Pháp Giới 5 tháng trước

Biết trước ngày giờ y nguyện vãng sanh lưu lại hương thơm trên cơ thể

Ba chuyện vãng sanh dưới đây của Sư cụ Liễu Thoàn tường thuật. Sư cụ tự nói rằng, những người tu Tịnh Độ lúc lâm chung, có thực nghiệm là được vãng sanh.

Những sự tích của các vị tu Tịnh Độ được vãng sanh mà chúng ta đã đọc được, hầu hết là trích dịch ở sách Trung Quốc, mà những vị được vãng sanh kia là người Trung Quốc. Người nước ta tu Tịnh Độ, từ xưa đến nay há lại không có người được vãng sanh ư? Nếu có, sao không thấy sách nào ghi đến? Có vãng sanh và được chép vào sách là hai chuyện.

Từ xưa đến nay, người nước ta tu Tịnh Độ được vãng sanh rất nhiều, nhưng vì thiếu sót sự ký lục, thiếu sự lưu truyền, nên dù có nhiều mà ít người được biết. Có biết cũng cho riêng nhóm người được biết đến, nhưng rồi nó cũng theo thời gian mà phai lần.

Chính tôi cũng từng nghe biết nhiều người tu Tịnh Độ, khi lâm chung có chứng nghiệm chắc chắn được vãng sanh, nhưng vì không ghi chép, không thường lập lại trong trí, nên nay thấy sự khuyết điểm như vừa nói ở trên, muốn tường thuật lại thì đã quên lãng gần hết, hoặc nhớ người mà quên tên họ, năm tháng v.v… Ghi chép mà không rành rẽ tên họ, chỗ nơi, thời làm thế nào để người đọc tin được!

Vài câu chuyện được chép dưới đây may chăng có thể làm tiền phong bổ cứu điều khuyết điểm trên, mà từ đây về sau, lần lượt mọi người đều được đọc những trang tiểu sử vãng sanh có chứng nghiệm của các nhà đạo tâm vì mục đích vị tha tường thuật, để thực nghiệm lời Phật dạy và nảy nở tín tâm của mình.

(Ngày 10 tháng 10 năm Mậu Tý – DL. 1948)

1. NÁN LẠI MỘT NGÀY

Bà Nguyễn Thị Danh, pháp danh Đạt Nhiên, người làng Thanh Hà, hạt Chợ Lớn. Gần 60 tuổi mới phát tâm cầu đạo. Thọ pháp với sư cụ chùa Tôn Thạnh, chuyên tâm tu Tịnh nghiệp. Đến năm Ất Dậu (DL. 1945), năm 68 tuổi, bà nhuốm bệnh, biết trước giờ vãng sanh. Ngày 07 tháng 04, bà sai người đến Chùa Tôn Thạnh thỉnh Sư cụ Liễu Thoàn rằng: “Ngày 08 tháng 04 này, bà theo Phật, xin thỉnh Sư cụ đến ngày đó xuống nhà để bà từ tạ”.

Nhưng vì ngày 08 tháng 04 là ngày lễ Đản sanh của đức Thích Ca, Sư cụ mắc ở Chùa hành lễ, nên thành ra sáng mùng 09 Sư cụ mới xuống đến. Thấy Sư cụ bà mừng rỡ mà bạch rằng: “Từ hôm qua đến nay tôi trông Thầy lắm. Trước khi về Phật, tôi muốn gặp Thầy để tạ từ. Đáng lẽ tôi đã đi từ trưa hôm qua, song vì chờ Thầy nên tôi phải nán lại đến hôm nay. Bây giờ tôi sắp đi xin Thầy hộ cho một biến kinh!”

Sư cụ cùng vài người đệ tử lên trước bàn Phật tụng kinh A Di Đà, vừa xong quyển, thời Bà ngồi chắp tay niệm Phật mà quy Tây. Bà có hai người con trai đều xuất gia, hiện đương coi chùa Linh Phong tại làng Tân Hiệp tỉnh Mỹ Tho.

(Sư cụ Liễu Thoàn – H.T chùa Tôn Thạnh ở Cần Giuộc tường thuật).

2. Y NGUYỆN VÃNG SANH VÀ BIẾT TRƯỚC NGÀY GIỜ VÃNG SANH

Bà Trần Thị Lai, người ở làng Tân Kim, hạt Chợ Lớn. Năm 45 tuổi, phát tâm tu hành. Có lời nguyện rằng: “Con quyết chí tu hành, xin Phật cho con được vãng sanh vào ngày vía đức Phật A Di Đà (17 tháng 11)”. Quả nhiên đến ngày 17 năm Đinh Hợi (DL. 1947), bà niệm Phật mà từ trần. Con cháu của bà đều xuất gia, hiện nay đang tu tại chùa Pháp Tánh (làng Tân Kim, Chợ Lớn).

Xem Thêm:   Những lợi ích của việc lạy sám hối 35 vị Phật

Ông Hồ Văn Định, người làng Long An, Chợ Lớn. Năm 42 tuổi, phát tâm mộ đạo, chuyên ròng niệm Phật tụng kinh. Đến năm mậu Tý (DL. 1948) ngày mùng 03 tháng 09, ông nói trước với vợ con ông rằng: “Đến giờ thân, thời tôi về Phật!”. Thật đến giờ thân ông chắp tay niệm Phật mà vãng sanh.

(Sư cụ Liễu Thoàn – H.T chùa Tôn Thạnh ở Cần Giuộc tường thuật).

3. BÀ LÝ THỊ CÚC VÃNG SANH LƯU HƯƠNG THƠM TRÊN TÓC

Sinh quán tại Bình Tây, Chợ Lớn. Năm 18 tuổi, bà kết duyên cùng ông Trần Thu Cơ, sanh được hai người con trai. Vợ chồng ly dị. Không bao lâu hai người con trai chết, bà vẫn thủ tiết lo buôn bán tự nuôi sống, phát tâm quy y Tam Bảo với Pháp danh Diệu Thu. Rồi lúc ở Huế, lúc ở Chợ Lớn, khi ở Bạc Liêu… Cuối cùng do chiến tranh, năm 1946, bà về Chợ Lớn thuê một ngôi nhà nhỏ gần đình Minh Phụng (đường Chợ Lớn, Phú Lâm) rồi ở đó một mình cho đến ngày rời bỏ cõi trần.

Trải bao phen đau khổ vì gia đình cũng như nỗi tai biến, bà giác ngộ cõi đời là biển khổ, đường đạo là chốn lành. Đạo tâm của bà mỗi ngày thêm mạnh, thêm lớn. Đi chùa lễ Phật cùng cổ xướng những việc cúng dường Tam Bảo là việc làm hằng ngày của bà. Bà thích may phan cúng Phật. Lúc không đủ tiền, bà xin hàng vải của các bà thân hữu, rồi ra công may. Cặp phan dâng vào chùa Hải Ấn trước ngày bà mất hơn một tuần, là cặp phan sau rốt chính tay bà may.
Mùa đông năm 1955, bà tham gia đoàn thể Cực Lạc Liên Hữu ở đạo tràng Vạn Đức, cùng thỉnh sổ Niệm Phật Công Cứ. Từ đó trở đi, bà cần mẫn niệm Phật A Di Đà, tha thiết cầu sanh Cực Lạc thế giới. Người ta thuật lại, có lúc bà lễ Phật, kêu cầu đức Từ phụ A Di Đà thương xót tiếp độ cho bà đến nước mắt ràn rụa, tiếng thổn thức từng hồi trong cổ. Tình cảnh không khác đứa con thơ đang bị nạn mà kêu cầu cha mẹ cứu giúp.

Hạ tuần tháng 11 âm lịch năm Bính Thân (1956), sau khi vãng cảnh Long Hải nước ngọt về bà bị bệnh. Vì thấy bà ở có một mình, ngày 23 Cô Chín, cháu bà rước bà về dưỡng bệnh tại nhà Cô gần chợ Phú Lâm. Trong những ngày nằm bệnh, từ những đồ vật mượn gửi cùng những của riêng, bà dặn dò giao trả cũng như phân chia, tất cả đều rành rẽ. Và cũng trong những ngày ấy, bà niệm Phật rất chuyên cần..

Chiều ngày 30, Cô Hoàng Anh, cháu bà đến thăm, bà nói:

“10 giờ sáng mai dì sẽ về Minh Phụng, không còn ở Phú Lâm đâu”. Đến tối mặc dù bệnh thêm nặng, nhưng bà vẫn niệm Phật không ngớt và có vẻ thiết tha hơn lúc thường.

Sáng sớm ngày mùng 01 tháng chạp sau khi bà ăn xong một chén cháo, thấy tay chân bà lạnh, mấy người đưa bà về nhà riêng của bà ở gần đình Minh Phụng. Được tin, cô hai Diệu Nghiêm lại nhà thay y phục cho bà. Tiếp đến, cô tám Diệu Cúc, cô Diệu Hiếu, cô Diệu Lộc đồng đến niệm Phật trợ duyên cho bà. Bấy giờ, bà nằm ngay thẳng yên lặng để nghe niệm Phật. Một lát sau, Thầy trụ trì Phước Cần đi tới với hai học Tăng đến khai kinh A Di Đà. Khi tụng đến đoạn: “Tùng thị Tây Phương quá thập vạn ức Phật độ, hữu thế giới danh viết Cực Lạc…”, thời bà hơi động hai vai rồi tắt thở một cách rất êm ái, thân vẫn nằm yên như ngủ. Lúc bấy giờ là 10g sáng. Mọi người vẫn tiếp tục niệm Phật. Sau khi mất, sắc diện của bà tươi tắn khác thường, nét mặt vui vẻ như cười.

02 giờ chiều hôm ấy, bà hội đồng Thánh từ Vũng Tàu về, rồi cùng với cô hai Diệu Nghiêm y theo lời trong kinh luận mà khám hơi nóng trong thi hài, thời cả mình đều lạnh, chỉ đỉnh đầu là còn nóng. 04 giờ, cô hai Diệu Nghiêm thấy tóc bà hơi rối, nên lấy lược gỡ, thoạt trong tóc có mùi thơm, cô gọi các bà đến khoe sự ấy.

Xem Thêm:   Hết bị bóng đè nhờ niệm Phật

Giờ ngọ ngày mùng 02, làm lễ nhập mạch, cách giờ bà mất đã 26 tiếng đồng hồ, mà nét mặt bà vẫn tươi vui, da mặt trắng như đánh phấn, có phần nở nang xinh đẹp hơn lúc còn sống, toàn thân không có chút mùi hôi, gối chiếu vẫn khô ráo không âm ỷ. Người đến dự lễ ai cũng khen là rất ít có. Cho đến những người từ trước rất sợ thây người chết, mà cũng muốn nhìn gương mặt của thi hài bà.

Sau khi kiểm lại đồ vật riêng của bà, thời thấy cuốn sổ Niệm Phật Công Cứ đã chấm đầy 5 trương (Mỗi trương 378.000 câu hiệu Phật). Bà thọ được 73 tuổi.

(Sư cụ Liễu Thoàn – H.T chùa Tôn Thạnh ở Cần Giuộc tường thuật).

Ba chuyện vãng sanh trên đây của Sư cụ Liễu Thoàn (Hoà Thượng chùa Tôn Thạnh ở Cần Giuộc) tường thuật. Sư cụ tự nói rằng, những người tu Tịnh Độ lúc lâm chung, có thực nghiệm là được vãng sanh. Sư cụ tường thuật đây, đều là tận mắt Sư cụ được thấy trong khi Sư cụ đến hộ niệm. Ngoài ra, Sư cụ còn thuật thêm bảy người nữa, như ông Nguyễn Văn Xá (làng Duy Đức) niệm Phật chờ mây trắng đến mà từ trần; Cô Nguyễn Thị Sao (Làng Mỹ Lệ), trước giờ lâm chung thấy ba lần mống bạc xẹt ngang mình từ Đông sang Tây v.v…

Ôi! Sanh không biết từ đâu đến, chết không biết sẽ về đâu. Hãi hùng kinh sợ, giật mình lăn lộn, mắt trợn ngược, miệng méo xếch, ngợp hơi, cứng lưỡi, chân rút, tay vin v.v… kể sao cho hết cảnh trạng thống khổ trong khi sắp chết của một phần đông trong số người cả đời không biết gì là điều lành, là đạo đức.

Muốn “Tử an”, há lại dễ được lắm ư!. Câu “Tử khổ” từ xưa đức Phật đã từng răn nhắc! Muốn khỏi “Tử khổ” phải làm thế nào?

Kinh nói: “Khi con người sắp chết, thời tất cả cảnh tượng của những điều ác hay lành trọn trong đời của người đó gây tạo đều tuần tự phô diễn lại trong trí của người đó. Nếu cảnh dữ thời sẽ chết một cách đau khổ, sợ sệt; còn cảnh lành thời đi một cách an vui vững vàng”.

Biết trước ngày giờ mình sẽ từ giã thân ô trược này, khi đi thong dong tự tại, là những điều lành dành riêng cho những người hành đạo chân chính và đã đắc lực, mà dễ được nhất là người tu về pháp môn Tịnh độ (niệm Phật cầu vãng sanh Cực Lạc).

Ngày thường đã tu Tịnh Độ, thời là đã vun trồng chánh nhân Tịnh Độ. Nhân lành thời có kết quả lành. Trong kinh đức Phật có dạy:

“Này Xá Lợi Phất! nếu có người đã phát nguyện, đang phát nguyện, sẽ phát nguyện muốn sanh về cõi Cực Lạc của đức Phật A Di Đà… nơi cõi kia hoặc đã sanh về rồi, hoặc hiện nay sinh về, hoặc sẽ sanh về”… Lời của đức Phật, đấng Thiên nhân sư phán ra, quyết định là đúng thật. Đó là điều mà từ xưa đến nay, người có chánh tín, không ai là không công nhận pháp môn Tịnh độ (niệm Phật A Di Đà cầu sanh về Cực Lạc) là pháp môn vừa thù thắng nhất, vừa giản tiện nhất. Đó là lời các vị Tổ sư thường nói.

Thù thắng nhất, vì người tu Tịnh độ mau chứng bậc “Bất thối”, mau “Thành Phật” cho đến Ngài Phổ Hiền, Ngài Văn Thù là bậc Pháp Vương Tử mà còn nguyện sanh thay! Giản tiện nhất, vì mọi người bất luận là trí, ngu, nam, nữ đều có thể thực hành và đều có thể thành tựu.

Xem như nguyện của bà Danh v.v… đến già mới phát tâm. Thời gian tu hành không bao lâu, mà đều có phần tự tại an vui khi lâm chung: người thời ngừng sự chết lại, người thời y như chỗ mình nguyện cầu, người biết rõ giờ khắc… Những sự tự tại an vui khi lâm chung của người tu Tịnh độ, là thoại ứng được vãng sanh về cõi Tây Phương Cực Lạc vậy.

Xem Thêm:   Luận Bảo Vương Tam Muội Niệm Phật Trực Chỉ PDF

Người tu Tịnh độ được như thế là do nhờ sức đại nguyện của đức Phật A Di Đà nhiếp thọ. Trong kinh Vô Lượng Thọ Phật, đức Phật A Di Đà khi tu hạnh Bồ tát, có phát 48 điều đại nguyện để nhiếp thọ chúng sanh. Ngài đã thực hành đầy đủ 48 điều đó, và hiện tại cũng như vị lai, Ngài vẫn dùng 48 điều đại nguyện đó tỏa khắp pháp giới để tiếp độ muôn loài.

Lời phụ:

Xét tình hình khi sắp mất và sau khi mất, bà Diệu Thu có nhiều điểm chứng nghiệm được vãng sanh Cực Lạc.

Những ngày bệnh cho đến giờ tạ thế, bà không ngớt niệm Phật, bệnh càng nặng sự niệm Phật của bà càng thành khẩn. Đây là điểm “Chánh niệm vững vàng”.

Sau khi mất đến 26 tiếng đồng hồ, thi hài bà vẫn không thay đổi, như người nằm ngủ, lại thêm có phần tươi vui nhuần thắm hơn lúc bà còn sanh tiền. Đây là điểm “Thiện căn, thiện quả”.

Sau khi mất, trong tóc bà phất ra mùi thơm như mùi trầm, đây là điểm “Tịnh nhơn, tịnh báo”.

Cả mình lạnh, đỉnh đầu nóng sau cùng. Đây là điểm chứng cứ được vãng sanh cụ thể nhất. Vì y theo kinh luận, thời thân thể người chết, nếu đỉnh đầu nóng sau rốt, khi cả mình đều lạnh, thời đó là một vị đã siêu phàm nhập Thánh. Người được vãng sanh Cực Lạc không luận hạng nào, dù là bậc tối Hạ phẩm đều dự vào hàng Thánh giải thoát cả.

Ôi! Với thân thể một phụ nhơn cư sĩ, bà Diệu Thu đã nhờ công phu niệm Phật theo châm ngôn: “Lánh dữ làm lành, tin sâu nguyện thiết” mà được hiện đời vượt khỏi vòng sanh tử luân hồi, siêu sanh Tịnh độ. Thế là bà đã hân hạnh được ở cõi Phật, thường được gần Phật A Di Đà, cùng Quán Thế Âm, Đại Thế Chí, chư Đại Bồ tát Thượng thiện, và bà đã dự được hàng Thánh Đại thừa thành bậc Bất thối chuyển.

Thế mới biết rằng, nguyện lực của Phật A Di Đà thật rõ là từ bi bất tư nghị; pháp môn niệm Phật rất hợp với căn cơ của nhân loại, rất giản tiện dễ tu, mà công lại cao, quả lại lớn.

Những ai có chí siêu phàm, muốn giải thoát cho mình, cho người, cho muôn loài, thiết tưởng chỉ nương theo pháp môn niệm Phật cầu sanh Tây Phương, mới có thể được toại nguyện mà thôi.

Như trong kinh Đại Tập Nguyệt Tạng, đức Thích Ca Mâu Ni Phật đã từng bảo: “Trong thời mạt pháp, chúng sanh chỉ nương pháp môn niệm Phật A Di Đà mà ra khỏi luân hồi”.

Kinh Bát Nhã, đức Thích Tôn bảo Ngài Văn Thù Sư Lợi Bồ tát: “Xưng danh hiệu của A Di Đà Phật, thời mau được quả Vô Thượng Bồ đề…”. Và Ngài văn Thù Sư Lợi Bồ tát đã đem lời của Đức Thế Tôn truyền lại cho Pháp Chiếu Đại Sư: “Muốn mau thành Phật, không gì bằng chuyên niệm Phật A Di Đà…”.

Sau rốt xin chép lời của đức Bổn sư thọ ký trong Kinh Tiểu Bổn để làm lời kết của bài này: “Nếu có người hoặc đã phát nguyện, sẽ phát nguyện, muốn sanh về cõi Cực Lạc của Phật A Di Đà, những người ấy đều được chẳng thối chuyển nơi đạo Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, nơi cõi Cực Lạc, hoặc đã sanh, được sanh, sẽ được sanh”.

(Trích “Hương Sen Vạn Đức” – Tác giả: H.T Thích Trí Tịnh).

(Thiện Như sưu tầm)

Nam Mô A Di Đà Phật – Xin thường niệm _()_

Hy vọng ai ai cũng hiểu được những đạo lý này, tin hiểu và thực hành, mãn kiếp người đồng vãng sanh thế giới Cực Lạc!

Nguồn: Tâm Hướng Phật ( https://tamhuongphat.com/ )

2 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog