Quán Thế Âm Bồ Tát là ai? 12 đại nguyện của Bồ Tát Quan Âm
Pháp Giới 11 tháng trước

Quán Thế Âm Bồ Tát là ai? 12 đại nguyện của Bồ Tát Quan Âm

Quán Thế Âm Bồ Tát, tiếng Phạn gọi là Avalokitévara, nghĩa là vị Bồ Tát quán sát âm thanh đau khổ của thế gian kêu cầu mà cứu độ một cách tự tại.

1. Quán Thế Âm Bồ Tát là ai?

Quán Thế Âm, tiếng Phạn gọi là Avalokitévara, Nghĩa là vị Bồ Tát quán sát âm thanh đau khổ của thế gian kêu cầu mà cứu độ một cách tự tại. Do Ngài quán sát âm thanh một cách tự tại mà chứng được bản thể chân thường của vũ trụ. Nơi nào, lúc nào trong vũ trụ có tiếng chúng sinh đau khổ, kêu cầu thì Ngài hiện thân cứu độ rất tự tại, cho nên Ngài cũng có tên là Quán Tự Tại, Quán Thế Tự Tại…

Bồ Tát, nói cho đủ là Bồ đề Tát Đỏa, tiếng Phạn là Bodhisattva, nghĩa là giác hữu tình hay hữu tình đã giác ngộ, trở lại giác ngộ hữu tình khác. Ví như có nhiều người đang ngủ mê, có một người tỉnh thức, người ấy đánh thức những người còn lại đang ngủ mê. Người tỉnh thức đó gọi là bậc giác ngộ như chư Phật, Bồ Tát, kẻ ngủ mê là chúng sinh. Bồ Tát Quán Thế Âm được ví như Người đánh thức những người đang ngủ mê trong ngôi nhà đó.

Vì Ngài đã giác ngộ, biết rõ chân lý của vũ trụ, chứng được phép “nhĩ căn viên thông”, nghe thông suốt hết thảy âm thanh của vũ trụ, như người đã thức dậy rồi trong ngôi nhà “vũ trụ” kia, nghe biết hết thảy chân tướng các sự vật, động tịnh trong ngoài.

Cho nên chúng sinh nào xưng niệm danh hiệu Ngài liền được Ngài “tầm thanh cứu khổ”, giải thoát khỏi tai ách, hoạn nạn. Ngài đã chứng được bản thể của âm thanh vốn dĩ là không, vô thường, vô ngã nên Ngài thường được tôn xưng là Quán Thế Âm.

Xét về cuộc đời tu hành, thệ nguyện cũng như công đức hóa độ của Ngài, các kinh điển thường đề cập như: kinh Bi Hoa, Diệu Pháp Liên Hoa kinh – Quán Thế Âm Bồ Tát Phổ Môn Phẩm, Vô lượng Thọ kinh, Đại Bát Nhã ba la mật đa kinh, Ngũ Bách Danh kinh, Đại Phương Quảng Như Lai tạng kinh… Đặc biệt kinh Bi Hoa nói rất rõ về cuộc đời tu tập của vị Bồ Tát này như sau:

“Về thuở quá khứ lâu xa về trước, Đức Quán Thế Âm là một vị thái tử tên là Bất Huyền, con của vua Vô Tránh Niệm, thời ấy có Đức Phật ra đời tên là Bảo Tạng Như Lai. Vua Vô Tránh Niệm hết lòng sùng bái đạo Phật. Vua liền sắm đủ lễ vật quý báu dâng cúng Phật và chư Tăng trong ba tháng hạ, vua cũng khuyến khích các quan văn, vương tử, vương tôn, triều đình quyến thuộc theo vua cúng dường. Thái tử Bất Huyền vâng lệnh vua cha, cũng dâng cúng đủ các trân cam mỹ vị, hết lòng thành kính Đức Phật và chúng Tăng trong ba tháng như vậy.

Lúc ấy, có vị đại thần tên là Bảo Hải, tức là thân phụ của Phật Bảo Tạng, khuyên thái tử Bất Huyền nên lập nguyện nhờ công đức cúng dường này mà cầu quả báu Vô thượng Bồ đề, không nên cầu quả ở cõi trời, cõi người này, vì quả báu phước cõi ấy là phước báu hữu hạn, dù chúng ta có lên trời rồi, đến khi hết phước cũng phải sa đọa. Sao bằng đem công đức cúng dường này hướng về quả báu vô thượng bồ đề mới là phước báu chân thật vĩnh hằng.

Nghe đại thần khuyên như vậy, Thái tử liền đến trước Phật Bảo Tạng phát đại thệ nguyện: “nguyện xin nhờ công đức cúng dường này cầu quả vô thượng bồ đề. Con nguyện xin trong lúc tu đạo tự lợi, lợi tha, nếu có chúng sinh nào lâm vào tai nạn, không thể tự cứu chữa được, không nơi nương nhờ, hễ niệm đến danh hiệu con, con liền đủ sức thần thông đến cứu độ ngay. Nếu lời nguyện ấy không thành, con thề không chứng quả Bồ đề. Con xin phát đại thệ nguyện tu đạo Bồ Tát cho đến cùng tận đời vị lai, trãi qua vô số kiếp, khi phụ vương con (vua Vô Tránh Niệm) thành Phật hiệu A Di Đà ở thế giới Cực Lạc thì con sẽ làm thị giả hầu hạ Ngài cho đến khi Chánh Pháp Ngài tận diệt con mới chứng quả Bồ đề. Con nguyện xin Đức Thế Tôn và mười phương chư Phật thụ ký cho con như vậy”.

Xem Thêm:   Cách Cúng về nhà mới

Đức Bảo Tạng Như Lai thọ ký cho thái tử và nói rằng: “Do quán sát chúng sinh trong vô số thế giới đều vì tội nghiệp mà phải chịu quả báu đau khổ nên ngươi phát bi tâm, ngươi lại nguyện quan sát nghe được tiêng kêu cầu đau khổ của thế gian để đến cứu độ. Nay ta thọ ký cho ngươi hiệu là Quán Thế Âm. Ngươi sẽ giáo hoá cho vô lượng chúng sinh thoát khỏi khổ não, trong khi tu đạo, ngươi phải làm mọi Phật sự để lợi ích chúng sinh”.

Do đó, sau khi Phật A Di Đà nhập diệt rồi, cõi Cực Lạc sẽ đổi tên là Nhất Thế Trân Bảo Sở Thành Tựu, càng thêm tốt đẹp hơn trước nữa. Khi ấy, đang lúc ban đêm, trong khoảnh khắc, tất cả mọi thứ trang nghiêm đều hiện ra giữa không trung, tức thì ngươi thành Phật hiệu là “Biến Xuất Nhất Thế Quang Minh Công Đức Sơn Vương Như Lai, sống lâu đến chín mươi sáu ức na do tha kiếp. Sau khi ngươi diệt độ rồi, chánh pháp sẽ còn lưu truyền lại sáu mươi ba ức kiếp nữa”.

Thái tử nghe Phật thọ ký rồi, lòng vô cùng hoan hỷ và bạch rằng: “như lời nguyện của con được hoàn toàn viên mãn thì đối với con còn hạnh phúc nào bằng. Nay con xin nguyện mười phương chư Phật cũng thọ ký cho con như thế, làm cho tất cả thế giới đều rung chuyển như tiếng âm nhạc, ai nghe cũng được giải thoát”. Thái tử bạch rồi, cúi đầu đảnh lễ Đức Phật.

Bấy giờ, các thế giới tự nhiên rung chuyển, phát ra tiếng hòa nhã như âm nhạc, ai nghe cũng thân tâm thanh tịnh, dục vọng không còn. Tiếp đó là các Đức Phật trong mười phương thế giới cũng đồng thanh thọ ký cho Quán Thế Âm Bồ Tát rằng: “Trong thời kiếp Thiên Trú, ở thế giới Tân Đề Lam có đức Bảo Tạng Như Lai ra đời, thái tử Bất Huyền, con vua Vô Tránh Niệm phát tâm cúng Phật và chúng Tăng ba tháng. Nhờ công đức ấy, trãi qua vô số kiếp về sau, thái tử sẽ thành Phật hiệu là “Biến Xuất Nhất Thế Công Đức Sơn Vương Như Lai” ở thế giới Trân Bảo Sở Thành Tựu.

Nghe chư Phật thọ ký xong, thái tử hoan hỷ vô cùng. Từ đó, trãi qua vô số kiếp về sau, Ngài tinh tấn tu đạo Bồ Tát, cứu độ tất cả chúng sinh, không bao giờ quên đại bi tâm của Ngài.

Kinh Đại Phương Đẳng Như Lai Tạng và kinh Đại Phương Quảng Như Lai nói rằng: Ngài cùng Bồ Tát Đại Thế Chí vì lòng từ bi, thệ nguyện dấn thân vào con đường phụng sự, đem lại hạnh phúc, an lạc cho chúng sinh, không chịu vào cảnh giới tối thượng của chư Phật.

Kinh Pháp Hoa, một bộ kinh rất quen thuộc với Phật tử thuộc truyền thống Phật giáo Đại Thừa ghi rằng: Bồ Tát Quán Thế Âm có thể hiện thành thân Phật, thân Bích Chi Phật, thân Đại Tự Tại thiên, thân tiểu vương, thân người nam, thân người nữ … cho đến thân dạ xoa, la sát, phi nhân .v.v… Kinh Ngũ Bách Danh còn đề cập đến 500 loại hóa thân của Ngài để tùy duyên ứng hiện hóa độ thuyết pháp.

Tóm lại, Quán Thế Âm là vị Bồ Tát quan sát chúng sinh khổ đau trong thế gian mà khởi lòng đại bi, đoạn trừ phiền não, làm cho chúng sinh được an lạc. Ngài là hình ảnh của đại từ đại bi, của tình thương bao la, vì bi nguyện độ sinh, Ngài có thể hóa hiện từ trên thân Phật, dưới cho đến thân quỷ dạ xoa, la sát để hóa độ chúng sinh. Chính sự hóa thân đó đã làm cho hình ảnh của Ngài nói riêng, Phật giáo nói chung trở nên năng động và tích cực hơn trong việc cứu khổ độ sinh vậy.

2. 12 đại nguyện của Quán Thế Âm Bồ Tát

Quán Thế Âm Bồ Tát đã phát ra 12 đại nguyện, mỗi nguyện đều chứa vô lượng công đức tỏa hào quang sáng chói chiếu khắp 10 phương. Trong văn hóa và Phật giáo Việt Nam, Quán Thế Âm Bồ Tát là một trong những vị Bồ Tát được thờ cúng, kính ngưỡng nhiều nhất của Phật tử và người dân. Sau đây là 12 đại nguyện của Bồ Tát Quán Thế Âm:

Xem Thêm:   Ba la mật là gì? Nguồn gốc và ý nghĩa của mười pháp Ba la mật

Nguyện thứ nhất: Khi thành Bồ Tát (Quán Âm Bồ Tát đệ nhất nguyện):

Danh hiệu tôi tự tại quán âm
Viên thông thanh tịnh căn trần
Nơi nào đau khổ tầm thanh cứu liền
Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát

Nguyện thứ hai: Không nài gian khổ (Quán Âm Bồ Tát đệ nhị nguyện):

Nguyện một lòng cứu độ chúng sanh
Luôn luôn thị hiện biển đông
Vớt người chìm đắm khi giông gió nhiều
Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát

Nguyện thứ ba: Ta bà ứng hiện (Quán Âm Bồ Tát đệ tam nguyện):

Chốn u minh nhiều chuyện khổ đau
Oan gia tương báo hại nhau
Nghe tiếng than thở mau mau cứu liền
Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát

Nguyện thứ tư: Hay trừ yêu quái (Quán Âm Bồ Tát đệ tứ nguyện):

Bao nhiêu loài ma quỷ gớm ghê
Độ cho chúng hết u mê
Dứt trừ nguy hiểm ko hề nhiễu nhương
Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát

Nguyện thứ năm: Tay cầm dương liễu (Quán Âm Bồ Tát đệ ngũ nguyện):

Nước cam lồ rưới mát nhân thiên
Chúng sanh điên đảo đảo điên
An vui mát mẻ ưu phiền tiêu tan
Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát

Nguyện thứ sáu: Thường hành bình đẳng (Quán Âm Bồ Tát đệ lục nguyện):

Lòng từ bi thương sót chúng sanh
Hỉ xả tất cả lỗi lầm
Không còn phân biệt sơ thân mọi loài
Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát

Nguyện thứ bảy: Dứt ba đường dữ (Quán Âm Bồ Tát đệ thất nguyện):

Chốn ngục hình ngạ quỷ súc sanh
Cọp beo thú dữ vây quanh
Quán Âm thị hiện chúng sanh thoát nàn
Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát

Nguyện thứ tám: Giải thoát tù lao (Quán Âm Bồ Tát đệ bát nguyện):

Tội nhân bị trói hành hình rồi lại khảo tra
Thành tâm lễ bái thiết tha
Quán âm phù hộ thoát ra nhẹ nhàng
Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát

Nguyện thứ chín: Làm thuyền Bát Nhã (Quán Âm Bồ Tát đệ cửu nguyện):

Giúp cho người vượt khúc lênh đênh
Bốn bề biển khổ chông chênh
Quán Âm độ hết an nhiên niết bàn
Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát

Nguyện thứ mười: Tây Phương tiếp dẫn (Quán Âm Bồ Tát đệ thập nguyện):

Vòng hoa thơm, kỹ nhạc lọng vàng
Tràng phan, bảo cái trang hoàng
Quán Âm tiếp dẫn đưa đường về tây
Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát

Nguyện thứ mười một: Di Đà thọ ký (Quán Âm Bồ Tát đệ thập nhất nguyện):

Cảnh tây phương tuổi thọ không lường
Chúng sanh muốn sống miên trường
Quán âm nhớ niệm tây phương mau về
Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát

Nguyện thứ mười hai :Tu hành tinh tấn (Quán Âm Bồ Tát đệ thập nhị nguyện):

Dù thân này tan nát cũng đành
Thành tâm nỗ lực thực hành
Mười hai câu nguyện độ sanh đời đời
Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát

Quán Thế Âm Bồ Tát là ai? 12 đại nguyện của Bồ Tát Quan Âm

3. Niệm danh hiệu Bồ tát Quán Thế Âm

Bồ tát Quán Thế Âm và sự cứu khổ Bồ tát Quán Thế Âm là vị Bồ tát mang hạnh nguyện cứu khổ ban vui cho chúng sanh.

Với ba mươi hai ứng thân, Ngài thị hiện cứu khổ chúng sanh trong mọi hoàn cảnh mà tiêu biểu là “thất nạn nhị cầu” (bảy nạn tai và hai điều cầu xin) mà kinh Pháp Hoa phẩm Phổ môn đã nói. Bởi thế nên có câu kệ nói về công hạnh của Ngài rằng:

Thiên xứ hữu cầu thiên xứ ứng
Khổ hải thường tác độ nhân chu

Nghĩa là:

Ngàn nơi có cầu, ngàn nơi ứng
Ngài là con thuyền đưa người qua biển khổ

Trong kinh Lăng Nghiêm, Đức Phật cho biết Bồ tát Quán Thế Âm tu pháp môn “Phản văn văn tự tánh” chứng được Nhĩ căn viên thông nên Ngài có thể quán sát và nghe thấy tất cả tiếng kêu cứu của chúng sanh trong thế gian, chính vì thế mà Ngài có danh hiệu là Quán Thế Âm. Tùy sự mong cầu của chúng sanh mà Ngài hiện thân cứu độ, có thể Ngài hiện thân Phật, Bồ tát, Thanh văn, Duyên giác hoặc chư Thiên hay Chuyển Luân Thánh Vương, vua quan, trưởng giả, thậm chí Ngài hiện thân phụ nữ, trẻ em, quỷ thần… Trong đời sống hàng ngày, một hoàn cảnh, một biến cố không may nào đó bất chợt xảy đến với chúng ta, nếu chúng ta thành tâm cung kính đảnh lễ, trì niệm danh hiệu Bồ tát Quán Thế Âm thì Bồ tát sẽ hiện thân cứu giúp chúng ta thoát khổ. Nhưng thường thì chúng ta không biết được đó là sự cứu giúp của Ngài. Chúng ta cũng không biết một người nào đó đến với chúng ta trong hoàn cảnh khó khăn đó chính là ứng thân của Ngài thị hiện.

Xem Thêm:   Cúng dường hoa cỏ bên lề đường, chứng quả A La Hán – Kinh Hiền Ngu

Tuy nhiên, tại sao có người nhờ niệm danh hiệu Ngài mà vượt qua hoạn nạn, nhưng cũng có người thì chẳng thấy linh ứng? Điều quan trọng là phải có lòng chân thành, niệm một cách thiết tha, chuyên tâm, nhất chí. Điều này thấy rõ ở nhưng người lâm nạn, họ đặt hết niềm tin tưởng và khẩn thiết cầu sự cứu độ của Bồ tát Quán Thế Âm, chính nhờ vào sự chí thành, nhất tâm đó mà có cảm ứng.

Cuộc sống thế gian đầy những bất an, đau khổ, vì thế chúng ta cần có sự hộ niệm của Bồ tát Quán Thế Âm. Chúng ta cần thường xuyên niệm danh hiệu Ngài để căn lành tăng trưởng, nghiệp chướng tiêu trừ. Chỉ có sự thường xuyên hành trì mới giúp cho chúng ta đủ phước duyên và sự sáng suốt, nhất tâm khi lâm vào hoàn cảnh khẩn cấp, bức bách, lúc đó chúng ta mới có thể cầu sự gia hộ của Bồ tát một cách hiệu quả. Thông thường khi lâm vào hoàn cảnh khốn đốn chúng ta dễ bị hoảng loạn, thần trí không còn định tỉnh sáng suốt do đó chúng ta niệm danh hiệu Ngài không chuyên nhất mà xen vào đó là những tạp niệm lăng xăng với những hoang mang sợ hãi, tinh thần chúng ta không tập trung cao độ nên không đạt được niệm lực cần thiết để có sự cảm ứng bất khả tư nghì.

Như vậy điều cần thiết là hàng ngày chúng ta phải trì niệm danh hiệu Bồ tát, chúng ta phải hành trì một cách chí thành, miên mật để trong bất cứ hoàn cảnh nào chúng ta cũng có thể nhiếp tâm chánh niệm danh hiệu Ngài mà không bị ngoại cảnh tác động chi phối.

Niệm danh hiệu Bồ tát Quán Thế Âm theo tinh thần kinh Pháp Hoa

Trong kinh Pháp Hoa phẩm Phổ môn, Đức Phật nói về công hạnh cao vời của Bồ tát Quán Thế Âm. Với trí Bát Nhã, vô ngại đối với tất cả các pháp và tâm đại từ đại bi, Bồ tát Quán Thế Âm có khả năng độ sanh rộng lớn (thiên xứ hữu cầu thiên xứ ứng) mà tiêu biểu là Ngài ứng hiện ba mươi hai thân tướng để giáo hóa, tiếp độ chúng sanh. Ngài thường giúp đỡ chúng sanh thoát khỏi bảy nạn của thế gian (thất nạn) và được hai sự mong cầu (nhị cầu). Bảy nạn đó là lửa, nước, la sát, đâm chém đánh đập, tà ma quỷ quái, gông cùm, giặc cướp thù địch. Hai sự mong cầu trong kinh nói là cầu con trai và con gái, ở đây còn muốn nói đến sự mong cầu phước đức, trí tuệ và sự đoan chánh.

Trong Truyền tâm pháp yếu, Tổ Hoàng Bá có nói: “Quán Âm tiêu biểu cho tâm Đại bi”. Kinh Pháp Hoa, Đức Phật nói về Bồ tát Quán Thế Âm cũng chính là muốn nói đến tâm Đại bi. Bồ tát Quán Thế Âm là Thánh của sự thanh tịnh (Quán Thế Âm tịnh Thánh). Vì thế niệm danh hiệu Bồ tát Quán Thế Âm theo tinh thần kinh Pháp Hoa là niệm đến trạng thái nhất tâm để trở về với sự thanh tịnh. Nhưng điều cần phải có trước tiên là người niệm danh hiệu Bồ tát phải phát tâm Đại bi. Chúng ta chuyên tâm, chí thành niệm, buông bỏ các duyên bên ngoài để trì niêm danh hiệu Bồ tát thì dần dần nghiệp chướng, báo chướng, phiền não chướng tiêu trừ, đến khi tâm ta thanh tịnh thì chính là giải quyết được “thất nạn nhị cầu” mà kinh đã nói. Vì niệm đến lúc “Niệm mà không niệm, không niệm ma niệm” thì năng sở không còn, quên mình, quên người, quên ngoại vật, lúc đó mới có thể cảm ứng trọn vẹn với sự cứu độ của Bồ tát. Niệm Quán Thế Âm ở đây là trở về với tự tánh thanh tịnh của chúng ta. Nhưng khi niệm danh hiệu Bồ tát Quán Thế Âm cần phát khởi tâm Đại bi để tương ứng với tâm Đại bi của Ngài, từ đó ta với Bồ tát đồng nhất thể, cùng một thể Đại bi.

Tâm Đại bi ở đây là chí nguyện độ sanh, cứu chúng sanh thoát khổ, mang đến niềm vui cho tất cả chúng sanh.

Thường quán chiếu thế gian đầy dẫy những khổ đau, chúng sanh sống trong thế gian như sống trong nhà lửa, để khởi lòng từ lân mẫn muốn cứu vớt, làm lợi lạc cho các loài hữu tình. Thực hành theo hạnh nguyện của Bồ tát Quán Thế Âm, bản thân, tha nhân và cuộc đời nuôi dưỡng và phát triển lòng từ, làm những việc mang lại sự an lành và lợi ích cho đời.

Tâm Hướng Phật!

Nguồn: Tâm Hướng Phật ( https://tamhuongphat.com/ )

47 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog