Pháp Giới 11 tháng trước

Bát khổ là gì? Chân lý thứ nhất bao quát Tứ diệu đế

Quan niệm khổ đau của Phật giáo có vai trò là kim chỉ nam dẫn lối cho con người nhận thức được sự khổ và giải thoát khỏi những nỗi khổ mà từ khi thọ thai đến khi nhắm mắt xuôi tay con người phải gánh nhận.

Xưa nay do nhìn từ quan niệm “đời là bể khổ” mà đã có ý kiến phiến diện cho rằng Đạo Phật bi quan, yếu thế. Nhưng nếu dùng tuệ nhãn mà nhìn nhận thì có thể nói “Khổ đau” là một trong nhiều quan niệm của Phật giáo về nhân sinh quan chứa đựng giá trị nhân văn cao rất đẹp.

Phật giáo chỉ ra bản chất khổ đau của sự hiện hữu là gì và từ đó, giúp con người thực hành như thế nào để không bị rơi vào trạng thái tuyệt vọng, để khi đối mặt với những nỗi đau khổ của cuộc sống hiện thực, con người biết sống tích cực trong chính cuộc đời ngắn ngủi này.

Quan niệm khổ đau của Phật giáo có vai trò là kim chỉ nam dẫn lối cho con người nhận thức được sự khổ và giải thoát khỏi những nỗi khổ mà từ khi thọ thai đến khi nhắm mắt xuôi tay con người phải gánh nhận.

Khổ đau còn bao hàm cả trạng thái hạnh phúc tương đối. Chính là khi con người hiểu rõ được căn nguyên của sự vật, hiện tượng, con người sẽ tự tìm cho mình được cách giải thoát ra khỏi những bấn loạn hiện hữu.

Khổ đế là chân lý thứ nhất trong bài pháp Tứ diệu đế mà Đức Phật thuyết giảng ngay sau khi chứng đắc Thánh Đạo tại vườn Lộc Uyển với nội dung căn bản là tám loại khổ não mà chúng sinh luân hồi sinh tử trong Lục đạo luôn gánh chịu, bao gồm những nỗi khổ đau như sau: Sinh khổ, Lão khổ, Bệnh khổ, Tử khổ, Ái biệt ly khổ, Cầu bất đắc khổ, Oán tắng hội khổ, Ngũ ấm thạnh khổ.

Sự đau khổ của con người trong cuộc sống không có từ ngữ nào có thể diễn tả cho hết mặc dù có khi nó được cụ thể rất ngắn gọn và súc tích trong dân gian: “họa vô đơn chí, phúc bất trùng lai” hay được Xuân Diệu nhân cách hóa rất triết lý: “Trái đất ¾ nước mắt. Đi như giọt lệ giữa không trung”.

Sinh khổ – Sinh ra đời là một nỗi khổ

Thứ nhất, sinh ra là khổ. Chúng ta sinh ra là khổ. Mẹ mang thai mình, mẹ khổ không? Làm mẹ rất khổ. Rồi đến ngày sinh nở, rất là khổ. Chúng ta ở trong bụng mẹ 9 tháng 10 ngày, tối tăm, mù mịt. Mẹ ăn nóng thì mình bị nóng, mẹ ăn lạnh thì mình bị lạnh; bị chèn ép trong bụng, trong tử cung của người mẹ. Tử cung nghĩa là cái cung của đứa con ở. Mà chúng ta ai cũng thế, nhốt trong cái ngục ấy – ngục tử cung rồi đủ ngày, đủ tháng thì ra ngoài. Ra ngoài là khổ lắm. Đi qua cái cửa của mẹ rất chật hẹp. Có những người mẹ phải mổ, phải rạch mới lấy được con ra. Rất là mệt, rất là đau đớn.

Sinh ra, ta khổ quá thì ta mới kêu “Oa oa” đấy. “Oa oa” nghĩa là “Khổ quá, khổ quá, khổ quá”. Cho nên nhà văn Nguyễn Gia Thiều từng nói: “Đã mang tiếng khóc ban đầu mà ra.” Mới đẻ lọt lòng mẹ đã biết kêu “Khổ quá, khổ quá, khổ quá” rồi. Cho nên mở màn cuộc đời là tiếng kêu khổ. Mình ra ngoài gặp nóng, gặp lạnh, thời tiết là thấy đau khổ rồi. Trong bụng mẹ khác, ra ngoài khác. Thế cho nên Phật gọi là sinh là khổ. Đây là sự khổ đầu tiên mà ai cũng gặp phải.

Xem Thêm:   Tội tà dâm là gì, nhân quả báo ứng ra sao? Thế nào là phạm tội tà dâm?

Bởi mới sinh ra mà đã nếm mùi đau khổ, nên Nguyễn Gia Thiều mới thốt lên rằng:

“Thảo nào khi mới chôn nhau
Đã mang tiếng khóc ban đầu mà ra
Khóc vì nỗi thiết tha sự thế
Ai bày trò bãi bể nương dâu”.

Lão khổ – Già là khổ

Là sự khổ trong lúc tuổi già. Con người khi già yếu, các căn đều suy yếu, mắt mờ, tai lãng, lưng mỏi, chân run, ăn không có cảm giác ngon, ngủ không an giấc, trí nhớ chẳng còn minh mẫn, làn da khô nhăn; răng thường đau nhức, rụng rớt dần.

Dù cho sức khỏe đến đâu thì một thanh niên cường tráng hay một thiếu nữ trẻ khỏe cũng đều phải đối mặt với cái tuổi già yếu này theo quy luật vô thường của vũ trụ.

Người già đa phần là tinh thần lú lẫn, con cái hỏi ăn cơm chưa thì nói chưa ăn mặc dù vừa trước đó đã ăn rồi; vì nặng tai nên con cái hỏi câu chuyện A thì trả lời vấn đề B…

Người già không còn được minh mẫn nên mọi sinh hoạt hàng ngày như đi lại, ăn uống, giặt giũ… đều chậm chạp và không được sạch sẽ; có những người do già yếu quá không đi lại được nằm một chỗ sống nhờ vào sự chăm lo của người thân; con cháu dù thân thương đến đâu cũng sinh nhàm chán, xa lánh, sao nhãng bổn phận.

Chính những hành động, thái độ thiếu hiểu biết, cảm thông, vô trách nhiệm của con cháu đã khiến người tuổi già chịu nhiều tủi khổ. Như vậy có thể nói tuổi già thật đáng buồn tủi, khổ sầu.

Những người lớn tuổi, 70 – 80 tuổi, mắt mờ, răng rụng, tai điếc, da nhăn, lưng còng, gối mỏi. Cho nên, già là khổ. Tất cả chúng ta không ai thích mình già cả. Chúng ta chỉ thích mình lớn thôi, chứ không thích già. Bé thì thích mình lớn, mình làm người lớn nhưng già là không thích. Chúng ta không ai thích già cả vì già thấy nó xấu xí, nó vô dụng. Cho nên già là một nỗi khổ. Già là một nỗi khổ mà hầu hết ai cũng phải trải qua dù không muốn. Khi già, cơ thể nhăn nheo, trở nên xấu xí; trí tuệ cũng giảm sút. Chính vì vậy, già cũng là một nỗi khổ không tránh né được trong cuộc đời.

Bệnh khổ – Bệnh tật, ốm đau là khổ

Bệnh là khổ. Đúng rồi, bệnh thì không ai muốn rồi. Ai cũng thích mình mạnh khỏe, không một chút bệnh tật. Người ta mới bảo là: “Không ốm, không đau làm giàu mấy chốc” là thế đấy. Cho nên các phòng tập thể dục, tập gym mọc ra khắp nơi nơi. Ai cũng cầu sức khỏe, sức khỏe là số một. Bị bệnh thì đau đớn, mệt mỏi, rã rượi, chán đời. Thật sự là không ai muốn bệnh tật.

Một sự thật trên thế gian là ai cũng mong cầu sức khỏe cũng như mong mỏi khi về già vẫn có sức khỏe. Tuy nhiên, điều đó không thể xảy ra trong cuộc đời của chúng ta. Khi bị bệnh, chúng ta sẽ thấm thía được nỗi khổ mà bệnh tật mang đến.

Xem Thêm:   Cuộc đời là vô thường nên chúng ta phải tùy duyên
Tử khổ – Mất đi thân mạng này là khổ

Chết là cực khổ, chẳng ai muốn chết cả. Có mấy vị tướng ngày xưa ra trận dát vàng vào áo giáp. Nhưng mà khi giặc đuổi đến nơi, nặng quá, không chạy kịp thì vứt cả áo giáp đi để sống, để cứu lấy mạng. “Còn người thì còn của, mất người thì mất hết!” Cho nên mạng sống là rất quý.

Thế cho nên, cha mẹ sinh ra mình là có giấy khai sinh thì cũng nên đồng thời làm luôn giấy khai tử, chưa để ngày. Tất cả chúng ta đều phải chết. Không ai muốn chết mà tại sao mình cứ phải chết? Thế có phải khổ không? Không muốn chết mà phải chết thì có khổ không? Khổ lắm.

Chết là một sự thật mà tất cả chúng ta đều phải trải qua. Nhưng hiếm có người nào lại chấp nhận phải chết bởi ai cũng sợ chết. Chết là đau khổ, là sợ hãi. Ai cũng mong muốn được sống lâu, sống khỏe, không ai muốn chết. Nhưng cái chết sẽ đến với tất cả chúng ta. Vì vậy, chết là một sự khổ lớn của chúng sinh.

Ái biệt ly khổ – Yêu thương mà phải lìa xa là khổ

Người thương yêu phải xa lìa là khổ. Những người mình yêu thương, mình quý mến mà mình phải xa lìa. Trong gia đình cha mẹ ly thân với nhau, ly dị nhau; mình khổ. Hoặc người bạn, người yêu của mình phải điều chuyển đi công tác xa, hay gia đình nhà anh đi nước ngoài mất. Thế là mình khổ. Mình muốn làm sao người thân, người yêu của mình cứ ở bên cạnh mình. Nhưng mà sự đời nó lại không được thế. Nó toàn trái ý mình thôi. Cái người mình muốn ở gần mình, toàn không được ở gần. Thế cho nên Đức Phật mới dạy: “Yêu thương phải xa lìa là nỗi khổ của chúng ta”.

Chúng ta thấy chắc rằng thương nhau mà phải xa rời là một sự khổ. Mà sự khổ này chúng ta ai cũng phải trải qua. Trong đời sống, có rất nhiều người để chúng ta thương yêu như cha mẹ, vợ chồng, bạn bè,… Nhưng không phải ai cũng ở với mình suốt cả cuộc đời. Nếu gặp duyên sự phải chia xa sẽ sinh ra buồn bã, khổ đau.

Cầu bất đắc khổ – Cầu mong không được là khổ

Trong cuộc đời, trong 2 chữ “Sinh”, “Tử” của chúng ta, tất cả ai cũng có mong cầu. Ví như khi kết thúc khóa thi, con làm luận văn tốt nghiệp, con được điểm cao, con được bằng xuất sắc. Hay cầu cho cha con mạnh khỏe, cầu cho mẹ con mạnh khỏe, cho gia đình con được yên ổn. Chúng ta thấy mình cầu vô số cái, cuộc đời chúng ta cầu mong nhiều lắm nhưng mà được mấy cái các con? Ít lắm. Cầu ngàn cái, giỏi lắm được một cái. Thế cho nên Phật mới nói là cầu không được toại ý là khổ, không được đúng ý mình là khổ.

Trong cuộc đời, dù ít dù nhiều chúng ta đều có những mong cầu, ước vọng. Người thì cầu công danh, tiền bạc. Người thì cầu sức khỏe, tình yêu, con cái,… Nhưng có một sự thật là rất ít khi chúng ta được toại ý. Khi những mong cầu của chúng ta không được toại ý thì sinh ra đau khổ, phiền não, tuyệt vọng. Cho nên chúng ta chắc chắn một điều rằng, cầu không được là một nỗi khổ của thế gian.

Xem Thêm:   Cách tụng Thần Chú Dược Sư tại nhà
Oán tăng hội khổ – Ghét nhau mà gặp mặt là khổ

Còn cái khổ nữa là ghét nhau mà cứ phải chạm mặt. Các cụ nhà mình nói câu hay lắm: “Ghét của nào trời trao của ấy”. Cái mình không ưa thì nó cứ lù lù trước mặt. Ra gặp mặt, vào gặp mặt. Người mình không ưa, mình ghét lại cứ hay ở gần mình. Đấy gọi là: không ưa hay phải gặp mặt. Đó là cái khổ của chúng ta. Việc chạm mặt người mình không ưa là không thể tránh khỏi trong cuộc sống đời thường. Điều đó có thể dẫn đến tâm trạng bực bội, không vui. Phật dạy đó là nỗi khổ thứ bảy của chúng sinh.

Ngũ uẩn xí thạnh khổ – Nỗi khổ của thân thể

Còn cái khổ nữa là cái khổ của thân thể chúng ta. Ngay nơi thân, tâm chúng ta sinh ra rất nhiều phiền muộn, nỗi buồn bâng quơ, những điều vu vơ, những cái tự nhiên trong lòng thấy buồn, thấy chán, không biết nguyên nhân vì sao. Phật gọi đấy là cái thân ngũ ấm này, nó xí, nó thịnh, nó bừng cháy, nó làm thiêu đốt chúng ta rất khổ. Những ham muốn của thân thể, thân tâm chúng ta, chúng ta không được thỏa mãn, sinh ra bao nhiêu cái khổ ở trong thân tâm này, thiêu đốt chúng ta”.

Bên cạnh Bát khổ còn bao nỗi khổ sầu khác đang chi phối toàn bộ kiếp sống nhân sinh, tạo nên nỗi khổ không cùng cho chúng sinh. Nỗi khổ mênh mông ấy có thể không giống nhau nhưng đều có chung một nguồn gốc gây nên là do vô minh. Tức là do sự ngu si, không nhận chân rõ thật tướng về con người và thế giới mà con người đang sống là “ giả tạm, không và vô thường”; do đó không biết tu tâm, tích đức, xả ngã, vị tha…

Đức Phật vì không thể ngồi yên nhìn chúng sinh chịu khổ cho nên đã xuất gia với tâm nguyện là tìm ra phương pháp tu tập chân chính nhất để con người có thể giải thoát được những nỗi khổ về vật chất và tinh thần giữa cuộc đời hiện hữu. Khi Đức Phật giác ngộ, thì Khổ đế – chân lý thứ nhất đã bao quát toàn bộ tư tưởng của Tứ Diệu đế. Và vi diệu hơn cả là Ngài đã ngộ ra nguyên nhân mọi khổ đau của chúng sinh là do vô minh mà ra.

Vì thế, người Phật tử tu học Phật pháp như được trao vũ khí sắc bén để tiêu trừ “độc vô minh” khi họ biết dùng trí tuệ để suy tư, nhận thức được bản chất khổ đau, nhân ra thật tướng của vạn pháp, rồi chuyên tâm tu tập theo triết lý cao đẹp, thì nỗi khổ sẽ được vơi dần theo năm tháng, dần dần đạt đến hạnh phúc, cao hơn nữa là an vui, tối thắng nhất là đạt được an lạc tuyệt đối của Niết Bàn.

Tâm Hướng Phật/Tổng hợp!

Nguồn: Tâm Hướng Phật ( https://tamhuongphat.com/ )

11 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog