Pháp Giới 11 tháng trước

Tịnh Độ Vựng Ngữ file PDF – Tác giả Liên Trì Đại Sư

Tịnh độ vựng ngữ là những lời khai thị về pháp môn niệm Phật hoặc là giảng thuyết, hoặc là trước tác, hoặc hỏi đáp qua thư từ, hoặc lời nhắc nhở tứ chúng được người xưa tập hợp lại thành sách.

1. Lời giới thiệu

Thuốc không luận mắc rẻ, nếu trị lành bệnh là thuốc hay; pháp môn không luận thấp cao, nếu đưa người ra khỏi sinh tử, đó là pháp diệu. Một đời thị hiện giáo hóa của đức Bổn sư không ngoài mục đích ấy, muốn cho tất cả chúng sinh đều được thoát khỏi sinh tử luân hồi.

Các vị Tổ sư cận đại nhận thấy người đời nay nghiệp lực sâu dầy, chướng sâu huệ cạn không thể tự lực mình dứt hoặc chứng chơn thoát ly sáu nẻo. Chỉ nương nhờ pháp môn Tịnh độ, tự lực mình hành trì cảm được đại nguyện tha lực của đức Phật A-di-đà mà đới nghiệp vãng sinh Tây Phương Cực Lạc. Đã sinh về Cực Lạc thì được gần Phật, Bồ-tát, các bậc Thiện tri thức. Cảnh duyên chung quanh, gió reo, suối chảy, chim hót đều là pháp âm vi diệu. Nghiệp lực dầu còn mà không duyên phát khởi, lại nhờ sức huân tu nên ngày càng mỏng bớt cho đến tiêu trừ, thì lo gì Phật quả không đạt đến!

Tổ sư Châu Hoằng, hiệu Liên Trì là bậc Long Tượng trong Phật pháp, mô phạm trong Tăng giới, nghiêm trì Luật tạng, chỗ hành trì và dạy người đều chỉ quy về Tịnh độ. Những lời khai thị về pháp môn niệm Phật hoặc là giảng thuyết, hoặc là trước tác, hoặc hỏi đáp qua thư từ, hoặc lời nhắc nhở tứ chúng được người xưa tập hợp lại thành sách gọi là Tịnh Độ Vựng Ngữ. Đó là những lời tâm huyết, những kinh nghiệm tu tập, hoài bão một đời của Đại sư. Y theo lời dạy của Ngài mà tu hành thì chắc chắn đạt được kết quả.

Xem Thêm:   Cách giúp đỡ những người bị Ma nhập

Thấy được lợi ích đó nên thầy Minh Thành chẳng ngại tài hèn sức mọn, đem sách này dịch ra Việt văn, nhằm giúp cho mọi người thấm nhuần mưa pháp, tinh tấn niệm Phật.

Tôi xin nhất tâm tùy hỷ giới thiệu đến chư Tôn túc, cùng tất cả pháp hữu xa gần với tâm nguyện hết thảy chúng sinh đồng tu Tịnh độ, đồng sinh Cực Lạc, đồng thành Phật đạo.

Chùa Vạn Đức (Thủ Đức) 02/ 04/ 2006
Tỷ-kheo Thích Hoằng Tri kính ghi

2. Đại Sư Châu Hoằng Tổ

Tổ thứ tám Liên Tông (1532–1612)

Đại sư Châu Hoằng, tự là Phật Huệ, hiệu Liên Trì, người đời Minh, con nhà họ Thẩm ở Hàng Châu. Năm 17 tuổi, Sư được bổ làm giáo thọ, nổi tiếng là người học hạnh kiêm toàn. Được ảnh hưởng láng giềng nên Sư gởi tâm về Tịnh độ, viết bốn chữ “Sinh tử sự đại” ở đầu bàn để tự răn nhắc.

Trung niên, Sư quy y Phật, theo ngài Vô Môn Tánh Thiên xuất gia, đến thọ giới Cụ túc nơi ngài Vô Trần. Sau đó, Sư đi khắp nơi tham học.

Năm thứ năm niên hiệu Long Khánh (1571), Sư vào núi Vân Thê ở Hàng Châu, lưu trú trong ngôi chùa hoang phế, thường chuyên tu Niệm Phật tam-muội, giáo hóa xa gần, người học vân tập bèn trở thành Tòng lâm. Năm thứ 12 niên hiệu Vạn Lịch (1584), Sư trước tác Vãng Sinh Tập 3 quyển, Lăng-nghiêm Kinh Mô Tượng Ký 1 quyển.

Xem Thêm:   Có nên tụng Kinh ở nhà? Tại sao tụng kinh ở nhà lại kéo vong về?

Đương thời, giới đàn từ lâu đã bị cấm tổ chức, Sư dạy người cầu giới pháp, đầy đủ ba y, ở trước tượng Phật thọ giới, Sư vì họ chứng minh. Ngoài ra, Sư lại còn chế định nghi Thủy Lục và Du-già Diệm Khẩu Pháp để tế độ nỗi khổ U Minh, khai ao phóng sinh ở trong và ngoài thành, soạn văn giới sát phóng sinh để răn người đừng hại vật.

Sư chủ trương Tịnh độ, công kích cuồng Thiền, cực lực xiển dương Thiền Tịnh song tu, đạo phong càng hưng thịnh. Các quan lại như Tống Ứng Xương, Lục Quang Tổ, Phùng Mộng Trinh đều theo tu học.

Những năm cuối, Sư phát bệnh, càng thêm chuyên cần tu Tịnh nghiệp. Sư trước tác Ba mươi hai điều bất tường để răn nhắc mình và người, lại viết Ba điều đáng tiếc, Mười điều đáng than thở để sách tấn đồ chúng.

Cuối tháng 6 năm thứ 40, niên hiệu Vạn Lịch (1612), Sư vào thành từ biệt các đệ tử và những người cố cựu, nói: “Tôi sắp đi nơi khác”, rồi trở về chùa thiết tiệc trà từ giã đại chúng. Mọi người không hiểu là duyên cớ gì?

Đến chiều ngày mùng một tháng bảy, Sư vào Tăng đường bảo: “Mai này tôi sẽ đi!”.

Qua chiều hôm sau, Sư kêu mệt rồi vào tư thất ngồi kiết già nhắm mắt. Chư Tăng, các đệ tử tại gia và những người cố cựu trong thành đều hội đến. Sư mở mắt ra nhìn mọi người, nói: “Các vị nên chân thật niệm Phật, đừng làm điều chi khác lạ, và chớ phá hoại quy củ của tôi!”. Nói xong, hướng về Tây chấp tay niệm Phật mà qua đời. Sư thọ được 81 tuổi.

Xem Thêm:   Bồ Tát Quan Âm cứu nạn: Hữu cầu tất ứng

Người đời gọi Sư là Hòa thượng Vân Thê, Đại sư Liên Trì. Sư cùng với ngài Tử Bá, Hám Sơn, Ngẫu Ích được tôn xưng là bốn vị đại Cao Tăng đời Minh.

Ngoài những tác phẩm trên, còn có: Thiền Quan Sách Tấn, Phạm Võng Giới Sớ Phát Ẩn, A-di-đà Kinh Sớ Sao, Hoa Nghiêm Kinh Cảm Ứng Lược Ký… Tất cả hơn 30 loại. Về sau, do Vương Vũ Xuân tập hợp những trước tác của Ngài lại thành Vân Thê Pháp Vựng, 31 quyển. (Theo Mấy Điệu Sen Thanh – Phật Quang Đại Từ Điển).

Mời quý bạn đọc trọn bộ Tịnh Độ Vựng Ngữ tại file PDF dưới đây.

Xem màn hình rộng

Nguồn: Tâm Hướng Phật ( https://tamhuongphat.com/ )

17 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog