Ý nghĩa của Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện bạn nên biết
Pháp Giới 12 tháng trước

Ý nghĩa của Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện bạn nên biết

Phật nói Kinh Địa Tạng là muốn cảnh tỉnh tất cả chúng ta dẹp bỏ tham sân si nơi tự tâm, tu tập ba nghiệp lành nơi tâm mình, rồi dứt nghiệp cũng nơi tự tâm và giải trừ vô minh tăm tối cũng nơi tự tâm. Cuối cùng trở về với Bổn Tôn Địa Tạng của chính mình.

Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện là bộ kinh rất cơ bản xây dựng đời sống đạo đức của người đệ tử Phật. Trong đó làm con phải có hiếu với cha mẹ, làm trò học đạo phải biết phụng dưỡng sư trưởng là nội dung chủ đạo trong bộ kinh này.

1. Địa Tạng Vương Bồ Tát là ai?

Địa Tạng Vương Bồ Tát là một trong sáu vị Bồ Tát quan trọng của Phật giáo Đại thừa, năm vị còn lại là các vị Quan Thế Âm Bồ Tát, Đại Thế Chí Bồ Tát, Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát, Phổ Hiền Bồ tTát và Di Lặc Bồ Tát.

Địa Tạng Bồ-Tát được biết đến bởi lời nguyện cứu độ tất cả chúng sinh trong lục đạo luân hồi vào thời kỳ sau khi Phật Thích-Ca Mâu-Ni nhập Niết-bàn cho đến khi Bồ-tát Di Lặc hạ sinh, và nguyện không chứng Phật quả nếu địa ngục chưa trống rỗng (Địa ngục không trống, Thề không thành Phật). Do đó, Địa Tạng thường được xem như là vị Bồ-Tát của chúng sinh dưới địa ngục hay là giáo chủ của cõi U Minh.

Trong văn hóa Nhật Bản, Địa Tạng là Bồ-tát hộ mệnh cho trẻ em, cũng như bảo vệ các vong linh của trẻ em hoặc bào thai chết yểu. Địa Tạng Vương Bồ Tát thường được mô tả là một tỳ kheo trọc đầu với vầng hào quang, một tay cầm tích trượng để mở cửa địa ngục và đánh tan mọi sự đau khổ, tay kia cầm ngọc Như Ý tượng trưng cho ánh sáng xua tan bóng đêm.

Xem Thêm:   Nghi thức hồng danh sám hối tại nhà đầy đủ Phật tử nên biết

Địa Tạng Vương ở Trung Quốc và Việt Nam được khắc họa tượng cưỡi trên con linh thú Đế Thính (hay Thiện Thính) có hình dáng như con kỳ lân có một sừng, một số khắc họa linh khuyển Đế Thính này trông như một con sư tử tuyết Tây Tạng màu lam trông giống như một con chó ngao Tây Tạng (ngao Tạng).

Những tranh tượng ở Trung Quốc và Việt Nam cũng khắc họa Địa Tạng Vương Bồ Tát đội mũ thất phật và mặc cà sa đỏ vốn là hình ảnh tu sĩ Phật giáo Bắc Truyền, hình tượng nhân vật Đường Tăng trong tiểu thuyết Tây Du Ký rất giống hình tượng này.

Ngoài ra, Địa Tạng Vương rất dễ nhầm lẫn với ngài Mục-kiền-liên vì có nhiều điểm tương đồng về trang phục (mặc áo cà sa) và tay đều cầm tích trượng. Ở Việt Nam, khi người ta điêu khắc thì có sự phân biệt, khi ngài Địa Tạng sẽ đội mũ thất phật, trong khi đó ngài Mục-kiền-liên thì không đội mão, Địa Tạng Vương thường được điêu khắc ngồi trên tòa sen hoặc cưỡi Đề Thính, trong khi ngài Mục-kiền-liên thì đứng, ông không ngồi mà luôn ở thế đứng, một đặc điểm phân biệt là ngài Mục-kiền-liên tay trái không cầm gì hoặc cầm bình bát, trong khi ngài Địa Tạng tay trái sẽ cầm viên ngọc Như Ý.

Ý nghĩa của Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện bạn nên biết

2. Ý nghĩa của Kinh Địa Tạng Bồ Tát bổn nguyện

Tựa đề của Kinh Địa Tạng là “U minh Giáo chủ Bổn Tôn Địa Tạng Bồ tát Ma ha tát”. Có nghĩa là đấng giáo chủ cõi U minh là Bổn Tôn Địa Tạng Bồ tát. Một Ngài Bồ tát tên Địa Tạng, Ngài cầm trong tay phải một cây tích trượng và tay trái một hạt minh châu. Ngài xuống địa ngục làm giáo chủ, dùng tích trượng đập phá cửa địa ngục để cứu vớt chúng sinh, nếu chúng sinh chí thành niệm danh hiệu của Ngài. Tuy nhiên, đó có phải là ý nghĩa thực sự?

Xem Thêm:   Quả báo đọa địa ngục treo ngược – Địa ngục du ký

“Bổn” là Bổn tâm. “Tôn” là tôn quý, “Địa” là tâm địa, “Tạng” là Như Lai tạng. Chỉ có Bổn tâm mới là tôn quý nhất, đó là kho Như Lai tạng tâm địa; chỉ có Bổn tâm mới làm chủ được cõi U minh, tức làm chủ cõi địa ngục tham, sân, si của chính mình.

Địa ngục chính là địa ngục tham, sân, si. Chúng sinh khổ là do tham, sân, si đầy dẫy trong tâm, phiền não khởi phát. Muốn phá được cửa địa ngục này cần phải là Bổn Tôn Địa Tạng của chính mình vậy. Quan trọng là bản thân nhận ra được bản tính Như Lai trong tâm, thì mình mới có thể đập phá được địa ngục tham, sân, si và cứu giúp chúng sinh muôn loài.

Nếu ta hiểu Ngài Địa Tạng là một vị Bồ tát có hình tướng rõ ràng, và có một cõi địa ngục thật sự, thì chúng ta sẽ ỷ lại vào tha lực, rồi vô tình gạt bỏ quy luật nhân quả. Nếu thật sự có một Ngài Bồ tát đủ khả năng đập phá cửa địa ngục, thì chúng ta khỏi cần tụng kinh, tọa thiền hay tinh tấn tu học, chỉ cần một lòng cầu Ngài Bồ tát, chờ đến lúc chết sẽ có Ngài đến cứu.

Như vậy thì tinh thần ỷ lại, dựa dẫm, mong chờ sự cứu rỗi của Ngài Bồ tát càng tăng lên. Quy luật Nhân Quả cũng không có ý nghĩa. Điều đó dẫn đến sự ra đời của Đức Phật cũng là vô nghĩa. Vậy tại sao chúng ta phải nỗ lực tu hành? Nếu chúng ta không dứt trừ các nghiệp ác nơi thân, khẩu, ý, thì có vị Bồ tát nào cứu vớt mình được? Chúng ta tu là tu tâm của chúng ta, nếu thanh tịnh cũng là thanh tịnh chân tâm; khi giác ngộ là giác ngộ tự tâm. Ngoài tâm sẽ không có cái gì cả.

Xem Thêm:   Bà ngoại vãng sinh Cực Lạc báo mộng cho cháu gái

Địa ngục chính là tham, sân, si, phiền não của chúng sinh. Địa ngục cũng chính là cảnh giới của ba nghiệp ác, từ thân khẩu ý phát sinh ra. Địa ngục là sự tối tăm ám chướng, là sự mê muội trong tâm thức của mỗi người. Đó chính là địa ngục tự tâm.

Phật nói kinh Địa Tạng là muốn cảnh tỉnh tất cả chúng ta dẹp bỏ tham sân si nơi tự tâm, tu tập ba nghiệp lành nơi tâm mình, rồi dứt nghiệp cũng nơi tự tâm và giải trừ vô minh tăm tối cũng nơi tự tâm. Cuối cùng trở về với Bổn Tôn Địa Tạng của chính mình. Đó là nội dung cốt yếu của toàn bộ kinh Địa Tạng.

Về phần chính văn trong Kinh Địa Tạng, khi đọc kỹ và hiểu theo nghĩa lý sâu mầu của Kinh, ta sẽ thấy nhiều điều hết sức mới mẻ, mầu nhiệm. Khi hiểu rõ ý kinh, sự trì tụng mới đầy đủ ý nghĩa, đời tu của chúng ta mới đúng theo quỹ đạo tu hành; nếu không, chúng ta có thể rơi vào đường tà, vào mê tín, thì uổng một đời làm đệ tử của Đức Phật. Chúng ta là đệ tử Phật, tắm mình trong ánh hào quang của Phật, hào quang ấy là trí tuệ Phật tâm sẵn đủ của chính mình.

Tâm Hướng Phật!

Nguồn: Tâm Hướng Phật ( https://tamhuongphat.com/ )

48 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog