Bài Sám Đại Nguyện Địa Tạng Vương Bồ Tát
Pháp Giới 8 tháng trước

Bài Sám Đại Nguyện Địa Tạng Vương Bồ Tát

Nếu quý vị thành tâm tán thán, chiêm ngưỡng đảnh lễ, xưng niệm danh hiệu, cúng dường, hoặc tạc đúc các hình tượng của Địa Tạng Vương Bồ Tát, thì vĩnh viễn sẽ không bị đọa lạc vào đường ác nữa.

1. Đoạn kinh văn đức Phật tán thán ngài Địa Tạng

Nếu quý vị thành tâm tán thán, chiêm ngưỡng đảnh lễ, xưng niệm danh hiệu, cúng dường, hoặc tạc đúc các hình tượng của Địa Tạng Vương Bồ Tát, thì vĩnh viễn sẽ không bị đọa lạc vào đường ác nữa. Đọc thêm: Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện trọn bộ

Bản thân tôi cũng từng lập nguyện rằng trong số những người đã quy y với tôi, nếu có một người chưa thành Phật thì tôi cũng chưa thành Phật. Tuy nhiên, vì tôi không có được nguyện lực lớn lao như Địa Tạng Vương Bồ Tát để có thể độ cho tất cả chúng sanh đều thành Phật, do đó tôi có đặt điều kiện phải là đệ tử quy y và phải thật tâm tin tưởng nơi tôi thì tôi mới chờ đợi. Nếu người ấy bị đọa địa ngục, tôi sẽ vào địa ngục để tìm và cứu người ấy ra.

Giả sử về đời sau, có người tấm tắc ngợi khen rằng Địa Tạng Vương Bồ Tát có nguyện lực không thể nghĩ bàn, thần thông không thể nghĩ bàn và lòng từ bi cũng không thể nghĩ bàn; đồng thời giới thiệu cho mọi người biết về Ngài, và “hoặc chiêm lễ, hoặc xưng niệm danh hiệu ‘Nam Mô Đại Nguyện Địa Tạng Vương Bồ Tát’…”

“Chiêm” là dùng mắt để nhìn ngắm; “lễ” là lễ bái, vái lạy. Khi chúng ta quỳ lạy trước tượng Phật, tức là chúng ta đang “chiêm lễ” Phật. Chúng ta hiện đang giảng Kinh Địa Tạng, tôi nói Địa Tạng Vương Bồ Tát thật là bất khả tư nghì; thì đó là “tán thán,” khen ngợi. Trong lúc chiêm ngưỡng và đảnh lễ, chúng ta niệm “Nam Mô Đại Nguyện Địa Tạng Vương Bồ Tát”; thì đó gọi là “xưng niệm danh hiệu.”

“Hoặc cúng dường.” Chúng ta đã cung thỉnh tượng Địa Tạng Vương Bồ Tát về giảng đường này, và bây giờ mọi người ngày ngày thắp hương, lễ lạy, dâng cúng hoa quả… trước tôn tượng; như thế gọi là “cúng dường.”

Xem Thêm:   Ý nghĩa của Tam quy, Ngũ giới, Thập thiện là gì?

“Cho đến tô vẽ, chạm khắc, tạc đúc, sơn thếp hình tượng của Địa Tạng Vương Bồ Tát…” Đừng nói tới dùng gỗ, chỉ cần dùng màu sắc để tô vẽ một bức hình của Bồ Tát Địa Tạng cũng là rất đáng quý.

Người nào vẽ được một bức tranh Phật thì tướng mạo của người đó sẽ trở nên trang nghiêm, viên mãn thêm một chút. Đức Phật có ba mươi hai tướng tốt cùng tám mươi vẻ đẹp nếu quý vị vẽ một bức hình Phật thì tướng mạo của quý vị sẽ tốt đẹp hơn một chút, vẽ hai bức thì tướng mạo lại đẹp lên một chút nữa; vẽ ba bức, bốn bức, năm bức…, thậm chí cả trăm ngàn vạn ức bức tranh Phật, thì quý vị cũng sẽ có được ba mươi hai tướng tốt cùng tám mươi vẻ đẹp như Phật vậy. Nói tóm lại, nếu quý vị tô vẽ hình Phật, tạc tượng Phật, đắp tượng Phật, thì tướng mạo của quý vị sẽ được đẹp đẽ hơn.

“Chạm khắc” tức là dùng dao để đẽo gọt và chạm trổ trên gỗ, làm thành tượng Phật hoặc Bồ Tát.

“Thì người đó sẽ được một trăm lần sanh lên cõi trời Tam Thập Tam.” Nếu quý vị tô vẽ tranh ảnh Phật, điêu khắc từ gỗ tốt hoặc tạc từ đá quý thành hình tượng Phật, hoặc là dùng sơn keo để tô đắp và sơn thếp tượng Phật, thì sẽ được sanh lên cõi trời Ba Mươi Ba một trăm lần. “Một trăm lần” này không phải chỉ ở cõi trời Ba Mươi Ba, mà trước tiên là sanh lên sáu tầng trời Dục Giới, mười tám tầng trời Sắc Giới-tức là ba tầng trời Sơ Thiền, ba tầng trời Nhị Thiền, ba tầng trời Tam Thiền và chín tầng trời Tứ Thiền-và luôn cả các tầng trời Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ ở Vô Sắc Giới. Cứ ở mỗi cõi giới Dục Giới, Sắc Giới, Vô Sắc Giới-quý vị sẽ được tái sanh một trăm lần, sau đó sanh về cõi trời Ba Mươi Ba một trăm lần nữa. Quãng thời gian này vô cùng lâu dài.

Xem Thêm:   Những bài hồi hướng hay nhất, ý nghĩa, hữu ích cho chúng sanh

“Vĩnh viễn chẳng còn bị đọa vào ác đạo.” Nếu quý vị thành tâm tán thán, chiêm ngưỡng đảnh lễ, xưng niệm danh hiệu, cúng dường, hoặc tạc đúc các hình tượng của Địa Tạng Vương Bồ Tát, thì vĩnh viễn sẽ không bị đọa lạc vào đường ác nữa.

Hoà Thượng Tuyên Hóa giảng!

Bài Sám Đại Nguyện Địa Tạng Vương Bồ Tát

2. Bài Sám Đại Nguyện Địa Tạng Vương Bồ Tát

Địa Tạng Vương lập nhiều đại nguyện,
Đã trải bao biến chuyển tăng kỳ,
Phân thân khắp chốn dạo đi,
Quyết lòng độ chúng thoát thì trầm luân.

Nếu còn kẻ lưng chừng khổ não,
Ngài chẳng đành chứng đạo Bồ đề,
Trong mười cửa ngục gớm ghê,
Còn thấy tù tội chưa hề trống không.

Ngài thệ nguyện chẳng mong chứng Phật,
Lòng từ bi mới thật rộng sâu,
Mong chúng sanh trình độ cao,
Hiểu sâu đạo cả, công lao tu hành.

Tới khi ấy lợi danh phủi sạch,
Khắp nơi nơi thanh bạch thái bình,
Như Lai nói Địa Tạng kinh,
Cung trời Đao Lợi, công trình Ngài tu.

Vô lượng kiếp hiền từ có một,
Trải bao đời chỉ cốt tu nhân,
Làm thân trai, gái, vua, dân,
Kiếp nào Ngài cũng ân cần lợi tha.

Có kiếp hóa Bà la môn nữ,
Dốc một lòng khuyên nhủ mẹ già,
Sau khi chết xuống Diêm La,
Thương xót cầu Phật hiệu là Giác Hoa.

Tấm lòng thành cũng hóa cảm Phật,
Nên chỉ đường cứu vớt tội căn,
Quang Mục, Trưởng Giả hóa thân,
Kiếp nào Ngài cũng giữ phần hiếu nhân.

Đời nhà Tần muôn dân an lạc,
Hiệu Vĩnh Huy, Ngài thác sanh ra,
Thánh trào cung điện Tân La,
Tên Ngài Kiều Giác, chính là họ Kim.

Xem Thêm:   Phật phóng quang có màu sắc gì, thấy ánh sáng gì thì theo Phật?

Hăm bốn tuổi quyết tìm đạo cả,
Núi Cửu Hoa tĩnh tọa tu thân,
Bảy lăm năm lánh bụi trần,
Vừa chín chín tuổi chứng phần quả cao.

Trong thời ấy Cát Hào họ Mẫn,
Cứ mỗi năm một bận trai đàn,
Tới kỳ cúng Phật cầu an,
Ông đều sửa lễ đoan trang thỉnh Ngài.

Xuống chứng đàn trai Tăng rực rỡ,
Đem pháp mầu hóa độ chúng sanh,
Mẫn công có một trai lành,
Đạo Minh theo hiệu ứng danh theo Ngài.

Hai mươi năm chẳng nài công khó,
Nên người mau tỏ rõ đạo mầu,
Quy y con trước cha sau,
Cả hai chứng quả theo hầu hai bên.

Kiếp trót Ngài như trên đã kể,
Thiệt vẻ vang cho kẻ tu hành,
Một trăm mười chín hướng sanh,
Nhập diệt ba chục, tháng lành mạnh thu.

Bởi nhiều kiếp công tu rốt ráo,
Ngài đắc thành Thánh đạo hiển dương,
Phong Đại Thánh Địa Tạng Vương,
U minh giáo chủ, dẫn đường độ sanh.

Dưới địa ngục u thành một cõi,
Nhờ đức Ngài bớt khỏi cực hình,
Biết bao tù tội chúng sinh,
Ăn năn sám hối tụng kinh tu hành.

Cung Đao Lợi xướng danh Địa Tạng,
Đức Như Lai khai giảng cho Ngài,
Tới đời tượng, mạt trần ai,
Thay cầm Chánh Pháp an bài độ sanh.

Đợi tới kỳ giáng sanh Di Lặc,
Ấy là ngày công đức viên thành,
Thiệt là hiển hiển, linh linh,
Phân thân mười cõi biến hình dạo chơi.

Nếu có kẻ tưởng trời niệm Phật,
Tuỳ duyên lành, Ngài mật độ cho,
Sông mê dìu dắt qua đò,
Tới nơi bến Giác tự do thanh nhàn.

Tay cầm tích trượng châu vàng,
Động tan cửa ngục cứu toàn chúng sanh,
Thành tâm tưởng niệm hiệu danh,
Hiện thân cảm ứng ngục thành tiêu tan.

Nam Mô Đại Nguyện Địa Tạng Vương Bồ Tát!
Nam Mô Đại Nguyện Địa Tạng Vương Bồ Tát!
Nam Mô Đại Nguyện Địa Tạng Vương Bồ Tát!

-Trích trong Sám Tụng Chư Bồ Tát-

Tâm Hướng Phật!

Nguồn: Tâm Hướng Phật ( https://tamhuongphat.com/ )

85 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog