Pháp Giới 5 tháng trước

12 đại nguyện của Đức Phật Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai

Mười hai đại nguyện của Phật Dược Sư không chỉ trình bày về bản nguyện cứu đời của đức Phật Thầy Thuốc khi ngài còn là vị Bồ-tát, mà còn giới thiệu phương pháp hành đạo và hoằng pháp có hiệu quả cho tất cả những ai đang hướng về đạo quả giác ngộ vô thượng.

1. Đức Phật Dược Sư là ai?

Theo Phật Giáo tất cả chư Phật, Bồ Tát ứng thân thị hiện ra đời vì lòng thương cứu độ chúng sinh chìm đắm trong biển khổ sinh tử. Vì chúng sinh vô lượng vô biên nên chư Phật cũng thị hiện vô số, tùy theo nghiệp lực, căn tánh của chúng sinh mà các Ngài kiến tạo quốc độ và lập đại nguyện để giáo hóa, đưa chúng sinh thoát khỏi phiền não khổ đau, có đời sống an lạc tự tại. Đức Phật Dược Sư là 1 trong vô số chư Phật có quốc độ và hạnh nguyện riêng của mình.

Dược Sư Như Lai tiếng Phạm gọi là: Bhaisajya-guru Vaidurya-prabharajyah, gọi đủ là Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Như Lai, người ta thường gọi là Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, gọi tắt là Dược Sư Phật.

Theo Dược Sư Như Lai Bổn Nguyện Kinh chép: “Về phương Đông cách thế giới Ta Bà khoảng 10 hằng hà sa Phật độ có cõi Phật tên là Tịnh Lưu Ly, tên của Đức Phật đó là Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai”.

Vì sao có tên gọi là Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai? Vì do nguyện lực có thể bạt trừ bệnh khổ của chúng sanh nên gọi là Dược Sư, có thể chiếu soi cứu độ những chỗ tăm tối si mê nên gọi là Lưu Ly Quang. Ngài hiện là giáo chủ thế giới Lưu Ly ở phương Đông cùng với 2 vị Đại Bồ tát là Nhật Quang Biến Chiếu và Nguyệt Quang Biến Chiếu làm quyến thuộc để giáo hóa chúng sinh.

Bản nguyện của Dược Sư Như Lai là trị tất cả trọng bệnh phiền não về thân và tâm của chúng sinh, cứu độ chúng sinh ra khỏi sanh tử khổ đau.

Vì Dược Sư Như Lai có bổn nguyện thanh tịnh như vậy nên ánh sáng trong suốt hoàn toàn thanh tịnh (Lưu Ly Quang) như lưu ly vô ngại hiển hiện trên thân của Ngài, và quốc độ của Ngài cũng như vậy nên gọi là Dược Sư Lưu Ly Quang.

Cũng như các Đức Phật trong mười phương, Đức Dược Sư có đầy đủ thập hiệu Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư, Phật-Thế Tôn.

Đức Phật Dược Sư là một đấng giác ngộ có lòng bi mẫn vô biên đối với hết thảy chúng sinh. Ngài hộ trì chúng sinh tránh khỏi những đớn đau về tâm hồn và thể xác, khỏi những hiểm nguy và chướng ngại, và giúp họ trừ diệt ba độc tố – tham trước, sân hận và si mê – cội nguồn của mọi bệnh tật và nguy hại. Ngài là đấng Y vương Toàn giác.

Xem Thêm:   Bốn thời điểm khiến con người ta tỉnh ngộ ra nhiều nhất

Theo các Kinh điển Phật Giáo thì Đức Dược Sư Như Lai có 7 tôn tướng. Có thuyết cho là mỗi vị có mỗi đại nguyện và ứng thân riêng từng vị. Có thuyết cho là các Ngài từ nhất thể là Đức Dược Sư Như Lai mà phân thân ứng hiện (ứng thân), danh hiệu của các Ngài là: Thiện Danh Xưng Cát Tường Như Lai; Bảo Nguyệt Trí Nghiêm Quang Âm Tự Tại Vương Như Lai; Kim Sắc Bảo Quang Diệu Hạnh Thành Tựu Như Lai; Vô Ưu Tối Thắng Cát Tường Như Lai; Pháp Hải Lôi Âm Như Lai; Pháp Hải Thắng Huệ Du Hý Thần Thông Như lai; Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai.

2. Ý nghĩa danh hiệu Đức Dược Sư

Dược là thuốc, Sư là thầy. Phật tên Dược Sư Lưu Ly Quang Vương. Kinh tên Dược Sư Bổn Nguyện Công Đức. Dươc Sư là ông thầy thuốc. Lưu Ly là một thứ ngọc trong suốt từ trong ra ngoài. Thiền tông có khẩu hiệu “đập vỡ thùng sơn”. Thùng sơn ví thân ngũ ấm của chúng ta. Trong đen xì ngã chấp, ngoài đặc xịt pháp chấp. Có phá vỡ thùng sơn thì việc làm của người tu hành mới xong. Bát Nhã Tâm Kinh dạy: “Chiếu kiến năm uẩn đều không, độ thoát hết thảy khổ ách”. Tướng mạo tối đặc như thùng sơn đen là do 2 căn bệnh chính: kiến hoặc và tư hoặc. Kiến hoặc là thấy lầm, tư hoặc là nghĩ lầm.

Dùng danh hiệu Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Phật để trong uống ngoài xoa. Trong uống là mỗi mống niệm vọng tưởng (tư hoặc) liền biết. Biết vọng thì vọng tan. Mỗi khi tham sân si hiện hành liền biết gốc do kiến hoặc. Cần thanh tịnh sáu căn. Đề khởi hai chữ Dược Sư là tự nhắc bổn phận thiết yếu, từng niệm từng niệm giác sát, thanh lọc nơi tâm. Thế là trong uống. Còn ngoài xoa là tin chắc có nguyện lực của Phật hộ niệm. Phật không ở đâu xa. Phật thường trụ ngay tại đương niệm. Chúng ta chỉ vì phan duyên, thọ kích thích, tưởng biến hóa, sắc làm mù, năm ấm che lấp khiến tựa hồ như xa cách Phật.

Tổ dạy: “Tâm bình thường là đạo”. Tâm bình thường là Lưu Ly, trong không bị tư hoặc làm mê, không bệnh ngã chấp. Ngoài không bị kiến hoặc đánh lừa, giải thoát pháp chấp.

Quang nghĩa là sáng suốt. Sáng đây không phải là ánh sáng mặt trời mặt trăng. Ánh sáng trí tuệ thuộc tinh thần không có hình tướng. Trong khi niệm, nghe âm thanh rõ ràng không mờ, từng tiếng minh bạch là tánh giác sáng tỏ. Nếu nghe không rõ, thì hoặc bị hôn trầm, hoặc đã vướng vào một trần cảnh nào khác. Tánh nghe chính là tánh giác ở khắp pháp giới. Nghe rõ tiếng niệm tức là ngay lúc ấy, ta đã trở về tánh thể. Tánh này đồng với chư Phật và dĩ nhiên đồng với đức Dược Sư Lưu Ly Quang. Niệm danh hiệu ngài để tự nhắc tâm mình, tâm Phật vẫn thường trụ ở khắp mười phương không rời nhau.

Kinh Lăng Nghiêm dạy: “Mười phương Như lai thương nhớ chúng sanh như mẹ nhớ con. Nếu con trốn chạy thì mẹ dẫu nhớ có làm gì được. Nếu con nhớ mẹ như mẹ nhớ con, mẹ con đời đời chẳng rời xa nhau. Nếu tâm chúng sanh nhớ Phật niệm Phật, đời này đời sau quyết định thấy Phật”.

Xem Thêm:   Oan gia trái chủ là gì? Vì sao chúng ta phải cầu siêu cho họ?

Không nói trong suốt như pha lê mà nói trong suốt như lưu ly, vì ngọc lưu ly màu xanh lơ (xanh da trời). Ngửa lên bầu hư không, ta thấy một màu xanh nhè nhẹ. Tìm thể chất thì chỉ có hư không nên đức Phật dùng màu này tượng trưng những gì huyễn vọng, không thật có. Năm ấm, ngã chấp, pháp chấp, kiến hoặc, tư hoặc … bao nhiêu bệnh hoạn nặng nề của thế gian, dưới con mắt Phật, chỉ là những hoa đốm ở hư không. Cứ chữa khỏi bệnh lóa ở mắt thì hoa đốm sẽ không còn. Cứ tỉnh ra, đừng ngủ mơ nữa thì những giấc mộng cọp vồ, nhà cháy đâu còn. Mặt trời trí tuệ của tất cả chúng sanh bản lai vẫn thường sáng. Chỉ vì chuyên sống với tâm phan duyên, quên tánh bản giác mà hóa thành thùng sơn năm uẩn. Nay vâng theo giáo pháp Dược Sư, chuyên trì danh hiệu Phật, sẽ thoát vô minh sanh tử, trở về bổn tâm viên quang.

Dược Sư là công dụng. Lưu Ly là thể tịnh. Quang là tánh giác. Chữ Vương là hình-dung-từ để hiển công dụng thù thắng, thể thanh tịnh, tánh quang minh, mỗi mỗi tuyệt vời.

Đức Phật Dược Sư là 1 trong 3 vị “Hoành Tam Thế Phật” gồm có đức Phật Thích Ca Mâu Ni ngồi chính giữa, bên phải là là đức Phật A Di Đà, bên trái là đức Phật Dược Sư. Hoành Tam Thế Phật là biểu thị niềm tin của Phật pháp vô biên, ý muốn nói phía Đông nơi mặt trời mọc, tượng trưng cho sự sinh trưởng, phát triển của vạn vật, lấy thế giới Tịnh Lưu Ly ở phương Đông làm biểu tượng cho sinh trưởng; còn phương Tây là hướng mặt trời lặn, tượng trưng cho sự trở về của vạn vật. Ba vị cùng đứng một chỗ, tức bao dung tất cả sự an lành.

3. 12 đại nguyện của Đức Dược Sư Như Lai

Trong năm, chúng ta thường tụng kinh Dược sư vào tháng Giêng, tháng 5 và tháng 9 để cầu an. Phát xuất từ niềm tin, nhiều người thường tụng kinh Dược Sư để cầu nguyện Đức Phật Dược Sư gia hộ cho tai qua nạn khỏi, tật bệnh tiêu trừ.

1. Nguyện con sau này, khi được tuệ giác vô thượng, thì bản thân ánh sáng rực rỡ chiếu soi vô số thế giới hệ. Thân ấy lại được trang hoàng bằng ba mươi hai tướng tốt của bậc đại trượng phu và tám mươi tướng phụ. Lại làm cho mọi người không khác gì với con.

2. Nguyện con sau này, khi được tuệ giác vô thượng, thì thân như ngọc lưu ly, trong ngoài trong suốt, không chút vẩn đục, ánh sáng to lớn và chiếu tỏa xa rộng. Công đức đồ sộ, lại khéo an trú. Những tia sáng rực rỡ, dệt nhau như mạng lưới, và tráng lệ quá hơn nhật nguyệt. Chúng sanh tối tăm được soi sáng cả, nên tùy ý hướng mà làm mọi sự nghiệp.

3. Nguyện con sau này, khi được tuệ giác vô thượng, thì vận dụng vô lượng trí tuệ và phương tiện, làm cho mọi người cùng được vô tận những vật hưởng dụng, không để cho ai có sự thiếu thốn.

4. Nguyện con sau này, khi được tuệ giác vô thượng, thì những kẻ đi theo tà đạo đều được làm cho ở yên trong đạo Giác Ngộ, những người tu theo Thanh Văn, Duyên Giác đều được xây dựng bằng pháp Đại Thừa.

5. Nguyện con sau này, khi được tuệ giác vô thượng, thì vô số người tu hành phạm hạnh trong chánh pháp của con, con làm cho tất cả được giới thể không thiếu sót, trọn vẹn giới pháp ba loại. Giả sử phá phạm đi nữa, nghe danh hiệu con rồi là phục hồi thanh tịnh, không rơi vào đường dữ.

Xem Thêm:   Ngữ Lục – Hòa Thượng Tuyên Hóa PDF

6. Nguyện con sau này, khi được tuệ giác vô thượng, những kẻ thân hình thấp kém, giác quan không đủ, xấu xí, u mê, mù, điếc, câm ngọng, tay quắp, chân quẹo, lưng gù, phung lác, điên cuồng, đủ thứ bịnh khổ, nhưng nghe danh hiệu con rồi, tất cả đều đẹp đẽ, thông minh giác quan hoàn bị, hết mọi bệnh khổ.

7. Nguyện con sau này, khi được tuệ giác vô thượng, những kẻ bị mọi thứ bịnh khổ hành hạ mà không ai cứu giúp, không nơi nương tựa, không có y sĩ, không có dược liệu, không có thân thuộc, không có nhà cửa, nghèo nàn lắm khổ, thì danh hiệu của con, một khi đi qua thính giác của họ, là bịnh khổ tan biến, thân tâm an lạc, nhà cửa, thân thuộc và đồ dùng đầy đủ tất cả, cho đến thực hiện được tuệ giác vô thượng.

8. Nguyện con sau này, khi được tuệ giác vô thượng, nếu có nữ nhân nào bị hành hạ bởi cả trăm thứ khổ sở của nữ nhân, nên cùng cực chán ngán, muốn thoát thân ấy thì nghe danh hiệu con rồi, tất cả đều được chuyển thân nữ thành thân nam tử, đủ tướng trượng phu, cho đến thực hiện được tuệ giác vô thượng.

9. Nguyện con sau này, khi được tuệ giác vô thượng, thì làm cho mọi người thoát khỏi mạng lưới của ma vương, cởi mở thắt buộc của ngoại đạo. Sa vào rừng rậm ác kiến thì sẽ được dẫn ra, đem đặt vào chánh kiến, và dần dần làm cho họ thực tập các hạnh Bồ tát, để thực hiện một cách mau chóng tuệ giác vô thượng.

10. Nguyện con sau này, khi được tuệ giác vô thượng, thì những kẻ bị phép vua ghi sổ, xích trói đánh khảo, giam nhốt lao ngục, sắp bị hành hình, cộng với vô lượng tai nạn khổ nhục và bi thảm sầu muộn khác nữa, ngâm nấu bức bách, làm cho cả cơ thể lẫn tâm trí đều chịu thống khổ, nhưng nghe danh hiệu của con, thì vì năng lực phước đức và uy thần của con mà họ thoát hết mọi sự lo sợ khổ sở.

11. Nguyện con sau này, khi được tuệ giác vô thượng, những kẻ bị đói khát hành hạ, vì cầu cái ăn mà làm mọi ác nghiệp, nhưng nghe được danh hiệu của con, nhất tâm thọ trì, thì trước hết con làm cho họ no đủ cơ thể bằng thực phẩm tuyệt diệu, sau đó con sẽ đem cái vui cứu cánh của pháp vị mà xây dựng cho họ.

12. Nguyện con sau này, khi được tuệ giác vô thượng, những kẻ nghèo thiếu y phục, ngày đêm khổ sở vì muỗi mòng lạnh nóng, nếu nghe danh hiệu của con mà nhất tâm thọ trì, thì như sở thích của họ, họ được liền những thứ y phục tuyệt diệu, lại được những đồ trang sức bằng vàng ngọc. Hoa vòng hương xoa, âm nhạc hòa tấu và mọi kỹ thuật biểu diễn, tùy ý họ thích, con làm cho đầy đủ tất cả.

Hoa dịch: Tam Tạng Pháp Sư Huyền Trang
Việt dịch: Hòa thượng Thích Trí Quang

Tâm Hướng Phật/TH!

Nguồn: Tâm Hướng Phật ( https://tamhuongphat.com/ )

59 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog