Ăn chay chắc chắn tốt cho sức khỏe. Đặc biệt là thịt ngày nay, thịt hiện nay có chứa rất nhiều vi khuẩn gây bệnh, rất nghiêm trọng, “bệnh từ miệng vào”.
Xem tiếp đoạn sau cùng: “Thế nào gọi là yêu thương, quý tiếc sinh mạng”. Đây là vun bồi lòng nhân từ. “Sở dĩ, con người được gọi là người, chẳng qua là do có lòng trắc ẩn mà thôi”. “Trắc ẩn” là tâm thương xót, tâm đồng cảm. Con người được gọi là người, thật ra mà nói chính là ở điểm này.
“Người muốn có lòng nhân thì phải có lòng trắc ẩn, người muốn tích đức thì phải tích lòng trắc ẩn”. Tất cả đều là tăng trưởng lòng trắc ẩn của chúng ta, đây chính là người nhân từ, đây chính là tích đức.
“Chu Lễ nói: Tháng đầu xuân, vật tế không được dùng con vật cái”. “Chu Lễ” là do Chu Công đặt ra, “tháng đầu xuân” là tháng giêng. Tháng giêng nếu tế lễ, tế lễ đều giết động vật để tế thần minh, không được dùng con vật cái. Vì sao vậy? Vì đây là lúc nó mang thai, phải thương xót chúng.
“Mạnh tử nói: “Người quân tử tránh xa nhà bếp”. Những việc này đều nhằm giữ gìn lòng trắc ẩn của mình”. “Nghe tiếng chúng kêu gào, không nỡ ăn thịt chúng”, Nho giáo nói như thế. Nhà Phật tuy không cấm ăn thịt, nhưng đức Phật khuyên đệ tử nên ăn “tam tịnh nhục”. “Tam tịnh nhục” là gì? “Không thấy giết”, khi giết chúng ta không thấy. “Không nghe giết”, khi giết chúng ta nghe tiếng kêu. “Không vì mình giết”, là không phải vì mình mà giết. Đều là bảo toàn “lòng trắc ẩn” mà thôi. Phật giáo truyền vào Trung quốc, mãi đến thời Lương Võ Đế, Lương Võ Đế đọc kinh Lăng Già, chân thật ông bị chấn động mạnh lòng trắc ẩn, ông đã từ bỏ ăn thịt.
Chư vị phải biết, việc Phật giáo ăn chay, không ăn thịt; ăn chay là do Lương Võ Đế đề xướng, không phải là giáo nghĩa vốn có của Phật giáo. Lương Võ Đế là hộ pháp của nhà Phật, ông dùng sự tôn quý của Quốc vương để đề xướng việc ăn chay, đã hình thành phong trào ăn chay. Lúc đó, tất cả người xuất gia đều hưởng ứng, truyền mãi đến nay cư sĩ tại gia cũng hưởng ứng, đây là việc tốt, ăn chay chắc chắn tốt cho sức khỏe.
Đặc biệt là thịt ngày nay, thịt hiện nay có chứa rất nhiều vi khuẩn gây bệnh, rất nghiêm trọng, “bệnh từ miệng vào”. Nếu chúng ta cho rằng ăn chay không có sức khỏe, ăn thịt mới có sức khỏe, tôi có thể làm chứng cho quý vị. Tôi ăn chay đã được 50 năm rồi, cả đời tôi chưa từng sanh bệnh, sao có thể nói ăn chay không có sức khỏe cho được?
Cư sĩ Hứa Triết ở Singapore năm nay đã 102 tuổi, bà ăn chay từ trong bụng mẹ. Bà vừa ra đời là không ăn được đồ có mùi tanh, ăn đồ có mùi tanh là buồn nôn, bà ăn chay được 102 năm rồi. Thân thể mạnh khỏe, không hề có chút bệnh tật nào, cho nên ở Singapore mọi người đều biết “người thanh niên 102 tuổi”, sao có thể nói ăn chay không có sức khỏe? Đây đều là quan niệm sai lầm đang quấy phá.
Bên dưới nói: “Cho nên, người xưa có bốn loại thịt tránh không ăn, đó là: nghe tiếng kêu bị giết không ăn, thấy bị giết không ăn, vật mình nuôi không ăn, cố ý vì mình mà giết không ăn”. Ở đây nói nhiều hơn đức Phật Thích-ca Mâu-ni một điều, thêm một điều là “vật mình nuôi”. “Người học đạo nếu chưa thể dứt bỏ việc ăn thịt thì cũng nên tránh ăn những loại thịt trên”. Đây là việc tốt. Do đó, nếu chúng ta muốn chăm sóc thân thể khỏe mạnh thì không thể không chú ý điều này.
Sau cùng, tiên sinh Liễu Phàm tổng kết: “Dần dần nâng cao lên thì tâm từ bi ngày càng tăng trưởng, lúc ấy không những giữ được giới không giết hại, mà sẽ nhận thức được các loài sâu bọ, côn trùng đều có sanh mạng. Muốn lấy tơ phải luộc kén, cuốc đất sẽ làm chết côn trùng; phải nhớ rằng, quần áo, thức ăn là từ đây mà có, đều là giết hại các loài khác để mình được sống”.
Thường nghĩ đến điều này, trong lòng chúng ta rất khó chịu, vì cuộc sống không thể không sát sanh. Biết được đạo lý này, người có tâm từ bi khẩn thiết, họ không mặc đồ tơ lụa, vì sao vậy? Nhìn thấy đau lòng, một chiếc áo tơ lụa không biết có bao nhiêu sinh mạng ở trong đó, làm sao có thể nhẫn tâm? Mặc áo da đều là sát sanh, phải lấy da của chúng, không nhẫn tâm!
Làm ruộng, trồng trọt, rất nhiều côn trùng trong đất đều bị chết thì chúng ta mới có được một ít lương thực. Gần đây, tôi có tham quan một nông trường ở Sydney, do người xuất gia làm, họ trồng rau xanh trong giỏ nhựa. Tôi hỏi họ: “Vì sao không trồng trên đất?” Họ bảo: “Trồng trên đất, khi canh tác sẽ giết chết rất nhiều côn trùng nhỏ. Chúng tôi trồng vào trong giỏ, chi phí canh tác lớn hơn rất nhiều, nhưng không sát sanh”. Tôi nghe xong rất cảm động, rất khó được, việc này đáng được đề xướng. Họ vẫn là dùng đất để trồng, nhưng lấy đất bỏ vào trong giỏ nhựa, giỏ lớn, tránh việc sát sanh.
“Cho nên, tội hủy hoại, lãng phí lương thực, đồ vật”. Chúng ta ăn thức ăn mà biết không quý tiếc, thức ăn thừa liền vứt bỏ. Đây là tạo tội, tội này rất nặng! “Tương đương với tội sát sanh”. Tội nghiệp này không khác gì với sát sanh.
“Cho đến những việc lỡ tay làm hại, giẫm chân làm chết côn trùng, thật không biết số bao nhiêu mà kể, cho nên phải hết sức cảnh giác”. Chúng ta cần phải luôn cảnh giác.
“Cổ thi có câu: “Lưu hạt cơm thừa thương chuột đói, giữ mạng thiêu thân chẳng đốt đèn”, thật nhân từ biết bao! Hành thiện có nhiều cách vô cùng, không thể kể hết ra được”. Nói không cùng tận.
“Từ mười điều vừa nói trên đây mà suy rộng ra, thì muôn vàn thiện hạnh đều có thể đầy đủ cả”. Ở đây tiên sinh Liễu Phàm đưa ra mười trường hợp, hy vọng chúng ta từ mười trường hợp này suy rộng ra, siêng năng nỗ lực tu học, thì tự nhiên thiện hạnh có thể viên mãn. Tốt rồi, hôn nay chúng ta giảng tới đây.
Trích: Liễu Phàm Tứ Huấn, tập 18 – Hòa Thượng Tịnh Không giảng giải!