Tụng Kinh ở nhà bị vong theo có đúng hay không?
Pháp Giới 11 tháng trước

Tụng Kinh ở nhà bị vong theo có đúng hay không?

Tụng Kinh ở nhà bị vong theo có đúng không? Nếu việc tụng Kinh vong có theo thì chắc quý thầy quý sư cô trong chùa sẽ bị vong bị ma theo đầy luôn quá!

1. Ý nghĩa của việc tụng Kinh

Kinh Phật là lời Phật dạy về đạo đức, phương thức tu tập, cải hóa thân tâm, đem lại hạnh phúc cho mình và người ở đời này và đời sau, do đó, sự tụng kinh có ý nghĩa đạo đức rất lớn. Tụng kinh trước nhất và quan trọng hơn hết là để “hiểu chính xác lời Phật dạy, ứng dụng vào cuộc sống hằng ngày, đem lại lợi lạc cho bản thân và tha nhân.”

Tụng kinh là dịp tốt nhất để chúng ta có thể học hỏi, tư duy về lời Phật dạy rồi áp dụng chúng vào đời sống hằng ngày của chúng ta. Chính sự áp dụng lời Phật dạy, sau quá trình tư duy và thể nghiệm, giúp chúng ta gặt hái những điều chúng ta mong muốn trong cuộc sống, như sự an lạc và hạnh phúc.

Kinh điển của Phật là tấm bản đồ, là kim chỉ nam hướng dẫn chúng ta sống đời chân chánh, để gặt hái kết quả hạnh phúc ở đời này và đời sau. Đọc tấm bản đồ để biết được con đường, để đi đúng đường, để đến đúng đích.

Con đường đó là con đường thánh gồm tám yếu tố: quan điểm chân chánh, tư duy chân chánh, lời nói chân chánh, hành vi chân chánh, nghề nghiệp chân chánh, nỗ lực chân chánh, chánh niệm và thiền định chân chánh.

Đây là con đường mà ba đời chư Phật đã đi qua, diệt trừ tận gốc rễ của khổ đau, đạt được an lạc và giải thoát. Người Phật tử cần phải siêng năng nhớ nghĩ, ứng dụng con đường trung đạo đó để tự cứu độ chính mình, thông qua sự hướng đạo của Phật trong kinh điển.

Xem Thêm:   Nghi thức sám hối sáu căn và hồng danh PDF – Thích Nhật Từ

Nói cách khác, tụng kinh là cách học hỏi chánh pháp của Phật để ứng dụng chánh pháp vào đời sống, đem lại an lạc và hạnh phúc cho tự thân.

Tụng kinh trong Phật giáo còn là một dịp tốt giúp chúng ta trau dồi và phát triển ba nghiệp trong sạch và an tịnh. Trong giờ phút tụng kinh, nhờ sự chú tâm chuyên nhất vào lời kinh, tâm ý của chúng ta chấm dứt sự bám víu vào các duyên thế sự. Tâm ý của chúng ta nhờ đó trở nên thanh tịnh và thuần khiết.

Tâm của chúng ta xa lìa các tâm lý tham lam, sân hận, si mê và các tâm lý âm tính khác, có hại cho tâm tư, tình cảm, nhân cách và đạo đức của bản thân. Trong tư thế ngồi bất động để tụng kinh, thân thể chúng ta đang từng bước trở nên an tịnh, thuần khiết, nhờ đó chúng ta tránh được tất cả các hành vi xấu ác của thân như giết chóc, trộm cướp, quan hệ tình dục bất chánh.

Ngoài ra, do miệng đọc tụng lời kinh, các lời nói mang tính chất sai sự thật, ác độc, thêm bớt và nói lời vô nghĩa không có cơ hội để phát triển. Khi đọc kinh thì miệng của chúng ta xướng lên những lời lẽ đạo đức, trí tuệ, nhờ đó chúng ta có cơ hội vun trồng các hạt giống thiện.

Như vậy, trong hành động tụng kinh, chúng ta xa lìa được mười nghiệp ác, ba của ý, ba của thân và bốn của lời. Nói cách khác, trong khi tụng kinh chúng ta đã huấn luyện 3 nghiệp của mình về con đường lương thiện và đạo đức. Sự huấn luyện đó giúp chúng ta xa lìa các nghiệp ác, huân tập các điều thiện. Sự tụng kinh do đó đã trở thành một sự tu tập thân, khẩu và ý trong đạo Phật.

Tụng Kinh ở nhà bị vong theo có đúng hay không?

2. Lợi ích của tụng Kinh

Người đọc tụng, thọ trì và truyền bá Kinh Phật sẽ gặt hái nhiều lợi ích cho mình và tha nhân:

– Nắm vững yếu nghĩa lời Phật dạy, nhờ đó, người thọ trì xóa bỏ cái nhìn phân cách, ngộ nhận giữa hai truyền thống. Tất cả chỉ có một nguồn chánh pháp, chỉ thuần nhất hương vị: an lạc, giác ngộ, giải thoát.

Xem Thêm:   Ý nghĩa và lợi ích khi tụng niệm thần chú Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát

– Đọc tụng để lời nói, ý nghĩ, việc làm được trong sạch; để từ bỏ các điều ác, thực hành các hạnh lành, sống tùy hỷ, sống theo bi-trí-dũng, thương yêu, giúp đỡ và bảo vệ lẫn nhau; để làm hành trang cho cuộc sống, làm hương thơm cho đời.

– Đọc tụng để mở rộng tầm nhìn đúng đắn về con người, về thế giới, về nguyên nhân sai biệt cũng như yếu tố hình thành vũ trụ. Đọc tụng để xóa bỏ mê lầm, trở về chánh pháp, sống chánh tín, chánh mạng và an lạc.

– Đọc tụng để chuyển hóa nhận thức và hành động. Nhờ đó, cá nhân được thuần thiện, gia đình được đầm ấm, xã hội được an vui và nhân loại được thái bình, hạnh phúc trong chánh pháp Phật-đà.

3. Tụng Kinh ở nhà bị vong theo có đúng không?

Không biết tư tưởng này bắt nguồn từ đâu nhưng đây là một sự hiểu lầm, là một sự ngộ nhận. Thứ nhất, chúng ta hiểu được rằng tâm mình hay vọng tưởng lắm thì khi mình tụng kinh, ngay trong thời Kinh đó mình sẽ nương theo lời dạy của đức Phật mà tâm sẽ được định lại, đó cũng là 1 cách để mình định tâm.

Thứ hai, quý vị nghĩ xem thay vì trong 1 giờ mình có thể nghĩ, có thể làm hoặc có thể sẽ nói những điều không tốt nhưng nếu trong 1 giờ đó mình nương theo tiếng Kinh thì ít nhất trong 1 giờ đó mình sẽ không tạo ra điều gì xấu cả.

Thầy biết rằng có một số Phật tử, nhất là những Phật tử mới sơ cơ vào đạo chúng ta tụng Kinh bằng niềm tin chứ không phải bằng trí tuệ. Nghĩa là chúng ta cứ tụng Kinh như thế nhưng chẳng hiểu ý nghĩa là gì cả nhưng trong lòng lại cảm thấy an. Hiện tại có phải những bài Kinh mà mình tụng thật sự không nhiều trong khi đó Phật đã thuyết rất nhiều bài Kinh, quý vị thử đếm trên đầu ngón tay xem mình đã tụng tổng bao nhiêu bài Kinh nha: Kinh A Di Đà, Kinh Địa Tạng, Kinh Phổ Môn, Kinh Dược Sư, Kinh Pháp Hoa, Lương Hoàng Sám, Từ Bi Thủy Sám. Thầy xin hỏi quý Phật tử có thật sự hiểu hết ý nghĩa các bài Kinh trên không? Có người thì lắc đầu, có người thì bảo hiểu một ít nhưng có phải khi đọc trong tâm sẽ thấy an đúng không.

Xem Thêm:   Pháp môn vô lượng thệ nguyện học giảng giải ý nghĩa

Và một điều quan trọng nhất mà chúng ta cần biết về ý nghĩa sâu sắc của việc tụng Kinh là gì? Là chúng ta tụng Kinh, chúng ta hiểu được ý của Kinh và đem ý Kinh đó ứng dụng trong đời sống hằng ngày thì đó là quý vị đã hiểu đúng ý Phật.

Ví dụ như mình tụng một bài Kinh nào đó: Đức Phật dạy chúng ta nếu nói những điều không tốt thì chúng ta sẽ mang khẩu nghiệp. Thì trong lúc tụng quý vị được an, không còn vọng tưởng và sau đó khi ra đời sống hằng ngày quý vị không còn nói lời độc ác, không còn làm ảnh hưởng đến người khác nữa thì đó là quý vị đã đem lời Kinh vào đời sống hằng ngày. Khi đó quý vị đi đến đâu sẽ là một bộ Kinh sống ở đó. Cho nên thầy rất mong quý Phật tử khi chúng ta đọc một bộ Kinh nào thì chúng ta gắng tìm hiểu ý nghĩa của bộ Kinh đó thì giá trị thực tập trong đời sống của mình sẽ tốt hơn.

Như vậy việc tụng Kinh là một điều rất đẹp và việc tụng Kinh ở nhà mà ai nghĩ có vong theo thì đã hiểu sai ý Phật, Phật không dạy như vậy. Nếu việc tụng Kinh vong có theo thì chắc quý thầy quý sư cô trong chùa sẽ bị vong bị ma theo đầy luôn quá! Đúng không ạ? Chúng ta cần hiểu được như vậy thì mới bỏ đi những cái ngộ nhận, những hiểu biết sai lầm. Như vậy quý vị đừng sợ nha! Thầy chỉ khuyến khích thêm là khi quý vị có đọc Kinh thì nên chọn những bài Kinh mà mình có thể hiểu và ứng dụng được thì sẽ rất tốt.

(Thầy Thiện Tuệ trả lời vấn đáp Phật Pháp)/Nguồn: Phatgiao.org.vn!

Nguồn: Tâm Hướng Phật ( https://tamhuongphat.com/ )

8 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog