Pháp Giới 10 tháng trước

Vô thường là gì? Hiểu cho đúng ý nghĩa của vô thường trong cuộc sống

Vô thường là gì? Hiểu được lý do vô thường của vạn vật để mỗi người chúng ta cố gắng học hỏi và tu tập, đem tình yêu thương san sẻ với muôn loài bằng trái tim hiểu biết.

1. Vô thường là gì?

Vô thường có nghĩa là mọi sự đều thay đổi, không có sự vật nào bất biến trong hai thời điểm nối tiếp nhau. Vì nó thay đổi mỗi phút giây, nên chúng ta không thể mô tả một cách chính xác là lúc này nó giống hay khác với lúc trước đây.

Hôm nay, khi chúng ta tắm lại trong dòng sông mà ta đã tắm bữa qua, dòng sông có còn là dòng sông cũ hay không? Triết gia Heraclitus đã nói: “Chúng ta không thể tắm hai lần trong cùng một dòng sông”. Ông ta nói đúng. Nước sông hôm nay hoàn toàn khác với nước sông mà chúng ta tắm hôm qua, dù đó vẫn là một con sông. Khi đức Khổng Tử đứng nhìn dòng sông trôi chảy, Ngài đã nói: “Thệ giả như tư phù, bất xả trú dạ!” (Ôi, nước sông trôi ngày đêm, không bao giờ ngưng nghỉ sao!)

Sự giác ngộ về vô thường giúp ta vượt thoát được các ý niệm. Nó giúp ta vượt lên trên được ý niệm về giống nhau hay khác nhau, đi hay đến. Nó cũng giúp ta nhìn được là dòng sông bữa nay không giống cũng không khác dòng sông hôm qua. Nó cho ta thấy rằng ngọn nến ta thắp bên giường ngủ tối nay không phải là ngọn nến còn đang cháy buổi sớm ngày mai. Lửa nến đó không phải là hai ngọn mà cũng không phải là một ngọn lửa.

2. Vô thường làm cho mọi sự đều có cơ hội

Chúng ta thường buồn rầu và đau khổ rất nhiều khi sự vật thay đổi. Nhưng sự thay đổi, sự vô thường có khía cạnh tích cực của nó. Nhờ vô thường mà mọi sự vật mới có cơ hội. Đời sống nhờ vô thường mới hiện hữu.

Nếu hạt bắp không vô thường thì hạt bắp không bao giờ có thể biến thành một cây bắp. Nếu không vô thường thì cây bắp không thể cho ta trái bắp để ăn được.

Nếu con gái quí vị không thay đổi thì nó không thể lớn lên để trở thành một phụ nữ. Và cháu bạn sẽ không bao giờ ra đời.

Vậy, thay vì than vãn về vô thường, chúng ta nên nói: “Hoan nghênh vô thường, chúc vô thường sống lâu”. Chúng ta hãy sung sướng. Khi thấy được phép lạ của vô thường, nỗi đau buồn của chúng ta sẽ qua đi.

Vô thường cũng cần được hiểu bằng ánh sáng của liên hệ tương tức. Vì mọi sự đều liên quan mật thiết với nhau, chúng luôn luôn có ảnh hưởng vào nhau.

Người ta thường nói rằng tiếng cánh bướm đập ở bên này quả đất có thể ảnh hưởng tới khí hậu ở bán cầu bên kia. Mỗi sự vật đều không cố định vì chúng chịu ảnh hưởng của các sự vật khác với nó.

3. Thực tập vô thường

Tất cả chúng ta đều có thể hiểu vô thường bằng trí óc, nhưng như thế không hiểu được chân nghĩa của nó. Trí não không đưa chúng ta tới giải thoát. Khi chúng ta vững chãi và có định lực, ta có thể thực tập nhìn sâu. Khi nhìn sâu và hiểu được bản chất của vô thường, ta có thể quán chiếu về cái hiểu biết sâu xa đó. Như vậy cái hiểu về vô thường trở thành một phần của con người chúng ta – Nó trở thành sự thực tập hàng ngày của ta.

Xem Thêm:   Hồi hướng là gì? Người niệm Phật chớ quên phần hồi hướng công đức

Chúng ta phải duy trì sự giác ngộ về vô thường đó để có thể nhìn thấy và sống với vô thường trong mọi lúc. Nếu chúng ta thiền quán về đối tượng vô thường, ta sẽ nuôi dưỡng được tri giác về vô thường khiến cho nó sống trong ta hàng ngày. Tu tập như thế, vô thường sẽ là chiếc chìa khóa mở cho ta cánh cửa vào chân lý thực tại.

Chúng ta cũng không thể chỉ giác ngộ về vô thường một chốc lát rồi lại đóng cánh cửa hiểu biết đó lại, và nhìn mọi sự thường hằng bất biến như xưa. Hầu như chúng ta nhiều lần đối xử với con cái như thể chúng sẽ sống cùng nhà với ta hoài hoài. Chúng ta không bao giờ nghĩ vài năm sau, chúng sẽ lấy chồng, lấy vợ và thành lập gia đình riêng của chúng. Vậy nên chúng ta không trân quý những giờ phút con trẻ còn ở nhà với chúng ta.

Tôi biết có nhiều phụ huynh có con tới tuổi mười tám hay mười chín là chúng rời xa gia đình, tách ra sống riêng. Cha mẹ mất con và cảm thấy rất buồn bã. Họ không biết quý những giờ phút sống gần con. Vợ chồng cũng vậy. Bạn nghĩ người phối ngẫu sẽ cứ ở bên bạn suốt đời. Nhưng vì sao bạn lại tin chắc như thế? Chúng ta thực sự không thể biết trong hai, ba mươi năm hay trong bao lâu nữa, người bạn đời của ta sẽ ở đâu. Thực tập về vô thường hàng ngày là chuyện thật sự quan trọng.

“Trích trong sách “Không diệt không sinh đừng sợ hãi” – Thiền sư Thích Nhất Hạnh”

4. Lời Phật dạy về vô thường

Có 4 điều lớn nhất chúng ta có thể chiêm nghiệm về những gì sẽ không tồn tại vĩnh cửu:

Hữu thường giả tất vô thường (Tạm dịch: Điều gì cũng luôn thay đổi)

Bản chất của cuộc sống này là thay đổi, không có bất cứ điều gì mãi tiếp tục bảo trì trạng thái ban đầu được. Nó thời thời khắc khắc đều ở trong sự biến đổi, bản chất sẽ từ từ cải biến và cuối cùng là biến mất hẳn.

Cũng bởi kiếp người vốn vô thường, ngắn ngủi, mong manh, nên trong Khế Kinh có kể rằng: Có một người chuyên làm việc ác, khi chết bị quỷ sứ bắt vong hồn dẫn đến trình vua Diêm Vương.

Vua hỏi, “ở trần gian, sao ngươi không làm việc thiện mà hay làm việc ác như vậy, để bây giờ bị đoạ xuống đây chịu hành hình?”

Vong hồn ấy trả lời, “thưa Diêm chúa, ở trần gian chúng tôi, nhà nước muốn làm việc gì còn phải thông báo trước, tại sao ở Âm phủ, Ngài bắt người chết đột ngột thế này, thử hỏi làm sao tôi làm việc thiện cho kịp được?”

“Ngươi ở trần gian có thường thấy người già, người bệnh, người chết hay không?

“Dạ thưa có.”

“Đó là những thông điệp mà ta đã báo trước cho người trần gian biết rồi đấy, ngươi có thấy trên đời này có ai không phải già-bệnh-chết không?”

Xem Thêm:   Tam độc Tham sân si là gì? Nhận diện và chuyển hóa tam độc

“Dạ thưa không.”

“Vậy tại sao ngươi không lo tu tập, lo làm việc thiện, để bây giờ bị giải xuống đây rồi ngươi lại cãi chày, cãi cối với ta?”

Lúc bấy giờ, một vong hồn trẻ tuổi ngồi bên cạnh liền lên tiếng phản đối Diêm Vương, “dạ thưa Ngài, tôi không chịu đâu, Ngài thật là không công bằng chút nào; đối với ông già kia, Ngài đã gửi nhiều thông điệp cho ông ta, còn tôi Ngài chưa hề gửi cho một thông điệp nào mà bắt tôi xuống đây, thật oan uổng cho tôi quá chừng!”

Diêm chúa nghe vong hồn trẻ khiếu nại, liền cười, “tại nhà ngươi không chịu mở mắt to ra mà thấy, chứ ta làm việc rất công bằng, không bao giờ có chuyện thương người này, mà ghét bỏ người kia. Ta lúc nào cũng có gửi tin báo trước cho mọi người hay biết, tại nhà ngươi không chịu để ý đó thôi.”

“Ngài gửi thông báo lúc nào, sao tôi không thấy?”

Diêm chúa mới cười nói, “nhà ngươi có thấy đứa bé ở nhà đối diện với ngươi hay không? Nó mới năm tuổi mà bị chết vì tai nạn giao thông đó! Còn ngươi lớn tuổi hơn nó lẽ nào lại không chết. Ta lúc nào cũng công bằng liêm chính, chí công vô tư, tại ngươi không chịu để ý, hoặc ngươi thấy mà vẫn làm càn, làm bướng đó thôi”.

Đạo Phật dạy, mạng sống con người vốn vô thường, ngắn ngủi, giống như ngọn đèn treo trước gió, có thể bị tắt đi bất cứ lúc nào. Thân người cũng vậy, không phải ai cũng chờ đến già, bệnh mới chết, mà mạng sống kết thúc bất cứ lúc nào với muôn ngàn lý do, vì vậy mà có câu:

“Chớ bảo đến già mới tu tập
Mồ hoang cũng lắm kẻ đầu xanh.”

Hiểu được lý do vô thường của vạn vật để mỗi người chúng ta cố gắng học hỏi và tu tập, đem tình yêu thương san sẻ với muôn loài bằng trái tim hiểu biết. Chúng ta đừng quá say mê, tham đắm vào xác thân này mà làm khổ luỵ cho nhau.

Câu chuyện trên cho ta một bài học đạo lý về mạng sống con người vốn vô thường, tạm bợ. Quý vị nên nhớ rằng, sau khi chết không phải là hết hay mất hẳn, mà chết chỉ là hình thức thay hình, đổi dạng mà thôi, rồi tuỳ theo nghiệp báo tốt, xấu của mỗi người đã gieo tạo trong hiện tại, mà cho ra kết quả trong tương lai.

Thế gian này không có gì là mất hẳn dù là hạt bụi, hạt cát, chúng chỉ thay hình đổi dạng. Hiểu được lý vô thường để mọi người chúng ta sống có ý nghĩa hơn, làm được nhiều điều thiện lành, tốt đẹp, luôn sống có ích cho mình và người trong hiện tại và mai sau.

Ai sống được như vậy, đến khi thần chết hiện đến, ta không sợ hãi, hốt hoảng, mà bình thản ra đi với một hành trang tốt đẹp; còn những thứ của thế gian như tiền tài, vàng bạc, nhà cửa, mình đều bỏ lại, không mang theo được món nào, lúc ấy chỉ có nghiệp báo tốt, xấu do ta tạo dựng lúc còn sống sẽ theo mình suốt đời mà thôi. Biết được như vậy, lúc lâm chung ta sẽ an lòng ra đi, không tiếc nuối bất cứ một thứ gì của thế gian, kể cả sự sống.

Xem Thêm:   Tại sao phải hồi hướng công đức sau khi tụng Kinh, niệm Phật?

Phú quý giả tất bất cửu (Tạm dịch: Giàu sang cũng chẳng thể tồn tại mãi)

Điều này có nghĩa là bạn giàu có đến thế nào đi nữa thì cuối cùng cũng sẽ suy thoái. Tục ngữ có câu: “Giàu không quá ba đời”, trừ khi họ đời đời làm việc thiện, tích đức thì mới có thể bảo trì được vinh hoa phú quý cho đời con cháu. Nếu con cái không đủ phúc cũng chẳng thể hưởng được tiền bạc này. Chỉ có quyên tặng, bố thí đi thì tiền bạc mới có sức sống và tiếp tục tồn tại.

Gom góp được thật nhiều của cải không có nghĩa là làm cho tâm thức được an bình một cách tương xứng. Hãy nhìn vào những kẻ có đầy đủ tiện nghi vật chất, họ có thể tự cung phụng cho mình suốt đời, thế nhưng họ vẫn sống trong tình trạng âu lo, buồn khổ, bất toại nguyện và khép kín.

Họ không hiểu rằng hiến dâng sẽ mang lại một niềm hân hoan to lớn nhất. Họ cũng không thể hiểu được là không cần phải có thật nhiều của cải mới đủ sức hiến dâng một nụ cười hầu giúp cho kẻ khác được sung sướng.

Các tiện nghi vật chất của họ thật dồi dào, thế nhưng chúng không hề mang lại cho họ được một mảy may hạnh phúc nào, bởi vì chỉ có một cách duy nhất trong số tất cả các phương tiện mà chúng ta có thể có được nhằm giúp cải thiện cuộc sống nội tâm của mình: đấy là sự tu sửa tâm linh.

Hội hợp giả tất biệt ly (Tạm dịch: Tụ hợp thì tất sẽ có biệt ly)

Những mối quan hệ yêu đương hay bạn bè, người thân như Lục thân (cha, mẹ, vợ, chồng, anh, em) có lúc ở bên nhau đấy nhưng không sớm thì muộn cũng phải rời xa nhau.

Cuộc sống này không hàm chứa một thực thể nào cả. Chúng chỉ là hậu quả của vô số nguyên nhân và điều kiện đã tạo tác ra chúng. Chúng không sinh ra để mà tồn tại, chẳng qua cũng vì chúng luôn biến đổi trong từng giây phút một. Vì thế quý vị không nên nắm bắt bất cứ một thứ gì cả.

Cường kiện giả tất quy tử (Tạm dịch: Khỏe mạnh đến mấy thì cũng không thoát được cái chết)

Theo Lời phật dạy, cơ thể của chúng ta cũng như những thứ khác cuối cùng rồi cũng sẽ tan biến, nhưng tiếc thay chúng ta lại thường hay quên đi điều ấy, chẳng qua là vì chúng ta bám víu vào thân xác mình một cách quá đáng. Đối với một số người mỗi khi nghĩ đến sự thật ấy thì họ cảm thấy khổ đau vô ngần.

Cho nên, cho dù là ai đi nữa đều phải sử dụng chính xác từng giây phút khi còn sống thì sống cũng an bình mà chết cũng an bình giống như Khổng Tử đã nói: “Triêu văn đạo, tịch tử khả hĩ!” (Tạm dịch: Buổi sáng được nghe đạo, buổi chiều chết cũng được).

Cuối cùng, Phật Thích Ca Mâu Ni nói 4 câu kệ (Kệ là chỉ bài thơ của Phật):

“Thường giả giai tẫn,
Cao giả diệc đọa,
Hợp hội hữu ly,
Sinh giả tất tử”.

(Tạm dịch: Điều gì cũng có tận cùng, cao rồi cũng rơi xuống thấp, hợp rồi sẽ có ly, sống ắt sẽ có chết).

Tâm Hướng Phật/Tổng hợp!

Nguồn: Tâm Hướng Phật ( https://tamhuongphat.com/ )

4 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog