Pháp Giới 11 tháng trước

Bệnh tật từ đầu mà có? Vì sao người mắc bệnh nặng, người khỏe mạnh?

Bệnh tật từ đầu mà có? Đức Phật dạy bệnh tật cũng do nhân quả sinh ra, do nghiệp lực tác thành, do thừa tự các nghiệp xấu ở quá khứ. Nghiệp xấu ở đây chủ yếu là do não hại, đánh đập, hành hạ các loài hữu tình, không tu dưỡng tâm từ.

Tất cả chúng ta đều quan tâm đến sức khỏe vì đây là giá trị của con người. Tuy nhiên trong cuộc sống vẫn có những người mắc phải trọng bệnh ở mọi độ tuổi, có những người vẫn có cuộc sống rất an lạc và khỏe mạnh. Con người hiện đại cần phải chăm sóc những giá trị quý giá của mình như thế nào?

1. Bệnh tật do đâu mà thành?

Với Phật giáo, Đức Phật được biết đến như là Vị Lương Y Có Một Không Hai bởi vì sự quan tâm sâu sắc của Ngài đối với sức khỏe tinh thần không chỉ của ngài mà của còn đối với vạn loài chúng sinh, sự giác ngộ của ngài về căn nguyên của bệnh tật, và chánh pháp mà ngài dạy để chữa trị, giống như lương dược để phòng hộ, ngăn ngừa, và điều trị phục hồi.

Trong nhiều bài kinh chúng ta cũng thường thấy hình ảnh Đức Phật bị bệnh tật, bị thọ bệnh. Đúng vậy đã có thân thì phải có bệnh. Vậy bệnh từ đâu đến? Đức Phật dạy bệnh tật cũng do nhân quả sinh ra, do nghiệp lực tác thành, do thừa tự các nghiệp xấu ở quá khứ. Nghiệp xấu ở đây chủ yếu là do não hại, đánh đập, hành hạ các loài hữu tình, không tu dưỡng tâm từ (Kinh Trung bộ, kinh Tiểu nghiệp phân biệt, số 135). Nghiệp nhân gây bệnh tật có cũ và mới. Nghiệp cũ thì như đã nói, nghiệp mới có thể là tiếp tục bức hại sinh vật hoặc do các hành vi lối sống không lành mạnh góp phần gây ra tật bệnh.

Bệnh do nghiệp mà sinh, muốn hết bệnh thì phải chuyển nghiệp. Đi khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế hợp pháp là cách chuyển nghiệp đầu tiên. Tại đây, bác sĩ sẽ chỉ ra bệnh trạng, các nguyên nhân gây bệnh (di truyền, ăn uống, lối sống v.v…), cách chữa lành bệnh. Tuân thủ theo phác đồ điều trị và các hướng dẫn của bác sĩ chính là cách chuyển hóa bệnh nghiệp.

Tuy nhiên, ngành y khoa không phải toàn năng nên có bệnh thì chữa lành, có bệnh chỉ chữa bớt vài phần, có bệnh thì chờ… nghiên cứu thêm. Thế nên, người Phật tử khi mang bệnh, ngoài trị liệu theo y khoa cần gia tâm sám hối, làm thiện để hồi hướng công đức, đây là cách chuyển nghiệp tiếp theo. Sám hối để tiêu trừ oan nghiệp đã tạo trong quá khứ. Làm thiện để vun bồi thêm phước báo hiện tại. Khi tội diệt, phước sinh thì góp phần tích cực cho việc chuyển hóa bệnh tật và các điều không như ý khác trong cuộc sống.

Tùy theo mức độ nặng nhẹ của nghiệp cũ và nghiệp quả xấu ấy đã chín muồi hay chưa để biết quá trình chuyển hóa bệnh nghiệp thành công được nhiều hay ít (bệnh có chữa lành hay không). Bởi khi nghiệp quả xấu đã đến gần với cường độ mạnh mẽ thì rất khó để hóa giải, nói cách khác là không ai có thể cứu được.

Xem Thêm:   Cận tử nghiệp là gì? Cận tử nghiệp đáng sợ vô cùng

Người Phật tử có chánh kiến cần nhận thức các vấn đề liên quan đến bệnh nghiệp theo quy luật nhân-duyên-quả. Tránh các niềm tin sai lạc, tà kiến, rơi vào mê tín, cầu cúng để cầu mong khỏi bệnh chỉ tiền mất tật mang.

2. Vì sao có người mắc trọng bệnh, người lại sống khỏe mạnh?

Do nghiệp trong các kiếp sống quá khứ, thân thể chúng ta mỗi người mỗi khác, cả về biểu hiện bề ngoài và cấu trúc cơ thể. Thân thể con người là phương tiện để qua đó, chúng ta tiếp xúc với thế giới, đồng thời là nơi biểu hiện của tâm mình. Là công cụ quan trọng như vậy, nên chúng ta cần quan tâm đúng mức đến thân thể, như không hủy hoại thân thể bằng thức ăn độc hại, uống rượu, hút thuốc hay có lúc quá sa đà vào ăn uống hoặc có khi nhịn đói đến rã ruột.

Ngay cả trạng thái giác ngộ, mục đích cao nhất trong Phật giáo, cũng không thể thành tựu được trong một thân thể kiệt sức vì khổ hạnh ép xác. Kinh nghiệm cá nhân của đức Phật là một bằng chứng sinh động. Rõ ràng có sự liên hệ mật thiết giữa thân và tâm. Một tinh thần minh mẫn chỉ có trong một thân thể tráng kiện, đầy đủ sức khỏe và các chức năng của những cơ quan trong cơ thể vận hành hoàn hảo.

Theo Phật giáo, một cuộc sống chỉ hướng đến tự thỏa mãn hay tự chìm đắm trong dục lạc thì không đáng sống tí nào. Phật giáo do đó khuyến khích chúng ta sử dụng thân thể mình cho mục đích sống cao hơn, đặc biệt là để thành tựu mục đích cao nhất là thành tựu Niết bàn, giải thoát khỏi vòng luân hồi sinh tử. Sống đạo đức và thực hành thiền định thường xuyên sẽ giúp chúng ta tự kiểm soát tốt về tâm ham muốn, cảm thọ và tự ngã có tính bản năng của mình.

Một thân thể khỏe mạnh được thiết lập trên sự vận hành bình thường của cơ thể và sự hòa hợp trong mối quan hệ hữu cơ giữa các cơ quan bên trong. Khi một trong những cơ quan của cơ thể không vận hành hay suy nhược, bệnh tật sẽ phát sinh.

Cơ thể, cũng giống như tất cả các hiện tượng khác, luôn trong trạng thái thay đổi, suy thoái và hư hoại. Do vậy, sức khỏe của cơ thể cũng không thể duy trì mãi mãi. Một cơ thể hoàn toàn khỏe mạnh và lúc nào cũng không bệnh tật là điều không thể được.

Cơ thể sống con người dễ dàng sinh bệnh. Điều này có thể xảy ra trong bất cứ giai đoạn nào của cuộc đời. Bệnh là một dấu hiệu nhắc chúng ta ý thức hơn về sự mong manh của kiếp người. Điều này ngầm ý rằng hoàn toàn khỏe mạnh là điều không thể có được.

Do đó, sự bình an của con người không có nghĩa là phải vắng mặt tất cả khổ và đau trong cuộc sống, mà bình an nằm ở chỗ biết cách thỏa hiệp với đau và khổ, làm thế nào để sử dụng nó như là một bệ phóng giúp mình thăng hoa và có sự hiểu biết thông cảm với người khác.

Xem Thêm:   Những câu chuyện về sự linh ứng của Quán Thế Âm Bồ Tát
3. Phương pháp tuyệt vời làm chủ bệnh tật

Trong nhiều bài kinh chúng ta cũng thường thấy hình ảnh đức Phật bị bệnh tật, bị thọ bệnh. Đúng vậy đã có thân thì phải có bệnh. Đức Phật dạy bệnh tật cũng do nhân quả sinh ra, do nghiệp lực tác thành.

Sau khi đọc qua bài Kinh Miếng Đá Vụn, chúng ta sẽ thấy được một hình ảnh mô tả rất cụ thể và sinh động về một sự việc xảy ra khi chân của Thế Tôn bị miếng đá bể đâm phải vào chân.

Đó là một sự việc rất thường tình, rất bình thường, rất giản dị của Đức Phật trong những lúc Ngài bị những chướng ngại ác pháp của môi trường nhân quả tấn công vào xác thân vô thường.

Những lần Đức Phật bị những cảm thọ trên cái thân tứ đại vô thường này, thì tâm tư của Thế Tôn không hờ biểu lộ một chút sợ hãi hoặc lo lắng gì cả.

Về thân thì những cảm thọ rất đau đớn khốc liệt đang hoành hành liên tục hiện hữu trên xác thân của Phật, mà về tâm thì Thế Tôn chỉ hướng đến đó là chính niệm tỉnh giác.

Chúng ta hãy xem cách thức, phương pháp Đức Phật làm chủ vượt qua những cảm thọ của bệnh tật “Cảm thọ Thế Tôn mãnh liệt. Thân cảm thọ khổ đau, nhói đau, nhức nhối, khốc liệt, không khoái tâm, không thích thú. Nhưng Thế Tôn chánh niệm tỉnh giác, nhẫn chịu, không phiền não”.

Phương pháp mà Đức Phật làm chủ bệnh, vượt qua bệnh tật đó là Phật chỉ dùng phương pháp Chánh Niệm Tỉnh Giác. Trên thân này dù cảm thọ đau đớn khốc liệt đến đâu thì Ngài vẫn không hờ sợ hãi, vẫn không hờ lo lắng, vẫn không hờ bị tác động, vẫn không hờ bị chi phối bởi những cảm giác, cảm thọ đau đớn khốc liệt đang hiện hữu trên thân của Ngài.

Đời sống sinh hoạt của đức Phật rất bình thường. Hằng ngày, đức Phật vẫn sống một đời sống phạm hạnh trong sạch hoàn toàn. Sống với ba y một bát, ngày ăn một bữa, không cất giữ tiền bạc, đức Phật là một du tăng khất sĩ nên không có nơi nào là chùa, tịnh xá, để Ngài làm trú xứ lâu dài, Ngài thường đi du tăng từ chỗ này đến chỗ kia để đem giáo pháp giác ngộ sự thật của khổ đau đến cho chúng sanh có đầy đủ nhân duyên tiếp nhận chánh pháp.

Qua đó chúng ta cũng thấy rõ ràng sinh hoạt thường nhật của Phật rất giản dị bình thường. Cứ mỗi buổi sáng Phật vào làng khất thực xin ăn, khi dùng cơm xong Ngài đi rửa bình bát, rồi Ngài đi kinh hành thư giãn, nghỉ ngơi để cho cái thân xả nghỉ.

Đến đầu giờ buổi chiều, buổi tối, khuya. Ngài thường giảng dạy thuyết pháp về giáo lý trung đạo như giáo lý nhân quả, giáo lý vô thường vô ngã, Tứ Diệu đế, thập nhị nhân duyên, Bát chánh đạo, ngũ căn, ngũ lực, tứ chánh cần, tứ như ý túc, tứ niệm xứ và bảy bồ đề phần.

Ngài nói pháp giảng dạy cho các hàng đệ tử xuất gia, cư sĩ tại gia hoặc thuyết pháp cho những ai (ngoại đạo bà la môn) có nhu cầu muốn nghe pháp hoặc chất vấn, cho dù có một người muốn đến thưa hỏi pháp thì Ngài vẫn thuyết pháp. Đức Phật thuyết những pháp mình đã tu tập, đã chứng ngộ từ sơ thiện, trung thiện và hậu thiện trình bày đầy đủ ý nghĩa rõ ràng mạch lạc và nêu rõ phạm hạnh một cách trong sạch thanh tịnh hoàn toàn.

Xem Thêm:   Cảnh giới ở bên ngoài ác duyên nhiều hơn thiện duyên

Có một hình ảnh rất giản dị đến nỗi chúng ta cảm nhận rằng đức Thế Tôn là một người rất gần gũi, và thực tế. Mỗi khi bị bệnh tật đau nhức thì Ngài trải y nằm kiết tường với tâm tư luôn luôn chánh niệm tỉnh giác “Rồi Thế Tôn cho trải áo Sanghàti (Tăng-già-lê) xếp tư lại, nằm xuống phía hông bên phải như dáng điệu con sư tử, chân đặt trên chân, chánh niệm tỉnh giác”.

Đức Phật nằm nghiêng bên phải với dáng điệu con sư tử, với tâm tư luôn luôn chánh niệm tỉnh giác. Cho dù bị đớn đau, nhứt nhối cả thân, còn tâm tư không thoải mái, không an lạc gì cả nhưng đức Phật vẫn nằm kiết tường, chứ không nằm ngửa, nằm kiểu sấp giống như người phàm phu.

Dáng điệu nằm kiết tường là một trong những oai nghi chánh hạnh của người xuất gia, dáng nằm kiết tường là một kiểu nằm rất kín đáo, đẹp đẽ, và phù hợp với người xuất gia tu hành giải thoát, dáng nằm này nói lên được một người đã lìa xa, buông bỏ sạch các dục vọng tham muốn của thế gian.

Đức Phật vẫn nằm kiết tường kham nhẫn, vui vẻ, và bằng lòng đón nhận cái đau đớn của thân nhân quả này. Chính nhờ hiểu được như vậy tâm Ngài không hờ phiền não, không hờ sân si, không hờ sầu muộn với những cảm giác đang đau đớn khốc liệt.

Đó là cách thức Đức Phật làm chủ bệnh, vượt qua bệnh khổ. Nhờ vậy mà tâm tư Ngài luôn hướng về tâm giải thoát vô lậu. Tâm giải thoát vô lậu đó là tâm bất động, thanh thản và an lạc vô sự. Cho nên Ngài lúc nào cũng thường xuyên răn dạy cho học trò của mình.

“Vui thay, chúng ta sống,
Không bệnh, giữa ốm đau!
Giữa những người bệnh hoạn,
Ta sống, không ốm đau.” (kinh PHÁP CÚ)

Đó là một tinh thần trong sáng đầy lạc quan của Đức Phật. Lúc Ngài ốm đau nhưng Ngài không hờ phiền não, không hờ sân si nổi giận trước bệnh tật, cảm thọ. Cho nên Ngài không bao giờ sợ bệnh đến. Ngài đã hiểu tính chất vô thường sinh diệt, hợp tan của các pháp, thì có gì đâu mà Ngài lại sầu ưu, phiền não trước bệnh tật?

Chính Ngài đã hiểu tính chất sinh diệt “Các pháp tự duyên sinh, các pháp tự duyên diệt”. Mà cái “ nhân quả của các pháp là vô thường”, bệnh tật cũng là một trong những pháp vô thường, sinh diệt, hợp tan. Nếu đủ duyên hợp thì bệnh đến và nếu hết duyên hợp thì bệnh cũng đi.

Do hiểu được tính chất nhân quả vô thường, hợp tan, sinh diệt như vậy, tâm tư đức Phật không bị cảm thọ của trọng bệnh chi phối, tác động làm cho sầu ưu, khổ sở, phiền hà chi cả.

Tâm Hướng Phật/Tổng hợp!

Nguồn: Tâm Hướng Phật ( https://tamhuongphat.com/ )

8 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog