Bát chánh đạo là gì? Tám con đường cao quý đưa ta đến giác ngộ
Pháp Giới 11 tháng trước

Bát chánh đạo là gì? Tám con đường cao quý đưa ta đến giác ngộ

Bát chánh đạo là gì? Bát Chánh Đạo chẳng những giúp ta tự tu thân, cải thiện hoàn cảnh xung quanh, mà còn giúp ta đạt quả Vô Thượng Bồ Đề nữa.

1. Bát chánh đạo là gì?

Trong bài giảng pháp đầu tiên của Đức Phật tại vườn Lộc Uyển, ngài đã nhắc đến Đạo đế – một trong bốn chân lý của Tứ Diệu đế. Theo đó, để chứng ngộ được Đạo đế, giải thoát khỏi kiếp luân hồi và bước từng bước đến cõi niết bàn thì cần phải tu tập theo Bát Chánh Đạo.

Bát Chánh đạo hay Bát Chính đạo, Bát Thánh đạo (tiếng Phạn là: āryāstāngika – mārga) có nghĩa là con đường chân chính chia làm tám chi, là giáo lý căn bản được đề cập trong Đạo đế. Con đường tám chi đó bao gồm: Chánh kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm và Chánh định.

Mỗi khi nói đến Đạo Đế là ta phải nói tới Bát Chánh Đạo. Tuy nhiên, Bát Chánh Đạo chỉ là một phần của Đạo Đế mà thôi. Bát Chánh Đạo cũng rất là quan trọng cho những ai mới phát tâm tu học. Tại sao? Tại vì Bát chánh Đạo hợp với mọi căn cơ, mọi trình độ, Đông phương cũng như Tây phương. Nó là tám con đường nhỏ đưa đến Đại Lộ Giải Thoát. Ai muốn giải thoát đều phải bước qua, không có ngoại lệ.

Trong Phật giáo, con đường tám chi trong bát chánh đạo thường được biểu tượng bằng hình vẽ một chiếc bánh xe có 8 nan hoa.

Bát chánh đạo là gì? Tám con đường cao quý đưa ta đến giác ngộ

2. Tám con đường cao quý đưa ta đến giác ngộ

Chánh Kiến

Chánh Kiến là thấy biết chân thật mọi sự vật. Mọi sự vật đều tự chúng đầy đủ, tự tại, rỗng lặng, không ngăn ngại trong hình tướng, màu sắc, âm thanh… Người có chánh kiến thấy như thế nào thì nhận đúng như thế ấy, không lấy trắng làm đen, lấy tốt làm xấu, dở làm hay…

Người có chánh kiến thì sự nhận xét sự vật không bị tập quán, thành kiến hay dục vọng làm sai lạc. Biết phân biệt cái nào giả, cái nào thiệt.

Chánh Tư Duy

Chánh tư duy là sự suy nghĩ chân thật. Sự suy nghĩ dựa trên sự thấy biết chân thật nên không bị các thành kiến, tình cảm hay xúc cảm làm sai lạc khi suy nghĩ.

Người có chánh tư duy lúc nào cũng biết xét đến những hành vi lỗi lầm và những ý nghĩ xấu xa để mà sám hối. Biết suy xét Vô Minh là nguyên nhân gây ra mọi đau khổ.

Chánh Ngữ

Chánh ngữ là nói điều chân thật và thẳng thắn để mang lại sự an vui và tốt đẹp cho mọi người. Người có chánh ngữ không bao giờ nói sai sự thật, không thiên vị. Thấy dở nói dở, thấy hay nói hay.

Xem Thêm:   Cách phân biệt các loại Thiền Định

Đức Phật đã dạy rằng bất luận lời nói là của ai, nếu không hợp với chơn lý là không bao giờ tin. Bất luận lời nói là của ai, nếu hợp với chơn lý thì cứ tin theo đó mà tu.

Chánh Nghiệp

Chánh nghiệp là thân làm điều chân thật, miệng nói điều chân thật và ý nghĩ điều chân thật. Một khi thân, khẩu, ý đều chân thật thì ta sẽ đem đến cho người sự thương yêu và tốt đẹp.

Người có chánh nghiệp không bao giờ làm tổn hại đến quyền lợi, nghề nghiệp, danh giá và hạnh phúc của ai. Người có chánh nghiệp luôn luôn hành động có lợi cho người khác và nếu cần, họ có thể hi sinh quyền lợi hay tánh mạng của mình để giải thoát nỗi đau khổ cho người khác.

Có thể thấy rằng, hai yếu tố đầu tiên (Chánh kiến, Chánh tư duy) là sự tu tập, rèn luyện đối với ý. Chánh ngữ thuộc về khẩu và Chánh nghiệp thuộc về thân. Ba yếu tố này bổ trợ lẫn nhau giúp hành giả đạt được sự thanh tịnh của thân, khẩu, ý.

Theo cái nhìn của Đức Phật thì tất cả suy nghĩ và hành động của con người đều khởi nguồn từ tâm. Nếu con người có tâm tốt và biết lo lắng tới việc phát triển xã hội loài người bằng hành động thực tế, thì kết quả sẽ có ích cho nhân loại ngay trong hiện tại. Nếu ta không biết tu dưỡng và rèn luyện đạo đức thì con người sẽ trở thành ác nhân, và cuộc đời sẽ là nạn nhân của nó. Cho nên, nghề nghiệp chân chính là hành vi đúng đắn, tạo nghiệp thiện lành, tốt đẹp, từ bỏ sát sinh, từ bỏ tà hạnh, từ bỏ nói dối, hại người.

Chánh Mạng

Chánh mạng là phương tiện sinh sống đúng đắn. Chánh mạng dạy chúng ta phải kiếm sống bằng những nghề nghiệp lương thiện. Một cách cụ thể, người tu tập Chánh mạng phải xa lìa công việc liên quan tới vũ khí, tới chất độc, chất gây nghiện (rượu, bia, ma túy, thuốc lá…) hay làm tổn hại mạng sống của chúng sinh (giết mổ…). Ngoài ra, những công việc mâu thuẫn với Chánh ngữ, Chánh nghiệp cũng cần phải từ bỏ vì không đem lại Chánh mạng.

Người theo đúng chánh mạng sống cuộc đời ngay thật, không tham gian, không làm giàu có trên mồ hôi nước mắt của người khác. Họ sống một cuộc đời có ý nghĩa, lợi mình, lợi người, xứng với bát cơm mình ăn, manh áo mình mặc, chứ không ăn không ngồi rồi, sống bám vào người khác. Họ không bao giờ mê tín dị đoan. Họ luôn luôn lấy trí huệ làm mạng.

Xem Thêm:   Cách Hồi Hướng Công Đức

Chánh Tinh Tấn

Chánh tinh tấn có thể coi là yếu tố vô cùng quan trọng để thực hành và thành tựu bảy chi còn lại của Bát chánh đạo. Nếu không tinh tấn, miên mật một cách đúng đắn, bạn sẽ không thể thành tựu bất cứ chi nào và sẽ bị thoái thất hay sai lệch trong sự thực hành của mình.

Chính tinh tiến có được dựa trên sức mạnh nội tâm, chính là những năng lực của tham ái, đố kỵ, sân hận… được chuyển hóa. Một cách cụ thể, bạn cần từ bỏ những điều xấu ác đã lỡ phát sinh, ngăn chặn những niệm xấu ác chưa phát sinh, phát khởi những niệm thiện lành và duy trì, trưởng dưỡng những việc thiện lành đã phát sinh. Vì vậy, Chánh tinh tiến phải luôn được dẫn dắt bởi Chánh kiến.

Chánh Niệm

Chánh niệm là chú tâm một cách chân thật. Khi ta sống trong tỉnh thức thì tâm ta ở trạng thái trong sáng, nhận biết trực tiếp và rõ ràng các hoạt động của thân thể, không bao giờ dính mắc vào một cái gì.

Người sống trong chánh niệm biết rõ những ý tưởng vui, buồn, thương, ghét xuất hiện, nhưng không bị lôi cuốn đi theo để tạo ra những phiền não cho cuộc sống. Người sống trong chánh niệm chỉ ghi nhớ những điều hay lẽ phải có lợi cho mình và cho người mà thôi.

Phương pháp tu tập chánh niệm là sự ý thức được, mình đang làm cái gì đó trong từng giây phút; khi đang ăn thì ta biết mình đang ăn, khi đang uống thì ta biết mình đang uống, đây là cách thức giúp ta làm chủ bản thân, không bắt nguồn từ sự phân biệt của ý thức, mà bằng sự quán sát sự sống của bản thân mình.

Muốn thắp lên ngọn đèn chánh niệm thì chúng ta cần có chất liệu của tình thương như, ánh mắt tha thứ, biết bao dung, từ bỏ những tham giận, si mê, sám hối, lạy Phật, tụng kinh, ngồi thiền. Tóm lại, nhiên liệu nào có khả năng để soi sáng cho sự hiểu biết chân chính và sự sống thanh tịnh đều là những chất liệu có giá trị tình thương chân thật.

Chánh Định

Một tâm định tĩnh có thể tạo ra ánh sáng trí tuệ nhờ biết cách tập trung, quán sát, kiểm soát tâm một cách hài hòa, thuần thục. Chánh định nghĩa là tập trung tư tưởng vào một vấn đề gì để thấy rõ ràng, không lầm lẫn. Nói cách khác là tập trung tư tưởng vào một vấn đề chính đáng, đúng với chân lý, có lợi ích cho mình và người khác.

Chánh định là tâm trong sáng, an ổn và linh động chân thật. Sống được như thế là sống với cái tâm Phật, tâm giải thoát. Sống lành và thiện thì tự nhiên tâm ta sẽ hiển lộ ra lòng thương yêu bao la.

Xem Thêm:   Tại sao có người nghe chú Đại Bi, niệm Phật, tụng Kinh lại khóc?

Chánh định thì có sự thông minh bén nhạy hay trí huệ, nhận biết rõ mọi thứ một cách tường tận mà không bị dính mắc, nên luôn thong dong tự tại. Chánh định là tập trung tư tưởng vào một vấn đề chính đáng, đúng với chân lý, có lợi ích cho mình và cho người.

Người tu theo con đường Bát Chánh Đạo sau khi đã thuần thục 7 pháp trên, cuối cùng nhờ Chánh định mà tâm quán sát mọi sự vật đúng như thực trạng của nó.

Quán từ bi là quán tưởng tất cả chúng sanh đều là một, chân tâm bình đẳng không khác, để đoạn trừ thù hận và mở rộng lòng thương yêu, muốn cứu độ chúng sanh.

Quán hơi thở nghĩa là quán tưởng bằng cách chuyên chú đếm hơi thở ra vào, đối trị sự tán loạn của tâm thức.

Quán Lý duyên khởi là thấy từ con người cho đến muôn loài vật đều do nhân duyên hòa hợp mà hình thành nên giả có, không có thực thể cố định, không thường tồn, để đoạn trừ ngu si, chấp ngã.

Trong cuộc sống của chúng ta, mọi sinh hoạt đều biểu hiện ở ý nghĩ, lời nói, và phát sinh ra hành động. Do đó, đức Phật dùng phương pháp Bát Chánh Đạo để chuyển hóa si mê, tối tăm, mờ mịt, thành vô lượng từ bi, trí tuệ, và lấy sự nuôi mạng sống chân chính làm nền tảng đạo đức, lấy chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định làm nghiệp dụng tương trợ cho nhau để hướng ta đến đời sống giác ngộ, giải thoát hoàn toàn.

Ai tu theo con đường Bát Chánh Đạo sẽ có năng lực giúp mình tiến đến quả hiền Thánh, Bồ Tát và thành Phật trong tương lai. Mọi người đều có Phật tính sáng suốt ngay nơi thân này, chúng ta chỉ cần rèn luyện và bền bỉ, kiên trì đều đặn bằng trí tuệ được khai phát từ sự quán chiếu, tư duy, nghiền ngẫm, biết nghiệm xét, thì không sớm muộn gì cũng được thành tựu viên mãn.

Tóm lại Bát Chánh Đạo chẳng những giúp ta tự tu thân, cải thiện hoàn cảnh xung quanh, mà còn giúp ta đạt quả Vô Thượng Bồ Đề nữa. Ngay trong đời sống này, Bát Chánh Đạo giúp ta có một đời sống cao quý, làm chủ cuộc sống của mình, tự mình giải thoát khỏi mọi dính mắc sai lầm, mà còn đem tình thương yêu, sự hiểu biết mà tạo nên một cuộc sống tốt đẹp cho cá nhân, gia đình và xã hội nữa.

Tâm Hướng Phật/TH!

Nguồn: Tâm Hướng Phật ( https://tamhuongphat.com/ )

34 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog