Pháp Giới 10 tháng trước

Bát quan trai giới là gì? Ý nghĩa của Bát quan trai giới trong Phật giáo

Bát quan trai giới là gì? Bát quan trai giới là một phương pháp tu hành của người tại gia thọ trì 8 giới, áp dụng trong một ngày một đêm (24 giờ).

Bát quan trai giới là gì?

Bát Quan Trai giới là một phương pháp tu hành mà Đức Phật đã hướng dẫn cho Phật tử tại gia. Những người cư sĩ với nhiều điều phải giải quyết trong cuộc sống hàng ngày, khiến đời sống tu tập giải thoát trở nên khó khăn hơn rất nhiều.

Mục đích của việc tu tập Bát Quan Trai là giúp quý Phật tử hiểu được những giá trị đạo đức và áp dụng nó vào cuộc sống đời thường, mang đến nhiều điều tốt đẹp cho bản thân và những người xung quanh.

Ngoài ra, phương pháp này cũng giúp quý Phật tử có cái nhìn rõ hơn về đời sống của một tu sĩ, những phẩm chất, những lý tưởng cao quý mà phát tâm xuất gia để phụng sự nhân sinh.

Bát Quan Trai (tiếng Phạn: Upavasatha; tiếng Pali:Uposatha) theo nghĩa đen là tám điều kiêng cữ, như là tám cửa ải chận đứng các pháp bất thiện. Có nghĩa là trì giới sẽ làm phát triển phần thanh tịnh, những phẩm chất tốt đẹp bên trong.

Phật tử chúng ta ai cũng biết nghĩa hai chữ Hán Việt: Bát là tám, Quan là cửa, còn chữ “trai” hay “chay” nguyên chữ Phạn là Posadha, có nghĩa là khi đã qua giờ Ngọ (12 giờ trưa) thì không ăn nữa.

Giới Bát Quan Trai chính xác được gọi là Giới Cận Trụ, nghĩa là sống gần đời sống xuất gia, gần chùa chiền và gần nơi thanh tịnh. Tập quen với đời sống thanh tịnh để thấy được giá trị cao quý của Phật pháp.

Bát Quan Trai cũng còn gọi là Bát Trai Giới, Bát Chi Trai hay gọi tắt là Bát Giới (tám giới), có nghĩa là tám cửa ngăn cản không làm tội lỗi, tập tu trọn một ngày một đêm trong chùa. Ðức Phật hướng dẫn Bát Quan Trai để cho hàng cư sĩ tại gia thực hành hạnh xuất gia, tập lần xuất gia thật sự.

Tám giới tức là tám điều quy định của nhà Phật, cũng chính là tám giới mà Phật tử sau khi đã thọ lãnh thì giữ không cho phạm, giới là làn ranh giữa thánh thiện va tội lỗi.

Thông thường thì Phật tử hiểu Giới là những điều ngăn cấm, nhưng ý nghĩa chính Giới là phẩm giá của con người. Trì giới tức là giữ gìn cái phẩm chất đạo đức của mình, giữ giá trị con người của mình.

Người Phật tử thọ giới rồi vẫn có thể phạm rất nhiều, nhưng biết là phạm thì phải sửa. Không ai sinh ra mà đi được liền, nhưng bản năng té thì đứng dậy. Vì vậy, từ bước đi căn bản Ngũ giới chúng ta nâng cao lên một bậc nữa là Bát Quan Trai giới.

“Bát” là tám, “Quan” là cửa, cửa ngăn chặn 8 điều tội lỗi. “Trai” nghĩa là khi đã qua giờ ngọ (12 giờ trưa) không được ăn. Vậy “Bát quan trai giới” là sự giữ gìn cho thân tâm được thanh tịnh trong 24 giờ bằng cách ngăn chặn 8 điều tội lỗi:

  1. Không sát sinh;
  2. Không trộm cướp;
  3. Không dâm dục;
  4. Không nói dối;
  5. Không uống rượu;
  6. Không trang điểm, dầu thơm, múa hát và xem múa hát;
  7. Không nằm ngồi giường cao rộng đẹp;
  8. Không ăn quá giờ ngọ;

Theo HT.Thích Tuệ Sỹ: “Bát quan trai, theo nghĩa đen là tám điều kiêng cữ, như là tám cửa ải chận đứng các pháp bất thiện. Giới bát quan trai chính xác được gọi là giới cận trụ. Nghĩa là, sống gần đời sống xuất gia, gần chùa chiền, gần nơi thanh tịnh. Tập quen với đời sống thanh tịnh. Còn cao hơn nữa, cận trụ được hiểu là tập sống gần đời sống một vị A La Hán, là bậc Thánh xuất thế gian.

Ngoài nghĩa cận trụ, giới bát quan trai còn được gọi là giới bố tát hay trưởng tịnh: trì giới làm phát triển phần thanh tịnh, những đức tính tốt trong mình.

Cùng một chữ nhưng hai nghĩa: cận trụ, sống gần gũi đời sống cao thượng của một bậc Thánh. Với người xuất gia tất cả giới luật là khuôn mẫu đạo đức đều noi gương đời sống của một vị A La Hán. Mặc dù tâm tư của người ấy có thể còn nhiều hờn giận, ham muốn, nhưng bên ngoài, đi đứng nằm ngồi, tác phong đạo đức thường xuyên noi theo gương mẫu của Thánh nhân, học tập theo Thánh nhân. Người tại gia không thể làm được như vậy, mà chỉ có thể tập gần, tập làm quen. Gần như vậy sẽ thấy có một niềm tin rằng thế gian này chắc chắn có bậc thánh, có vị A La Hán, là bậc Chân nhân đạo đức toàn vẹn, dứt sạch tham, sân, si; sống luôn luôn an lạc, không còn bị chìm đắm trong cõi luân hồi đau khổ. Đó là niềm tin hướng thượng, từ đó mà tìm thấy ý nghĩa và hướng đi cho đời sống của mình.

Xem Thêm:   Lời khấn nguyện rất hay cho gia đình bạn đọc mỗi ngày

Từ chỗ tin tưởng này, có thể phát triển tính lành, không cần cấm sát sanh, không cần cấm trộm cắp, mà tự nhiên mình sẽ không làm việc đó vì tin tưởng có một giá trị rất cao mà mình đang học. Đó là nghĩa tích cực của giới. Cho nên, giới không đơn giản có ý nghĩa tiêu cực là sự cấm đoán. Tuy rằng, khi học giới người học được dạy là không nên làm điều này, hãy nên làm điều kia.

Người khôn ngoan, có trí trong đời, biết rõ đâu là con đường chí thiện, là đường tốt để mình đi. Đâu là con đường xấu, tự mình tránh; không cần ai cấm. Đó là học giới cho người hiểu biết; có trí tuệ. Còn đối với người không đủ năng lực để phân biệt những gì là cao thượng và thấp kém, thì những sự cấm cản là cần thiết. Như người lớn khôn ngoan khi thấy lửa, thấy thuốc độc, không bao giờ thò tay lấy và sử dụng một cách vô ý thức. Nhưng trẻ nít hay người chưa hiểu biết thì gặp gì cũng ăn, cũng uống, rất nguy hiểm. Với những người như vậy tất nhiên cần phải có sự cấm cản; quy định rõ những điều nên làm và không nên làm…”

1. Giới thứ nhất Không sát sinh

Dứt mạng sống gọi là sát, loài hữu tình là sinh. Chúng sanh mặc dù hình dáng có khác nhau, nhưng cùng có một điểm quan trọng giống nhau là tham sống, sợ chết, biết đau khổ vui mừng. Không cần phải dẫn chứng cho xa xôi, ngay trong sự quan sát hằng ngày, chúng ta cũng nhận thấy: cá thấy người cá lội xa, chim thấy người chim bay cao, cũng như người thấy cọp người lẩn trốn, vì đều sợ lâm nguy đến tính mạng cả. Khi bị bắt, chim, cá hay người đều vùng vẫy để trốn thoát. Và khi được thả ra, thoát chết, chao ôi! Còn gì sung sướng cho bằng! Nhận thấy được sự tham sống sợ chết, nỗi vui mừng, đau sót của muôn loại như thế, mà chúng ta còn đang tâm giết hại sanh mạng, thì thật là nhẫn tâm, tàn ác vô cùng.

Từ trước đến nay, loài người đã giết hại rất nhiều, bằng đủ phương tiện, nào làm lưới để bắt cá dưới nước, dùng cung tên súng đạn để bắt cầm thú trên đất… và nhất là dùng đủ mưu mô kế hoạch để giết hại chém giết lẫn nhau. Về phía thiện, thì có nhiều người cũng thiện vô cùng; nhưng về phía ác, thì cũng nhiều người ác vô cùng.

Chúng ta là Phật tử, nghĩa là những người theo đạo Từ bi. Chúng ta cần phải cố gắng đừng sát hại sinh vật và nhất là đừng sát hại người. Về sự sát hại người, trong Ngũ Giới Phật đã tuyệt đối cấm chỉ, và chúng ta cũng đã phát nguyện giữ giới ấy. Nhưng về sinh vật, vì một số Phật tử còn ăn mặn, nên chưa tuyệt đối giữ được giới sát. Vậy ít ra trong ngày thọ Bát quan trai, chúng ta hãy tuyệt đối giữ giới ấy. Chúng ta không giết người, không trù tính mưu mô giết người, đã đành! Chúng ta cũng nên động lòng trước sanh mạng của tất cả mọi loài hữu hình. Hơn nữa, nếu thấy ai có ý giết hại sinh vật, chúng ta phải khuyên lời ngăn cản đừng cho người ta thi hành ác ý ấy. Được như thế là ta giữ được trọn vẹn giới sát, mặc dù chỉ trong một ngày đêm, nhưng lợi ích sẽ lớn lao vô cùng cho việc tu hành của chúng ta.

2. Giới thứ hai Không trộm cướp

Hai chữ trộm cướp ở đây có một ý nghĩa vô cùng. Những vật thuộc quyền sở hữu của người ta, từ vàng, bạc, châu báu, đất ruộng nhà cửa, cho đến đồ đạc, cây kim sợi chỉ, cọng rau, người ta không cho mà mình lấy, là trộm cướp. Lường thăng tráo đấu, đo thiếu lấy thừa, đi làm trễ giờ, bóc lột công nhân, lấy của công, ăn hối lộ, được của người không trả lại, đều là trộm cướp.

Người đời coi tiền của hơn tánh mạng, trèo non, lặn suối, lo mưu này tính kế nọ để làm ra tiền nuôi thân và gia đình, và để dành dụm phòng khi đau ốm, tai nạn. Nếu rủi bị mất tiền của do mồ hôi nước mắt mà có, người ta vô cùng đau khổ, tuyệt vọng có khi đến quyên sinh. Chúng ta cũng đã có nhiều khi đau buồn vì mất của, thì xét người khác cũng vậy. Chúng ta không muốn ai trộm cướp của mình, thì tất nhiên mình cũng không nên trộm cướp của ai. Đó là lẽ công bằng rất giản dị. Huống chi chúng ta là Phật tử, nghĩa là những người quyết tâm diệt trừ tham dục, để được giải thoát, thì lẽ nào ta lại lấy của phi nghĩa?

Xem Thêm:   Đại thiên thế giới là gì? Tiểu thiên thế giới là gì?

Trong cuộc đời tranh đấu hằng ngày để sống, có nhiều khi chúng ta không giữ được một cách tuyệt đối giới cấm này, chẳng hạn, chúng ta làm ít mà cố đòi lương cho cao, bán hàng xấu với giá cao, mưu tính chước này kế nọ để được lợi nhiều một cách thiếu chính đáng… Có khi chúng ta nhận thấy như thế là bất chính, nhưng tự bào chữa rằng vì sự sống của gia đình, thân thuộc mà phải làm như thế.

Nhưng trong ngày thọ Bát quan trai giới, chúng ta hãy quyết không trộm cướp đã đành, mà cũng không được để cho một ý nghĩ tham lợi móng lên trong tâm. Chúng ta không trộm cướp, không nghĩ đến sự trộm cướp, mà thấy ai trộm cướp hay nẩy ra ý trộm cướp thì chúng ta cũng khuyên can họ, ngăn ngừa không cho họ làm bậy. Không những không trộm cướp và ngăn ngừa sự trộm cướp mà thôi, chúng ta còn bố thí cho những người nghèo khổ, thiếu ăn thiếu mặc, tìm cách giúp đỡ những người thân thuộc, trong cảnh túng thiếu.

Giữ được giới này một cách tuyệt đối, thì dù thời gian ngắn ngủi trong 24 giờ đồng hồ, chúng ta cũng đã gieo được những nhân lành tốt đẹp cho sự tu hành của chúng ta.

3. Giới thứ ba Không dâm dục

Dâm dục là cái nghiệp nhơn sanh tử luân hồi, nên người xuất gia phải đoạn hẳn. Phật dạy rằng: “Người muốn đoạn trừ sanh tử, chứng quả Niết bàn mà không trừ hẳn dâm dục, thì không khác kẻ nấu cát sạn mà muốn cho thành cơm, dù ra công đem nấu, trải qua năm ngàn kiếp cũng không thành cơm được”. Vậy những Phật tử xuất gia, muốn thành Phật quả thì phải trừ dâm dục.

Còn những Phật tử tại gia, chưa có thể hoàn toàn đoạn trừ dâm dục được, thì Phật chỉ cấm tà dâm, nghĩa là ngoài vợ chồng, không được lan chạ; và giữa vợ chồng, cũng cần phải giữ chánh lễ, biết tiết dục để cho thân tâm được trong sạch nhẹ nhàng.

Nhưng đây là nói về ngày thường của Phật tử tại gia. Chứ đến ngày thọ Bát quan trai giới, thì tuyệt đối phải giữ giới tịnh hạnh, không được hành động dâm dục đã đành, mà cũng không được nhớ nghĩ đến những điều dâm dục.

Nếu triệt để giữ đúng giới này, thì dù chỉ trong 24 giờ đồng hồ, lợi ích cũng rộng lớn vô cùng, vì chúng ta đã có dịp để gieo nhơn tịnh hạnh là một nhơn rất quý báu trong sự tu hành diệt dục.

4. Giới thứ tư Không nói dối

Nói dối là tâm nghĩ miệng nói trái nhau. Nói dối có 4 cách, đó là: nói không thật, nói thêu dệt, nói lưỡi hai chiều, nói lời hung ác.

Chúng ta đã thấy, hằng ngày trong đời, tai hại của sự nói dối. Tai hại lớn nhất là làm mất lòng tin cậy nhau. Trong một gia đình mà không tin nhau, thì gia đình sẽ tan nát; trong một xã hội mà không tin nhau, thì xã hội sẽ điêu tàn.

Trong đời sống hằng ngày chúng ta chưa có thể hoàn toàn giữ giới này được, thì trong ngày thọ Bát quan trai giới, chúng ta hãy triệt để thực hành giới cấm này. Chúng ta không nói sai, không nói thêu dệt, không nói hai chiều, không nói lời hung ác đã đành; chúng ta lại còn khuyên răn những người chung quanh giữ đúng giới không nói láo ấy!

Nếu thực hành triệt để giới cấm này, thì dù chỉ trong một ngày đêm, chúng ta cũng đã gieo được một hột nhơn quý báu rất hiếm có trong đời này là: lòng chân thật.

5. Giới thứ năm Không uống rượu

Rượu làm say mê, tối tăm trí não người uống. Nó còn nguy hiểm hơn cả thuốc độc, vì thuốc độc uống vào chết ngay, song chỉ giết chết một đời người thôi; chớ rượu làm cho người cuồng tâm, mất trí, gây nên nhiều tội lỗi, chết đi sanh lại, luân hồi nhiều kiếp trong tối tăm si ám. Bởi thế, trong Kinh, Phật dạy: “Thà uống nước đồng sôi cho tan mất thân này, chứ không nên uống rượu”.

Chúng ta là Phật tử, nghĩa là những người đang trau dồi Trí tuệ để được sáng suốt như Phật, chúng ta không được uống rượu. Chúng ta không uống rượu đã đành, mà cũng không khuyên mời người uống rượu. Tự mình uống rượu tội còn nhẹ, chớ khuyên mời người khác uống, tội lại nặng hơn.

Xem Thêm:   Nhân quả phụ giải Lương Hoàng Sám – cư Sĩ Quả Khanh

Song, trong lúc đau ốm, nếu lương y bảo phải có rượu hòa với thuốc uống mới lành bệnh, thì chúng ta cũng được tạm dùng, Khi đó rượu trở thành một vị thuốc, chứ không phải là một vị làm cho trí não ta cuồng loạn nữa.

Đấy là nói về ngày thường, chứ trong ngày thọ “Bát quan trai giới”, chúng ta phải trừ tuyệt rượu, không được uống đã đành, mà còn khuyên răn người khác đừng uống nữa.

6. Giới thứ sáu Không trang điểm, thoa dầu thơm, múa hát …

Phật cấm Phật tử trang điểm, sơn phấn, dầu thơm, múa hát… là vì muốn cho chúng ta khỏi đọa vào địa ngục. Nhưng trong đời sống hằng ngày của người Phật tử tại gia, vì còn tiếp xúc với đời sống xã hội, nên phải ăn mặc tề chỉnh trang nghiêm, đôi khi cũng phải đi dự những buổi hòa nhạc, hay múa hát…

Ngày thọ giới Bát quan trai, chúng ta không được trang điểm, múa hát hay đi xem múa hát…Được như thế, thì tuy thời gian chỉ ngắn ngủi có 24 giờ, ảnh hưởng tốt đẹp của nó vô cùng quý báu cho sự tu hành của chúng ta.

7. Giới thứ bảy Không được nằm ngồi giường cao đẹp

Điều răn cấm này cũng như điều răn cấm thứ sáu, có mục đích ngăn ngừa thân xác ta, không cho buông lung theo những cảm giác mơn trớn khoái lạc của giường cao nệm tốt, chăn ấm màn êm. Vì những cảm giác này có thể kích thích lòng ham muốn bất chính của xác thân, tạo điều kiện cho chúng ta gây tội lỗi, nên Phật chế ra giới cấm này.

Xưa Ngài Ngộ Đạt Quốc sư là một bực cao đức, được vua Ý Tôn và vua Hy Tôn hết sức ưu đãi. Vua Ý Tôn cúng cho Ngài một bảo tọa bằng trầm hương rất quý báu. Từ khi được bảo tọa ấy, Ngộ Đạt Quốc Sư mống niêm danh lợi, thành ra thất đức, phải chịu nhiều tai vạ và đau khổ.

Vì hiểu rõ cái tai hại của giường cao chiếu rộng, chăn ấm nệm êm, nên xưa Ngài Hiếp Tôn Giả từ khi xuất gia, lưng không nằm chiếu; Ngài Cao Phong Diệu thiền sư lập nguyện: ba năm không nằm giường chõng; đức Phật Thích Ca, trong khi xuất gia tìm đạo, đã gối cỏ nằm sương, từ năm này sang năm khác…

Noi gương người xưa, các vị xuất gia chỉ nằm trên một cái giường nhỏ hẹp, vừa ngủ, chứ không bao giờ dùng giường rộng nệm cao. Kẻ tại gia cũng nên tập dần đức tánh giản dị đạm bạc ấy. Nếu chưa làm được trong ngày thường, thì ngày thọ giới Bát quan trai, cũng phải triệt để thi hành giới thứ bảy này.

8. Giới thứ tám Không được ăn quá giờ ngọ

Trong luật Phật dạy: “Chư thiên ăn sớm mai, Phật ăn giờ ngọ, súc sanh ăn sau giờ ngọ, ngạ quỷ ăn tối, chư Tăng học theo Phật, phải ăn đúng giờ Ngọ”. Vì những lợi ích thiết thực nói trên, nên người xuất gia cần phải thực hành. Còn phật tử tại gia, khi tu Bát quan trai giới cũng phải giữ đúng giới này.

Tóm lại “Bát quan trai giới” là một pháp tu rất lợi ích cho Phật tử tại gia. Trong thời gian tu hành thân, khẩu, ý của người thọ giới được hoàn toàn thạnh tịnh, tuy chỉ có 24 giờ đồng hồ, nhưng 24 giờ ấy còn quý báu hơn cả một đời của người không tu hành. Tuy lượng rất ít, mà phẩm lại nhiều. Nó chỉ là giọt nước, nhưng là một giọt nước trong sạch hoàn toàn, cho nên nó còn quý hơn cả một ao nước đục bùn nhơ, nó chỉ là một viên ngọc nhỏ xíu, nhưng đó là viên ngọc Ma ni, nên còn quý hơn trăm ngàn châu báu khác.

Giới bát quan trai được Phật thuyết cho các Thánh đệ tử; những người tuy sống đời tại gia, hưởng thụ ngũ dục của thế gian, nhưng tâm tư đã vững chắc trên Thánh đạo. Trong ý nghĩa này, tu có nghĩa là phát triển, làm cho bản thân càng lúc càng cao thượng ngang tầm Thánh đạo, để càng lúc càng nhìn thấy rõ dấu chân dẫn đến Niết bàn. Tu như vậy là tu giới, tu định và tu huệ. Ba khoản tu tạo thành một chuỗi quan hệ liên tục.

Tâm Hướng Phật/TH!

Nguồn: Tâm Hướng Phật ( https://tamhuongphat.com/ )

35 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog