Pháp Giới 10 tháng trước

Vô minh trong đạo Phật có nghĩa là gì? Vô minh từ đâu mà sinh ra?

Vô minh là gì? Vô minh là không sáng, là mê lầm. Ngay nơi cuộc sống này, mà không biết cái nào là giả dối, không nhận ra cái nào là chân thật, là vô minh.

Giả không biết, thật không hay, quả tang là kẻ mê lầm. Đức Phật biết rõ những cái nào là giả dối, nhận chân cái chân thật, nên gọi là Người Giác Ngộ. Được giác ngộ thì không còn vô minh, nên giải thoát sanh tử, đồng thời cũng có đầy đủ mọi diệu dụng mà người đời không thể biết hết, nên nói “giải thoát bất tư nghì”. Thế là, Ngài đã đạt được bản hoài trước khi phát nguyện đi tu. Cũng chính là cái thành quả viên mãn của bao nhiêu năm Ngài khổ công đeo đuổi.

1. Vô minh là gì?

Vô minh là cái gì? Vô minh là mê lầm, là không sáng. Tại sao nói mê lầm, không sáng? Tức là hiện tại cái giả không biết, cái thật không hay, đó là mê lầm.

Như quý vị ra ngoài chợ thấy bán hai, ba món đồ bằng kim khí, trong đó có đồ thật, đồ giả. Bây giờ mình nhìn không biết cái nào giả, cái nào thật. Mình mua cái giả mà tưởng cái thật, về nhà người ta nói chị mua lầm rồi. Lầm là không phân biệt được giả thật. Giả không biết, thật không hay đó là lầm.

Cũng vậy, khi mình ngủ mơ mơ màng màng bỗng nghe có tiếng gọi tên mình. Mình trỗi dậy mà không biết tiếng kêu đó là tiếng kêu trong mộng hay tiếng kêu lúc mình thức, rồi cứ mơ màng không biết tiếng đó là thực hay hư thì đó gọi là trong cơn mơ. Trong cơn mơ nên không biết nó là thực hay hư. Nếu tỉnh thì mình biết tiếng kêu đó là thực hay hư. Không biết thực hư là vì lúc đó mình đang mơ mơ, đó là mê.

Quý vị đang mê hay là ngộ? Nếu người nào ở trong chúng này, khi ra đường bị người ta chửi: cái cô này thật là mê ghê! Mặt mày coi sáng sủa vậy mà nói mê cái gì. Sự thật chúng ta có mê không? Điều đó tôi xin nói thật kỹ cho quý vị thấy.

Chỗ này là chỗ phải giảng rất nhiều nhưng mà đây chỉ nói đơn giản một vài câu thôi. Như chúng ta hiện giờ ai cũng nghĩ thân mình là thật. Thân tôi là thật, bây giờ có người nói thân này là giả, quý vị có dễ dàng chấp nhận không? Mình thấy nó thật một trăm phần trăm mà người khác nói giả làm sao mình chịu. Ngay như thân này mình thấy nó thật, bây giờ phân tích ra thì nó là thật hay là giả? Nếu chia chẻ thân này ra thì thấy bốn thứ đất, nước, gió, lửa hợp lại mà thành. Cái gì ướt thì thuộc về nước, cái gì cứng thuộc về đất, cái gì động thuộc về gió, cái gì ấm thuộc về lửa. Trong bốn cái đó quý vị thấy có thiếu được cái nào không?

Thí dụ như tay chúng ta bình thường khô ráo thì da nó cứng, ngâm nước lâu thì nó mềm. Tại sao vậy? Nếu da này không phải là đất thì ngâm nước nó đâu có mềm. Nhưng đất gặp trời nắng nó cứng, mà mưa xuống một đám thì nó mềm. Tại sao đây? – Đất gặp nắng thì cứng, gặp mưa thì mềm. Da tay da chân chúng ta cũng vậy, nếu để nắng thì thấy nó cứng nó chắc, mà ngâm nước chừng một giờ hay nửa giờ thì nó mềm. Nhất là chúng tôi trên núi làm đá, bữa nào lăn đá hay moi đá mà gặp trời mưa thì một lát da tay bị ra máu, bữa nào trời nắng thì không bị ra máu. Dễ biết quá phải không? Bị mưa nên nó ướt, ướt nên nó mềm, mềm cạ vào đá một hồi thì nó ra máu. Còn nắng thì nó khô, khô nên nó chắc nó không bị ra máu dễ dàng. Do đó mình biết rõ da thịt chúng ta là chất cứng, là đất cho nên khi nào gặp nước thì nó mềm chớ không có gì lạ hết.

Rồi sang tới nước, quý vị ngồi một hồi mồ hôi tuôn ra, cái đó không phải nước là gì? Như vậy thì ở ngay thân này đức Phật nói do tứ đại hòa hợp lại mà thành. Mà có phải hòa hợp lại mà thành luôn đâu. Thường thường người ta nói sống phải nhờ tẩm bổ, nhưng sự thật ở đây Phật nói sống phải nhờ vay mượn chớ không phải nhờ tẩm bổ. Vay mượn tức là chúng ta phải mượn từng món ăn bên ngoài đem vào bồi bổ nó thì nó mới sống, không mượn thì nó chết.

Nếu cái gì thật thì cái đó tự nó đã sẵn, không phải nhờ vay mượn. Còn nếu vay mượn thì nó không phải thật. Quý vị chịu nguyên tắc đó không? Cái gì tạm mượn rồi trả thì cái đó không phải thật, còn cái thật là cái sẵn có, tự nó như vậy.

Xem Thêm:   Người tự sát linh hồn sẽ thế nào? Tự tử dưới góc nhìn Phật giáo

Lỗ mũi chúng ta thử đừng thèm mượn gió chừng mười lăm phút coi, nó còn hay là nó ngã ra chết? Còn thở thì gọi là còn sống, phút giây nào không thở được thì phút giây đó chết? Như vậy mượn mới sống, không mượn là chết thì thật ở chỗ nào? Tới nước cũng vậy, mượn nó thì còn, không mượn chừng vài ba ngày thì cũng chết khô. Rồi đất cũng vậy, ăn uống những chất cứng vào bồi bổ đất. Nói tóm lại chúng ta sống bằng vay mượn đất, nước, gió, lửa bên ngoài mỗi ngày, chớ không phải tự nó có một cuộc sống thật. Sống bằng vay mượn thì gọi là sống giả, vậy mà chúng ta nói nó thật.

Thấy cái giả mà cho là thật thì gọi là lầm. Cho nên nhà Phật gọi là thấy điên đảo. Thấy đảo lộn từ cái này thấy ra cái kia, từ cái giả mà tưởng là thật gọi là thấy mê lầm, thấy điên đảo.

Chúng ta hiện giờ đều sống trong vô minh. Bởi nhận cái giả làm thật nên chúng ta luôn luôn chạy theo cái giả. Cái giả là cái lưu chuyển không cùng, cứ sanh diệt đổi thay luôn luôn cho nên đi trong luân hồi.

Như vậy chúng ta phải hiểu rõ hiện giờ mình đang sống lầm lẫn. Cái lầm lẫn đó một dịp khác tôi sẽ giải thích hết sức kỹ trong những bài giảng khác cho quý vị thấy sự lầm lẫn về thân, về tâm này như thế nào?

Hiện giờ chúng ta đã lầm lẫn cái giả mà cho là thật. Do đó chúng ta sống trong vô minh. Mà sống trong vô minh thì tự nhiên chúng ta đi trong luân hồi không làm sao thoát được.

Vì vậy, muốn thoát ly sanh tử luân hồi chúng ta phải giác ngộ. Mà giác ngộ là thấy rõ manh mối của mê lầm; xưa chúng ta lầm, bây giờ chúng ta không còn lầm nữa. Không lầm nữa là chúng ta giác ngộ hay là có trí tuệ. Trí tuệ thì ngược lại vô minh. Vô minh cũng như là đêm tối mà trí tuệ cũng như mặt trăng, mặt trời sáng. Có mặt trăng, có mặt trời thì không có tối, hay ngược lại có tối thì không có mặt trăng, mặt trời. Hai cái đó nó ngược nhau. Nếu giác ngộ thì không có vô minh, mà vô minh thì dẫn chúng ta đi trong sanh tử; giác ngộ thì thoát ly sanh tử. Đó là hai cái hết sức rõ.

Khi đức Phật đã giác ngộ Ngài có bao nhiêu thứ diệu dụng không thể kể hết, nào là ngũ nhãn, lục thông, tứ vô sở úy, thập bát bất cộng… Nói chung một danh từ là giải thoát bất tư nghì, tức là không thể nghĩ bàn. Nghĩa là đem trí phàm phu của chúng ta bàn xét không hết được. Trích Chìa khóa học Phật – HT Thích Thanh Từ”!

2. Vô minh là cấu uế lớn nhất

Cấu uế tức các phiền não nói chung là nhân tố chính làm trở ngại sự thăng hoa tâm trong lộ trình tu tập. Tâm của chúng ta có vô vàn cấu uế, mỗi loại có một ảnh hưởng đến một khía cạnh khác nhau trong quá trình thanh lọc tâm.

Một thời, Thế Tôn ở Vesàli, tại Mahavàna, dạy các Tỷ kheo:

Này các Tỷ kheo, có tám cấu uế này. Thế nào là tám?

Này các Tỷ kheo, không đọc tụng là cấu uế của Thánh điển; không thức dậy là cấu uế của nhà; biếng nhác là cấu uế của dung sắc; phóng dật là cấu uế của phòng hộ; ác hạnh là cấu uế của đàn bà; xan tham là cấu uế của bố thí; các ác pháp là cấu uế của đời này và đời sau. Nhưng này các Tỷ kheo, còn có cấu uế lớn hơn các cấu uế, vô minh là cấu uế lớn nhất.

(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ III, chương 8, phẩm Lớn, phần Các cấu uế [lược], VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.553)

Lời bàn:

Cấu uế tức các phiền não nói chung là nhân tố chính làm trở ngại sự thăng hoa tâm trong lộ trình tu tập. Tâm của chúng ta có vô vàn cấu uế, mỗi loại có một ảnh hưởng đến một khía cạnh khác nhau trong quá trình thanh lọc tâm. Chung quy cấu uế là dơ bẩn, làm trở ngại, chướng ngại thanh tịnh cần phải chuyển hóa, loại trừ.

Không tìm hiểu, nghiên tầm để nhận thức đúng đắn về giáo pháp là một chướng ngại. Giáo pháp giải thoát của Thế Tôn thật quý giá nhưng sự tôn kính giáo pháp phải được thể hiện nơi học tập, tìm ra con đường và thân chứng. Vì thế, Thánh điển sẽ không phát huy tác dụng, thậm chí bị mai một dần nếu chúng ta thỉnh về chỉ để… thờ.

Xem Thêm:   Nghi thức trì chú Dược Sư

Các phương diện khác của đời sống cũng vậy, từ nhà cửa cho đến thân thể sẽ bị biếng nhác, giải đãi làm cho cấu uế. Sự buông thả, phóng túng sẽ trở ngại việc phòng hộ, giữ gìn; giữ sáu căn không loạn động khi tiếp xúc với trần cảnh. Tâm ích kỷ, ganh tỵ cùng với những hành động xấu ác sẽ làm hoen ố nhân cách con người. Sự xan tham sẽ làm chùng tâm bố thí, những ý niệm tốt đẹp về san sẻ dễ dàng bị lòng tham che lấp, ngăn ngại. Và những điều xấu ác đang xảy ra trong hiện tại chắc chắn sẽ làm cấu bẩn sự tốt đẹp, tươi sáng ở tương lai.

Tuy nhiên, cấu uế lớn nhất và chi phối mạnh mẽ nhất đối với mọi lãnh vực hoạt động của con người đó là vô minh. Chính sự si ám, không sáng suốt, thiếu tuệ giác là cội nguồn của tham ái, chấp thủ và cấu uế. Mọi khổ đau của chúng sanh đều bắt nguồn từ vô minh. Vì thế, đoạn trừ vô minh để khai mở tuệ giác là trọng tâm của tu tập. Do vậy, chúng ta không lạ khi phương châm tu học của hàng Phật tử luôn là “Duy tuệ thị nghiệp”. Quảng Tánh!

3. Tại sao chúng sanh lại điên đảo?

Vì nhận lầm vô minh là ông chủ nhà, tống khứ trí huệ đi mất. Vô minh đưa ra mệnh lệnh: “Cho việc đúng là sai, cho việc sai là đúng”. Từ trong Thiền-định, gạn lọc tâm tư, trừ bớt tham dục, khiến trí huệ nảy sinh. Người thường thích khởi tâm nóng giận đa số là người ngu si, vô minh nặng nề, không một chút công phu hàm dưỡng.

Tu đạo là cần phải Quay Trở Lại. Nghĩa là gì? Tức là phải nhường cho người việc tốt lành, còn mình thì nhận phần hư xấu. Xả Tiểu Ngã để thành tựu Đại Ngã.

Đối với ma đừng khởi tâm thù nghịch. Hãy xem chúng như các bậc Thiện Tri Thức trợ Đạo cho mình. Từ vô lượng kiếp đến nay, hết đời này sang đời khác, mỗi người tạo bao nghiệp khác nhau, nên vọng tưởng cũng không đồng. Nghiệp nặng thì vọng tưởng nhiều, còn nghiệp nhẹ thì vọng tưởng ít.

Người tu hành phải vì cắt đứt dòng sanh tử luân hồi, vì hóa độ chúng sanh, chứ không vì cầu cảm ứng mà tu Đạo. Người tu Đạo phải luôn luôn hồi quang phản chiếu, chứ không nên hướng ngoại truy cầu. Không thể chạy tìm cầu chân tâm ở bên ngoài được, mà phải quay về tự tánh thì tự nhiên đầy đủ cả.

Đối với người mới phát tâm tu hành, điều chướng ngại trọng yếu nhất khi dụng công là tâm tham luyến sắc dục giữa nam và nữ. Đây là vấn đề căn bản nhất.

Người tu Đạo nên chú ý! Chớ gieo duyên nhiễm ô với người khác. Sợi dây trói buộc bất tịnh này sẽ làm chúng ta đọa lạc.

Hiện tại, chúng ta may mắn có được thân người. Nếu không biết dùng thân người để tu hành thì đợi đến khi nào mới chịu tu? Chỉ e đến lúc mất thân này rồi, dẫu có muốn tu hành thì đã quá muộn màng!

Khi tu học Phật pháp, điều thiết yếu là phải chân thật. Nơi mỗi hành động, lời nói, cử chỉ đều phải chân thật.

Sống trong tự viện, chúng ta phải biết tiết kiệm mọi vật dụng. Có câu: Giữ gìn vật của chùa như bảo vệ tròng con mắt.

Không thương cùng không ghét chính là nghĩa Trung Đạo. Tu đạo là gì? Tức là tu theo Trung Đạo. Khi đối xử với mọi người, phải lấy lòng bình đẳng và lòng từ bi làm căn bản. Khi hành sự, phải cẩn thận, chớ đi lạc vào lưới rọ tình ái.

Chưa bao giờ có việc Ngày nay tu Đạo thì ngày mai thành Phật. Mới cuốc một nhát đâu có thể đào giếng nước ngay được. Tu hành là đem khối sắt mài thành cây kim. Khi công phu đầy đủ thì tự nhiên sẽ thành tựu.

Việc đầu tiên khi tu học Mật chú là phải chánh tâm thành ý. Nếu tâm không chân chánh thì khi tu học, Mật chú nào cũng thành tà. Tâm nếu chân chánh thì việc tu học Mật chú mới được cảm ứng.

Vô minh có hai đồng bạn. Hai đồng bạn đó chính là tham ăn và tham sắc dục. Cả hai việc này trợ giúp vô minh tạo ra vô số nghiệp xấu. Có câu:

Khi muốn làm người tốt thì nghiệp báo hiện,
Khi muốn thành Phật thì ma đến thử thách.

Nếu không muốn trở thành người lành thì nghiệp báo không tìm đến. Càng quyết chí làm người lành bao nhiêu thì nghiệp báo càng tìm đến tới tấp bấy nhiêu để đòi chúng ta thanh toán nợ nần cho rõ ràng.

Xem Thêm:   Người khi tụng Chú Đại Bi cần tác ý trước các tâm niệm này

Phật và ma chỉ khác nhau nơi một tâm niệm: Phật thì có tâm từ bi, còn ma thì có tâm tranh hơn thua. Người thực sự biết cách tu hành thì nhất cử nhất động đều là tu cả.

Người tu Đạo không nên đi khắp nơi quảng cáo sự tu hành của mình. Ai thường làm việc đó thì nhất định sẽ đọa lạc vào đường ma. Khi ở bất cứ nơi nào, người tu Đạo cũng đều phải che giấu và tẩy xóa tông tích; chớ nên để lộ diện.

Tâm của chúng ta thường trú tại những nơi khác chứ không trú tại trong tâm mình. Trú tại những nơi khác nghĩa là có thân mà tâm lại chạy tán loạn.

Giảng Kinh thuyết Pháp là tu Huệ. Ngồi Thiền là tu Định. Không nói lời tạp nhạp là tu Giới. Phiền não tức Bồ Đề. Nếu biết cách tu hành thì phiền não tức là Bồ Đề, bằng ngược lại thì Bồ Đề biến thành phiền não.

Tu Đạo cần phải tập dại khờ. Càng dại khờ bao nhiêu thì càng tốt bấy nhiêu. Dại khờ cho đến lúc buông xả muôn việc thì vọng tưởng sẽ không còn.

Vô minh nghĩa là không hiểu rõ. Gốc rễ của vô minh là ái dục. Mục đích chủ yếu của sự tu hành là cắt đứt dòng sanh tử, chứ không phải cầu cảm ứng.

Tu hành thì cần phải giữ mình cho trong sạch, như giữ đôi mắt không để dính một hột cát.

Cờ bạc thì tạo nghiệp nặng. Bố thí thì tích lũy công đức. Ngồi Thiền thì trừ ngu si, giúp sanh trí huệ.

Người tu hành nên cẩn thận lời nói nơi chỗ đông người và phòng hộ tâm niệm khi ngồi một mình. Lúc ở giữa đại chúng, đừng nên nói nhiều. Khi ở riêng một mình nên đề phòng tâm ích kỷ và vọng tưởng. Nếu làm được như thế thì chẳng bao lâu sự tu hành sẽ được chuyên nhất và thấy rõ chân tâm.

Thọ khổ thì dứt khổ. Hưởng phước thì hết phước. Người chân chánh tu Đạo phải quán xét mọi hành vi, cử chỉ của chính mình. Lúc đi, đứng, nằm, ngồi, chớ rời chánh niệm. Đừng giống như tấm gương, chỉ biết soi mặt người mà không thể tự soi lại bộ mặt thật của mình.

Nếu còn chấp trước thì đó là tâm người thế tục. Nếu xả chấp thì đó là tâm Đạo.

Nếu không muốn chết, phải sống như người đã chết, tức là phải giữ tâm đừng để tham lam, sân hận, si mê nổi lên.

Người học Đạo nhất định phải phát nguyện. Nguyện lực có khả năng thôi thúc chúng ta tiến tu theo Chánh Đạo mà không lạc vào đường tà. Tuy nhiên, phát nguyện mà không hành thì giống như cây có hoa nhưng không đơm trái, thật vô ích!

Dùng lưỡi để thuyết pháp thì tích lũy công đức. Ngược lại, nếu dùng lưỡi để nói chuyện thị phi thì tạo nghiệp xấu. Thay vì thuyết Pháp mà lại nói những lời thị phi vô nghĩa, chính là tạo 1.200 tội lỗi.

Đối với kẻ trong người ngoài, già, trẻ, lớn, bé, sang giàu, hèn hạ, người tu Đạo phải nên dùng tâm Từ, Bi, Hỷ, Xả. Nhờ những tâm hạnh đó mới được cảm ứng. – “HT. Tuyên Hóa”!

4. Cách loại bỏ vô minh

Vô minh hay thiếu hiểu biết có thể được loại bỏ bằng cách nuôi dưỡng trạng thái ngược lại với nó. Đó là sự khôn ngoan và nhận thức sâu sắc về bản chất thật của thực tại.

Đức Phật so sánh vô minh với bóng tối, và cách duy nhất để thoát khỏi bóng tối là mang lại ánh sáng. Tương tự như vậy, Đức Phật đã giải thích, sự thiếu hiểu biết chỉ có thể được loại bỏ thông qua việc tập luyện cho sự khôn ngoan.

Không có vấn đề gì khác, muốn thoát khỏi vô minh, chúng ta phải tu luyện trí huệ bằng cách học và thực hành Pháp. Thứ nhất, chúng ta nuôi dưỡng sự khôn ngoan để phân biệt hành vi đạo đức và vô đạo đức, sau đó hiểu được bản chất thật của thế gian, tức là vô thường, vô ngã và đau khổ.

Ngay cả khi chúng ta được giảng về nó hay hiểu nó thông qua các kinh điển thì cũng không dễ dàng để loại bỏ vô minh. Bởi vì tâm trí chúng ta đã bị bao phủ bởi những tạp chất đã tích luỹ từ một sự khởi đầu không thể tránh khỏi.

Do đó, chúng ta cần phải hiểu được “bản chất thực sự của thế giới phức tạp này” thông qua sự trải nghiệm cá nhân trên con đường thực hành Bát Chánh Đạo.

Tâm Hướng Phật/Tổng hợp!

Nguồn: Tâm Hướng Phật ( https://tamhuongphat.com/ )

12 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog