Tu là gì trong đạo Phật? Thế nào là tu tướng, tu tâm?
Pháp Giới 4 tháng trước

Tu là gì trong đạo Phật? Thế nào là tu tướng, tu tâm?

Trong nhà Phật, người ta thường nhắc đến nhóm từ tu tâm và tu tướng. Vậy chữ Tu có nghĩa là gì? Thế nào là tu tâm và thế nào là tu tướng?

1. Chữ “tu” trong nhà Phật

Trong nhà Phật, người ta thường nhắc đến nhóm từ “tu tâm” và “tu tướng”. Vậy thế nào là tu tâm và thế nào là tu tướng?

Trước hết chúng ta tìm hiểu động từ “tu”. Chữ “tu” bao hàm nhiều nội dung khác nhau. Theo quy ước nhân gian, chúng ta có thể hiểu:

– Khi chúng ta khát nước, chúng ta cầm ly nước lớn, uống một hơi không dừng. Hành động đó gọi là “tu” một hơi hết ly nước, thay vì gọi là “uống” nước.

– Nhà cửa, xe cộ … hư hao, chúng ta sửa chửa lại, hành động này gọi là “tu sửa” lại căn nhà hay “tu sửa” lại chiếc xe.

– Học bổ túc thêm kiến thức về nghề nghiệp của mình thì gọi là “tu nghiệp”

– Chữ “Tu” dịch qua tiếng Anh, tương đương với từ “practic”. Practic có nghĩa là “thực tập” . Như vậy Tu là sự thực tập, làm đi làm lại một phương pháp nào đó. Nó cũng gần giống nghĩa với chữ “Tu”trong đạo Phật.

Chữ “Tu” trong Phật giáo, gốc từ chữ “bhàvanà” có nghĩa là “gieo trồng” để được một cái gì đó. Ở đây chúng ta có thể hiểu rộng thêm một chút “Tu” có nghĩa là tu tập, thực tập, thực hành hay hành trì… một pháp môn nào đó để biến những gì chúng ta học từ lý thuyết trở thành những kinh nghiệm thực tếtrên thân và tâm của chúng ta.

Nói cách khác, “Tu” là một tiến trình thực tập để chuyển đổi lời ăn tiếng nói, nếp suy nghĩ, hành vicủa chúng ta trong những sinh hoạt giao tế hằng ngày trên chính đời sống của chúng ta, quan trọng nhất là những quán tính xấu trở thành những quán tính tốt theo lời Phật dạy.

Tóm lại, “Tu” là cách tiếp thu pháp học và pháp hành phù hợp với căn cơ trình độ để có kết quả tốt trên thân và tâm. Nó đòi hỏi thời gian. Thời gian này có thể xem như thời gian “gieo trồng” để sau này được kết quả tốt vậy.

2. Thế nào là tu tướng?

Tu tướng là gìn giữ hình tướng bên ngoài, tức nhìn chung thân thể phải sạch sẽ, đầu tóc chải gở gọn gàng, y phục trang nghiêm. Tu tướng không có nghĩa là ăn diện quần áo sang trọng, trang sức mắc tiền, trang điểm loè loẹt. Người tu tướng là người sống đạo đức luôn có thái độ tự trọng biết tuân theo các nghi lễ, văn hoá, phong tục, tập quán của cộng đồng, làng nước, xã hội. Họ thường giữ hình tướng bề ngoài luôn trang nghiêm. Chính sự trang nghiêm này khiến cho sự giao tế trong đời sống cộng đồng xã hội được văn minh, lịch sự và nề nếp.

Xem Thêm:   Bố thí quý ở tâm chứ không phải ở lượng

Tu tướng đối với người xuất gia, là phải tuân theo giới luật, giữ gìn oai nghi tế hạnh tức là giữ cái tướng của người tu trong mọi hoàn cảnh qua bốn động tác: đi, đứng, nằm, ngồi. Người đời luôn có cảm tình và kính trọng những vị tu sĩ tuy áo cũ sờn vai nhưng nơi họ toát ra vẻ trang nghiêm của một bậc tu hành giữ giới.

Một người tu sĩ ăn mặc xốc xếch bê bối, hoặc quá loè loẹt lụa là nhiều màu lắm sắc, khi nói chuyện phùng mang trợn mắt, múa tay rung đùi, hát hò như ca sĩ chuyên nghiệp ngoài đời… khó được sự chấp nhận của mọi người. Do đó tu tướng là điều rất cần thiết cho người tu theo đạo Phật dù tại gia hay xuất gia để tạo tín tâm và gây ấn tượng tốt đẹp cho mọi người xung quanh.

Tu tướng còn có nghĩa là tu tập những việc làm có thể nhìn thấy được qua hình tướng bên ngoài còn gọi là tu phước, chẳng hạn như: đi chùa lễ Phật, quy y Tam Bảo, thọ và giữ giới luật, bái sám, tụng kinh, niệm Phật, toạ thiền, bố thí, cúng dường, đúc chuông, tạo tượng, xây chùa tháp, ấn tống kinh sách, hộ niệm, đóng góp công sức tiền bạc giúp đỡ người nghèo khó, bệnh tật, thiên tai, bão lụt, đào giếng, đắp đường, xây cầu…

Nếu không có phương tiện tiền bạc vật chất, thì bố thí thời giờ, công sức, tham gia thực hiện các công tác thiện nguyện bằng khả năng hay kiến thức chuyên môn như dạy học, xây nhà, dựng lều, phát thuốc, tiêm thuốc, băng bó vết thương, an ủi khuyên lơn xoa dịu nỗi đau đớn của người bệnh…. Làm được một hay nhiều điều trên đây thì đó là tu phước.

Tu phước cần có tinh thần “Bố thí Ba-La-Mật” nghĩa là giúp đỡ bố thí không vì danh lợi, không tính toán, không so đo, cũng không đòi hỏi điều kiện, phe nhóm này, chính trị kia, tôn giáo này, tín ngưỡng nọ. Nếu bố thí mà đặt điều kiện thì việc tu phước mất đi ý nghĩa “phụng sự Tam Bảo” hay “làm việc thiện với tinh thần quên mình vì người”.

Xem Thêm:   Phẩm thứ 40: A Nan Tổng Trì – Hiền Ngu Nhân Duyên Kinh

Nói chung, người tu phước là người tự nguyện hy sinh phần vật chất tiền tài của mình để chia sẻ cho người khác với tâm không mong cầu danh lợi cho mình mà chỉ muốn mang lại sự an vui hạnh phúc cho người khác.

Tu là gì trong đạo Phật? Thế nào là tu tướng, tu tâm?

3. Thế nào là tu tâm?

Ngoài việc tu tướng, người Phật tử còn phải tu tâm. Nói cho đủ là “Tu tâm Dưỡng Tánh”. Tu tâm là làm sao cho tâm ý được trong sạch, không còn ô nhiễm bởi tam độc: tham, sân, si. Dưỡng tánh là làm sao cho các tánh hiển lộ. Các tánh đó là tánh thấy, tánh nghe, tánh xúc chạm và sâu sắc hơn hết là tánh nhận thức, gọi chung là tánh giác. Tánh giác hiển lộ thì mới có cơ hội phát huy trí huệ tâm linh. Cho nên tu tâm còn gọi là tu tuệ hay tu huệ. Người tu huệ là người tu hướng về tâm linh giải thoát, giác ngộ, nên công đức không thể nghĩ bàn.

Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta thường nghe người đời hay than thở: “Tại sao đời tôi khổ quá vầy nè?” Thật ra có ai mà không khổ? Người nghèo khổ đã đành mà người giàu có cũng khổ. Người ngu khờ khổ thì không nói làm chi, đằng này những người có bằng cấp cao, địa vị tốt trong xã hội cũng khổ. Tại sao vậy? Suy nghĩ thật kỹ, tìm ra gốc gác ngọn ngành thì chính mình làm khổ mình chứ có ai làm khổ mình đâu!

Đức Phật nói người nào sống trong đau khổ triền miên thì người đó vô minh, bất kể người đó sang giàu hay nghèo hèn, học thức cao hay thấp. Bởi vì vô minh nên mới khổ. Vì vô minh nên mình chấp đủ thứ. Trước hết chấp cái thân ngũ uẩn này là có thật, nó chính là Ta, mà hễ có cái Ta, cái Ngã thì lúc nào Ngã Kiến cũng đúng nên dễ dàng xung đột với cái Ngã Kiến của người khác khiến mình khổ và người khác cũng khổ. Vì chấp Ngã nên thương yêu nó, bảo vệ nó, khi thành phần nào trên thân đau yếu là mình khổ. Cũng vì chấp Ngã nên ích kỷ muốn ôm gọn hết tất cả: tài, sắc, danh, thực, thuỳ về cho nó, muốn chiếm đoạt tất cả và muốn được phục vụ khi ngũ dục đòi hỏi. Lòng tham ái vô đáy nên nhiều không bao nhiêu cũng không đủ. Muốn hoài nên khổ hoài!

Khi không được toại nguyện điều gì thì nổi sân, nổi giận. Mà sân giận thì nóng nảy. Người có Tâm sân là người hay chấp nhặt những điều không vừa ý, khắc ghi những điều người khác vì vô tình hay cố ý làm tổn thương danh dự hoặc chạm tự ái, oán thù những ai phỏng tay trên hoặc làm hỏng kế hoạch làm ăn của mình … nên ôm mối hận thù dai dẳng, chỉ mong có dịp để trả thù. Từ Sân hận đưa đến si, phát ra những lời nói hàm hồ, những hành động thiếu suy nghĩ làm khổ mình khổ người.

Xem Thêm:   Ăn thịt chướng ngại thiện chung – Báo ứng hiện đời tập 1

Ngoài ra, vì vô minh mà con người tin tưởng những điều mê tín dị đoan, cố chấp những phong tục tập quán thế gian lỗi thời bất công, đòi hỏi những điều vô lý quá đáng, tuân theo những lời răn giới cấm vô nhân và tàn ác. Nói chung là bị sợi dây kiết sử trói buộc tâm khiến cho họ u mê gây nhiều nghiệp xấu.

Muốn sống thảnh thơi an lạc và hạnh phúc không khổ mình khổ người thì ngoài việc tu phước, người Phật tử còn phải biết tu tâm dưỡng tánh để loại trừ cái gốc vô minh. Do đó tu tâm còn gọi là tu tuệ hay tu huệ.

Tu tâm hay tu huệ là làm trong sạch tâm bằng cách rèn luyện tâm có quán tính mới, từ lăng xăng dao động trở nên tĩnh lặng sáng suốt, làm giảm hay dứt hẳn tham, sân, si… đi đến chỗ hoàn toàn trong sạch tức ba nghiệp thân, khẩu, ý được thanh tịnh tuyệt đối.

Tu là gì?

Ăn chay niệm Phật chưa phải tu
Lên chùa vái lạy cũng tu mù
Tụng kinh trì giới sanh trí tuệ
Quán tâm sửa tính thật chân tu
Tu là phải sửa mới là tu
Sửa tính tham lam thành bố thí
Sửa tính hẹp hòi thành bao dung
Sửa tính sân hận thành từ bi
Sửa tính cao ngạo thành khiêm tốn
Sửa tính hơn thua thành nhẫn nhịn
Sửa tính vô tâm thành hòa nhã
Sửa tính ích kỷ thành vị tha
Sửa tính si mê thành trí tuệ
Sửa tính cố chấp thành buông bỏ
Sửa tính ganh tị thành hoan hỷ
Sửa tính khinh khi thành kính mến
Sửa tính bi quan thành tích cực
Sửa tính lười biếng thành siêng năng

Tu với ai? Tu với ông bà cha mẹ của chúng ta, phải có lòng hiếu thảo. Tu với anh chị em của chúng ta, phải biết yêu thương, nhường nhịn, kính trên bảo dưới, phải sống tròn đạo nghĩa vợ chồng và trách nhiệm với con cái… Tu với những người xung quanh chúng ta, hoan hỷ hòa nhã, đối xử tốt với mọi người, Tu với công việc của chúng ta, hãy làm tốt công việc của mình dù là những việc nhỏ nhặt nhất… nên có câu “trước khi Tu Phật hãy Tu Nhân“.

Tâm Hướng Phật!

Nguồn: Tâm Hướng Phật ( https://tamhuongphat.com/ )

3 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog