Vọng tưởng, vọng niệm là gì? Làm sao để trị vọng tưởng?
Pháp Giới 11 tháng trước

Vọng tưởng, vọng niệm là gì? Làm sao để trị vọng tưởng?

Vọng tưởng, vọng niệm là căn bản của mọi tạp niệm, nó là hạt giống tích tụ trong tàng thức, luân lưu như một dòng sông, như mạch nước ngầm; như bóng theo hình từ khi chúng ta có mặt.

1. Vọng tưởng, vọng niệm là gì?

Theo từ điển Phật học Tuệ Quang, “Vọng tưởng” là – “nghĩ tưởng – tưởng tượng – tưởng nhớ những điều sai lầm không đúng đắn. Còn “Vọng niệm” là những ý niệm hư vọng, như tà niệm.

Phật Quang Đại Từ Điển giải thích “Vọng tưởng”: cũng gọi là phân biệt, vọng tưởng phân biệt, hư vọng phân biệt, vọng tưởng điên đảo. Đồng nghĩa với vọng niệm, vọng chấp. Tức phân biệt tướng các pháp với tâm hư vọng điên đảo, cũng có nghĩa do tâm chấp trước nên không thấy biết được sự vật một cách như thực.

Kinh Lăng Già quyển 2 (bản dịch đời Tống) nêu ra 12 thứ vọng tưởng:

1. Ngôn thuyết vọng tưởng
2. Sở thuyết sự vọng tưởng
3. Tướng vọng tưởng
4. Lợi vọng tưởng
5. Tự tính vọng tưởng
6. Nhân vọng tưởng
7. Kiến vọng tưởng
8. Thành vọng tưởng
9. Sinh vọng tưởng
10. Bất sinh vọng tưởng
11. Tương tục vọng tưởng
12. Phược bất phược vọng tưởng

Vọng tưởng, vọng niệm là căn bản của mọi tạp niệm, nó là hạt giống tích tụ trong tàng thức, luân lưu như một dòng sông, như mạch nước ngầm; như bóng theo hình từ khi chúng ta có mặt. Đến khi xả bỏ báo thân, chủng tử Thiện Ác và Vô ký tiếp tục dẫn dắt nghiệp thức lên xuống trong 6 nẻo, ngoại trừ bậc chứng đắc, vô minh đoạn tận thì chiếc bóng đó mới chấm dứt.

Tạp niệm căn bản là vọng tưởng, vọng niệm, đôi khi biến khởi không có chủ đích rõ ràng, cho nên đã ví “tâm viên-ý mã” là vậy, nó tùy duyên, tùy cảnh, tùy tập khí mà hiện khởi.

Đây là một chướng ngại lớn cho việc tu tập; có những hành giả cố tâm đè nén, loại trừ, đối trị, nhưng đâu lại vào đó, càng đối trị chúng càng phát khởi. “Tri vọng – Chỉ vọng” nghĩa là biết vọng phải ngưng vọng lại càng vọng; vọng là cái không thật, mình biết không thật mà cố ngăn chặn thì càng vọng như đùa với bóng vậy.

Kinh nghiệm của những thành tựu giả thì không cần phải đối trị, loại trừ. Việc mình mình cứ làm, lúc đầu chúng muốn xen vào trong lúc mình hành trì để tâm bị phân tán, vì thế, trong 30 phút đầu khó mà nhập định; những hành giả đạt đại định thì khi bắt chân ngồi xuống chỉ một hơi thở tâm đã an trú nơi pháp hành. Nói là vậy, thật ra bậc đạt ngộ lúc nào cũng ở trong định dù đi đứng nằm ngồi. Không riêng về Thiền pháp, Tịnh độ, Mật tông đều gặp chướng ngại như nhau. Người bình thường vẫn bị sai sử lăng xăng cũng từ vọng tưởng tạp niệm đó.

Xem Thêm:   Những lợi ích của việc trì tụng Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện

Xác định nó là tập khí tiềm ẩn trong tàng thức, nó xuất hiện trong giấc ngủ gọi là chiêm bao. Một hành giả thâm sâu định lực thì hạt giống loạn động trong tâm sẽ mỏng dần cho đến khi đắc pháp chứng ngộ. Vì vậy, không cần phải quá bận lòng bởi tiếng nói nội tâm đó. Có người luôn chăm chú vào những diễn tiến đó mà không phán xét, không nhận định, không làm gì cả… Một lúc nào đó tâm vẫn được an định, tiếng nói nội tâm đó tự chìm lặng.

Càng lắng đọng, tạp niệm càng sinh khởi, chúng tự đối thoại lăng xăng. Kinh nghiệm huân tập chủng tử đó mà hành giả hạn chế suy nghĩ lung tung, chú tâm vào một đề mục gọi là chính niệm. Người có chính niệm thì tâm ít giao động, ngủ không mộng mị. Lúc bỏ xác thân tâm không tán loạn – tránh được con đường ác đạo. Đầu óc chất chứa quá nhiều những chuyện suy nghĩ không đâu dĩ nhiên tàng thức sẽ là kho chứa tạp niệm, vọng tưởng. Chính vì thế, người tu bất cứ pháp môn nào cũng cần giản lược tạp niệm, duy trì chính niệm, an lạc sẽ xuất hiện.

2. Chướng ngại vọng tưởng

Vọng tưởng có thô có tế. Loại tế, người tu già giặn cũng phải e ngại. Niệm Phật chặt chẽ, tạp vọng thô phải lặng nhưng rất khó nhận những tướng qua lại vi tế. Như ao nước đục dễ thấy bọt nổi. Còn khí thể nhỏ nhẹ từ đáy ao cổ động lên hoặc sôi tim nhỏ trên mặt nước. Hoặc chỉ nửa chừng rồi không lên được. Nước tâm phải trong lặng mới thấy.

Bạch Thánh pháp sư, buổi sáng từ giường bước ra ghế ngồi, khoảng ba giây đồng hồ, phát giác vài mươi vọng niệm, Ngài mới hiểu lời kinh: “Một niệm có 90 sát na, một sát na có 900 sinh diệt”. Vọng tưởng dù vi tế đến đâu cũng là lậu nghiệp, người tu chẳng thể coi thường.

May gặp Như Lai ánh tuệ không.
Nước dương quyết rửa sạch bụi hồng.
Đã lên non pháp, mau tìm báu.
Đỉnh núi mây vần sắc trắng bong.

Sách chép: Quang Huệ và Giới Diễn cùng tu thiền, tuy chưa chứng quả Thánh nhưng cũng đã có chỗ tỏ ngộ. Một hôm, tiềm thức của Giới Diễn thoạt nổi một niệm sắc dục. Xuất định, Quang Huệ nói kệ giễu bạn. Giới Diễn buồn thẹn, thâu thần nhập diệt luôn. Quang Huệ hối hận gọi đệ tử phó chúc: “Bạn vì phiền ta mà thị tịch. Kiếp sau ắt sẽ phá hoại Tă bảo. Lỗi này ở nơi ta. Nếu ta không theo dõi hóa độ, ta sẽ phải chịu hậu quả”. Rồi Ngài cũng thị tịch.

Xem Thêm:   Lời Phật dạy về lòng tin giúp ta tránh đau khổ, mất mát và thất vọng

Giới Diễn chuyển kiếp làm Tô Đông Pha, một đại quan thông minh. Có đến 7 thiếp hầu. Thường đem bác lãm đi vấn nạn các sư. Quang Huệ chuyển thân làm Phật Ấn thiền sư. Y nguyện lực đã chiết phục được Tô Đông Pha đưa trở về chính đạo.

Cho nên tham sân si từ lịch kiếp chẳng phải dễ trừ. Bởi vậy tiên đức mới có câu:

Công phu không thiếu cũng không dư.
Muôn kiếp tham si chữa dễ trừ!

Người tu phải nhìn gương Giới Diễn mà cẩn thận tự thanh lọc. Phương pháp giải trừ hai chướng-cái nói trên phải tùy kinh nghiệm và sự thích hợp mà mỗi hành giả tự điều trị. Nơi đây, chỉ lược bàn qua cách đối trị về phần thô. Thông thường, khi loạn tưởng nhiều, hành giả nên ngồi yên nhiếp tâm niệm Phật. Lúc hôn trầm đến, nên đứng lên vừa niệm vừa kinh hành. Cứ dùng hai oai nghi này thay đổi mãi, lâu ngày hai chướng duyên ấy sẽ tiêu trừ. Theo chỗ kinh nghiệm, lắng tai ghi nhận rành rõ từ tiếng từ câu niệm Phật theo lối Phản Văn Trì Danh, có lẽ là phương pháp kiến hiệu nhất để đối trị tán loạn. Và, Lễ Bái Trì Danh là phương thức tối thượng để đối trị với mối chướng hôn trầm nặng nề.

Vọng tưởng, vọng niệm là gì? Làm sao để trị vọng tưởng?

3. Làm thế nào để điều phục vọng tưởng khi niệm Phật?

Bệnh vọng tưởng là bệnh chung của người tu. Dù chúng ta tu bất cứ pháp môn nào, tham thiền, niệm Phật, tụng kinh, trì chú… ít nhiều gì cũng đều có vọng tưởng dấy khởi. Nếu như bặt dứt hết bệnh vọng tưởng, thì đã thành Thánh nhân rồi. Được thế, thì còn nói tu hay không tu làm chi nữa. Vì còn vọng tưởng, nên chúng ta mới tu.

Mục đích của sự tu hành là chúng ta muốn dẹp trừ hết vọng tưởng. Vì chính nó là đầu mối dẫn chúng ta đi tạo nghiệp thọ khổ. Nhưng muốn diệt trừ nó, không phải là chuyện dễ dàng. Nhất là đối với những người sơ cơ mới bước chân vào đạo tập tu.

Khi ứng dụng tu, thì vọng tưởng tạp loạn dấy khởi lên rất mạnh. Đó là do những thứ tập khí nhiều đời cũng như hiện đời mà chúng ta đã huân tập. Nếu là người tu lâu, hành trì miên mật, thì lũ vọng tưởng phiền não sẽ giảm bớt và yếu đi nhiều.

Xem Thêm:   Hồi hướng công đức là gì? Hồi hướng công đức có tác dụng gì?

Tuy nhiên, Phật tử nên nhớ, bệnh vọng tưởng dấy khởi mạnh hay yếu, tương tục hay gián đoạn, thô hay tế, tất cả còn tùy theo sức huân tu hằng ngày của mỗi người.

Lần tràng hạt trong khi ngồi niệm Phật (mỗi câu Phật hiệu lần một hạt) là phương tiện để nhiếp tâm chánh niệm nhằm hướng đến thành tựu nhất tâm.

Lần tràng hạt cũng là cách để hành giả nhận biết rõ về số lượng (cũng như thời lượng) niệm Phật mà vị ấy đã phát nguyện trì niệm như 10 chuỗi, 20 chuỗi… chẳng hạn.

Do đó, trong các thời niệm Phật nói chung, lần tràng hạt hay không đều được, tùy mỗi người. Riêng lúc chuẩn bị đi ngủ thì có thể niệm Phật mà không cần lần chuỗi hạt, niệm được chừng nào thì niệm, cốt duy trì tâm an tịnh và nhẹ nhàng để đi vào giấc ngủ an lành.

Đối với những hành giả sơ cơ, sức huân tu còn yếu thì “vọng tưởng nhiều, suy nghĩ lung tung” trong khi niệm Phật là việc rất bình thường. Đoạn trừ và điều phục vọng tưởng chỉ là cách nói, thực tế thì hành giả không phải đoạn trừ hay điều phục gì cả mà chỉ cần ghi nhận thật rõ tâm mình, tâm có vọng tưởng hay không đều biết rõ, rồi chú tâm vào trì niệm Phật hiệu (Nam mô A Di Đà Phật).

Điều cần lưu ý là không ngại vọng tưởng nhiều (vì nó nhiều như vậy từ rất lâu rồi), chỉ ngại không kiên trì chú tâm vào Phật hiệu mà thôi. Nếu trong thời khóa niệm Phật lỡ có thất niệm (vọng tưởng hay hôn trầm) một thời gian, khi phát hiện ra liền đưa tâm trở về an trú nơi Phật hiệu.

Căn bản của công phu niệm Phật là cứ liên tục đưa tâm trở về với Phật hiệu, trú tâm với đề mục Phật hiệu cho đến khi đạt được nhất tâm. Chính sự tinh tấn, bền bỉ niệm Phật như thế, lâu ngày chánh niệm sẽ mạnh dần lên và vọng tưởng yếu dần đi cho đến lúc an tịnh hoàn toàn.

Khi niệm Phật, Phật tử nên nhớ là phải nhiếp tâm vào câu hiệu Phật. Miệng niệm tai nghe âm thanh rõ ràng. Tâm luôn theo dõi từng lời, từng chữ của câu hiệu Phật. Khi đang niệm, bỗng tạp niệm xen vào, Phật tử đừng sợ chỉ cần biết nó một cách nhẹ nhàng, thì nó sẽ lặng xuống. Bấy giờ Phật tử cứ tiếp tục niệm Phật.

Điều quan yếu của pháp môn niệm Phật là phải tâm niệm. Miệng niệm tai nghe không chưa đủ mà phải chú tâm niệm. Niệm như thế lâu ngày, vọng tưởng sẽ giảm bớt dần và đến khi nào tâm được thuần thục, thì Phật tử sẽ dần đạt được nhứt tâm bất loạn.

Nguồn: Phatgiao.org.vn!

Nguồn: Tâm Hướng Phật ( https://tamhuongphat.com/ )

322 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog