Tứ hoằng thệ nguyện là gì? Ý nghĩa của Tứ hoằng thệ nguyện
Pháp Giới 4 tháng trước

Tứ hoằng thệ nguyện là gì? Ý nghĩa của Tứ hoằng thệ nguyện

Tứ hoằng thệ nguyện là bốn sự thệ nguyện rộng lớn. Rộng lớn đối với không gian vô cùng, với thời gian vô tận và bao trùm khắp cả vô biên chủng loại chúng sanh…

Tứ hoằng thệ nguyện là bốn sự thệ nguyện rộng lớn. Rộng lớn đối với không gian vô cùng, với thời gian vô tận và bao trùm khắp cả vô biên chủng loại chúng sanh và rộng lớn, vì nó bao trùm khắp cả nhân quả thế gian và xuất thế gian.

“Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ,
Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn,
Pháp môn vô lượng thệ nguyện học,
Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành.”

Trước nói về ý nghĩa của hai chữ “Hoằng Thệ”. Chữ “Hoằng” là rộng lớn. Tứ Hoằng Thệ Nguyện là bốn thệ nguyện rộng lớn. Vì sao gọi là thệ nguyện rộng lớn?

Người tu hành thường có nhiều thệ nguyện như: Thệ nguyện ăn chay, thệ nguyện học đạo, thệ nguyện bỏ thuốc lá v.v…, đó gọi là thệ nguyện. Và việc tu hành cũng phải có thệ nguyện để thúc đẩy đưa chúng ta tiến tu.

Đây nói thệ nguyện rộng lớn là mở rộng tâm mình đến chỗ không bờ mé, không giới hạn như thế mới thật rộng lớn. Bởi vì chúng sanh thường sống với tâm nhỏ hẹp, tâm chỉ biết bao quanh cái ngã bản thân.

Còn theo tinh thần này thì Phật dạy người tu hành phải phát bốn nguyện rộng lớn giống như Bồ-tát, nhờ vậy nhắc nhở người tu phá bỏ tâm niệm còn giới hạn, phá cái biết lẩn quẩn trong cái thân mấy chục kí lô hạn hẹp này.

Cho nên, trên con đường học đạo tu hành thì bốn thệ nguyện này có ý nghĩa rất sâu, người tu hành chúng ta không phải chỉ đọc suông mà phải hiểu được ý nghĩa để nhắc nhở mỗi người tiến tu.

Đối với nhân quả thế gian, thì bốn hoằng thệ nguyện nầy, trong đó hai thệ nguyện đầu là ôm hết những nỗi khổ đau của hết thảy chúng sanh bằng tâm đại từ và đại bi.

Đại từ là ôm hết những nỗi đau của hết thảy chúng sanh ở mặt kết quả hay về mặt khổ đế để an ủi, vỗ về, khiến cho những nỗi khổ đau ấy không bị thương tích, loan lỗ ra thêm; Và đại bi là năng lực chuyển hóa, làm thay đổi hoàn toàn nguyên nhân sinh khởi của khổ hay có khả năng giúp chúng sanh chấm dứt Tập đế. Với chất liệu đại từ, đại bi ấy, đã, đang và sẽ tạo thành thế giới Tịnh độ của chư Phật và Bồ tát khắp cả vô lượng, vô biên thế giới trong mười phương.

Đối với nhân quả xuất thế gian, thì hai nguyện sau trong bốn hoằng thệ nguyện nầy bao gồm nội dung tu học của bậc đại trí. Mục đích tu học của bậc đại trí là nhắm tới nhất thừa Phật đạo, tức là thành tựu đạo quả Vô thượng Bồ đề. Đối với thệ nguyện tu học nầy không những nhắm đến đạo quả Vô thượng bồ đề mà còn học hỏi phương tiện giáo hóa chúng sanh nữa.

Không những chỉ biết học hỏi cứu cánh Niết bàn mà còn phải biết học hỏi phương tiện thị hiện Niết bàn của chư Phật để giáo hóa chúng sanh nữa. Không phải chỉ biết học hỏi để đạt đến chỗ cứu cánh giác ngộ mà còn phải biết học hỏi phương pháp chuyển vận pháp luân để cứu độ chúng sanh nữa; và không những học hỏi những phương pháp thương yêu và che chở chúng sanh mà còn phải biết học hỏi những phương pháp thuần hóa chúng sanh nữa,… Nên, thệ nguyện thứ ba là nhân và thệ nguyện thứ tư là quả, ấy là nhân quả giải thoát, giác ngộ hay nhân quả xuất thế của các bậc Thánh, Bồ tát và Phật.

Vì vậy, Tứ hoằng thệ nguyện là căn bản của hết thảy đại nguyện và là hạt nhân sinh khởi hết thảy đại nguyện.

“Không có đại nguyện, vì không có đại bi; không có đại bi vì không có tâm bồ đề, không có tâm bồ đề thì không thể thành bậc Vô thượng Chánh giác. Tâm bồ đề do đâu mà có? Tâm bồ đề có gốc rễ từ nơi tâm chúng sanh, và nó thuộc về chúng sanh. Bồ tát phát khởi đại nguyện, đem nước đại bi mà tưới tẩm tâm ấy cho chúng sanh, khiến chúng sanh có lợi ích”.

Xem Thêm:   Tam nghiệp thân khẩu ý là gì? Làm thế nào để tịnh hóa nghiệp?

Không có Chánh kiến thì không thể nào thấy được ngay nơi bản tâm của mình có bồ đề và hết thảy chúng sanh đều có tâm Bồ đề và đều có khả năng thành Phật.

Không có Chánh kiến không thể nào có Chánh ngữ để có thể nói lời đúng và từ bi với hết thảy chúng sanh; không có Chánh kiến thì không thể có Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm,…

Không có cái thấy và đời sống của Thánh đạo, thì không có cơ sở để thấy được tâm bồ đề và phát khởi tâm ấy cho mình và giúp cho người phát khởi tâm ấy. Nên, Bát Chánh đạo là tâm thể của Tứ hoằng thệ nguyện và Bồ tát đạo.

Tứ hoằng thệ nguyện là gì? Ý nghĩa của Tứ hoằng thệ nguyện

Chúng sanh vô biên thề nguyện độ

Chúng sanh trong pháp giới là vô lượng vô biên. Kinh dạy: “Phật đạo kiến lập trên thân chúng sanh. Nếu chẳng có chúng sanh được độ thì chư Phật chẳng thể thành chánh giác.” Vì thế nếu muốn thành Phật nếu chẳng phát nguyện độ chúng sanh ắt chẳng thể thành tựu. Phật độ tất cả chúng sanh mà không thấy một chúng sanh nào được diệt độ, đó chính là phát tâm khiến cho tất cả người tu Bồ tát đạo, khiến tất cả người lìa khổ được vui, khiến tất cả người đều được thành Chánh giác.

Dầu độ chúng sanh nhưng không có tướng độ chúng sanh. Độ sanh lìa tướng, lìa tướng độ sanh, không dính mắc vào tướng, nói: “Chúng sanh này là của tôi độ, chúng sanh kia cũng của tôi độ, độ 1 người, … 10 người, tôi độ được 10 chúng sanh”.

Độ chúng sanh phải là không tính số, có tính số thì có chấp trước, không tính số thì không chấp trước. Độ mà không độ, không độ mà độ, đó mới thiệt là độ chúng sanh. Chúng sanh bên ngoài dĩ nhiên là đáng độ. Chúng sanh trong tự tánh cũng phải đáng độ. Trong tự tánh có 84.000 chúng sanh, càng cần phải độ cho nó tu hành thành Phật, nhập Niết bàn.

Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn

Tức là phiền não nhiều không cùng tận nhưng chúng ta thệ nguyện đoạn sạch không sót. Đó cũng là phát tâm kiên cố rộng lớn không thoái chuyển, tiến mãi không dừng. Khi còn thấy có phiền não thì còn phải đoạn chứ không nản lòng, không bỏ cuộc, hoặc chỉ đoạn một ít rồi để dành lại.

Trong Ngộ Tánh Luận, Tổ sư nói: “Phiền não và Niết-bàn đồng là tánh không, do đó người Tiểu thừa vọng đoạn phiền não, vọng vào Niết-bàn, bị Niết-bàn làm ngưng trệ; Bồ-tát thì biết phiền não tánh không tức chẳng lìa không nên thường ở Niết-bàn”.

Do Bồ-tát biết rõ phiền não tánh không tức chẳng lìa không nên các Ngài thường ở Niết-bàn. Các Ngài không sợ phiền não vì thấu rõ tánh phiền não tức là Niết-bàn. Nghĩa là phiền não vốn không có cái tánh thực là phiền não, hay là không có tánh cố định là phiền não nên dù phiền não có sâu dày thế mấy đi nữa vẫn thấy rõ nó là tánh không. Và đã là tánh không thì đều có thể chuyển được, không sợ là không hết. Đây chính là một niềm tin, một sức mạnh để cho chúng ta tiến lên. Có nhiều người tu thời gian rồi thì thấy phiền não nhiều quá nên ngán, nghĩ sao tu nhiều năm mà vẫn không thấy hết phiền não. Vì nghĩ vậy nên tâm chán nản, khi đó phiền não thành là có thật.

Cũng vậy có nhiều người chưa tu thì rất ham tu, khi tu một thời gian thì thấy vọng tưởng nhiều quá nên ngán không dám ngồi thiền nữa. Sở dĩ như vậy là bởi cho vọng tưởng là thật.

Khi đi chơi thì chúng ta thấy không có vọng tưởng nhưng ngồi thiền thì có vọng tưởng. Vậy ngồi thiền mà có vọng tưởng là dở hay sao? Đúng ra khi chúng ta đi chơi thì đâu có tu, tâm động theo duyên bên ngoài nên không thấy vọng tưởng; còn ngồi thiền tâm yên giống như nước lắng xuống khi đó thấy được rong rêu, cá ở trong nước. Cũng vậy, khi ngồi thiền tâm yên thì mới thấy được vọng tưởng trồi lên, mà đã biết là vọng thì đâu phải sợ. Vì khi tâm chúng ta thấy được vọng tưởng tức là tâm đã có định nên mới thấy được niệm vọng chứ đâu phải ngồi thiền có vọng tưởng là mình tu dở.

Thứ hai, nó là những vọng tưởng, thì tức là những bóng dáng, nó có trồi lên rồi nó cũng qua, cũng mất chứ nó không có thường trụ, không có một cái vọng tưởng nào mà nó thường còn mãi mãi. Vậy nó rõ ràng là tánh không.

Xem Thêm:   Lúc nguy cấp mới chịu niệm Phật nhưng vẫn được Phật gia hộ

Phiền não cũng vậy. Xin hỏi ở đây có ai phiền não nhiều nhất thì đem ra đây xem thử? Nếu hiện giờ chúng ta tìm không có nhưng lát sau ra ngoài gặp duyên thì nó sanh. Như vậy, rõ ràng phiền não không có thật, nếu có thật thì phải đem ra được vì có sẵn, nhưng tất cả chúng ta đều không thể đem vọng tưởng ra được mà phải đợi đủ duyên thì nó mới khởi, nên nó không có thật thể.

Xét kỹ thì phiền não cũng từ chấp ngã mà ra, do chấp ngã mà chấp thân này có ta nên có ai đụng đến thì liền phiền não. Mà cái TA này vốn không thật có, quý vị thử suy tìm quán xét cho kỹ cho sâu thì thấy ta là cái gì? Chỉ không ra. Như vậy cái thật thể của cái ngã mà chúng ta đã chấp là không thật có, thì cái chấp cũng là không thật luôn. Chính do mê lầm mà vọng sanh, đã vọng sanh thì không có thực. Giống như là nằm chiêm bao thấy có ta đi đây đi kia, ta làm chuyện này chuyện nọ, buồn vui giận ghét v.v…, nghĩa là ai có đụng đến ta thì cũng phiền não, rồi ai cho vàng cũng mừng nhận, ai rượt cũng sợ rồi chạy v.v… như vậy là thấy có ta rõ ràng ở trong đó. Nhưng khi giật mình tỉnh dậy thì sao?

Thí dụ như lúc đang chiêm bao thấy bị cọp rượt nên ta chạy. Lúc chạy đến bờ sông thấy có chiếc thuyền, liền vội vàng nhảy xuống nhờ người lái thuyền bơi nhanh để tránh cọp. Nhưng khi nhảy xuống thuyền vừa định bơi qua liền giật mình tỉnh dậy, thì lúc ấy có còn ngồi đợi trên thuyền chờ bơi đến bờ bên kia sông không? Rõ ràng tỉnh rồi thì nó không có gì hết. Nhưng mà cũng có người tỉnh rồi vẫn còn sợ, còn đổ mồ hôi. Ngược lại nếu trong chiêm bao thấy ai dẫn mình đi tới một cái kho đầy kim cương hột xoàn, mình định lấy một vài hột bỏ vào túi thì bỗng giật mình tỉnh dậy, thì khi ấy tâm mình thế nào? Tiếc quá! Đó là mê.

Nên ở đây phải mở sáng con mắt trí tuệ để thấy rõ cái ta này nó cũng giống như vậy, đều là vọng sanh, y hệt như chiêm bao chứ không có thật. Rõ ràng, phiền não y nơi cái ngã vọng chấp mà có đều là không thật, nên nói gọn là tuy đoạn mà không có gì để đoạn, chỉ là nhắc để chúng ta nhớ rồi sống trở lại và chuyển hóa khiến nó tan, cuối cùng sạch hết dấu vết, lúc ấy gọi là đoạn dứt phiền não.

Nhắc lại, lúc mê chúng ta thấy phải đoạn phiền não để chứng Niết-bàn nhưng khi giác rồi thì biết rõ không còn dấu vết để đoạn. Bởi vì nếu mà còn thấy có dấu vết phiền não để đoạn tức là vẫn chưa thật đoạn sạch phiền não. Ý rõ ràng như vậy.

Nếu người đã rõ sáng lý Bát-nhã rồi thì không còn sợ phiền não nhiều vô tận. Cho nên, việc quan trọng hiện tại của chúng ta là khéo mở sáng con mắt Bát-nhã, thấy đúng lẽ thật rồi phát tâm kiên cố bền vững, hễ còn phiền não là còn đoạn, chứ không đoạn nửa chừng cũng không có đoạn một lúc rồi thôi.

Pháp môn vô lượng thệ nguyện học

“Pháp môn vô lượng thệ nguyện học”, nghĩa là người tu hành cần phải hiểu rõ các thứ pháp môn. Các thứ pháp môn nhiều vô lượng vô biên, cũng chính là một thứ pháp môn để tu hành. Nếu anh không rõ biết phương pháp thì anh không thể tu hành được, vì muốn tu hành thì phải rõ phương pháp. Phương pháp này rất nhiều, nhiều đến vô lượng vô biên, cho nên phải nương theo Đạo đế mà phát nguyện lực: “Pháp môn vô lượng thệ nguyện học”. Sao gọi là pháp môn vô lượng? Vô lượng pháp môn từ đâu mà có?

Ấy là: Phật nói tất cả pháp nhơn vì tất cả tâm của chúng sanh. Nếu không tất cả tâm, thì cần gì tất cả pháp? Tất cả pháp đều do tâm chúng sanh mà có, vì tâm chúng sanh có ngàn sai muôn khác, các thứ không giống nhau, tâm của mỗi con người đều không giống nhau, cho nên pháp môn cũng có nhiều thứ không đồng.

Tóm tắt lại pháp có ba thứ: Phật pháp, tâm pháp và chúng sanh pháp. Ba pháp này sanh ra Tứ đế, Lục độ, 12 nhân duyên, 37 phẩm Trợ đạo… Cho nên nói: “Pháp môn vô lượng thệ nguyện học”. Pháp môn có rất nhiều, giống như chúng ta giảng kinh này xong lại giảng đến bộ kinh khác, đó không phải là vô lượng hay sao? Chúng ta hiện tại giảng kinh cũng như một giọt nước trong biển cả mà thôi! Chớ không phải là tất cả nước trong biển cả đều được hết.

Xem Thêm:   Buông bỏ để hạnh phúc: Tâm biết buông bỏ thì cuộc sống an nhiên
Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành

Chúng ta học Phật pháp để làm gì? Tại sao phải học Phật pháp? Nhơn vì học Phật pháp chính là muốn được thành Phật. Nhưng thành Phật có phải là vọng tưởng không? Thành Phật không phải là vọng tưởng đâu! Vì quả vị Phật là quả vị xưa nay sẵn có của chúng ta, mọi người đều có thể thành Phật. Vì thế chúng ta phải nhanh một bước để sớm thành quả Phật, và y theo Diệt đế mà phát lời nguyện: “Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành”.

Diệt đế chính là đạt đến Niết bàn, đạt đến quả vị rốt ráo thanh tịnh bất sanh bất diệt, cho nên nói là: “Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành”. Chúng ta đối với sự kiện thành Phật không cần phải hoài nghi nữa; Nhưng nếu anh có hoài nghi, cũng có thể thành Phật, duy có điều chậm một chút mà thôi.

Nếu anh không có tâm hoài nghi thì sẽ thành Phật sớm hơn. Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, đều có thể làm Phật, nhưng không thể nói: “Tất cả chúng sanh đều là Phật”. Nếu chịu tu hành thì mới có thể thành Phật, nếu không chịu tu hành thì tất cả chúng sanh vẫn chỉ là chúng sanh mà thôi, không thể thành Phật được. Làm Phật là lý, nhưng cũng có một cái “Đạo thành Phật”, với điều kiện anh phải nương theo pháp tu hành. Nếu anh không nương theo pháp tu hành thì các tâm Tham, sân, si, mạn, nghi đều không từ bỏ được, không thể nào mau thành Phật được. Vì thế nên phải phát Tứ hoằng thệ nguyện.

Sự trọng yếu của phát nguyện

Chúng ta bất luận là làm việc gì cũng cần phải phát lời nguyện trước, rồi sau mới theo lời nguyện mà thực hành. Có thế mới đạt đến mục đích, hy vọng mới có thể thành tựu được. Nói đến đây, tôi nhớ lại một công án:

Có một lần đức Phật Thích Ca Mâu Ni mang theo rất nhiều đệ tử đến một nước nọ để giáo hóa chúng sanh. Người trong nước này thấy Phật đến liền đóng cửa lại, không có ai chịu bố thí, cũng không ai đến cung kính chào hỏi. Phật đã đến nước ấy rồi, không có ai ra đón rước, vì không có duyên với các đại thần và nhơn dân ở đó. Nhưng khi ngài Mục Kiền Liên đến thì cả quốc vương, đại thần và nhơn dân đều hướng về Ngài cung kính đảnh lễ, tranh nhau đến cúng dường.

Các đệ tử Phật thấy thế, nhưng không biết tại sao, bèn đem hỏi Phật: “Tại sao Phật đến nước này không ai chịu cúng dường cả, mà Ma ha Mục Kiền Liên, đệ tử Phật, đi đến đây lại được mọi người tranh nhau cúng dường?”

Phật đáp: “Đó là do nhơn duyên đời trước”.

Từ vô lượng kiếp về trước, Mục Kiền Liên cùng Phật ở chung một chỗ. Mục Kiền Liên lên núi đốn củi, còn Đức Phật xuống dưới núi sửa đường. Nơi hai Ngài ở có một bầy ong lớn, Phật rất ghét bầy ong, còn Mục Kiền Liên lại rất thích chúng. Đức Phật Thích Ca lúc ấy, khi còn tu nhơn, thường lấy khói hun đốt xua đuổi chúng. Ngài Mục Kiền Liên thường bị chúng đốt đau nhức. Tuy bị đau nhức, nhưng Mục Kiền Liên không dùng lửa để hun đốt, trái lại còn phát nguyện: “Về sau tôi đắc đạo sẽ độ trước bọn ong có nhiều tánh Tu-la này”.

Đời đời kiếp kiếp về sau, bọn ong này biến thành ra người trong một nước. Ong chúa là vua, các ong thợ là dân. Ngày xưa Phật Thích Ca nhơn vì ghét chúng, từng dùng khói hun đốt chúng, nên bây giờ đến nước ấy không có ai ra đón tiếp; Quốc vương, đại thần, nhơn dân cũng không chịu cúng dường Ngài. Trái lại, ngài Mục Kiền Liên phát nguyện sau khi đắc đạo sẽ độ bọn ong này; Cho nên đời này gặp lại nhau thì quốc vương và nhơn dân nước ấy tranh nhau đến cúng dường.

Do đây chúng ta biết rằng nhơn quả rất trọng yếu, vì thế nhất định phải phát nguyện.

Tâm Hướng Phật/TH!

Nguồn: Tâm Hướng Phật ( https://tamhuongphat.com/ )

162 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog