Pháp Giới 11 tháng trước

Cõi Sắc giới là gì? Tìm hiểu những cõi trời thuộc Sắc giới

Trên Dục giới là Sắc giới, cõi này nằm giữa Tam giới, gồm nhiếp hữu tình và khí thế gian. Sở dĩ gọi Sắc giới, vì chúng sanh ở cõi nầy lìa sự nhiễm dục.

Con người được coi như một tiểu thiên địa, một vũ trụ thu nhỏ. Vũ trụ bao la có vô số hệ mặt trời có sự sống giống như trái đất. Một hệ mặt trời mà có 1 hành tinh có sự sống có thể tạm gọi là Tam Giới.

Tam giới là toàn bộ thế giới quan, chủng loài, hình thành nên cõi Ta Bà, bao gồm: Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới, không phải là Thiên, Nhân, Địa, như nhiều người lầm tưởng.

Trên Dục giới là Sắc giới, cõi này nằm giữa Tam giới, gồm nhiếp hữu tình và khí thế gian. Sở dĩ gọi Sắc giới, vì chúng sanh ở cõi nầy lìa sự nhiễm dục. Từ thân đến cảnh đều là sắc chất trang nghiêm, thanh tịnh. Sắc Giới gồm 16 cõi:

1. Cõi Sơ Thiền Sắc Giới

Phạm Chúng Thiên (Brahmapārisajjā): đây là cảnh giới thấp nhất. Những vị sanh ra ở đây là đồ chúng của Ðại Phạm Thiên (Mahābrahmā). Tuổi thọ 1/3 Trụ Kiếp.

“Phạm” là gì? “Phạm” có nghĩa là thanh tịnh. Dục niệm của thiên nhân ở cõi Sơ Thiền Thiên thì càng nhẹ hơn nữa so với ở Lục Dục Thiên, cho nên gọi là “phạm.” Tất cả thiên nhân cư ngụ ở tầng trời này đều thanh tịnh và đều là dân chúng của toàn cõi Phạm Thiên.

Phạm Phụ Thiên (Brahmapurohitā): những vị sanh ra ở đây sẽ là phụ tá cho Ðại Phạm Thiên. Tuổi thọ 1/2 Trụ Kiếp.

Chư thiên ở nơi này là những vị Tể Quan thanh tịnh, làm quan trên cõi trời. “Phụ” tức là phụ tá; và ở đây là phụ tá cho Ðại Phạm Thiên Vương.

Ðại Phạm Thiên (Mahābrahmā): Các vị sanh ở đây có hình thái đẹp, hưởng nhiều hạnh phúc và sông lâu hơn các vị sinh trong 2 cảnh trời trên. Tuổi thọ 1 Trụ Kiếp.

Ðây là nơi trú ngụ của Ðại Phạm Thiên Vương. Ngài vốn là người rất siêng năng dụng công tu Ðạo, song chỉ tu thiên phước để được hưởng phước lạc của cõi trời chứ chưa đạt đến mức khai ngộ và chứng quả vị; do đó, ngài được sanh lên cõi trời và làm vua trời Ðại Phạm. Vị Ðại Phạm Thiên Vương này được sự hỗ trợ của chư thiên ở tầng trời Phạm Chúng và Phạm Phụ.

Sơ Thiền Tam Thiên còn được gọi là Ly Sanh Hỷ Lạc Ðịa, tức là cảnh giới xa lìa sự sanh khởi phiền não, vô cùng vui sướng. Phàm phu chúng ta khi dụng công đạt tới cảnh giới Sơ Thiền, thì cũng có thể đến được Sơ Thiền Thiên để gặp Ðại Phạm Thiên Vương, các Tể Quan phụ tá của ngài, và dân chúng cư ngụ ở đó.

2. Cõi Nhị Thiền Sắc Giới

Trời Thiểu Quang, trời Vô Lượng Quang, trời Quang Âm. Ðây là ba tầng trời thuộc cõi Nhị Thiền, cũng gọi là Nhị Thiền Tam Thiên. Làm thế nào để được sanh lên cõi trời Nhị Thiền này? Cần phải “khử dục đoạn ái,” dứt sạch tâm dâm dục! Nếu vẫn còn lòng ham mê sắc dục thì không thể nào sanh về cõi trời này được. Mỗi tầng trời ở đây chênh lệch nhau một “giai cấp”; vì sao? Bởi chư thiên ở nơi này không còn dục niệm nữa, cứ lên cao mỗi tầng thì dục niệm mỗi giảm nhẹ, ít dần.

Xem Thêm:   Tâm niệm Phật là tâm thanh tịnh, tâm tịnh ắt cõi Phật sẽ tịnh

Thiểu Quang Thiên (Parittābhā): Tuổi thọ 2 Đại Kiếp.

Thân thể của chư thiên ở tầng trời này đều tỏa ánh hào quang; và hào quang này lớn hơn nhiều so với hào quang của thiên nhân ở trời Dạ Ma. Tuy nhiên, trong ba tầng trời thuộc Nhị Thiền Tam Thiên, thì hào quang của thiên nhân ở trời Thiểu Quang có phần kém thua hai tầng trời kia.

Vì sao các thiên nhân này có hào quang? Ðó là do lúc còn tu hành ở thế gian, họ chuyên chú tuân thủ Giới Luật, trì Giới rất thanh tịnh. Chư thiên ở trời Phạm Chúng và Phạm Phụ cũng tuân thủ Giới Luật vậy, có điều là không được nghiêm ngặt bằng chư thiên ở trời Thiểu Quang, cho nên thanh tịnh thì có thanh tịnh, song không phát hào quang. Thiên nhân trời Thiểu Quang thì giữ Giới chẳng những tinh nghiêm mà còn sanh xuất hào quang nữa, do đó mà được sanh lên tầng trời này.

Vô Lượng Quang Thiên (Appamānābhā): Tuổi thọ 4 Đại Kiếp.

Tầng trời vừa rồi là Thiểu Quang – ít hào quang; còn tầng trời này thì thế nào? Thì có vô lượng vô biên hào quang, không tính ra số lượng được.

Quang Âm Thiên (Ābhassarā): Tuổi thọ 8 Đại Kiếp.

Tầng trời nằm phía trên trời Vô Lượng Quang là trời Quang Âm. Chư thiên ở trời Quang Âm nói chuyện với nhau bằng cách nào? Bằng hào quang! Tương tự như việc dựa vào tác dụng của điện quang để cấu tạo hình ảnh của tivi, chư thiên ở đây dùng ánh sáng tiêu biểu cho lời nói. Thiên nhân ở trời Quang Âm không nói ra tiếng, điều đó không có nghĩa là họ không biết nói; chẳng qua là họ không dùng ngôn ngữ mà lại dùng hào quang để nói chuyện.

Có người phê bình, cho rằng chư thiên ở trời Quang Âm là không biết nói, không có ngôn ngữ, không có văn tự; và sở dĩ họ dùng hào quang thay cho ngôn ngữ, văn tự là vì họ vốn không biết nói! Không phải thế! Nếu họ không biết nói, thì chẳng lẽ cả tầng trời Quang Âm toàn là thiên nhân “câm” hết sao? Thế thì so với người biết nói ở chốn nhân gian có tốt hơn gì đâu? Nếu nói rằng chư thiên ở trời Quang Âm dùng hào quang tiêu biểu cho lời nói vì họ đều bị câm, thế thì sanh lên tầng trời này có lợi ích gì???

Cho nên, tôi nói rằng họ cũng có ngôn ngữ, chẳng qua là họ không dùng đến ngôn ngữ mà thôi. Nhân gian chúng ta thì có văn tự và chúng ta dùng văn tự để tiêu biểu ngôn ngữ, chứ chúng ta không phải chỉ dùng văn tự mà từ bỏ ngôn ngữ. Hào quang được dùng ở trời Quang Âm cũng tương tự như văn tự của nhân gian chúng ta – chư thiên ở đó dùng hào quang để viết, tính chất cũng tựa như máy fax của chúng ta vậy. Sự việc nhất định là như thế; chứ không phải là họ chẳng có ngôn ngữ, chỉ có thể nói bằng hào quang mà thôi!

Cho nên, đối với Phật Pháp, quý vị cứ đem Phật Pháp với thế gian pháp ra để hỗ tương so sánh, suy luận, thì sẽ hiểu được ngay. Quý vị chớ nên hùa theo người khác mà vội cho rằng cõi trời Quang Âm chẳng có ngôn ngữ và tất cả chư thiên ở đó đều bị câm! Những người đó chắc chắn là chưa hiểu rõ vấn đề!!!

Xem Thêm:   Ý nghĩa danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm

Vừa rồi là nói về ba tầng trời của Nhị Thiền Thiên. Người tham Thiền đạt được Ðịnh lực của Nhị Thiền Thiên tức là đến được cảnh giới Ðịnh Sanh Hỷ Lạc Ðịa, từ trong Ðịnh sanh xuất ra một thứ hỷ lạc.

3. Cõi Tam Thiền Sắc Giới

Trời Thiểu Tịnh, trời Vô Lượng Tịnh, trời Biến Tịnh. Ðây là ba tầng trời thuộc cõi Tam Thiền. Cõi Sơ Thiền còn gọi là Ly Sanh Hỷ Lạc Ðịa, Nhị Thiền là Ðịnh Sanh Hỷ Lạc Ðịa, và Tam Thiền là Ly Hỷ Diệu Lạc Ðịa.

Khi quý vị tọa Thiền đến được cảnh giới Tam Thiền thì mọi ý niệm đều không còn, tất cả vọng niệm đều đình chỉ. Tại Sơ Thiền thì ý niệm vẫn còn tồn tại, quý vị vẫn còn sự suy nghĩ. Ở cảnh giới Nhị Thiền thì dòng ý niệm này vẫn chưa đoạn dứt; song đến Tam Thiền thì mọi niệm đều dứt tuyệt – không còn tình trạng hết niệm này sanh đến niệm kia khởi nữa.

Tam Thiền Thiên cũng gọi là Ly Hỷ Diệu Lạc Ðịa, cảnh giới xa rời sự vui sướng. Loài người chúng ta hễ sanh tâm vui vẻ thì cho là điều tốt, song ngay cả “điều tốt” này chúng ta cũng phải lìa bỏ, không nên chấp trước bám víu vào sự vui sướng. Ðược như thế thì sẽ nảy sanh tác dụng vi diệu.

Thiểu Tịnh Thiên (Parittasubhā). Tuổi thọ 16 Đại Kiếp.

Vô Lượng Tịnh Thiên(Appamanāsubhā). Tuổi thọ 32 Đại Kiếp.

Biến Tịnh Thiên (Subhakinhā). Tuổi thọ 64 Đại Kiếp.

4. Cõi Tứ Thiền Sắc Giới

Quảng Quả Thiên (Vehapphalā): Tuổi thọ 500 đại kiếp.

Thế nào gọi là trời Quảng Quả? Trời Quảng Quả là quả vị của phàm phu. Sáu tầng trời cõi Dục (Lục Dục chư thiên) đều được xem là cảnh giới phàm phu – quả vị mà hạng phàm phu có thể đạt được thì không vượt quá trời Quảng Quả, không hơn được cảnh giới của trời Quảng Quả.

Trời Quảng Quả cách biệt hẳn mọi nhiễm ô, phiền lụy của các tầng trời bên dưới. Tại trời Quảng Quả, chư thiên sống trong niềm an lạc vô cùng vô tận và thần thông của họ cũng diệu dụng vô cùng; cho nên, được sanh lên trời Quảng Quả không phải là chuyện dễ. Ở trời Quảng Quả, sự “diệu tùy thuận” còn thâm áo hơn ở trời Phước Ái một bậc – không chỉ “tùy thuận” thôi, mà là “quảng diệu tùy thuận,” một sự tùy thuận rộng lớn, vi diệu! “Tùy thuận” tức là tùy tâm thuận ý, chư thiên ở nơi này chứng đắc được quả vị mà họ đang tu tập, thuận theo điều họ mong mỏi. Ðó là Quảng Quả Thiên.

Vô Tưởng Thiên (Asaññasattā). Tuổi thọ 500 đại kiếp.

Thế nào gọi là trời Vô Tưởng? Chư thiên ở trời Vô Tưởng đã đoạn dứt tư tưởng, song đó chưa phải là sự đoạn dứt vĩnh viễn; họ chỉ mới đoạn được trong năm trăm kiếp mà thôi. Thọ mạng của họ là năm trăm kiếp, như vậy suốt trong một đời của họ, tư tưởng không nảy sanh – họ không nghĩ ngợi, không có tư tưởng.

Thế nhưng, trong năm trăm kiếp ấy, có bốn trăm chín mươi chín (499) kiếp là không có tưởng, và có một kiếp có tưởng. Trong một kiếp này, suốt nửa kiếp đầu thì tư tưởng diệt, không hề dấy khởi; đến nửa kiếp sau cuối thì tư tưởng lại sanh khởi. Cho nên, “vô tưởng” ở đây có nghĩa là trọn đời, rất hiếm khi sanh khởi tư tưởng.

Xem Thêm:   An Sĩ Toàn Thư – Khuyên người niệm Phật cầu sinh tịnh độ PDF

Toàn cõi trời này là nơi trú ngụ của ngoại đạo. Tại đây, hàng ngoại đạo tự cho là cảnh trời rốt ráo, và đinh ninh rằng lúc này họ có thể đạt được Niết Bàn. Chính vì thế mà họ ở lại đây để tu hành; song tu hành thì tu hành mà vẫn bị đọa lạc như thường! Vậy, tầng trời này là chỗ ở của ngoại đạo.

Vô Phiền Thiên (Avihā). Tuổi thọ 1.000 đại kiếp, nhóm cõi Phước Sanh Thiên.

“Phiền” tức là phiền não. Thiên nhân ở tầng trời này không còn “kiến tư phiền não” nữa, họ đã đoạn dứt được kiến tư phiền não. “Kiến tư phiền não” là gì?

“Kiến” là cái thấy; đối diện cảnh giới liền sanh lòng tham ái, đó gọi là “kiến phiền não” – phiền não của cái thấy. “Tư” là nghĩ ngợi; đối với đạo lý, vì không hiểu rõ mà sanh tâm phân biệt, ấy gọi là “tư phiền não” hay “tư hoặc” – phiền não của ý tưởng.

Chư thiên ở tầng trời Vô Phiền này không còn hai mối phiền não kiến hoặc và tư hoặc nữa, nên cũng không phải chịu đựng mối phiền não phiền nhiệt; mà cũng chẳng có khổ, chẳng có sướng – sướng khổ đều tiêu vong. Tại cảnh giới “khổ lạc song vong” này, họ không có tâm đấu tranh. Bởi không có tâm đấu tranh, nên cũng chẳng có phiền não; hết phiền não thì được thanh lương (mát mẻ).

Vô Nhiệt Thiên (Atappā). Tuổi thọ 2.000 đại kiếp, nhóm cõi Phước Sanh Thiên.

“Nhiệt” (nóng) tức là nhiệt não. Tầng trời này rất mát mẻ, thanh thản, không còn cái “nhiệt” của phiền não.

Thiện Hiện Thiên (Sudassā). Tuổi thọ 4.000 đại kiếp, nhóm cõi Phước Sanh Thiên.

Ở tầng trời này có một sự biến hóa rất vi diệu – chư thiên ở đây có thể biến hóa ra mọi cảnh giới an lạc.

Thiện Kiến Thiên (Sudassì). Tuổi thọ 8.000 đại kiếp, nhóm cõi Phước Sanh Thiên.

Vì sao gọi là trời Thiện Kiến? Chư thiên ở tầng trời này có tầm nhìn vô cùng rộng lớn, họ có thể nhìn thấy được rất xa.

Sắc Cứu Kính Thiên (Akaniṭṭhā). Tuổi thọ 16.000 đại kiếp, nhóm cõi Phước Sanh Thiên.

Trời Sắc Cứu Cánh là tầng trời cuối cùng trong số các tầng trời thuộc Sắc Giới Thiên.

Trời Ma Hê Thủ La

“Ma Hê Thủ La” là tiếng Phạn; Trung Hoa dịch là “Ðại Tự Tại.” Ðại Tự Tại Thiên Vương có tám tay, ba đầu, cỡi một con trâu lớn màu trắng; và Ngài tự cho là mình rất thong dong, tự tại.

Bên trên cảnh trời Sắc Cứu Cánh là cảnh trời Ma-hê-thủ la, uy quyền cao nhất, là chủ tể cai quản thế giới Ta-bà này, thống nhiếp cả thảy vạn ức chư thiên cảnh trời Tha Hóa, vạn ức chư thiên cảnh trời Hóa Lạc, vạn ức chư thiên cảnh trời Đâu-suất, vạn ức chư thiên cảnh trời Dạ-ma, vạn ức chư thiên cảnh trời Đao-lợi, vạn ức chư thiên cảnh trời Tứ vương, vạn ức các vị Nhật thiên tử, vạn ức các vị Nguyệt thiên tử, nhưng chư thiên trong cõi Dục đều không được nghe biết đến danh hiệu, không được nhìn thấy hình tướng.

Tâm Hướng Phật/TH!

Nguồn: Tâm Hướng Phật ( https://tamhuongphat.com/ )

439 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog