4 điều Đức Phật dạy loài người mà bạn nên biết
Pháp Giới 5 tháng trước

4 điều Đức Phật dạy loài người mà bạn nên biết

Đức Phật đã thấu suốt nguyên nhân mọi nỗi thống khổ của kiếp người và phương pháp để chấm dứt nỗi thống khổ đó, đó là Tứ Diệu Đế.

Sau sáu năm khổ hạnh và bốn mươi chín ngày tịnh tọa dưới gốc cây bồ đề, Ngài bừng tỉnh, trở thành bậc Giác Ngộ. Từ sự giác ngộ này, Ngài thấu suốt nguyên nhân mọi nỗi thống khổ của kiếp người và phương pháp để chấm dứt nỗi thống khổ đó, đó là Tứ Diệu Đế.

Bài giảng về bốn chân lý nhiệm mầu có thể xem như là những lời dạy của một vị y sĩ: định bệnh (Khổ đế), xác định nguyên nhân của bệnh (Tập đế), mô tả trạng thái khi lành bệnh (Diệt đế), và cách thức trị bệnh (Đạo đế). Bốn chân lý đó là:

1. Sự thật về khổ

“Khổ” chỉ tất cả những gì mình không ưa thích, khiến mình khó chịu đựng khó kham nhẫn, làm mình mệt mỏi căng thẳng chán nản đau đớn và muốn chối bỏ, xua đuổi. “Đế” là chân lý bất di bất dịch không thay đổi.

Như vậy, “khổ đế” là sự thật về bản chất đau khổ của đời sống. Đây là một bài pháp màu nhiệm của đức Phật về nỗi khổ để ngay khi chúng ta trực diện nhìn nhận nỗi khổ mà không né tránh chối bỏ nó, chúng ta có thể học hỏi từ khổ đau, đạt được tự do tự tại giải thoát khỏi khổ đau.

Trong cuộc sống này, có những nỗi khổ đau mà ai ai cũng phải nếm trải, từ nỗi khổ khi sinh ra, cho đến nỗi khổ khi già yếu, bệnh tật và qua đời. Đây là những nỗi khổ về thân, những đau đớn về mặt thể xác mà chúng ta có thể thấy rất rõ sự trải nghiệm ở chính bản thân mình cũng như mọi người.

Bên cạnh đó, có nỗi khổ về tâm. Thực tế là, tâm chúng ta luôn luôn bất an do sự chi phối của các cảm xúc tiêu cực như tham lam, giận dữ, si mê thiếu trí tuệ… Tâm tham khiến chúng ta luôn khát khao tìm cầu những thứ mà ta không có được.

Xem Thêm:   10 công đức của việc phóng sinh không thể nghĩ bàn

Ngược lại, ta chẳng hề trân trọng và biết đủ với những gì mình đang có. Tâm chấp ngã khiến ta dễ dàng giận dữ, đau khổ trước những nghịch cảnh trái ý. Cuộc sống con người vì thế rơi vào vòng xoáy luẩn quẩn của sự bất mãn không nguôi.

Đức Phật đã khái quát bốn nỗi khổ về tâm gồm: khổ vì mong cầu mà không có được, khổ vì yêu thích mà phải xa lìa, khổ vì không ưa mà phải gặp gỡ, chung sống, khổ vì năm ấm hưng thịnh (năm ấm chỉ năm món ngăn che chướng ngại: sắc, thọ, tưởng, hành, thức). Vì năm ấm hưng thịnh nên những nhu cầu dục lạc, các xúc tình tiêu cực nhân sự hưng thịnh của năm ấm mà càng phát khởi mạnh mẽ khiến chúng ta nhận về càng nhiều khổ đau.

Ở một góc độ khái quát khác, khổ đau căn bản có thể bao gồm những hình thái sau:

Thứ nhất, đó là cái khổ từ sự không rõ ràng, không chắc chắn và không trường tồn của những hạnh phúc giả tạm của thế gian.

Thứ hai, đó là khổ đau do bất mãn – chúng ta luôn mong cầu nhiều hơn. Lòng tham thiêu đốt chúng ta và sự tìm cầu của chúng ta là không giới hạn, chẳng bao giờ ta được toại nguyện như ý.

Thứ ba, còn có nỗi khổ đau ghê gớm do hết lần này tới lần khác phải xả lìa thân xác. Từ vô thủy kiếp tới nay, chúng ta đã chết đi rồi sinh ra không biết bao lần, đau đớn, sợ hãi không bút nào tả xiết nhưng mỗi khi tái sinh trong luân hồi chúng ta đều mê mờ quên mất điều này.

Thứ tư, đó là nỗi khổ do gặp phải nhiều nỗi khổ đau hết lần này tới lần khác.

Thứ năm, khổ vì bản chất thăng trầm của đời sống. Tiếp theo cao trào sẽ là thoái trào, kế tiếp thành công là thất bại, phía sau hội ngộ là chia lìa, sự sống đi đến tận cùng lại là cái chết…

Cuối cùng là nỗi khổ của sự cô độc. Trên tất cả những cột mốc quan trọng của đời người gồm sinh, lão, bệnh, tử, chúng ta đều chỉ có một mình, không người giúp đỡ, không chốn tựa nương. Bệnh tật hay khổ đau, sự sống hay cái chết đều chỉ do chính chúng ta trải nghiệm, không thể san sẻ hay nương tựa vào ai.

Xem Thêm:   Quả báo đọa địa ngục nước sôi luộc tay

Như vậy, có thể thấy rằng khổ đau hiện diện khắp nơi và bao trùm toàn bộ cuộc sống của chúng ta.

4 điều Đức Phật dạy loài người mà bạn nên biết

2. Sự thật về tập

Sự thật thứ nhất Đức Phật thấy là Khổ đế còn sự thật thứ hai mà Ngài thấy chính là Tập đế – nguyên nhân chính xác của sự khổ. “Tập” là nguyên nhân tích tụ, huân tập lâu ngày mà thành; còn “đế” là sự thật. “Tập đế” là sự thật về các nguyên nhân dẫn đến sự đau khổ của chúng sinh.

Tập đế là nguyên nhân. Tập là nguyên nhân tích tụ thành cái khổ này. Thế thì tại sao lại có sự khổ này? Chúng ta không biết tại sao chúng ta bị khổ nhưng Đức Phật phát hiện ra nguyên nhân cội rễ mọi sự khổ của con người và của chúng sinh. Đó chính là cái vô minh của trí tuệ, cái ngu si của trí tuệ. Và tâm ái dục, ái dục tức là tham đắm dục lạc.

Nguyên nhân sâu xa của khổ đau trong nhân loại và chúng sinh là tham ái dục, gọi là tham đắm ái dục, tức là mình tìm cầu dục lạc, khoái lạc của dục. Đó là nguyên nhân sâu xa của các khổ, tham đắm, bám chấp vào ái dục.

Như vậy, Đức Phật đã thấy rõ gốc của khổ đau chính là vì vô minh; tức là không có đủ trí tuệ sáng suốt mà sinh ra tham đắm dục lạc, đam mê, tham đắm, chấp trước và ái dục là gốc của đau khổ.

3. Sự thật về dứt khổ

Sự thật thứ ba là kết quả sau khi con người đã diệt trừ và chấm dứt được ái dục, nguồn gốc của mọi khổ đau. Đó gọi là sự thật về sự chấm dứt khổ, là Niết Bàn. Nếu ai giải thoát được mọi trói buộc đau khổ bằng cách không khởi tâm điên đảo, phân biệt chấp trước đối với cuộc sống, thì người đó sẽ đạt được Niết Bàn ngay trong cuộc sống này.

Xem Thêm:   Ngũ triền cái là gì? Phật dạy phương pháp đoạn trừ năm triền cái
4. Sự thật về con đường dứt khổ

Sự thật thứ tư này là con đường trực tiếp đưa đến sự giải thoát, chấm dứt khổ đau. Con đường này thường được diễn tả là Bát chính đạo, tức tám con đường chân chính hay còn gọi là tám bước nhiệm mầu dẫn đến an lạc hạnh phúc. Đây không phải là con đường quá khích, sung sướng hay khổ hạnh, cũng không phải là con đường của sự chìm đắm trong sắc dục. Đây chính là con đường trung đạo. Con đường của sự tỉnh thức.

Tám bước nhiệm mầu là lời Đức Phật dạy về cách thức tu tập để Phật tử nương theo mà hành trì, ngõ hầu kết thúc được mọi nỗi thống khổ, đạt được trạng thái tâm an lạc. Gom chung tám bước này thành ba bộ môn tu tập, gọi là Tam Học, tức là ba môn học chung cho mọi người tu Phật là: Giới học, gồm có: Chính ngữ, Chính nghiệp và Chính mệnh. Định học, gồm có: Chính tinh tấn, Chính niệm và Chính định. Tuệ học, gồm có: Chính kiến và Chính tư duy.

Nói tóm lại, sự thật về khổ phải được ý thức rõ ràng. Sự thật về nguyên nhân của khổ phải được thấu hiểu. Chân lý về sự chấm dứt khổ phải được kinh nghiệm. Và con đường để chấm dứt khổ đau ấy phải được bước đi bởi mỗi người trong chúng ta.

Đức Phật đã giác ngộ giải thoát và Ngài đã vẽ lại con đường đó để chúng ta đi theo. Ngài không giúp chúng ta hết khổ đau được, Ngài chỉ cho chúng ta thấy một con đường để đi tới.

Không có một công thức huyền bí nào có thể đem ta ra khỏi những khổ đau này. Mỗi người chúng ta phải tự thanh lọc tâm mình, bởi vì chỉ có những ái dục trong tâm mới có khả năng trói buộc được ta mà thôi.

Trong suốt 49 năm hoằng pháp Đức Phật đã giảng dạy rất nhiều đề tài, nhưng các điều căn bản trong Phật giáo có thể tóm tắt trong Tứ Diệu Đế và Bát Chánh Đạo như trên.

Tâm Hướng Phật!

Nguồn: Tâm Hướng Phật ( https://tamhuongphat.com/ )

6 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog