Sau hết và trước hết, bản toát yếu này chỉ là một tập sách giúp trí nhớ cho những ai đã nhiều lần nghiền ngẫm Kinh Trung Bộ, và có thể họ đã toát yếu một cách khác, thì sách này sẽ bổ túc cho trí nhớ của họ.
Tri ân
Kính lễ Đức Như Lai, bậc A-la-hán Chánh Đẳng Giác.
Kính lễ Hòa thượng (Thượng) Minh (Hạ) Châu phiên dịch Nikāya.
Kính lễ Đại đức Ñaṇamoli và Đại đức Bodhi cùng chư vị luận sư Nikāya mà con tham khảo.
Xin gia bị cho con diễn dịch không lạc xa Thánh ý.
Xin cho Pháp bảo này ai được đọc sẽ xa lìa kiến chấp, phát tâm Vô thượng Bồ đề.
Nguyện cho con được như Phật, “vị hữu tình sinh ra đời vì hạnh phúc cho muôn loài, vì an lạc cho nhân loại và chư thiên”.
Lời đầu sách
Ba tập Toát yếu Kinh Trung Bộ I, II và III này, tôi đã làm ít nhất ba lần, và mỗi lần đều làm sau khi đã đọc kỹ bản dịch của Hòa thượng Thích Minh Châu. Thế nhưng mỗi lần tôi đều toát yếu một cách khác, nhất là sau khi được đọc bản phiên dịch và chú thích bằng Anh ngữ của Đại đức Ñaṇamoli và Đại đức Bodhi.
Như vậy đủ biết, những lời Phật dạy như núi cao, biển cả, mà sự học hiểu của mình chỉ như một cái xẻng đào đất hay cái muỗng múc canh, mỗi lúc chỉ lấy được một ít và rất phiến diện.
Bởi thế mà Hòa thượng thường dạy, ngài không bao giờ “giải thích” lời Phật dạy, mà chỉ cố gắng dịch cho đúng nguyên văn của Người xưa dù có tối nghĩa đến đâu. Đấy là cái đức khiêm cung của ngài, trong vô số đức tính mà tôi ngưỡng mộ.
Mình là ai mà dám toát yếu lời Phật dạy? Lỡ mình để tuột mất cái điểm cốt yếu trong lời Ngài dạy thì sao? Như vậy sẽ mang tội lớn với Phật, với Thầy, Tổ. Bởi vậy, càng ngày tôi càng miễn cưỡng trong việc phổ biến ba tập toát yếu này, vì sợ công ít mà tội nhiều.
Khi làm xong tập thứ hai, đem khoe Thầy Chơn Thiện, Thầy phán rằng: “Kinh không bao giờ nên tóm tắt”. Tôi giật mình, và bỏ dở công việc gần hai năm trời, mặc dù đã gần xong tập cuối, đến kinh Nhất Dạ Hiền Giả.
Sau đó, anh Hồ Hồng Phước ở Luân Đôn, người thường gửi cho tôi những sách Phật học bằng Anh ngữ mới xuất bản tại nước ngoài, thúc giục tôi gởi sang tiếp vì có người đã hào hứng in ra biếu không hai tập đầu. Thế là tôi lại hăng hái tiếp tục!
Mỗi kinh do Tôn giả Ānanda trùng tuyên đều bắt đầu với câu “Tôi nghe như vầy”, mà không nói “Đức Phật đã dạy như vầy”, điều ấy rất đáng bắt chước. Vì tôi là ai mà dám làm phát ngôn nhân cho Phật? Lỡ Phật nói một đường, tôi nghe một nẻo thì sao? Cho nên đây chỉ là theo như tôi được nghe, chứ không phải theo như lời Phật dạy.
Bản toát yếu này cũng thế. Đây chỉ là những gì do tôi hiểu được qua lời kinh, vào một thời điểm nào đó mà thôi. Và tôi đã toát yếu để cho tự mình nhớ được chút ít những lời vàng ngọc của đức Thế Tôn, để tự tu tập cho bản thân mình.
Bởi thế người đọc hoàn toàn không thể bỏ qua bản gốc của Hòa thượng Thích Minh Châu đã dày công phiên dịch. Nếu đọc toát yếu này mà bỏ qua Kinh gốc thì cũng như bỏ đại dương để lấy vài giọt nước muối.
Vậy, sau hết và trước hết, bản toát yếu này chỉ là một tập sách giúp trí nhớ cho những ai đã nhiều lần nghiền ngẫm Kinh Trung Bộ, và có thể họ đã toát yếu một cách khác, thì sách này sẽ bổ túc cho trí nhớ của họ.
Những người mới đọc Kinh Trung Bộ lần đầu, thì qua Toát yếu này sẽ nắm được vài ý để hướng dẫn mình trên đường tu tập chứ không chỉ là “chuyên ký danh ngôn” vì kỳ thực Phật không dạy điều gì nếu không phải để đưa người đến chuyển mê khai ngộ. Xin dâng lên Hòa thượng lòng tri ân vô bờ bến.
Thích Nữ Trí Hải
Thành phố Hồ Chí Minh, 2001.
Mời quý bạn đọc Toát Yếu Kinh Trung Bộ – Thích Nữ Trí Hải chú giải tại file PDF dưới đây.
Xem màn hình rộng