Con thường mở máy niệm Phật cho dễ ngủ, trong lúc con ngủ mê máy vẫn niệm Phật cho tới sáng con mới tắt. Như vậy, con có bị mang tội lỗi không?
1. Niệm Phật là gì?
Chữ niệm có nghĩa là nhớ, suy nghĩ, chữ Phật lại có nghĩa là giác. Như vậy, niệm Phật tức là chúng ta luôn luôn nhớ, nghĩ đến Phật hay nói rộng hơn là chúng ta luôn sống trong tỉnh thức và có chánh niệm trong mọi hành động.
Khi tâm ta bị chi phối bởi những tạp niệm thì ta sẽ dùng tiếng niệm Phật để lấn áp đi những dòng suy nghĩ tạp niệm ở trong lòng và có thể đặt tâm mình vào trong xâu chuỗi mà khi ta đang hành trì.
Lúc này, tiếng niệm Phật sẽ dần dần đi vào nội tâm ta và bản thân mình cần phải xóa bỏ đi những uế trược, phiền não trong lòng, từ đó ta có thể gạn lọc và chuyển đổi tâm của ta từ cái ác trở thành thiện, từ tạp niệm chi phối đưa đến sự thanh tịnh và giống với cảnh giới của chư Phật.
2. Mục đích của việc niệm Phật
Niệm Phật để đưa đến sự nhất tâm
Làm sao để ta áp dụng niệm Phật trong các vấn đề sinh hoạt hằng ngày? Khi ta đang làm một việc gì đó, không thể nào chúng ta vừa làm rồi miệng lại niệm Phật cùng một lúc được, có khi lại gây ảnh hưởng xấu.
Do vậy, khi làm bất cứ việc gì, chúng ta tập trung nhìn nhận rõ, đâu là đúng, đâu là sai, đâu là cái cần phải gạt lọc, đó là ta đã sống trong giây phút của tỉnh thức rồi, việc này đồng nghĩa với việc chúng ta niệm Phật.
Niệm Phật để được giải thoát
Niệm Phật là để được giải thoát, vậy từ giải thoát là gì? Chữ giải có nghĩa là mở, thoát là ra, nhưng đôi khi chúng ta không hiểu rõ rồi lại nhìn chữ giải thoát này ở một mức độ cao siêu xa vời. Chúng sinh luôn bị Tam độc Tham – Sân – Si chi phối trong lòng, do đó việc niệm Phật là làm sao thoát khỏi sự ràng buộc của ba yếu tố này.
Ví như trong cuộc sống, ta làm ra đồng tiền, có nhiều thì tiêu nhiều, có ít thì tiêu ít, tùy vào khả năng có được mà chúng ta sử dụng hợp lý và không bị đòng tiền lôi cuốn bản thân mình vào những con đường tội lỗi khác. Ta sẽ không bị dính mắc và lệ thuôc vào nó, thì lúc này chúng ta đã thoát khỏi sự ràng buộc của tham và làm chủ bản thân mình, như vậy mới thật sự niệm Phật giải thoát ngay ở trong hiện tại này mà không tìm một sự giải thoát ở đâu xa vời.
Giải thoát nằm ngay ở trong tâm thanh tịnh của mỗi người. Tâm của ta có sự an lạc, giải thoát tâm hồn thì ngay đó ta sống với thế giới thanh tịnh của chư Phật. Chúng sinh ai cũng có Phật tính sáng suốt, nhưng bị vô minh che lấp, nên không nhận ra được tự tính sáng suốt của mình.
Vì vậy, việc niệm Phật giúp ta trở về bản thể thanh tịnh của chính mình. Có nhiều người cũng nghĩ rằng, niệm Phật để được đức Phật tiếp dẫn về một thế giới nào đó. Điều này vô tình lại làm chúng ta thiếu đi niềm tin vững chắc vào khả năng tu tập của chính mình.
Trong kinh Đức Phật dạy, ví như chúng ta trồng một cây nằm ở hướng tây thì khi gió đến, nó sẽ ngã theo chiều của hướng tây. Cũng thế, nếu như hằng ngày ta luôn vun bồi và tạo nhiều công đức lành thì kết quả an lạc sẽ đến với ta và khi mất thân này chúng ta sẽ được tái sinh vào một cảnh giới an lành. Cũng giống như người ăn cơm nếu ăn một bát thì no theo một bát, nếu ăn nhiều thì no nhiều, nhưng tự thân họ cũng có lương thực để an lòng. Do đó, tùy vào mức độ mà ta tu tập nhiều hay ít thì tự thân sẽ được sinh vào cảnh giới thích hợp với quá trình công phu tu tập của mình.
Niệm Phật để được vãng sinh
Vãng sinh là sự kết thúc của cuộc đời này để sinh qua một thế giới khác, hay nói nghĩa rộng hơn, đó là cách chuyển hướng thay đổi từ cách sống này sang một lối sống mới. Ví như trước giờ ta sống trong sự giận hờn, buồn phiền và không làm chủ được tâm hồn. Nhưng khi hiểu được sân là nguyên nhân đưa đến sự đau khổ, lúc này chúng ta liền khắc phục sai lầm và thay đổi tích cực mạnh mẽ, đó là chúng ta đã chuyển đổi từ một cuộc sống sân hận thành một cuộc sống bao dung tha thứ, và đó cũng chính là vãng sinh. Cũng giống như một người ham hút thuốc nhưng khi phát hiện mình bị bệnh nên lập tức bỏ ngay sự ham muốn ấy, có nghĩa là người này đã thay đổi từ một thói xấu chuyển thành một đức tính tốt thì đó cũng gọi là vãng sinh.
Như vậy, không cần phải chết mới được vãng sinh mà ngay trong đời sống hiện tại ta cũng đã được vãng sinh rồi. Vì vậy, vãng sinh là sự thay đổi từ những đức tính xấu ác của con người để trở về con đường thánh thiện, từ một người với thói quen đầy sự ích kỷ, nhỏ nhen trở thành một người có tấm lòng bao dung, độ lượng và cao hơn nữa đó là từ phàm phu bước lên một bậc của thánh hiền.
Hành giả tu tập, niệm Phật cần phải thực tập và áp dụng việc niệm Phật vào trong đời sống hằng ngày để chúng ta tìm được nguồn an lạc hiện thực và luôn luôn trong thế giới của Đức Phật, đoạn dứt những phiền não để trở về bản thể thanh tịnh vốn có của mình, và đó mới là mục đích cao cả của việc niệm Phật.
3. Mở máy niệm Phật trong lúc nằm ngủ có tội lỗi hay không?
Bạch thầy, Con thường xuyên mở máy niệm Phật cho dễ ngủ, trong lúc con ngủ mê máy vẫn niệm Phật đều cho tới sáng con mới tắt. Như vậy, con có bị mang tội lỗi không? Kính mong thầy giải đáp cho con hiểu. Con kính trọng ơn thầy.
Việc đó tuy không có tội, nhưng có cái lỗi là khinh suất. Dù vẫn biết đó là máy niệm Phật, nhưng nếu để máy niệm Phật cho mình dễ ngủ thì mình mắc phải cái lỗi là thiếu sự thành kính tha thiết chí thành trong việc niệm Phật. Đối với sự tu hành ngày nay phải nói chúng ta có quá nhiều phương tiện, tiện lợi. Làm cái gì cũng phải nhờ đến máy móc cả. Thậm chí, như Phật tử nói ngủ không được cũng phải nhờ mở máy niệm Phật cho được dễ ngủ. Phật tử thử nghĩ, những vị tu hành ngày xưa, có vị nào ngủ không được phải nhờ đến máy móc tụng kinh niệm Phật mới có thể ngủ được không? Hay là các ngài nhờ công phu tu hành đạo lực cao thâm tâm được an định mà dễ ngủ?
Ngày xưa, vì không có máy móc điện tử như chúng ta bây giờ, nên việc vận dụng công phu tu hành của các ngài rất là chí thành khẩn thiết. Các ngài không có ỷ lại như chúng ta. Vì vậy làm việc gì các ngài cũng phải hết sức chú tâm thành ý không dám khinh suất lơ là. Khi nghe pháp hay học hỏi kinh điển cũng vậy. Bởi thế nên các ngài nhớ dai và thu thập nhiều. Còn bây giờ mình ỷ lại vào máy móc nhiều quá. Khi muốn nghe pháp hoặc muốn thầy nào thuyết giảng thì cứ mở máy ra là có. Vì quá dễ dàng nên chúng ta lại sanh cái niệm coi thường khinh lờn. Nhiều khi nghe để mà nghe hoặc nghe để cho đỡ buồn chớ không mấy quan tâm theo dõi. Chính vì vậy mà chúng ta nghe nhiều nhưng rốt lại thu thập ghi nhớ chẳng có bao nhiêu. Ngược lại, đối với các ngài vì chú tâm nghe kỹ và thiết tha quý trọng học hỏi nên các ngài mới chóng được khai phát huệ tâm và tu hành chóng đạt được kết quả cao.
Còn sự tu hành của chúng ta ngày nay, vì ỷ lại vào phương tiện máy móc quá nhiều, nên kết quả không được tốt đẹp như các ngài. Sở dĩ người ta chế ra máy niệm Phật, với mục đích là nhằm để thức nhắc chúng ta hằng nhớ mà niệm Phật. Vì tâm của chúng ta hay quên và luôn phan duyên chạy theo trần cảnh, khác nào như con khỉ con vượn chuyền cây. Ngày đêm chúng chuyền nhảy lung tung lăng xăng không bao giờ đứng yên một chỗ. Tâm vọng của chúng ta cũng vậy. Không lúc nào nó đứng yên hay dừng lại. Do đó, nên cần phải có một cái thường xuyên nhắc nhở nó. Nhờ có máy niệm Phật để nhắc nhở cho mình niệm theo. Như vậy, máy niệm Phật cũng là một phương tiện tiện lợi trợ duyên rất tốt để cảnh tỉnh thức nhắc mình. Không phải người ta chế máy niệm Phật để ru cho mình ngủ đâu. Đó là tại mình lạm sử dụng không đúng cách đó thôi.
Phật tử nên xét lại, ngủ không được có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chính là do chúng ta suy nghĩ quá nhiều. Tiếng Anh gọi là stress nghĩa là đầu óc quá bức xúc căng thẳng. Có khi chúng ta bị một vấn đề nội kết phiền muộn nào đó, mà chúng ta chưa tháo gỡ được. Từ đó, chúng ta suy nghĩ nhiều nên thần kinh bị căng thẳng tạo thành mất ngủ. Đó là cái lỗi do chúng ta không khéo tu niệm nên để tâm chúng ta bám theo duyên trần nên mới bị như thế.
Đối với các loại máy móc điện tử ngày nay, nếu chúng ta khéo biết sử dụng thì nó cũng giúp ích cho chúng ta rất nhiều. Tuy nhiên, nó có thể là con dao hai lưỡi. Lợi thì cũng có mà hại thì cũng có. Nếu chúng ta không khéo lợi dụng nó thì nó trở thành có hại khống chế chúng ta. Nó làm cho chúng ta không còn tự chủ được nữa. Nếu không muốn nói là chúng ta sẽ trở thành làm kẻ nô lệ cho nó. Chúng ta nên quan tâm cẩn trọng dè dặt để ý điểm nầy.
Việc mở máy niệm Phật của Phật tử để Phật tử nghe mà niệm theo, thì điều nầy không có gì sai trái lỗi lầm. Tuy nhiên, nếu Phật tử với dụng ý là mở máy niệm Phật để cho Phật tử dễ ngủ, theo tôi, việc làm nầy không đúng lắm. Tôi xin được góp ý với Phật tử là lần sau nếu như Phật tử có mở máy niệm Phật thì Phật tử cũng nên niệm theo máy hoặc niệm thành tiếng hay niệm thầm đều được cả. Tuy nhiên, nếu Phật tử niệm ra tiếng thì không nên nằm niệm. Bởi niệm như thế thành cái lỗi thất kính. Đấy là điều mà chư Tổ Liên Tông thường khuyên dạy. Còn nếu Phật tử niệm thầm trong tâm thì nằm niệm cũng không sao. Song có điều trong lúc niệm Phật, Phật tử cũng nên thành tâm chí thành mà niệm. Không nên có cái ý là mở máy niệm Phật cho Phật tử dễ ngủ. Vì như thế sẽ không có lợi lạc chi cả. Còn khi Phật tử ngủ quên mà máy vẫn niệm, thì điều đó không có lỗi gì. Bởi vì nó là cái máy để lâu chỉ tốn hao pin hoặc mau hư máy đó thôi.
Nhân đây, tôi cũng xin góp chút thành ý với Phật tử. Phật Tổ thường dạy chúng ta khi niệm Phật mình phải nhiếp tâm mà niệm. Nghĩa là tâm và tiếng phải hiệp khắn nhau và phải niệm mỗi chữ mỗi câu cho rành rẽ rõ ràng. Nếu khi niệm Phật mà chúng ta không niệm như thế, thì coi chừng chúng ta sẽ trở thành một cái máy niệm Phật. Vì chỉ có biết phát ra thành tiếng thôi, giống hệt như cái máy niệm Phật không khác. Cổ Đức có dạy: “Khẩu niệm Di Đà tâm tán loạn, hãm phá hầu lung dã đồ nhiên”. Nghĩa là: Miệng niệm Di Đà tâm tán loạn, toạc hầu rách họng uổng công thôi. Phật tử nên nhớ niệm Phật là niệm tâm, tức tâm phải sáng suốt nhận rõ từng chữ từng câu. Không thể miệng niệm một đàng mà tâm nghĩ một ngã. Niệm như thế, thì làm sao tương ưng với Phật. Bởi Phật là giác, là sáng suốt, trong khi đó mình niệm mà để tâm chạy rong đâu đâu. Đó là niệm chúng sanh, niệm loạn tưởng chớ không phải là niệm Phật. Và như thế, thì việc niệm Phật của chúng ta sẽ không được lợi lạc. Bởi niệm Phật cốt là để dứt trừ phiền não để cho tâm ta được an định, chớ không phải niệm suông trên đầu môi chót lưỡi. Phật tử nên chú ý cẩn thận việc làm nầy.
Kính chúc Phật tử luôn an vui khỏe mạnh, đầy đủ tín tâm, bền chí niệm Phật và phải niệm Phật cho đúng cách thì mới có kết quả tốt đẹp được. – “Thích Phước Thái!”
Nguồn: phatgiao.org.vn!