Thần thông là gì? Thần thông có thắng sức mạnh của nghiệp?
Pháp Giới 8 tháng trước

Thần thông là gì? Thần thông có thắng sức mạnh của nghiệp?

Thần thông nghĩa là trí tuệ siêu nhiên, được hiểu là năng lực siêu phàm do tu tập Thiền Định mà có được nói chung, không riêng chỉ Phật Giáo.

1. Thần thông là gì?

Thần thông (Abhijina-Abhinna) nghĩa là trí tuệ siêu nhiên, được hiểu là năng lực siêu phàm do tu tập Thiền Định mà có được nói chung, không riêng chỉ Phật Giáo. Các vị đạt được thần thông gọi là Thành Tựu Giả (Siddha).

Vào thế kỷ XII, một vị cao Tăng Ấn Độ có viết một cuốn sách nhan đề là Carturraciti-Siddha-Pravitti nói về hành trạng của 84 vị có thần thông từ thế kỷ VIII đến thế kỷ XII.

Đặc biệt, ở Tây Tạng có rất nhiều truyền thuyết và sách nói về thần thông của nhiều vị tu sĩ và người bình thường thuộc nhiều giới khác nhau.

Theo quan điểm Phật Giáo, những vị có thần thông không hẳn là những vị đạt ngộ và những vị đạt ngộ không hẳn là những vị có thần thông.

Thần Túc Thông, Thiên Nhãn Thông và Lậu Tận Thông còn được gọi là Tam Minh, nhằm nói lên khả năng giáo hóa, cứu độ của Đức Phật và các Thánh đệ tử của Ngài.

Kinh điển Phật giáo thường nói đến sáu loại thần thông (lục thông – Sad-abhijnah) là:

1. Thần túc thông (năng lực hiện thân tùy ý tại bất cứ nơi đâu): Thần cảnh thông còn gọi là Thần túc thông. Đây là cảnh giới kỳ diệu không thể nghĩ bàn. Người chứng đắc cảnh giới này có thể tùy ý biến hóa không ngăn ngại… Như bay lên trời, đi dưới nước. Thần thông biến hóa tuỳ theo ý muốn, không hề chướng ngại.

2. Thiên nhãn thông (năng lực thấy cảnh huống vui khổ của tất cả chúng sinh): Người chứng được Thiên nhãn thông có thể nhìn thấy khắp cả Tam thiên Đại thiên thế giới, không chướng ngại. Từ Địa ngục cho tới Cõi trời Phi Tưởng Phi Phi Tưởng xứ, tất cả rõ ràng như nhìn trong lòng bàn tay. Trong hàng đệ tử của Phật, Tôn giả A Na Luật là bậc đứng đầu về Thiên Nhãn Thông.

3. Thiên nhĩ thông (năng lực nghe được mọi âm thanh của chúng sinh): Người chứng được Thiên nhĩ thông có thể nghe hiểu được mọi âm thanh của mọi loài trong lục đạo luân hồi. Âm thanh dầu từ bất kỳ nơi đâu trong Tam Thiên Đại Thiên thế giới cũng đều rõ biết.

4. Tha tâm thông (năng lực biết được tâm ý của chúng sinh): Người chứng được Tha tâm thông có khả năng đọc được suy nghĩ của mọi loài. Tất cả những gì ta dự tính trong đầu, người đắc Tha Tâm Thông đều rõ biết hết.

5. Túc mạng thông (năng lực biết được thọ mạng của mình và của chúng sinh từ muôn nghìn kiếp): Người chứng đắc Túc mạng thông có khả năng nhìn thấu được các tiền kiếp của bất kỳ chúng sinh nào. Họ biết hết tất cả việc thiện ác ta đã làm trong rất nhiều kiếp trước.

6. Lậu tận thông (năng lực đoạn trừ phiền não, sinh tử): Đây là quả vị chứng đắc, vĩnh viễn ra khỏi sanh tử luân hồi. Người tu hành đắc được quả vị này trở thành bậc A La Hán.

Những vị không tu thiền định Phật giáo cũng có thể đạt được năm thần thông đầu, ngoại trừ thần thông thứ sáu là Lậu tận thông. Thần túc thông, Thiên nhãn thông và Lậu tận thông còn được gọi là Tam minh (Trisno Vidyah – Tisso Vijja), nhằm trỏ khả năng giáo hóa, cứu độ của Đức Phật và các Thánh đệ tử của Ngài.

Xem Thêm:   Nghề sát sinh và quả báo: Sát sinh phải chịu nỗi khổ ở địa ngục

Do có thần thông nên có thể thực hiện các phép biến hóa. Kinh điển Phật giáo thường dựa theo tín ngưỡng dân gian của Ấn Độ thời xưa, thường miêu tả năng lực của các vị đạt ngộ (Phật, Bồ tát, A la hán) bằng các phép biến hóa gì là thần biến (Virkurvana). Các bộ Du già Sư Địa Luận, Pháp Hoa Huyền Tán, Giáo Thừa Pháp Số, Đại Tạng Pháp Số, Chân Ngôn Quảng Minh Mục… liệt kê 18 phép biến hóa, tuy nội dung đôi chỗ khác nhau nhưng tựu trung gồm việc hóa thân phía trên bốc lửa, phía dưới tuôn nước, biến nước thành lửa, lửa biến thành nước, hóa thân khắp nơi, đi đứng, ngồi trên hư không, phóng ánh sáng, an tâm chúng sinh khiến tiêu trừ bệnh tật, tai họa…

Cần nhớ rằng kinh điển mô tả các phép biến hóa trên như là một phương tiện để ca ngợi khả năng siêu việt của các bậc chứng ngộ, như là một miêu tả ước lệ, tượng trưng cho sự diệu dụng của trí tuệ siêu phàm. Đức Phật từng phê phán bác các thần thông và khuyên các đệ tử không nên thể hiện thần thông. Ngài khẳng định thần thông cao nhất là thần thông hiểu pháp và truyền đạt pháp. Đạo Phật nhằm đưa con người đến trí giải thoát, đến cứu cánh Đại giải thoát khỏi khổ đau của sinh tử luân hồi, chứ không phải nhằm khiến một số ít người mù được thấy, người què được đi, người chết được sống lại, biến đá thành cơm, biến nước thành rượu… Đức Phật và các Thánh đệ tử thường đến thăm người bệnh , người sắp mất để truyền cảm ứng tâm linh giúp những vị này qua đi sự đau đớn khiến tâm rối loạn.

Một phụ nữ đau khổ gần như điên loạn vì đứa con vừa chết đến cầu cứu Đức Phật, Ngài giúp bà hiểu rõ luật vô thường mà vơi đi sự đau khổ, chứ không làm cho đứa bé sống lại. Ngài chế ngự con voi dữ, chế ngự kẻ hung bạo bằng sự thể hiện năng lực từ bi tự tại của Ngài chứ không phải Ngài biến mất đi hay phóng thân lên không trung hay thực hiện những biến hóa khác.

Sự biểu hiện cụ thể thần thông Phật giáo là đem sức cảm ứng, đem giáo pháp mà an tâm và tạo niềm tin cho người ta, từ đó người ta vơi đi hay dứt đi cái khổ nhất thời trên bước đường tu tập tìm về Đại giải thoát.

Thần thông là gì? Thần thông có thắng sức mạnh của nghiệp?

2. Thần thông có thắng được sức mạnh của nghiệp?

Đặt lại câu hỏi, chúng ta phát tâm tu hành có phải để cầu được thần thông hay nói cách khác, thần thông có phải là cái chính yếu, cần thiết để chúng ta cầu đạt được hay không?

Thưở xưa khi vua Brahmadatta trị vì nước Ba-la-nại thuộc Ấn Độ, có một vị Bà la môn sinh ra và lớn lên trong một gia đình giàu có. Sau khi bố mẹ qua đời, làm xong bổn phận của một người con, vị này xuất gia tu hành trong núi tuyết. Hằng ngày ông lượm các loại rễ và củ, trái cây rừng cùng các loại thực phẩm khác để ăn và nuôi sống thân thể. Không bao lâu ông đạt được thắng trí và các thần thông, vui thích trong thiền lạc.

Sống một thời gian dài như vậy, sau đó ông nghĩ “Ta sẽ đi vào đường của dân chúng dùng muối và dấm, như vậy thân của ta sẽ trở nên mạnh mẽ. Và ta sẽ đi bộ, những người cúng dường thức ăn sẽ đảnh lễ một người giữ giới như ta. Vì thế sau khi mạng chung những vị đó sẽ được sanh lên thiên giới”. Nghĩ như vậy rồi, vị ẩn sĩ đi bộ xuống núi, ngang qua vườn ngự uyển của cung vua. Nhà vua thấy dáng dấp nghiêm trang của vị ẩn sĩ thì đem lòng kính trọng và mời vào cung để cúng dường. Sau khi hỏi thăm và biết vị ẩn sĩ có ý định xuống trần gian để giáo hóa nên vua sai người cất cho vị ẩn sĩ một cái chòi lá ở trong vườn của vua.

Xem Thêm:   Sắc tức thị không, không tức thị sắc có nghĩa là gì?

Ngày ngày vị ẩn sĩ thường đến cung vua để nhận thức ăn cúng dường. Được một thời gian, ở biên địa có nổi loạn nên đích thân vua phải đi đánh giặc. Trước khi đi vua dặn dò hoàng hậu ở nhà phải lo việc cúng dường cho vị ẩn sĩ này. Một hôm, vì mải nhập định nên tới giờ ăn mà vị ẩn sĩ không nhớ. Hoàng hậu đã chuẩn bị thức ăn rồi nhưng đợi mãi không thấy vị ẩn sĩ tới cho nên khoác trên mình một chiếc y để tạm nằm nghỉ. Khi ẩn sĩ xuất định, nhớ lại giờ ăn đã trễ nên dùng thần thông bay xuyên qua cửa sổ và vào trong cung vua để nhận thức ăn. Khi vào, vì ẩn sĩ mặc áo bằng vỏ cây nên phát ra tiếng động sột soạt, hoàng hậu lúc đó đang thiêm thiếp bỗng giựt mình ngồi dậy làm chiếc y bất ngờ rớt ra. Lúc bấy giờ, ẩn sĩ để các căn chi phối bởi đối tượng đặc biệt khác thường này cho nên đứng nhìn hoàng hậu như bị thôi miên. Khi đó, ác dục phiền não được chế ngự bấy lâu nay lại khởi lên mạnh mẽ, thiền định thối thất, các căn không còn thanh tịnh nữa.

Trong Kinh diễn tả vị ẩn sĩ lúc đó giống như một con quạ gãy cánh, không thể ngồi xuống và ăn uống được nữa mà ôm bát về chòi lá giống như một người mất hồn. Về chòi lá, suốt một tuần liền vị ẩn sĩ không màng đến ăn uống, thức ăn bị bỏ đến thối rữa, luôn nằm mơ đến hoàng hậu và miệng thường nói nhảm. Sau khi dẹp loạn trở về, vua cũng không biết chuyện gì xảy ra cho nên vẫn rất kính trọng ẩn sĩ. Vừa về cung, vua liền chạy đến thăm vị ẩn sĩ. Khi tới nơi thấy vị ẩn sĩ đang nằm, vua mới hỏi: “Thưa tôn giả, Ngài có việc gì không ổn?”

Vị ẩn sĩ mới đáp: Thưa đại vương, tôi đã bị trúng tên.

Vua nghĩ chắc là kẻ thù không hại được vua nên tìm cách hại người thân của vua là vị ẩn sĩ, và chúng đã đến đây gây ra thương tích này. Nghĩ vậy, vua lật vị ẩn sĩ lên để tìm vết thương mà không thấy, mới hỏi: Thưa tôn giả, tên ở đâu mà tôi tìm hoài không thấy?

Ẩn sĩ nói: Thưa đại vương, không ai bắn tôi cả, chỉ có tôi tự bắn quả tim mình.

Nói xong, ẩn sĩ phấn chấn tinh thần và ngồi dậy đọc bài kệ:

Không có người bắn cung,
Phóng tên ở bên tai,
Không có tên bằng lông,
Được nhổ từ cánh lông,
Và được trang hoàng đẹp,
Bởi người làm tên khéo.
Chính là tâm của ta,
Được gột sạch tham ái,
Liên hệ với dục tầm,
Bằng quyết tâm trí tuệ.
Chính dục tạo vết thương,
Thiêu đốt khắp tay chân,
Chẳng khác gì ngọn lửa.
Ta không thấy vết thương,
Từ đấy máu rỉ chảy,
Do tâm không chân chính,
Đã đâm thủng tự thân.

Nói xong, ẩn sĩ khuyên vua ra khỏi chòi lá rồi tự mình chấn chỉnh tinh thần và nỗ lực thiền định, sau đó phục hồi được thần thông trở lại. Ẩn sĩ từ giã nhà vua trở về chỗ cũ ẩn tu. Dù cho vua cố gắng thỉnh mời ở lại nhưng vị ẩn sĩ vẫn không dám nhận lời mà bay thẳng về Tuyết Sơn, không dám trở lại đường trần nữa. Từ đó vị ẩn sĩ tu ở Tuyết Sơn cho đến lúc mạng chung.

Xem Thêm:   Phương pháp niệm Phật có thể chấn động hư không pháp giới

Qua câu chuyện trên, chúng ta thấy ẩn sĩ này tuy là có thần thông, nhưng do tâm không chân chính, buông lung các căn khiến bị trúng tên nên mất thần thông. Như vậy, tu hành cốt ở chỗ giữ nội tâm chân chính, giữ gìn các căn thanh tịnh chứ đâu phải là cầu được thần thông? Nếu có thần thông mà tâm không chân chính, không gìn giữ, buông lung các căn thì cũng bị trúng tên độc và mất thần thông như thường.

Quý vị thấy ẩn sĩ được thần thông là do đâu? Ban đầu là do tu tập thiền định cho nên mới có thần thông. Sau khi mất rồi, muốn thần thông được phục hồi trở lại cũng nhờ tu tập thiền định. Mới thấy, việc tu tập thiền định là cái gốc, là cái chính, còn thần thông là cái phụ, là cái có ra sau khi tu tập thiền định chứ không phải do mong cầu để được.

Tu hành mà mong cầu đạt được thần thông có nghĩa là mong cầu cái ngọn, mong cầu cái phụ. Cái phụ chỉ đúng nghĩa là phụ khi và chỉ khi chúng ta đã đạt được cái chính, nghĩa là đạt được thiền định. Còn khi chưa đạt được thiền định mà cầu thần thông có nghĩa là mình bỏ cái chính mà theo cái phụ. Thành ra cái phụ lại đóng vai trò là chính đối với chính mình. Mà khi nhận cái phụ làm chính thì mình đã sai lầm và cái lầm đó sẽ gây nên bệnh, làm cho mình lầm lạc trong công phu tu hành, lọt vào đường tà chứ không thể xem thường được.

3. Quan điểm của Đức Phật về thần thông

Điều này được ghi lại trong Kinh Kevaddha (Trường bộ kinh II):

“Một hôm có người đề nghị Đức Phật cho một vài vị đại đệ tử biểu diễn các phép thần thông như đi trên nước, bay giữa hư không, xuyên qua vách đá v.v… để thu hút quần chúng và tăng thêm niềm tin cho tín đồ.

Đức Phật bèn hỏi người kia:

– Này cư sĩ, sau khi trông thấy những phép lạ như vậy, một số người có thể tin, nhưng một số người khác có thể bảo rằng: ‘Nào có gì lạ, có một thứ bùa chú có công năng như vậy’. Trường hợp sau có thể xảy ra không?

Người kia đáp:

– Bạch Thế Tôn, có thể.

Đức Phật nói:

– Do vậy, thật vô ích khi làm những cuộc biểu diễn ấy”.

Sau đó Đức Phật nói cho người kia biết có ba loại thần thông. 1. Biến hóa thần thông, năng lực làm các phép lạ như bay lên không trung, đi trên mặt nước, xuyên qua vách đá, biến hình, ẩn thân v.v… 2. Tha tâm thần thông, khả năng biết được tâm niệm, suy nghĩ của người khác. 3. Giáo hóa thần thông, năng lực giáo hóa, đưa con người từ mê đến ngộ, từ kẻ xấu thành người tốt, từ đau khổ đến an lạc, xây dựng con người, xây dựng đời sống tốt, giúp phàm phu trở thành hiền thánh.

Các loại thần thông, phép lạ như Biến hóa thần thông, Tha tâm thần thông chẳng những không mang lại nhiều lợi ích cho người sử dụng mà còn gây ra nhiều tác hại một khi người dùng có tâm ý bất chính, lợi dụng thần thông để thỏa mãn lòng tham lam, sân hận của mình, chẳng hạn như hại người chiếm đoạt của cải, phục vụ hoặc tiếp tay cho kẻ xấu ác, hay vì thù oán mà gây hại cho người.

Đối với người chưa dứt hết phiền não tham, sân, si, mạn (kiêu mạn) hay nói cách khác là còn lục dục, thất tình thì việc lạm dụng thần thông để thỏa mãn cái tôi, thỏa mãn tư dục là điều rất dễ xảy ra.

Nguồn: Phatgiao.org.vn!

Nguồn: Tâm Hướng Phật ( https://tamhuongphat.com/ )

74 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog