Trì chú có công dụng gì? Trì chú trước tiên phải chánh tâm thành ý
Pháp Giới 11 tháng trước

Trì chú có công dụng gì? Trì chú trước tiên phải chánh tâm thành ý

Học chú, trì chú thì trước tiên cần phải chánh tâm, thành ý; tâm không chánh thì học chú gì cũng thành tà. Tâm chánh, học chú mới có cảm ứng.

1. Trì chú có công dụng gì?

Chú hay Thần Chú có nghĩa là bao trùm tất cả các pháp, gìn giữ và bảo vệ không cho tan mất.

Tự những câu chú nó không có nghĩa; tuy nhiên, nó có khả năng ngăn ngừa không cho tâm ta dong ruổi, lang thang đến những điều xấu ác và từ đó ta có thêm năng lực làm những điều thiện.

Chú có rất nhiều nhưng những bài chú thông dụng gồm có Chú Đại Bi, Chú Lăng Nghiêm và Thập Chú. Công dụng của chú là trợ lực như đã nói trên. Tuy nhiên, Mật giáo lấy sự trì chú làm chủ thể nghĩa là dùng chú như là tăng thượng huệ niệm. Niệm mãi, niệm mãi cho tăng chánh niệm, chánh huệ và cuối cùng chứng thành Phật quả.

Trì chú là nắm giữ cho chắc chắn những lời bí mật của chư Phật. Các bài chú đều có oai thần và công đức không thể nghĩ bàn, giúp ta tăng thêm niềm tin, dứt trừ nghiệp chướng, tiêu tai giải nạn và tăng trưởng phước huệ. Chú có công năng phi thường, nếu người thành tâm trì chú, thì hiệu lực không thể tưởng tượng.

Thí dụ như chú “Tiêu tai kiết tường” có hiệu lực tiêu trừ hoạn nạn, chú “Lăng Nghiêm” phá trừ ma chướng, chú “Chuẩn đề” trừ tà diệt quỷ, chú “Thất Phật diệt tội” tiêu trừ tội chướng của chúng ta từ nhiều đời kiếp, và chú “Bạt nhất thế nghiệp chướng căn bổn đắt sanh Tịnh độ đà la ni” giúp người vãng sanh về Tịnh độ.

Tóm lại, Phật vì thương sót chúng sanh mà truyền dạy những lời vàng ngọc có thể phá tan bức màn vô minh và tội lỗi. Nhưng những lời lẽ cao siêu ấy chúng ta nghe qua một lần không làm sao thấu đáo, nên phải trì tụng mãi để cho lý nghĩa ấy thấm sâu vào thân tâm chúng ta.

2. Vì sao phải trì Chú?

Chú có công năng phi thường, nếu người thành tâm trì Chú, thì được nhiều hiệu lực không thể tưởng tượng. Chẳng hạn thần chú “Bạc nhứt thế nghiệp chướng căn bổn đắc sinh Tịnh độ Ðà la ni” có hiệu lực tiêu trừ được hết gốc rễ nghiệp chướng, làm cho người được vãng sanh về Tịnh độ.

Thần chú “Tiêu tai kiết tường” có hiệu lực làm cho tiêu trừ các hoạn nạn, tai chướng, được gặp những điều lành. Thầ chú “Lăng Nghiêm” thì phá trừ được những ma chướng và nghiệp báo nặng nề v.v… Thần chú “Chuẩn Ðề” trừ tà, diệt quỷ. Thần chú “Thất Phật diệt tội” có công năng tiêu trừ tội chướng của chúng ta từ nhiều đời nhiều kiếp… Vì thế nên chúng ta phải trì chú.

Trì chú có công dụng gì? Trì chú trước tiên phải chánh tâm thành ý

3. Trì chú trước tiên phải chánh tâm thành ý

“Tụng trì, mặc niệm, thiểu ý ngôn,
Thị giáo lợi hỷ hóa đại thiên.
Sở tác chư pháp tất cứu cánh,
Bất tăng bất giảm đáo Niết Bàn.”

Xem Thêm:   12 lợi ích khi trì tụng Kinh Lương Hoàng Sám

Dịch là:

“Tụng trì, thầm niệm, ít nói năng,
Dạy dỗ, lợi vui, khắp nơi nơi.
Mọi việc làm ra đều cứu cánh,
Không tăng, không giảm, tới Niết Bàn.”

Học Chú thì trước tiên cần phải chánh tâm, thành ý; tâm không chánh thì học chú gì cũng thành tà. Tâm chánh, học Chú mới có cảm ứng. Chánh tâm cũng chưa đủ, cần phải thành ý. “Thành” tức là lúc nào mình cũng hết sức chuyên chú, chuyên tâm, không xao lãng, không làm những chuyện cẩu thả, tắc trách. Ðược vậy thì mới có cảm ứng.

Nếu không “chánh tâm, thành ý,” nếu trong lòng đầy dẫy tư tưởng sai lầm, làm hại kẻ khác, tức là mình làm chuyện của ma. Pháp của ma vương là hại người, không lợi ích cho ai cả.

Nếu thật sự muốn tu hành thì trong bất cứ trường hợp nào cũng không được làm hại kẻ khác. Phải nuôi tâm làm lợi chúng sinh; không được học Chú để hàng phục ma quỷ hoặc đi đấu với người khác.

Người theo Phật Giáo không có kẻ thù, không tìm người để trả thù. Ðối với kẻ cố ý hại mình, mình phải nhẫn nại, tu hạnh Nhẫn Nhục Ba-la-mật; không sinh tâm báo thù. Ðó là chỗ cao siêu, là ưu điểm của Phật Giáo mà các tôn giáo khác thiếu sót.

Tuy Cơ Ðốc Giáo có nói rằng “ái địch” (thương kẻ địch), nhưng đó chỉ là trên phương diện ngôn ngữ, thực sự họ có thể hiện được trong hành động không? Họ luôn luôn xem người Phật Giáo như kẻ địch, họ có thương yêu những người Phật Giáo không? Chắc chắn là không, vì họ gọi người Phật Giáo là nghịch đồ, là ma quỷ!

Tôn chỉ hết sức trọng yếu của Phật Giáo là: Nếu bạn là ma quỷ thì tôi tuyệt đối không làm tổn hại bạn, không sinh lòng đối kháng, mà ngược lại, sẽ tìm cách để nhiếp thọ bạn. Ðây là giáo nghĩa đặc biệt nhất của đạo Phật. Ðối với chúng sinh luôn phát tâm từ bi, không làm hại kẻ khác.

Chú Lăng Nghiêm là chú kinh thiên động địa, khiến quỷ thần phải run sợ, là linh văn hết sức hiệu nghiệm. Học Chú Lăng Nghiêm rồi thì phải luôn luôn phát tâm từ bi, cử tâm động niệm không được làm hại người khác. Nếu ai đối với mình không tốt cũng đừng khó chịu, đừng oán ghét. Tâm mình cần phải rộng lớn như ba ngàn thế giới vậy, vạn vật đều có thể chứa gọn trong tâm mình; đó chính là bản sắc của người Phật tử vậy!

“Tụng trì, mặc niệm, thiểu ý ngôn.” Câu chú “Yin two na” (Nhân đa la) dịch nghĩa là tụng trì, hoặc là mặc niệm, hoặc thiểu ý ngôn; tức là mình không cần nói nhiều, cũng không vọng tưởng nhiều, chuyên tâm thì linh, tán loạn thì không cảm ứng.

Thế nào là chuyên nhất? Tức là luôn luôn đừng sinh tâm làm hại chúng sinh. Nếu có tâm làm hại kẻ khác thì tương lai sẽ gặp chuyện hết sức nguy hiểm; bởi vì: “Ða hành bất nghĩa tất tự tệ.” (Nếu luôn làm chuyện bất nghĩa, thì mình sẽ tự tiêu diệt mình.)

Mình hại kẻ khác tức là mình đã hại chính mình. Mình giết cha người, thì có kẻ chắc chắn sẽ giết cha mình; mình giết anh người thì sẽ có kẻ giết anh mình; đó là luật nhân quả. Là Phật tử thì cần phải làm lành lánh dữ. Nếu không tạo nhân ác, thì sẽ tránh được quả ác trong tương lai.

Xem Thêm:   Lý giải về hiện tượng đồng bóng, Đồng cô bóng cậu

“Thị giáo lợi hỷ hóa đại thiên.” Câu này nói rằng lấy Phật Pháp chỉ dẫn, giáo hóa chúng sinh, làm cho tất cả mọi người đạt được chỗ lợi ích, hoan hỷ. Khi thấy có chuyện gì lợi ích cho người khác thì mình làm ngay:

“Tài bồi tâm thượng địa,
Trưởng dưỡng tánh trung thiên.”

Dịch là:

“Vun bồi miếng đất tâm linh,
Nuôi lớn bầu trời bản tánh.”

Thường giúp kẻ khác thì lâu ngày tự nhiên sẽ có đức hạnh. Không phải chỉ kêu gọi người khác làm lợi ích cho mình, mà tự mình không làm lợi ích kẻ khác. Kẻ nuôi dưỡng tánh ỷ lại và chỉ muốn tận hưởng tiện nghi là kẻ không có khí phách.

Hãy xem trên đời này, những kẻ chuyên đi tìm tiện nghi cho mình kết quả đều thất bại; nếu các vị không tin thì hãy nghiên cứu cho kỹ lưỡng. Bất luận là ai, với lòng tham không đáy, chuyên đi tìm tiện nghi cho chính mình thì kết quả đều không tốt. Nếu mình đem lại lợi ích cho người khác, làm cho mọi người hoan hỷ, thì đi tới đâu ai ai cũng kính phục mình.

Khổng Tử nói rằng: “Ngôn tất trung tín, Hành tất đốc kính, Tuy man mạch chi bang, hành hỹ.” (Lời nói chân thật, Hành động chắc thật, cung kính, thì dù ở nơi nguy hiểm cũng vẫn được an toàn.)

Một lời nói ra thì phải thành thật, không được gian trá, lừa dối kẻ khác. Hành vi thì phải hết sức thành thực, trung hậu, khiêm nhường, cung cẩn. Bất cứ làm việc gì cũng có lòng “khiêm cung hòa kiết”; không được cống cao ngã mạn, coi mình như ông trời, không ai sánh bằng. Như vậy thì không thể chấp nhận được! – “HT. Tuyên Hóa”!

4. Vì sao khi niệm Phật, trì Chú nên dùng tràng hạt?

Nếu có người tay tuy cầm tràng, chẳng hay y pháp niệm, tụng danh hiệu Phật cùng thần-chú, song, thường đem theo mình, khi đi, khi ở, khi ngồi, khi nằm, dầu nói thế nào, người ấy do mang giữ hạt Bồ-đề, được phúc cũng như là niệm danh hiệu Phật và tụng thần chú không khác; nghĩa là được phúc vô-lượng.

Kinh hiệu lượng sổ châu công đức

Bấy giờ Ngài Văn-Thù Sư-Lỵ (Manjusri) Pháp-Vương-Tử, Bồ-Tát Ma-Ha-Tát, vì muốn đem lợi ích cho mọi loài hữu tình, nên Ngài lấy tâm đại-bi bảo đại chúng rằng:

-Các ông nên nghe cho khéo, nay tôi sẽ vì các ông diễn-thuyết về vấn đề “so-lường công đức thụ-trì việc lần tràng hạt (sổ châu) được lợi ích khác nhau thế nào? Và, nếu có ai tụng niệm những thần chú cùng danh-hiệu Phật thời thế nào?”

Vì muốn lợi mình và giúp người, cầu mong mọi pháp chóng được thành-tựu, hiệu-nghiệm, phương pháp lần tràng ấy cần phải như thế này, nên gắng thụ-trì: Nếu ai dùng sắt làm tràng hạt, lần, tụng một lượt được phúc gấp năm lần niệm không. Nếu ai dùng đồng đỏ làm tràng hạt, lần, tụng một lượt, được phúc gấp mười lần niệm không.

Nếu ai dùng chân-châu, san-hô… làm tràng hạt, lần, tụng một lượt, được phúc gấp trăm lần niệm không. Nếu ai dùng hạt cây tra (mộc-hoạn-tử) làm tràng, lần, tụng một lượt, được phúc gấp nghìn lần niệm không. (Nếu cầu sinh sang những cõi thanh tịnh của chư Phật cùng muốn sinh lên Thiên cung, nên thụ-trì cỗ tràng này).

Xem Thêm:   Linh ứng trì tụng Chú Đại Bi: Tôi thấy linh ứng vô cùng

Nếu ai dùng hạt sen làm tràng hạt, lần, tụng một lượt, được phúc gấp vạn lần niệm không. Nếu ai dùng hạt Nhân-đà-la-khư-soa làm tràng hạt, lần, tụng một lượt, được phúc gấp trăm vạn lần niệm không. Nếu ai dùng hạt ô-lô-đà-la-khư-soa (9) làm tràng hạt, lần, tụng một lượt được phúc gấp nghìn vạn lần niệm không.

Nếu ai dùng hạt thủy tinh làm tràng hạt, lần, tụng một lượt, được phúc gấp vạn vạn lần niệm không.

Nếu ai dùng hạt bồ đề làm tràng hạt, hoặc dùng để lần, niệm, hoặc chỉ cầm tay, lần, tụng một lượt, phúc ấy vô lượng, không sao tính kể và khó thể so-lường được.

Các thiện-nam! Cỗ tràng bằng hạt Bồ-đề ấy, nếu có người tay tuy cầm tràng, chẳng hay y pháp niệm, tụng danh hiệu Phật cùng thần-chú, song, thường đem theo mình, khi đi, khi ở, khi ngồi, khi nằm, dầu nói thế nào, người ấy do mang giữ hạt Bồ-đề, được phúc cũng như là niệm danh hiệu Phật và tụng thần chú không khác; nghĩa là được phúc vô-lượng.

Tràng cầm phải đủ một trăm tám hạt. Như khó tìm đủ được, hoặc làm năm mươi tư hạt hay hai mươi bảy hạt, mười bốn hạt cũng đều dùng được. Đó là pháp-nhân sai khác của tràng hạt.

Các thiện-nam! Vì nhân-duyên gì nay tôi chỉ tán-thán việc dùng hạt Bồ-đề được lợi-ích tối-thắng? – Các ông nghe cho khéo, tôi vì các ông nói lại nhân trước của việc này:

Xưa kia có đức Phật ra đời và thành ngôi Đẳng-chính-giác ở dưới gốc cây Bồ-đề. Bấy giờ có một người ngoại-đạo mê-tín tà-kiến, hủy-báng Tam-bảo song, người ấy có một người con trai thình lình bị loài Phi-nhân (Quỷ-thần) đánh chết, người ngoại-đạo ấy tự niệm rằng:

“Ta nay tà thịnh, chửa biết chư Phật có thần-lực gì: Như-Lai đã thành ngôi Đẳng-chính-giác ở dưới gốc cây này, nếu nơi Phật ngồi là Thánh-thụ, thời phải có sự cảm ứng?”

Nghĩ rồi, liền đem thây người con trai chết ấy để nằm dưới gốc cây Bồ-đề và nói như thế này: “Cây Phật ngồi nếu quả là Thánh-thụ thời con tôi quyết-định được sống lại.”

Suốt trong bảy ngày người ấy tụng niệm danh hiệu Phật, con họ được sống lại thực. Sau đó, người ngoại-đạo ấy tán-thán rằng: “Thần-lực chư Phật, tôi chưa từng thấy; cây Phật thành đạo, hiện sự lạ lùng, uy-đức rất lớn, khó thể nghĩ, bàn.”

Và, từ đấy những người ngoại-đạo đều bỏ tà quy chính, phát tâm Bồ-đề. Mọi người đều tin và biết uy-lực của Phật không thể nghĩ, bàn được nên đều gọi là cây Duyên-mệnh. Bởi nhân-duyên ấy, cây này có hai tên (Bồ-đề và Duyên-mệnh) các ông nên biết. Và, vì thế tôi mới vì các ông chỉ bảo cho những chỗ cốt yếu về vấn đề này.

Ngài Văn-Thù nói những lời ấy rồi, Đức Phật liền dạy rằng: Quý hóa thay, quý hóa thay ông Văn-Thù Sư-Lỵ Pháp-vương-tử! Như lời ông nói, thực không có gì khác cả.

Hết thảy đại chúng được nghe sự so-lường về công-đức thụ-trì tràng hạt này, ai nấy đều hoan-hỷ, tín thụ phụng hành. -“Thích Tâm Châu dịch”!

Tâm Hướng Phật/TH!

Nguồn: Tâm Hướng Phật ( https://tamhuongphat.com/ )

9 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog