Thời kỳ Mạt Pháp là gì? Tu môn gì để ra khỏi sanh tử luân hồi?
Pháp Giới 12 tháng trước

Thời kỳ Mạt Pháp là gì? Tu môn gì để ra khỏi sanh tử luân hồi?

Thời kỳ Mạt pháp là gì? Đó thời kỳ được bắt đầu từ sau khi đức Phật nhập niết bàn 1500 năm, được khái lược trong ba điều trọng yếu: Có giáo lý, không hành trì, không quả chứng.

1. Thời kỳ Mạt Pháp nghĩa là gì?

Thời kỳ Mạt pháp là thời kỳ được bắt đầu từ sau khi đức Phật nhập niết bàn 1500 năm, được khái lược trong ba điều trọng yếu: Có giáo lý, không hành trì, không quả chứng.

Chư Tổ sư giảng về điều này như sau: Thời Mạt pháp chẳng phải là không có người hành trì. Song kẻ hành trì đúng theo giáo lý rất ít, hầu như không có, nên mới gọi là không hành trì. Mà bởi hành trì không đúng nên không có người chứng đạo. Bởi thế nên chư Tổ thường than: “Người học đạo nhiều như lông Trâu, người đắc đạo như sừng Thỏ.”

Muôn vật giữa đời, có thạnh tất có suy, dù cho đạo pháp của Phật cũng vậy. Nhưng động cơ chánh trong sự suy vong của nền đạo là do con người chớ không phải do giáo pháp. Như hiện thời có thể nói Tam tạng Kinh điển đầy đủ hơn xưa. Nhưng sở dĩ gọi là thời kỳ Mạt pháp, vì con người kém đạo đức căn lành không giữ đúng theo lời dạy của Phật.

Về đạo Phật, theo thuyết Tam thời, thì hiện tại là thời Mạt pháp; Theo thuyết Ngũ thời, hiện tại chính nhằm thời Đấu tranh. Từ đây về sau, cứ đúng theo thật tế mà nói. Phật pháp đang ở trong tình trạng tiệm suy, nếu có vùng dậy cũng chỉ trong giai đoạn tạm thời. Vậy hàng Phật tử càng nên cố gắng thật học, thật tu; Để duy trì pháp vận, lợi ích thế gian và phải làm với hết sức của mình.

Ba thời kỳ của Phật pháp: Chánh pháp, Tượng pháp và Mạt pháp

Phật Pháp được chia thành ba thời kỳ là thời Chánh Pháp, thời Tượng Pháp, và thời Mạt Pháp. Các thời kỳ Pháp của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni được ghi chép trong các kinh điển thì không đồng nhất, nhưng hầu hết các bậc cổ đức đều theo thuyết định thời kỳ Chánh Pháp là 500 năm, thời kỳ Tượng Pháp là 1.000 năm, và thời kỳ Mạt Pháp là 10.000 năm.

Về vấn đề trên, các Kinh-luận ghi chép cũng không đồng, đại khái có bốn thuyết:

1. Chánh pháp 1.000 năm, tượng pháp 1.000 năm, mạt pháp 10.000 năm, là thuyết của kinh Đại Bi. Kinh Tạp A Hàm nói chánh pháp 1.000 năm, Luật Thiện Kiến nói chánh, tượng đều 1.000 năm; Hai bộ kinh và luật nầy tuy một không đề cập đến tượng, mạt, một không nói về thời kỳ mạt pháp, song đại lược cũng đồng với thuyết của kinh Đại Bi.

2. Chánh pháp 500 năm, tượng pháp 500 năm, là thuyết của kinh Đại Thừa Tam Tụ Sám Hối.

3. Chánh pháp 1000 năm, tượng pháp 500 năm, là thuyết của kinh Bi Hoa.

4. Chánh pháp 500 năm, tượng pháp 1.000 năm, là thuyết của các kinh: Đại Tập Nguyệt Tạng, Hiền Kiếp, Ma Ha Ma Gia.

Cổ kim đến nay chư Tổ sư thống nhất rằng: Thuyết chánh pháp 500 năm, tượng pháp 1.000 năm, và y cứ theo kinh Đại Bi thêm vào phần mạt pháp 10.000 năm.

Xem Thêm:   Quán bất tịnh là gì? Quán thân bất tịnh để trừ tâm ái dục

Trong thời Chánh Pháp (chánh có nghĩa là chứng), mặc dầu Đức Phật đã diệt độ, nhưng Pháp nghi vẫn không thay đổi. Có giáo pháp, có sự hành trì, và có người chứng đắc quả vị–đó gọi là thời kỳ Chánh Pháp, và còn được mệnh danh là thời kỳ “Thiền Định kiến cố”.

Trong thời Tượng Pháp (tượng có nghĩa là biểu tượng), tuy vẫn có giáo pháp, có sự hành trì, nhưng số người chứng đắc quả vị thì rất ít; thời kỳ này còn được gọi là thời kỳ “Tự miếu kiên cố”.

Trong thời Mạt Pháp (mạt có nghĩa là suy vi, yếu kém), Phật Pháp trở nên suy tàn, chỉ có giáo pháp chứ không có sự hành trì, và càng không có người chứng đắc quả vị. Thời kỳ này còn được gọi là thời kỳ “Đấu tranh kiên cố”. Đây là lời giải thích thông thường về ba thời kỳ “Chánh, Tượng và Mạt” của Phật Pháp.

Thời kỳ Mạt Pháp là gì? Tu môn gì để ra khỏi sanh tử luân hồi?

2. Đức Phật giảng về viễn cảnh thời Mạt pháp

Cách đây hơn 2500 năm trước, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã từng dự ngôn, sau khi Ngài ly thế, cũng chính là vào thời kỳ Mạt pháp thì Phật Pháp mà ngài truyền sẽ bị phá hư, diệt vong. Và trong thời Mạt pháp, sẽ xuất hiện rất nhiều tăng nhân giả làm thiện tri thức đưa chúng sinh lầm đường lạc lối.

“Phật thuyết pháp diệt tận kinh” (còn gọi là “Pháp diệt tận kinh”) là tác phẩm kinh điển của nhà Phật. Người đời sau không xác định được người dịch bộ kinh này nhưng theo các tiền nhân suy tính thì nó được xác nhận là dịch ra vào thời Lưu Tống. Trong “Phật thuyết pháp diệt tận kinh” có ghi lại lời tiên tri của Phật Thích Ca Mâu Ni về những biến hóa dị thường sẽ xảy ra sau khi ngài nhập niết bàn.

Lúc ấy, Phật Thích Ca Mâu Ni ở tại nước Kuśinagara của Ấn Độ Cổ, có rất nhiều tín đồ và dân chúng đến tụ tập ở xung quanh ngài. Dù cho tín đồ và chúng sinh chắp tay bái, nhưng Phật Thích Ca Mâu Ni vẫn im lặng không nói gì, ánh hào quang cũng không xuất hiện. Khi ấy, Phật Thích Ca Mâu Ni đã ở dưới cội bồ đề khai ngộ và truyền giảng pháp được 49 năm. Các đệ tử của ngài đã sớm quen với việc nghe ngài giảng pháp. Hơn nữa, họ cũng quen với phật quang hiển hiện ra khi ngài đang giảng pháp.

Một trong mười đại đệ tử của Phật Thích Ca Mâu Ni lúc ấy là Tôn giả A Nan cảm thấy không hiểu, liền hướng đến Phật hỏi nguyên do. Lúc đầu, Phật Thích Ca Mâu Ni vẫn lặng im, không trả lời. Sau ba lần thỉnh cầu, Phật Thích Ca Mâu Ni đã khai thị, và một phần nội dung những lời của ngài đã được ghi trong phần “Phật thuyết pháp diệt tận kinh”.

Theo “Phật thuyết pháp diệt tận kinh” ghi chép lại, Phật Thích Ca Mâu Ni đã nói với Tôn giả A Nan và các tín đồ, chúng sinh có mặt lúc ấy rằng, sau khi ngài ly thế, cũng chính là vào thời kỳ mạt pháp mạt kiếp thì phật pháp mà ngài truyền sẽ bị phá hư, diệt vong. Là một người giác ngộ đại trí đại huệ, Phật Thích Ca Mâu Ni thập phần hiểu rõ vận mệnh pháp mà ngài truyền giảng.

Trong “Pháp diệt tận kinh” viết: “Tự cung vu hậu bất tu đạo đức, tự miếu không hoang, vô phục tu lý, chuyển tựu hủy hoại. Đãn tham tài vật, tích tụ bất tán, bất tác phúc đức; phán mại nô tì, canh điền xung thực, phần hủy sơn lâm, thương hại chúng sinh, vô hữu từ tâm; nô vi tì khưu, tì vi tì khưu ni, vô hữu đạo đức, dâm điệt trọc loạn, nam nữ bất biệt. Lệnh đạo bạc đạm, giai do tư bối; hoặc tị huyện quan, y ỷ ngô đạo, cầu tác sa môn, bất tu giới luật, nguyệt bán nguyệt tận, tuy danh tụng giới, yếm quyện giải đãi, bất dục thính văn, sao lược tiền hậu, thiết hữu đậu giả, bất thức tự câu, vi cường ngôn thị, bất tư minh giả, cống cao cầu danh, hư hiển nha bộ, dĩ vi vinh ký, vọng nhân cung dưỡng.”

Xem Thêm:   Những điều kiện để hộ niệm vãng sanh đạt được kết quả cao

Chú thích: Chúng sinh chỉ tham tiền tài vật chất, tích lũy để giàu, cũng không tu phúc đức chân chính. Có kẻ còn bắt đầu buôn bán nô tỳ, bắt nô tỳ cày ruộng trồng trọt, sưu cao thuế nặng. Ngoài ra còn đốt phá rừng, làm tổn hại sinh mạng chúng sinh, không còn một chút thiện tính từ bi nào nữa.

Đến thời này, xã hội nhân loại cũng sẽ xuất hiện rất nhiều sự tình khác lạ:

Một là: “Thủy hạn bất điều ngũ cốc bất thục, dịch khí lưu hành tử vong giả chúng.” tức là, khí hậu dị thường, thiên tai nhân họa xảy ra thường xuyên, nước hạn hán, ngũ cốc không chín, bệnh dịch làm chết nhiều người.

Hai là: “Ác nhân chuyển đa như hải trung sa, thiện giả thậm thiểu nhược nhất nhược nhị.” ý nói, đạo đức xã hội trượt dốc, người ác nhiều như cát trong biển, người lương thiện lại vô cùng ít.

Ba là: “Kiếp dục tận cố, nhật nguyệt chuyển đoản, nhân mệnh chuyển thúc: tứ thập đầu bạch, nam tử dâm điệt, tinh tận yểu mệnh, hoặc thọ lục thập; nam tử đoản thọ, nữ nhân thọ trường, thất bát cửu thập, hoặc chí bách tuế. Đại thủy hốt khởi, thốt chí vô kỳ, thế nhân bất ngôn, cố vi hữu thường. Chúng sinh tạp loại, bất vấn hào tiện, một nịch phù phiêu, ngư miết thực đạm”.

Ý nói, đến thời mạt kiếp thì mặt trăng mặt trời luân chuyển làm thời gian ngắn lại hơn, vì thế tuổi thọ con người cũng nhanh kết thúc hơn. Người 40 tuổi đã đầu bạc, già trước tuổi. Nam giới vì dâm dục phóng túng nên tinh lực cạn kiệt mà chết yểu, có thể chỉ sống thọ đến 60. Nam thọ ngắn thì nữ lại thọ dài, có thể sống đến 70, 80, 90, thậm chỉ 100 tuổi.

Lũ lụt sẽ đến bất ngờ và thường xuyên hơn, không theo quy luật rõ ràng. Người đời không tin đây là hiện tượng mạt pháp, vì thế xem là bình thường. Chúng sinh sống tạp loạn cùng nhau, bất kể giàu sang hay nghèo hèn đều bị chìm trong nước chứ không nổi, làm mồi cho cá và rùa…

Thế nhưng, trong “Phật thuyết Pháp diệt tận” cũng có ghi chép lại lời của Đức Phật: “Khi Pháp ta diệt, ví như đèn dầu sắp tắt, ánh sáng lóe lên, sau đó liền diệt; khi Pháp ta diệt, cũng như đèn tắt, khó mà trách được. Đến như sau đó mấy nghìn vạn năm, khi Di Lặc hạ thế làm Phật, thiên hạ thái bình, độc khí toàn tiêu”.

Phật Thích Ca Mâu Ni đã nói đến một cứu cánh cho toàn nhân loại ngày nay, đó là khi “Chuyển Luân Thánh Vương” (trên thiên thượng gọi là “Pháp Luân Thánh Vương”, cũng xưng là “Di Lặc”), một vị Như Lai với thần thông tối quảng đại, năng lực lớn nhất trong vũ trụ, rồi sẽ hạ thế truyền Pháp độ hết thảy chúng sinh các giới.

Xuất phát từ lòng từ bi với con người, Phật Thích Ca Mâu Ni đã đưa thiên cơ trọng yếu này vào các dự ngôn minh xác, lấy đó khải thị người đời sau phải sáng suốt để tự cứu, thoát khỏi kiếp nạn, và hướng về kỷ nguyên mới của lịch sử. Mong rằng những ai hữu duyên có thể tìm và đắc được cơ duyên vạn cổ để có thể giải thoát chính mình này, khi cơ hội đến hãy nắm bắt đừng bỏ qua.

Xem Thêm:   Cách nhận biết người sau khi chết sẽ sanh về cảnh giới nào

Những dự ngôn của Phật Thích Ca Mâu Ni lúc ấy, có bao nhiêu điều đã xảy ra? Có bao nhiêu điều đang xảy ra? Còn bao nhiêu điều sắp xảy ra? Những điều ghi chép trong “Phật thuyết pháp diệt tận kinh” này có thể không đầy đủ, hơn nữa cũng là những lời mà người đời sau nhớ và ghi chép lại nên thật khó để cam đoan là hoàn toàn chuẩn xác nhưng thực sự đáng để người đời suy ngẫm!

3. Thời kỳ Mạt pháp nên tu môn gì để ra khỏi sanh tử luân hồi?

Tam tạng kinh điển thời nay tăng thêm nhiều và đầy đủ hơn xưa, tại sao người tu chứng tuyệt ít? Có phải do thời nay căn cơ của quần chúng phần đông đều yếu kém chăng? Đời mạt pháp, người tu có mấy ai ngộ đạo? Ngộ đạo không phải là dễ. Như thuở xưa, Hương Lâm thiền sư dụng tử công phu trong bốn mươi năm mới dung luyện thành một khối. Ngài Trường Khánh Nhàn ngồi rách mười mấy chiếc bồ đoàn mới được thấy tánh bản lai.

Người đời nay, trừ một vài vị Thánh nhơn ứng thân thị hiện để làm mô phạm cho quần chúng, ngoài ra các vị khác tu thiền, chỉ tạm được thân tâm an tỉnh hoặc thấy thiện cảnh giới là cùng! Dù đã ngộ đạo, khi chuyển sanh vẫn còn có thể bị chướng nạn. Đường sanh tử có nhiều nguy hiểm đáng e ngại với kẻ chưa đắc đạo là thế.

Nơi Kinh Đại Tập, đức Thế Tôn đã bảo: “Trong đời mạt pháp, ức ức người tu hành, ít có kẻ nào đắc đạo, chỉ nương theo pháp môn Niệm Phật mà thoát luân hồi.”

Ấn Quang pháp sư, một bậc cao tăng cận đại ở Trung Hoa, cũng đã bảo: “Thời kỳ mạt pháp đời nay, chúng sanh nghiệp nặng tâm tạp. Nếu ngoài môn Niệm Phật mà tu các pháp khác, nơi phần gieo trí huệ phước đức căn lành thì có, nơi phần liễu thoát luân hồi trong hiện thế thì không. Tuy có một vài vị cao đức hiện những kỳ tích phi thường, song đó đều là những bậc Bồ Tát nương theo bản nguyện mà làm mô phạm để dẫn dắt chúng sanh đời mạt pháp, như trong Kinh Lăng Nghiêm đã nói.

Nhưng các vị ấy cũng chỉ vừa theo trình độ chúng sanh mà thị hiện ngộ đạo chớ không phải chứng đạo. Chỉ riêng pháp môn Tịnh Độ, tuy ít người tu chứng được Niệm Phật Tam Muội như khi xưa, nhưng có thể nương theo nguyện lực của mình và bản nguyện của Phật A Di Đà, mà đới nghiệp vãng sanh về cõi Tây Phương Cực Lạc. Khi về cõi ấy rồi thì không còn luân hồi, không bị thối chuyển, lần lần tu tập cho đến lúc chứng quả Vô Sanh.”

Như lời Phật huyền ký, thời kỳ mạt pháp bậc ngộ đạo còn ít có, huống chi là chứng đạo, và chưa chứng đạo tất còn phải chịu luân hồi. Cho nên muốn giải quyết vấn đề sanh tử ngay đời hiện tại giữa thời mạt pháp này, chỉ có phương tiện duy nhất là cầu đới nghiệp vãng sanh về Cực Lạc. Tại sao phải như thế? Vì nếu không chứng đạo mà lại không được vãng sanh, tất phải đọa luân hồi. Khi luân hồi trong cõi ngũ trược, lại ở sâu vào thời mạt pháp đạo đức lần lần suy tàn này, nghiệp dữ dễ tạo, duyên lành khó tu, kết cuộc vẫn phải đọa trong ba đường ác. Cho nên sống chết là vấn đề lớn lao, mà những vị tu hành quyết cầu giải thoát đều phải thao thức.

Tâm Hướng Phật!

Nguồn: Tâm Hướng Phật ( https://tamhuongphat.com/ )

163 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog