không có ba đường ác, không có các thứ khổ, chỉ có các thứ vui. Nơi đó, không ưu không sầu, không phiền não. Còn như, cảnh Ta-bà thì không ngày nào là không có rắc rối, biết bao nhiêu phiền não xâm chiếm khiến cho tâm của quý vị phát sinh bao nỗi bất bình. Thế giới Cực Lạc và thế giới Lưu Ly đều không có những vấn đề như vậy.

*

Không phải Vạn Phật Thánh Thành tự cho mình là đúng, có điều buổi sáng sớm chúng ta nên theo lời nguyện tiêu tai diên thọ của Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, đặng chúng ta được bồi bổ thêm sinh khí, chẳng phải loại sinh khí của những người nổi nóng, mà là loại vượng khí của buổi ban mai, giúp cho cây cỏ tươi tốt, cho dòng suối tuôn trào.

Buổi sớm thức dậy, ai nấy đều cảm thấy nguồn sinh lực dồi dào, mọi thứ đều cát tường như ý. Tới trưa, chúng ta phải tỏ lòng thành kính tri ân đức Phật Thích-ca vì Ngài đã để lại cho thế gian Phật Pháp và Kinh điển. Đó là lúc niệm Thích-ca Mâu-ni Phật. Buổi tối, chúng ta quy hướng về thế giới Cực Lạc, nơi vãng sanh, lìa cõi Ta-bà, do đó chúng ta niệm đức Phật A-di-đà. Đó là các khóa trình áp dụng tại Vạn Phật Thánh Thành, không hoàn toàn giống như tại các đạo tràng khác.”

Thần Chú Dược Sư 108 Biến Thầy Thích Trí Thoát Tụng

(Cách tụng Thần Chú Dược Sư)

Tuệ Tâm 2021.

Sưu Tầm Bởi Tuệ Tâm Admin ( https://kinhnghiemhocphat.com/ )

Xem Thêm:   Nghi thức niệm Phật hàng ngày tại nhà quý Phật tử nên biết

70 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog